Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

Những anh hùng dân tộc châu Á từng được Time giới thiệu


Trong suốt 60 năm, The Time cũng đã dành nhiều trang viết để tôn vinh những con người kiệt xuất

Đây là danh sách những anh hùng đã từng được Time Asia giới thiệu trên tạp chí trong 60 năm qua, không phải là danh sách bình chọn, do vậy danh sách này không có sự xếp hạng và chắc chắn vẫn còn chưa đầy đủ.

Danh sách này chia làm các danh sách nhỏ bao gồm những anh hùng dân tộc, những nhà nghệ thuật và tư tưởng, những nhà lãnh đạo kinh doanh, các vận động viên và nhà thám hiểm và những người dẫn dắt tinh thần. Dưới đây là danh sách các anh hùng dân tộc của châu Á mà Time đã từng giới thiệu.

1.Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru.

Mặc dù có quan điểm trái ngược nhau, nhưng

Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru có cùng

một “niềm đam mê” là tự do và công bằng.

Gandhi là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của phong trào giành độc lập cho các nước thuộc địa đầu tiên trên thế giới mà không cần đến bạo lực cách mạng. Ông đã tạo ra một khái niệm gọi là satyagraha, nghĩa là “giữ vững niềm tin”. Bất chấp chiến tranh và bạo lực trong thế kỷ 20, Gandhi đã dạy cho loài người về giá trị của lòng tin, phi bao lực và hoà bình.

Sau khi Gandhi bị ám sát năm 1948, một năm sau khi Ấn Độ độc lập, Nehru, thủ tướng đầu tiên, đã trở thành người giữ ngọn lửa quốc gia, hiện thân của cuộc đấu tranh giành tự do của Ấn Độ. Nehru đã giành cả cuộc đời mình để giúp dân tộc Ấn Độ thấm nhuần thói quen dân chủ.

2. Corazon Aquino

Với người Philippin theo đạo Thiên Chúa,

Aquino là hiện thân của Mater Dolorosa

và Janne d’Arc, những nữ thánh mang lại

tự do cho dân tộc.

Khi cuộc nổi dậy Sức mạnh Nhân dân (People Power) nổ ra ở Manila năm 1986, Corazon Aquino - vợ của lãnh đạo lực lượng đối lập bị sát hại năm 1983, Benigno Aquino - đang ở Cebu, cách Manila 580 km về phía nam, điều hành chiến dịch chống lại nhà độc tài Ferdinand Marcos. Rất nhiều người đã khuyên bà chạy sang nước khác hoặc lẩn trốn, nhưng Corazon đã đến tu viện Carmelites và cầu nguyện cùng những nữ tu sĩ ở đó. 3 ngày sau, Aquino - người phụ nữ vốn bị Marcos cười nhạo là “đàn bà chỉ biết nội trợ” - đã trở thành Tổng thống Philippin.

3. Aung San và Aung San Suu Kyi

Aung San và con gái là Aung San Suu Kyi.

Aung San và con gái là Aung San Suu Kyi được coi là người anh hùng của Miến Điện, người đã đứng lên chống lại đế quốc Anh và Nhật Bản để bảo vệ nền tự do của Miến Điện. Aung San luôn được tôn sùng là “cha đẻ của đất nước” và người cha của nhà lãnh đạo ủng hộ nền dân chủ, Aung San Suu Yui.

Năm 1947, chỉ 6 tháng trước khi Myanma độc lập, Aung San và 6 thành viên trong nội các của ông bị ám sát. Cái chết của ông, ở độ tuổi 32, thực sự là thảm kịch đối với Myanma. Sau đó, Myanma rơi vào nội chiến, lực lượng quân đội nắm quyền trong 15 năm sau đó, đẩy đất nước vào cảnh nghèo đói, cô lập và sợ hãi.

4. Ahmad Shah Massoud

Với rất nhiều người Afghanistan, Ahmad

Shah Massoud vẫn là anh hùng dân tộc.

5 năm sau khi bị al-Queda ám sát vào ngày 9/9/2001, với rất nhiều người Afghanistan, Ahmad Shah Massoud vẫn là người anh hùng dân tộc. Ahmad Shah Massoud luôn được coi là lãnh đạo tài giỏi của lực lượng du kích trong cuối thế kỷ 20 ở Afghanistan.

Mâu thuẫn giữa Ahmad Shah Massoud và Bin Laden là điển hình cho sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo giữa những người lính ủng hộ cuộc chiến bạo lực chống lại phương Tây và những người lĩnh ủng hộ sự chung sống trong hoà bình. Thế giới sẽ trở nên an toàn hơn nếu quan điểm của Ahmad Shah Massoud chiếm ưu thế.

5. Đặng Tiểu Bình

Đặng Tiểu Bình đã kiên trì theo đuổi những

chính sách kinh tế và đối ngoại là tiền đề cho

một Trung Quốc tăng trưởng hiện nay.

Một người đã tự sửa mình để có khả năng biến đổi đất nước và thay đổi thế giới. Đặng Tiểu Bình hiện vẫn được coi là một vị anh hùng, chủ yếu nhờ vào quan điểm và những chính sách kinh tế mà ông theo đuổi. Chính những việc này đã giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo chỉ trong vài thập niên, biến Trung Quốc trở thành nước sản xuất hàng đầu thế giới và có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.

6. Mohammad Hatta

Hatta vẫn là biểu tượng của những gì

Indonesia khát khao giành được.

26 năm sau ngày mất, Hatta vẫn là biểu tượng của những gì Indonesia khát khao giành được nhưng vẫn chưa thành công: một đất nước quân bình và khoan dung với chân giá trị cho tất cả mọi người. Ông là một trong 2 khuôn mặt chói lọi của cuộc chiến giành tự do cho Indonesia.

7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thích

nhận mình là anh hùng mà ông tâm niệm

anh hùng thực sự là "dân tộc Việt Nam".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò và là người đồng chí của danh nhân Hồ Chí Minh, là người vạch kế hoạch và chỉ huy chiến dịch 57 ngày Điện Biên Phủ, đánh bại quân Pháp.

Chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ là chiến thắng đầu tiên của các dân tộc Châu Á chống lại đế quốc thực dân, “đập tan” niềm tin vào khả năng bất khả chiến bại của các đế quốc phương Tây và dẫn đến cuộc rút quân Pháp khỏi Việt Nam và tiếp sức cho cuộc chiến chống lại chế độ thực dân trên toàn thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người, về mặt quân sự, đã mang đến sự cáo chung của chủ nghĩa đế quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thích nhận mình là anh hùng mà luôn tâm niệm rằng “dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước nồng nàn có thể làm nên những điều kỳ diệu”.

8. Sir Murray Maclehose

Sir Murray Maclehose đã biến Hồng Kông
từ “nơi buồn thảm” thành hòn ngọc quý của
Vương quốc Anh
.

Là Thống đốc thứ 25 của Hồng Kông, người Scotland dòng dõi quý tộc, Sir Murray Maclehose đã biến Hồng Kông từ “nơi buồn thảm” thành hòn ngọc quý của Vương quốc Anh. Bằng việc công nhận tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chính thức, Sir Murray đã chấm dứt sự bất công kéo dài từ lâu. Ông cũng mở rộng chương trình xây dựng nhà ở, cung cấp chỗ ở cho 40% dân số, thực hiện các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và ban hành những ưu tiên cho giáo dục tiểu học.

9. Đại tướng Douglas MacArthur

MacArthur từ người lính trở thành chính

khách và khai sinh một Nhật Bản mới

từ đống tro tàn chiến tranh.

Hơn bất kỳ ai, tướng Douglas MacArthur chính là người đã đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế, như ngày nay.

Chiến thắng trong các trận đánh, MacArthur từ người lính trở thành chính khách và khai sinh một Nhật Bản mới từ đống tro tàn chiến tranh. Nhiệm vụ tái thiết Châu Âu sau thế chiến II được giao cho các nước chiến thắng, nhưng ở Thái Bình Dương, nhiệm vụ tái thiết Nhật Bản được giao cho Đại tướng Mỹ Douglas MacArthur.

Công cuộc tái thiết Nhật Bản sau Thế chiến hai, từ một nước quân chủ độc tài thành một nước dân chủ vẫn là công cuộc tái thiết thành công nhất trong lịch sử cho đến nay.

10. Mohammed Ali Jinnah

Jinnah là người đã dấy lên cuộc chiến

dẫn đến việc thành lập Pakistan.

Pakistan, Jinnah được tôn sùng vì cuộc chiến của ông nhân danh những người theo đạo Hồi tại Ấn Độ (Muslims of India) đưa đến việc thành lập đất nước Pakistan. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Jinnah như một nhà lãnh đạo Châu Á còn lớn hơn. Khi Châu Á đang dần thoát khỏi chế độ thuộc địa, một trong những vấn đề khó khăn nhất cả các quốc gia non trẻ là họ có rất nhiều tộc người thiểu số. Giải pháp của Jinnah là chỉ có một hệ thống luật pháp: các biện pháp lập hiến từ bảo vệ chế độ bầu cử đến đảm bảo quyền đại diện trong các tổ chức nhà nước.

Pakistan, đất nước do Quaid-i-Azam (Mohammed Ali Jinnah) thành lập, cần đến ông và những giá trị của ông hơn bao giờ hết.

11. Lý Quang Diệu

Lý Quang Diệu không chỉ là chính khách đàn anh,
là tiếng nói của Châu Á mà còn là biểu tượng của
chủ nghĩa thực dụng và sự phục hồi của Châu Á.

Lý Quang Diệu nổi tiếng về tính cách mạnh mẽ và niềm tin vững chắc vào quyết định của mình. Kết hợp những phẩm chất đó với sự thông minh, Lý Quang Diệu đã một tay biến một bến cảng vốn hoạt động uể oải thành một trong những quốc gia hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới: đất nước Singapore.

Ngày nay, ở tuổi 83, sau 50 năm hoạt động, Lý Quang Diệu có thể tự coi mình là một người và người Châu Á duy nhất đóng vai trò nhân chứng, nhà điêu khắc và cố vấn cho tất cả mọi những đổi thay mang tính lịch sử mà Châu Á đã trải qua trong những thập niên qua: sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc, kết thúc chiến tranh lạnh, tăng trưởng kinh tế và sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc mới. Tất cả những điều này làm cho Lý Quang Diệu không chỉ là chính khách đàn anh và là tiếng nói của Châu Á mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng và khả năng phục hồi của Châu Á.

Nguyễn Anh
Theo The Time

Không có nhận xét nào: