Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

Những 'Hoa Đà' bậc thầy trong thiên nhiên


Ếch epipedobates tricolor được xem là siêu dược phẩm. Ảnh: Weekly World News.

Loài ếch epipedobates tricolor đang được giới y học đánh giá là “siêu dược phẩm” vì da của nó chứa một chất đặc biệt, công hiệu gấp 200 lần morphin. Các thổ dân bị thương khi đi rừng chỉ cần bắt một con ếch lột lấy da đắp vào vết thương, sẽ hết đau lập tức.

Chất tiết từ da loài ếch Nam Mỹ này còn làm cho vết thương lành cực nhanh, kéo da non trong thời gian kỷ lục. Giáo sư John Daly người Mỹ đã biết được toa thuốc này vào năm 1977 trong một chuyến thám hiểm. Tuy nhiên thành phần cấu tạo của nó, mãi đến cuối thập niên 1980 khoa học mới xác định được. Nhờ đó y học đã tìm ra nhiều nẻo đường mới cho việc trị bệnh.

Không chỉ có loài ếch trên, nhiều loài động thực vật khác cũng đã chứng tỏ chúng là cứu tinh của con người, và sẽ là đặc trưng của nền y dược thế kỷ 21.

Mỡ bò tót, mỡ dê hay hươu cao cổ là một trong những loài thuốc làm mau lành vết thương tốt nhất. Còn chữa các bệnh nhiễm trùng thì phải dùng mật ong imhotep - một thầy thuốc người Ai Cập cổ đại, sinh năm 2650 trước Công nguyên đã khuyến cáo như thế. Ngót 5.000 năm trôi qua, cho đến nay, các loại thuốc chữa bệnh có nguồn gốc từ động thực vật, bất chấp tiến bộ khổng lồ của ngành y học, vẫn chiếm vị chí chi phối trong liệu pháp dược liệu.

Vừa mới đây, trên thị trường xuất hiện một loại dược phẩm có tên biệt dược là Exenatide của Tập đoàn dược phẩm Ela Lilly. Theo quảng cáo, nó được tổng hợp từ nước bọt thằn lằn Arizon, loại bò sát quý hiếm chỉ có ở miền tây nam nước Mỹ. Biệt dược này ngoài tác dụng hạ nồng độ đường trong máu còn làm mất cảm giác háu ăn, nhờ thế nó không chỉ góp phần điều trị bệnh tiểu đường mà còn giúp người bệnh giảm béo. Nước bọt của thằn lằn Arizon từ lâu đã được những thổ dân Tây Nam Mỹ dùng để chữa rắn cắn.

GS. Richark Cahoor (Đại học Cornell) và Tập đoàn dược phẩm Merck đã nhiều năm đầu tư nghiên cứu khả năng điều trị của nước bọt một số loài nhện. Kết quả ban đầu cho thấy, nước bọt nhện Tarantuni Chile có tác dụng giảm đau, cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh loạn nhịp tim. Nước bọt nhện cái đen Chile có thể dùng trong điều chế thuốc điều trị chứng bất lực của đàn ông và hiệu quả còn cao hơn cả viagra. Còn nước bọt một số loài nhện Nam Mỹ thì lại có thể làm dịu hậu quả xuất huyết não.

Mô tả về tiềm năng trị bệnh của nhện, GS. Chuck Kristersen - chủ trang trại nuôi nhện ở Yarmell, bang Arizona, Mỹ, nơi đang nghiên cứu gần 50.000 con nhện thuộc 50 loài khác nhau khẳng định: “Cho đến nay người ta đã phát hiện khoảng 40.000 loài nhện, song giới chuyên gia tin rằng thực tế có thể nhiều hơn gấp 2-3 lần con số đó, và nước bọt mỗi con nhện bao gồm hàng trăm chất khác nhau có tác dụng điều trị bệnh”.

Hiện Trung Quốc đang là nơi thu hút sự quan tâm của các chuyên gia y dược vì đất nước này nổi tiếng có nhiều Hoa Đà, Biển Thước từ ngàn xưa. Lượng “thảo dược đặc biệt” của Trung Quốc có trên dưới 2.000 loại.

Đại dương cũng hứa hẹn là một chân trời mới của y học hiện đại, mỗi năm người ta tìm được khoảng 300 chất mới từ đây. Bà Michele Guyot - Giám đốc Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Pháp – người đã bỏ ra hàng chục năm tìm hiểu về đại dương tuyên bố: “Không có lý do gì để không cầu cứu những liều thuốc quý nằm sâu dưới lòng biển cả”.

Thử lấy ví dụ về con sên biển. Nó bò rất chậm, có cái lưng sặc sỡ, thường sống ở Ấn Độ Dương. Khi giải phẫu, người ta mới biết: cơ thể nó chứa những chất chống ung thư cực mạnh mà không một phòng thí nghiệm nào chế tạo được. Một số loài trai, sò chứa chất độc nhưng lại là vàng ròng đối với y học. Chính những độc tố lạ này có tác dụng giải quyết ung nhọt hữu hiệu. Một số loại tảo ở ngoài khơi quần đảo Bahamats tiết ra những chất có thể ngăn sự phát triển của tế bào ung thư và cả tế bào bị nhiễm HIV. Hay như loài sứa sống ở bờ biển Florida đang được xem là cứu tinh trong hướng điều trị các u ác tính và viêm nhiễm. Các loài cá sống ở vùng lạnh thường cho loại dầu chống các bệnh tim mạch. Các loại sứa và hải quỳ khi bắt mồi thường tiết ra chất gây tê liệt rất mạnh, đó chính là niềm ao ước của các chuyên viên gây mê... Thiên nhiên quả thực có rất nhiều kho thuốc quý mà chúng ta cần phải tìm hiểu và khai thác.

Hướng đi của y học hiện đại?

Mới đây không lâu, người ta vẫn tưởng rằng tất cả các bệnh tật trên đời đều có thể chữa trị nhờ những sản phẩm của các phòng thí nghiệm hiện đại có tên là “tân dược thông minh” – hoạt động trên bề mặt phân tử và được “thiết kế” nhằm điều trị một bệnh cụ thể. Nhưng, theo nhận định của GS Dorota Maciejewka - Giám đốc trung tâm hóa hữu cơ thuộc Học viện y học Vacsava - con người đã hết khả năng tổng hợp được những hợp chất mới độc nhất trong các phòng thí nghiệm. Nếu muốn, chúng ta chỉ có thể tìm được từ thiên nhiên.

Ước tính con người chỉ mới nghiên cứu được 3% trong tổng số hàng triệu loài động thực vật. Bao nhiêu loài khác vẫn chưa được khai thác. Có thể nói hơn 60% thuốc men đang được bào chế từ nguồn động thực vật nhất là thuốc kháng sinh và chống ung thư.

Một trong những nhà khoa học ủng hộ khuynh hướng “Cầu cứu thiên nhiên” là GS Stilianos Mamats người Hy Lạp. Lớn lên ở châu Phi, ông đã có dịp chứng kiến những cách trị liệu đặc sắc của nhiều bộ tộc và có vốn kiến thức uyên bác về dược học. Sau này ông đi lùng sục khắp 5 châu và đã tìm ra rất nhiều loài cây, con lạ có tác dụng chữa bệnh đặc sắc. Ông cho biết: “Bất cứ nơi nào mà con người sinh sống nơi đó đều có những kiến thức y học cổ truyền dựa vào cây, con làm thuốc. Chúng ta cũng cần phải tìm hiểu và học hỏi nhiều thay vì tự mãn trước những thành tựu nhỏ bé của mình”.

(Theo Sức khoẻ và Đời sống, Weekly World News)

Không có nhận xét nào: