Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

1/3 giáo sư, phó giáo sư "xứng đáng" bị miễn nhiệm chức danh


17:55' 19/05/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Bắt đầu từ năm 2002, việc công nhận chức danh GS, PGS được tiến hành hàng năm, theo một số thay đổi mới. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cách làm thô sơ theo kiểu chấm thi học sinh THPT thì nhiều nhà khoa học lừng danh trên thế giới cũng "lọt lưới" ở Việt Nam. Trong khi đó, khoảng 1/3 GS, PGS rất "xứng đáng" bị miễn nhiệm chức danh, vẫn ung dung "qua ải". Bức xúc trước sự phi lý này, GS Hoàng Tuỵ đã có những đề xuất về một cách làm hợp lý hơn; tuy nhiên "nói ra rất khó nghe với những người làm quản lý" theo như lời ông khi trao đổi với VietNamNet.

Sáng tạo: không “sáng”, chỉ “tạo” nhiều vô lý!

- Đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2002 có một số thay đổi so với những lần trước và được ghi nhận là có nhiều tiến bộ. Giáo sư thấy những điều gì đã đạt được từ những thay đổi này?

- Trước hết, có một tiến bộ đáng ghi nhận là cách gọi học hàm GS thành chức danh GS. Thật ra, chỉ có ở nước ta và cũng chỉ từ giữa năm 80 trở đi mới coi GS là phẩm hàm để phong thưởng, chứ các nước khác, GS là chức vụ khoa học, với nội dung chức trách cụ thể, cần tuyển chọn người đủ năng lực để đảm nhiệm. Sự khác biệt không chỉ ở ngôn từ, mà ở mục đích và nội dung công việc. Do quan niệm học hàm theo kiểu phong kiến nên nhiều người chỉ có chức quyền dễ dàng được phong GS, cho dù chẳng có trình độ gì. Ngược lại, nhiều nhà khoa học trẻ, rất xứng đáng thì trầy trật mãi vẫn bị loại. Hậu quả là ta có quá nhiều GS, PSG hữu danh vô thực, cách xa chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng mất đi không ít nhà khoa học trẻ tài năng mà lẽ ra, nếu được công nhận vị trí xứng đáng đã có thể đóng góp nhiều cho đất nước.

Tiến bộ thứ hai là bắt đầu thực hiện hàng năm việc xét công nhận GS, PGS. Chủ trương thực hiện xét duyệt hàng năm đã có từ đợt xét duyệt đầu tiên năm 1980, nhưng suốt thời gian từ đó đến nay làm ì ạch mãi cho nên chỉ có thêm 4 đợt nữa: 1985, 1991, 1996, 2002, đợt sau cách đợt trước 5 - 6 năm, mà chẳng bao giờ thật sự thông suốt. Mãi đến năm 2002, nghĩa là sau 23 năm, mới bắt đầu thực thi được chủ trương này. Đủ biết sức ỳ trọng bộ máy quản lý của chúng ta. Thôi thì, dù muộn, đây cũng là một cố gắng đáng ghi nhận.

Sau cùng, cũng có thể nêu một tiến bộ khác là đã chấm dứt được cảnh vừa đá bóng, vừa thổi còi (vừa là ứng viên, vừa là thành viên hội đồng xét duyệt) hoặc sự ngược đời học trò ngồi xét duyệt bậc thầy như trong nhiều đợt xét duyệt trước đây.

- Thực tế sau đợt xét công nhận chức danh năm 2002, vẫn có nhiều ý kiến không đồng thuận với cách thức công nhận hiện nay, cho rằng, việc công nhận chức danh của ta rất khác biệt so với quốc tế, đồng thời lại "phong những người không đáng phong và loại ra những người đáng được phong" vì rằng những thay đổi thực ra là không đáng kể. Giáo sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, muốn hay không chúng ta cũng phải hội nhập quốc tế, cho nên phải xây dựng ĐH theo tiêu chuẩn như người ta. Chúng ta cứ tưởng mình giỏi hơn họ nên vội vàng "sáng tạo" nhiều quá, mà thật ra chẳng "sáng" gì, chỉ "tạo" ra đầy sự vô lý.

Thứ nhất, không có nước nào có chức danh GS (hay PGS) chung chung như ta, mà chỉ có GS, PGS của một viện nghiên cứu hay ĐH cụ thể. Chức danh GS, PGS chung chung như ta quan niệm hiện nay chẳng khác gì học hàm, vì dựa trên những tiêu chuẩn thống nhất như nhau cho mọi ĐH hay viện nghiên cứu. Thành thử gọi chức danh thay cho học hàm chỉ mới là một tiến bộ hình thức.

Ở các nước, mỗi trường ĐH tuyển chọn GS, PGS theo nhu cầu và chuẩn mực của mình. Để giữ một chuẩn mực nhất định cho mọi ĐH, một số nước lập ra Hội đồng quốc gia để hàng năm xét công nhận những người đủ tư cách được ứng cử vào chức vụ GS, PGS ở các nơi có yêu cầu (chỉ công nhận đủ tư cách ứng cử, chứ không phải công nhận chức danh). Khi một ĐH cần tuyển chọn GS, PGS, thì những người đã được công nhận đủ tư cách ứng cử (và chỉ những người đó) đều có quyền ứng cử, sau đó ĐH thành lập Hội đồng để xét tuyển. Trong hội đồng này có thể có nhiều thành viên quốc tế hoặc trong nước và thường có tham khảo ý kiến thẩm định của những chuyên gia am hiểu ở các ĐH danh tiếng khác, trong hay ngoài nước. Như vậy, phải được công nhận đủ tư cách ứng cử mới được quyền ứng cử GS ở một ĐH, đồng thời, mỗi ĐH được tuyển chọn, trong số những ứng viên đã được công nhận đủ tư cách, người nào đáp ứng tốt nhất các yêu cầu cụ thể của mình. Những ĐH hay viện nghiên cứu lớn, có danh tiếng, thường có nhiều người giỏi ứng cử nên sự tuyển chọn gắt gao hơn những ĐH khác.

Thứ hai, không ai tuyển chọn GS như ta, dựa trên cơ sở tính điểm từng công trình, từng giáo trình, v.v... rồi cộng lại đủ số điểm mới được xét. Công trình khoa học đâu có thể cân, đo, đong, đếm thô thiển như vậy. Xét tuyển GS, PGS chứ đâu phải chấm thi THPT. Các tiêu chuẩn định lượng bằng tính điểm như ta có vẻ chặt chẽ, khoa học song kỳ thật là máy móc, hình thức và phi khoa học. Để so sánh tình hình hoạt động nghiên cứu khoa học của các nước hay các ĐH, có thể tham khảo những số liệu như: số lượng công trình đăng trên các tạp chí khoa học, số lần tên các nhà khoa học được trích dẫn, v.v... vì trong các tập thể lớn, do sự chi phối của luật số lượng về xác suất những dị biệt được cá nhân dung hòa, khiến cho thông tin định lượng có thể phản ảnh trong chừng mực nhất định trình độ thực tế trung bình. Có khi đánh giá cá nhân một nhà khoa học thì các chỉ tiêu định lượng chỉ có ý nghĩa rất hạn chế, không bao giờ có thể coi là cơ sở chủ yếu thay thế sự đánh giá định tính của các chuyên gia trong ngành.

Hơn nữa, cách tính điểm theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) cũng có quá nhiều điều bất hợp lý. Căn cứ vào đâu mà mà mỗi sách chuyên khảo (văn bản HĐCDGSNN ghi là monography, một từ chẳng phải tiếng Anh, chẳng phải tiếng Pháp) được tính từ 0 đến 4 điểm, mỗi sách giáo trình được tính từ 0 đến 3 điểm, mỗi bài báo được tính từ 0 đến 1 điểm, hoặc từ 0 đến 0,5 điểm. Căn cứ vào đâu mà một công trình (sách hay bài báo) có n tác giả thì mỗi tác giả chỉ được 1/n số điểm gán cho công trình? Tại sao 10 điểm thì được xét, còn 9,8 thì bị loại? Hoàn toàn không có căn cứ khoa học nào cả, chỉ dựa trên cảm tính võ đoán, nhưng lại giả thiết cách tính điểm chính xác đến từng phần mười điểm!

Đó là chưa nói các mặt phức tạp khác, như chủ trì một đề tài cũng được tính điểm bằng 1 hay 2 công trình, thời gian tập sự giảng dạy, học cao học và làm nghiên cứu sinh cũng được tính vào thâm niên giảng dạy ĐH. Dĩ nhiên, kết quả đề tài thể hiện ở các công trình, mà các công trình thì đã được tính điểm rồi, tại sao còn tính thêm điểm cho việc chủ trì đề tài nữa"? Mà ai cũng biết, đại đa số các đề tài đều được nghiệm thu xuất sắc, vậy căn cứ vào đâu để tính 1 điểm cho đề tài này, 2 điểm cho đề tài kia? Nhiều luận văn đã bảo vệ thành công ở một số ĐH thực ra chỉ là mớ giấy lộn, thế nhưng những vị hướng dẫn các luận văn ấy sẽ thừa điểm để được công nhận GS, PGS. Nghe nói, có vị đã hướng dẫn tới 15 luận văn, chắc phải là siêu GS. Hóa ra, công nghiệp làm luận văn giấy lộn phát đạt là nhờ thế!

- Như vậy thì sẽ có sự “vênh” nhau như thế nào giữa tiêu chí của ta với các tiêu chuẩn để có thể hội nhập quốc tế?

- Điều không may là có những tiêu chuẩn định lượng vô lý nhưng lại là tiêu chuẩn loại, nghĩa là không đạt thì tức khắc bị loại, bất kể năng lực thực tế như thế nào. Với cách tính điểm oan nghiệt đó, nhiều nhà khoa học lừng danh trên thế giới nếu đăng ký chức danh GS ở Việt Nam sẽ bị loại ngay vì không đạt tiêu chuẩn: GS phải có sách chuyên khảo hoặc giáo trình. Trong khi đó, nhiều ĐH ở một số nước đang phát triển không đòi hỏi GS phải giảng dạy; thậm chí muốn ứng cử GS không cần cả bằng tiến sĩ (tuy phải có bằng TS mới được làm trợ lý GS). Sở dĩ như vậy vì ở cấp bậc GS, năng lực hoàn toàn có thể đánh giá thông qua các công trình khoa học, không cần đến những tiêu chí khác mà ở nước ta được đưa lên hàng đầu. Mặt khác, các hoạt động khoa học quốc tế mà ở ta thậm chí không được kể đến thì ở các nước rất được coi trọng như: tham gia biên tập các tạp chí quốc tế, được mời đọc báo cáo khoa học (nhất là báo cáo chính) trong các hội nghi quốc tế, tham gia ban chương trình quốc tế của các hội nghị, thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ ở các ĐH nước ngoài. Tại sao các hoạt động đó được coi trọng? Vì môi trường quốc tế là nơi thử thách những giá trị đích thực, ít ra đối với khoa học tự nhiên và công nghệ.

Các thủ tục và tiêu chuẩn xét tuyển của ta thể hiện một quan niệm khá thô sơ về GS, PGS. Vì tính điểm kiểu đó cho nên bắt người ứng cử phải tốn nhiều thời gian vô bổ làm hồ sơ rất cặn kẽ, với nhiều bảng biểu theo mẫu phức tạp. Tôi đã có dịp tham gia thẩm định một số hồ sơ ứng cử GS, PGS ở nước ngoài, không thấy ở đâu có những hồ sơ nhiêu khê rắc rối mà lại phiến diện như ở ta, chỉ nhằm phục vụ một quy trình xét duyệt chẳng giống ai cả.

Khoảng 1/3 GS “xứng đáng” thu hồi chức danh!

- Thưa giáo sư, có một thực tế là không ít người sau khi được công nhận chức danh GS, PGS đã xao nhãng nhiệm vụ chính là nghiên cứu mà tận dụng chức danh đó để tham gia dạy thêm và các hoạt động thương mại giáo dục khác. Vì vậy, đã có ý kiến đề xuất cần phải có quy định miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh GS, PGS để tránh tình trạng có hiện tượng nhiều người tìm mọi cách chạy chọt, vận động kiếm được chức danh để sau này “kiếm sống” cho dễ?

- Đó là thực tế đáng buồn, nhưng phải thấy rõ đây là hậu quả tất yếu của cơ chế quản lý của ta. Đương nhiên, khi một GS, PGS tỏ ra không xứng đáng như vậy thì cũng nên bãi nhiệm. Có điều là nếu thực hiện đúng biện pháp này thì phải thu hồi cả chức danh của những vị không xứng đáng, như thế có thể đến 1/3 số GS, PGS của ta bị thu hồi chức danh. Cho nên, tôi thấy đề ra việc này cho có vẻ nghiêm túc chứ thực tế chẳng có ý nghĩa gì, vì đây chỉ là cái ngọn, còn cái gốc là tuyển chọn và sử dụng cho nghiêm túc thì ta lại không chú ý. Hãy so sánh vớI cách làm ở các nước, tuyển chọn nghiêm túc, nhưng đã được bổ nhiệm GS, PGS rồi thì không thể bị miễn nhiệm, trừ trường hợp phạm tội hình sự. Vì sao như vậy. Như tôi đã có dịp giải thích trong một bài báo trước đây đăng trên báo Tia Sáng, đó là xuất phát từ tính chất đặc thù của lao động khoa học, đòi hỏI không thể quản lý máy móc và thô bạo. Trái lại, chúng ta tuyển chọn thì máy móc, thô bạo, để lọt và ưu ái rất nhiều người kém, lại loại ra những kẻ thực tài, sử dụng những người đã được tuyển dụng rất bừa bãi, lãng phí, rồI lại đề ra không ai không làm tốt thì bãi nhiệm. Thử hỏi, cách quản lý nào hay hơn, có hiệu quả hơn, văn minh hơn?

- Đội ngũ GS, PGS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH. Hiện nay, theo tổng kết của Bộ GD – ĐT, có 50% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Có người cho rằng đây có phải là một vấn đề đáng báo động. Nhưng thực tế, ở các trường ĐH khác trên thế giới, tỷ lệ giảng viên nghiên cứu khoa học đạt được con số này đã là khả quan. Như vậy thực chất của con số 50% nghiên cứu khoa học của chúng ta là như thế nào?

- Theo tôi biết, nhiều ĐH lớn ở các nước cũng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2/3 giảng viên có nghiên cứu khoa học. ĐốI với số đông các trường ĐH làng nhàng, của họ thì hàng năm có 50% giảng viên nghiên cứu khoa học đã là khả quan. Còn ta thì trong các báo cáo chính thức, tôi thấy có nhận định nghiên cứu khoa học ở các ĐH ta còn yếu kém vì … chỉ có 50% giảng viên nghiên cứu khoa học và chỉ có 30 – 40% công trình khoa học được áp dụng thực tế. Nghe thật sướng tai vì như vậy còn chê trách ĐH Việt Nam nỗi gì. Điều đó chứng tỏ có sự khác biệt rất lớn giữa ta và các nước trong quan niệm thế nào là công trình khoa học. Thậm chí, ở nước ta, muốn thi vào làm nghiên cứu sinh phải có hai công trình khoa học đã đăng ở các tạp chí quốc gia. Đương nhiên, cái gọi là công trình khoa học ở đây phảI hiểu theo tiêu chuẩn ở nước ta, nghĩa là rất thấp. mà cũng đúng thôi vì các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ còn có thế mua sẵn hay chế biến xào xáo từ các "chợ luận" văn kia mà. Cho nên, thiếu tính chuẩn mực, không giữ đúng chuẩn mực, bất chấp chuẩn mực quốc tế là nguyên nhân tình trạng lộn xộn, thật giả lẫn lộn, đang tràn lan hiện nay.

Trả lại quyền cho các ĐH và viện nghiên cứu

- Vậy thì, thưa giáo sư, việc công nhận chức danh GS cần phải cải tiến theo hướng nào thì mới có thể thực sự tôn vinh đúng những người có chân tài và nghiên cứu khoa học nghiêm túc?

- Theo tôi, không phải chỉ cải tiến mà phải thay đổi cơ bản. Cần hướng tới cách làm của các nước đang phát triển, cải cách quy trình và tổ chức tuyển chọn GS, PGS để nhích dần tới các chuẩn mực thế giới, cụ thể là:

Thứ nhất, không quan niệm chức danh GS, PGS chung chung theo kiểu học hàm, mà gắn chức danh đó với một ĐH hay viện nghiên cứu cụ thể.

Thứ hai, các chỉ số định lượng chỉ được dùng để tham khảo, không chỉ số định lượng nào có tính chất loại. Việc xét duyệt, tuyển chọn dựa chủ yếu trên sự đánh giá định tính của các chuyên gia am hiểu, trên cơ sở hồ sơ và thẩm vấn nếu cần thiết.

Thứ ba, hàng năm, HĐCDGSNN chỉ xét duyệt để công nhận những người đủ điều kiện ứng cử vào các chức danh GS, PGS ở các ĐH và viện nghiên cứu, chứ không công nhận chức danh. Đồng thời, để làm tốt việc này, HĐCDGSNN cũng như các Hội đồng ngành phải gồm những chuyên gia trình độ cao nhất chứ không phải tổ chức mặt trận, trong dó, mỗi đơn vị đều phải có đại diện cho vui vẻ cả.

Thứ tư, trả lại cho các ĐH và viện nghiên cứu quyền thành lập Hội đồng để xét tuyển và đề nghị bổ nhiêm GS, PGS theo yêu cầu của họ. Hàng năm, mỗi ĐH hay viện nghiên cứu có nhu cầu tuyển GS, PGS sẽ thông báo rộng rãi để cho mọi người có tư cách đều có thể dự tuyển.

Mỗi GS, PGS là những chức vụ, cho nên mỗi ĐH và viện nghiên cứu trong mỗi thời kỳ cần tùy theo nhiệm vụ của mình mà ấn định một hạn tối đa cho số GS, PGS của mình. Như vậy để tránh tình trạng một ĐH nào đó có quá nhiều GS, PGS, mà vì điều kiện biên chế có hạn, không thể nhận thêm cán bộ trẻ, dù có tài, để làm trợ lý và dần thay thế các đàn anh sau này (số trợ lý trẻ này là nguồn dự trưc rất cần thiết và phải có thường xuyên). Đồng thời như thế sẽ có một số người giỏi, đủ trình độ GS hay PGS, nhưng vì tại ĐH không còn hay chưa có "ghế" GS, PGS trống, sẽ ứng cử vào các ĐH khác. Nhờ đó, các ĐH này (thường là ĐH nhỏ, ĐH địa phương), mới có GS, PGS giỏi (những người này, sau khi phục vụ ĐH nhỏ một thời gian lại về ứng cử ở ĐH lớn khi có chỗ). Đó là biện pháp điều hòa, có lợi cho cả ĐH lớn và ĐH nhỏ cũng có lợi cho sự bồi dưỡng và phát triển các tài năng trẻ.

- Đã bao giờ giáo sư trình bày những ý tưởng này với HĐCDGSNN. Hội đồng đã có nhận xét như thế nào về những ý kiến của giáo sư?

- Cách đây không lâu, tôi đã có dịp phát biểu trực tiếp những ý kiến trên với HĐCDGSNN. Tuy chưa thành văn bản nhưng cũng đã rất cụ thể và rõ ràng. Tôi rất hoan nghênh thái độ chân thành lắng nghe của đồng chí Chủ tịch Hội đồng. Đó là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ kinh nghiệm: cải cách chữ viết sai lầm phải 20 năm mới sửa được; thi theo bộ đề phải 8 năm mới chịu chấm dứt; dạy thêm học thêm tràn lan đến nay vẫn phát triển tuy đã có nghị quyết T.Ư phải chấm dứt từ 7 năm về trước; học hàm phải mất hơn 15 năm mới trở lại là chức danh. Toàn là những chuyện muốn làm khác người ta, rất sai mà cứ tưởng là hay nên không chịu sửa. Cho nên, phải kiên nhẫn chờ. Nhất là nhìn rộng ra xã hội, thì chuyện tiền lương, chuyện quản lý tài chính, chuyện đề tài khoa học, chuyện tham nhũng, bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Tôi chỉ buồn là nếu cứ thế này thì chẳng biết đến bao giờ ta mới có được một nền ĐH xứng đàng với các chuẩn mực quốc tế.

- Cuối tháng 4 vừa rồi, HĐCDGSNN tổ chức hội thảo lần đầu tiên về chính sách, chế độ cho các GS, PGS. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nếu tăng lương như một liệu pháp “sốc” thì sẽ cải thiện được tình hình nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay. Theo giáo sư, liệu đây có phải là giải pháp tối ưu để kích thích tinh thần nghiên cứu khoa học của đội ngũ này?

- Chưa hẳn là thế. Hiện nay có tình hình phức tạp là do lương trong một thời gian dài chỉ đủ 1/5 nhu cầu sinh họa theo mức lượng chung của xã hội, mà quản lý tài chính thì buông lỏng, nên mọi người ngoài lương đều có những thu nhập khác (mà nguồn gốc cũng là công quỹ cả), nhờ đó thu nhập thực tế của phần lớn GS, PGS đã ở mức khá cao trong xã hội. Nhưng để có mức thu nhâp đó, GS, PGS thường phải dành phần lớn thời gian làm những việc không đúng với chức trách và năng lực của họ. Nhiều người dạy 25 - 30 giờ mỗi tuần, có khi dạy sô, dạy ở các tỉnh khác. Sử dụng GS, PS làm những việc dưới năng lực của họ như vậy vừa rất lãng phí vừa làm cho trình độ thực tế của họ sút kém hẳn. Dạy bù đầu như thế thì còn thì giờ và đầu óc đâu để cập nhật kiến thức, nói gì đến nghiên cứu khoa học. Vì vậy, đi đôi với cải cách chế độ lương, mấu chốt là phải tổ chức lại hệ thống giáo dục để buộc mỗi GS, PGS chỉ dạy không quá 10 giờ một tuần và tập trung thì giờ cho công việc chính của mình ở ĐH. Nên thấy, thực tế là việc này không thể một sớm một chiều mà giải quyết được, cho nên phảI có một lộ trình, và phảI giải quyết vấn đề một cách hệ thống nhưng cương quyết. Dù sao, bước khởi động là phảI cải cách ngay chế độ lương đi đôi với cải cách chế độ quản lý tài chính.

- Xin cảm ơn giáo sư.

Không có nhận xét nào: