Tình cờ, tình yêu môn Văn của Nguyễn Hồng Ngọc Lam và Nguyễn Đức Phú Thọ đều bắt nguồn từ những bài viết khi còn nhỏ như "Sơn Tinh Thủy Tinh", tả cảnh cây mai... Với 9,5 điểm, họ đã trở thành thủ khoa môn Văn kỳ thi đại học năm nay.
> Hai thí sinh đầu tiên đạt 9,5 điểm Văn
> Những bài văn hài hước mùa tuyển sinh
Nguyễn Hồng Ngọc Lam bên góc học tập của mình. Ảnh: T. Nga. |
Nguyễn Hồng Ngọc Lam, THPT Trưng Vương, TP HCM và Nguyễn Đức Phú Thọ, THPT Thoại Ngọc Hầu, An Giang rất tự tin sau khi hoàn thành bài thi và nghĩ có thể đạt 8-8,5 điểm. "Em hơi bất ngờ với mức 9,5 nhưng thấy cũng xứng đáng vì đã dành cho Văn nhiều thời gian và tâm huyết", suy nghĩ này của Lam đồng điệu với Thọ.
Tình yêu Văn "di truyền" từ cha
Lam thi vào khoa Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Em gần như không mất nhiều thời gian suy nghĩ khi làm môn Văn, với gần 4 tờ A4. "Không biết ý ở đâu tràn về. Câu nào em cũng viết một mạch và chỉ kịp điền xong họ, tên, số báo danh là chuông thu bài reng", Lam nói.
Lam bắt đầu học chuyên về văn từ năm lớp 9, từng đạt hai giải nhất thi học sinh giỏi Văn cấp quận và giải 3 cấp thành phố năm lớp 12. Điểm trung bình môn này từ THCS đến THPT thấp nhất là 8,4. Riêng năm lớp 12, em được 8,9.
Em cho rằng, có lẽ tình yêu môn này "di truyền" từ người cha. Ông cũng đam mê Văn từ nhỏ và là người cung cấp thường xuyên truyện, sách tham khảo về cho em. Nhưng niềm đam mê thực sự bột phát sau một bài văn tả cảnh lớp 4, được điểm cao và cô giáo đọc, khen trước lớp.
"Hồi đó, đề bài tả cây mai Tết, em không phải suy nghĩ nhiều mà yêu thích nó ở điểm nào thì viết ra như thế. Sau đó, được cô khen viết tốt, gây xúc động. Tự nhiên em thấy yêu môn Văn hơn, vì thấy có thể gửi gắm suy nghĩ, tình cảm của mình trong đó", Lam nói.
Lam đặc biệt yêu thích các tác giả Việt Nam, như: Tô Hoài, Nam Cao... và dường như phong cách ít nhiều ảnh hưởng những cây bút "nhà vườn" đó. Lam thỏ thẻ: "Em thấy văn phong và đời sống nhân vật trong truyện của họ gần gũi với mình".
Cô Nguyễn Thị Hoàng Lan, dạy văn THPT và bồi dưỡng thi học sinh giỏi của Lam cũng cho rằng, cách viết của em rất chân phương. Tính cách cô học trò này thế nào thì văn như thế. "Lam cần cù, giản dị, nhẹ nhàng, ngôn ngữ bài làm mượt mà, lưu loát, súc tích. Em ấy không quá nổi bật trong lớp nhưng tôi vẫn tin, em sẽ đạt điểm cao trong các kỳ thi", cô Hoàng Lan nhận xét với giọng trìu mến.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Lam cho biết, thi vào ngành Xã hội học nhưng mong muốn được học về Marketing "vì ngành này có thể vận dụng được khả năng văn chương, như lên ý tưởng thiết kế các chương trình quảng bá sản phẩm, viết slogan"...
Lam chuẩn bị thực hiện dự định của mình từ năm lớp 10, với việc theo học các lớp tiếng Đức để du học. Và em giải thích, học tiếng Đức rẻ, du học ở Đức gần như không mất tiền học phí nên vừa dễ biến ước mơ của mình thành hiện thực, vừa đỡ gánh nặng cho gia đình.
Chàng Thủy Tinh vượt lên chính mình
Nguyễn Đức Phú Thọ cũng yêu môn Văn từ một bài kiểm tra đạt điểm cao năm lớp 6. Khi cô giáo ra yêu cầu mỗi học sinh hóa thân vào một nhân vật trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh để kể lại truyện này, các bạn trong lớp đều nhận "vai" Vua, Sơn Tinh hoặc Mỵ Nương, chỉ có Thọ chọn Thủy Tinh và đạt điểm 8, cao nhất, được cô khen sáng tạo.
Nguyễn Đức Phú Thọ bên 1 cô bạn cùng học. Ảnh: P.T. |
"Thủy Tinh bị người đọc ghét nhưng em nghĩ nhân vật này đáng được cảm thông, vì cũng có tài và rất cố gắng, chỉ vì nước không thể dâng cao được bằng núi nên mới chịu thua. Không ngờ những ý kiến chủ quan của mình được cô ghi nhận như thế", Thọ nói. "Khi đó, em vô cùng hạnh phúc, thấy mình có khả năng và phải học Văn giỏi hơn nữa. Và thực tế, càng học, em càng yêu môn này".
Thọ ở thành phố Long Xuyên, là thành viên của lớp chuyên Văn, THPT Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Mẹ mất khi vừa tốt nghiệp THCS, cả nhà lo Thọ buồn, ảnh hưởng tới việc học. Nhưng Thọ đã cố gắng vượt qua những cảm xúc bi lụy, quyết tâm thi vào trường chuyên. Em còn thuyết phục được cha cho mình học về Văn, giúp cha thay đổi quan niệm những người theo Văn sẽ vất vả, khó ổn định, con trai dễ mềm yếu. Và những năm THPT, cũng như các năm THCS, điểm trung bình môn Văn của em không khi nào dưới 8,3.
Thọ mê đọc sách, và từ nhỏ đã mê truyện chữ hơn truyện tranh, tuần nào cũng mượn thư viện 2 cuốn. "Em mê đọc và mê Văn vì thấy mỗi tác phẩm hay, mỗi tình tiết đắt giá đều bày tỏ quan điểm của tác giả, phản ánh cuộc sống và là sự thể hiện xuất sắc một thông điệp từ thời đại", Thọ nói như một nhà phê bình thực thụ.
Thọ cho rằng, kiến thức văn học giúp em có vốn từ phong phú và linh hoạt, tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè, xã hội. Và em quyết định thi vào Khoa Sư phạm, ĐH An Giang, với tâm nguyện là có thể đứng lớp, truyền giảng về những bài văn hay, như cô giáo dạy em suốt 3 năm THPT. Em còn định trong quá trình học ĐH, sẽ tìm hiểu thêm về nghề báo để có thể viết bài cộng tác với các báo, phát huy hơn khả năng viết của mình.
Còn cô giáo Phạm Thị Thanh Tú, "thần tượng" của Phú Thọ nhận xét, Thọ là người khá kín đáo nhưng khi viết, biết cách thể hiện mình, có cảm xúc riêng với văn phong giản dị. Văn em thiên về buồn, chất trữ tình thể hiện tốt.
"Trước khi các em thi ĐH, tôi giỡn là phải mang về điểm 9, điểm 10 cho cô, Phú Thọ không sôi nổi hùa theo như các bạn mà chỉ nói nhẹ nhàng như hứa: "Em sẽ cố gắng". Khi đó, tôi tin em sẽ giành điểm cao và cuối cùng, em không phụ lòng tin của tôi", cô Tú xúc động nói.
Chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi "trả môn" trên lớp, Thọ và Lam đều cho rằng, cần bám chắc dàn ý, tránh lan man, sáng tạo cũng lựa theo dàn ý này. Mở bài không nên dài dòng mà vào thẳng vấn đề.
Thanh Lương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét