Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

Gìn giữ gia phong

Con cháu về thăm nơi thờ cúng tiền hiền, nét văn hóa cần biểu dương - ảnh: T.Đ.T

Có những người đã âm thầm bảo vệ hương án thờ ông bà tổ tiên, giữ cho đến chết những bảng phả hệ, những sắc phong của dòng tộc giữa binh biến và ly tán. Có người đã ngã xuống để giữ gìn đến cùng những vật gia bảo ấy.

Đại ấn của vua Lê Thánh Tông

Ở làng Hương Quế bên Quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam có một nhà thờ của tộc Phạm xây dựng từ thời vua Tự Đức. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời chúa Nguyễn, vua Lê; trong đó có đại ấn "Đế mạng chi bửu" của vua Lê Thánh Tông và "Chế mạng chi bửu" của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, được bảo vệ cẩn thận trong một ống đồng.

Theo gia phả tộc Phạm ở Hương Quế, bậc tiền hiền vào đây đầu tiên là Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần. Năm 1401, Phạm Nhữ Dực giữ chức Chánh đô án vũ sứ phụ trách di dân ở khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Cháu nội của ông về sau là Phạm Nhữ Tăng theo vua Lê Thánh Tông vào Nam năm 1471 rồi được phong chức Quảng Nam thừa tuyên đô thống. Ông mất năm 1478 ở Bình Định, được vua cho cải táng đưa về an nghỉ tại làng Hương Quế. Trước mộ của cụ Phạm Nhữ Tăng hiện nay vẫn còn câu đối do chính vua viết, tạm dịch nghĩa: Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức đồng lòng bình Chiêm quốc; Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam.

Ông Phạm Trợ, người đang được giao trọng trách giữ gìn những tài liệu quý giá có một không hai nêu trên kể lại: Vị tiền nhiệm trước đây là cụ Phạm Trí, nay đã trên 96 tuổi, là hậu duệ đời thứ 17 của tộc Phạm vào định cư ở xứ đàng Trong. Cụ Trí theo lời trăn trối của các đấng sinh thành là sống chết gì mỗi thế hệ cũng phải thay nhau giữ cho được gia bảo của tổ tiên, nên dù chiến tranh, ly tán mấy mươi năm cụ Trí đã phải vất vả mang theo bên mình. Trong đời cụ Trí, một lần vào năm 1949, lính Pháp đi lùng sục đốt phá làng đã vào nhà thờ tộc Phạm lục tìm tài liệu, vũ khí của Việt Minh. Chúng đã lật tung gia phả, những tờ sắc phong ấy và ném bay tứ tán. Khi chúng rút quân, ông mới đi nhặt lại cất giữ và rất may không có sự hư hại nào. Khi giao nhiệm vụ lại cho ông Trợ, cụ Trí đã sống ngót một thế kỷ, nhưng ông nói khiêm tốn: Việc lớn nhất đời tôi là giữ được nguyên vẹn bửu bối của tổ tiên để lại!

Bức gia phả đẫm máu

Làng Kim Đái nay thuộc xã Tam Thăng, huyện Núi Thành (Quảng Nam), từ xưa đã nổi tiếng với hai câu thơ Kim Đái đai vàng đâu thuở trước/Thạch Kiều cầu đá mãi còn đây. Trong chiến tranh, xóm Áp Bắc thuộc làng Kim Đái chỉ có 45 nóc nhà nhưng đã có đến 70 liệt sĩ và 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Địa đạo Áp Bắc dài gần 2 cây số ẩn sâu dưới những lũy tre làng đã góp phần cùng với địa đạo Kỳ Anh gần đó lập nên nhiều chiến tích vẻ vang. Ông Trương Đưa, trưởng tộc Trương ở đây là một trong những người tham gia bám trụ, đào địa đạo trong nhiều năm. Ông đã bị lính Mỹ bắn chết trong một hoàn cảnh rất hy hữu và hết sức cảm động vào năm 1969.

Hôm ấy xóm Áp Bắc chìm trong lửa đạn. Lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai mở cuộc hành quân càn quét vùng ven biển. Nhà thờ họ Trương bị đốt cháy. Là trưởng tộc, ông Đưa quyết bảo vệ cho được bộ phả hệ của dòng họ đang bị nguy cơ biến thành tro. Ông quyết xông vào lửa ôm lấy ống tre đựng bảo vật chạy thoát ra ngoài. Lính Mỹ tưởng Việt cộng ôm súng liền bắn theo, ông ngã quỵ xuống bờ rào và tắt thở. Bộ phả hệ vẫn được nắm chặt trong bàn tay nhuốm đầy máu. Dân làng, vợ con chôn cất ông trong nước mắt và mang bộ phả hệ ấy về giữ cho đến ngày hòa bình...

Trên đây là hai trường hợp cảm động mà chúng tôi ghi lại được sau những lần đi thực tế ở Quảng Nam. Giữ gìn gia phong cũng chính là giữ lại một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử- nguồn cội của mỗi chúng ta. Những giá trị ấy xứng đáng được trả giá như thế để bảo tồn và truyền lại cho con cháu đời sau.

Trương Điện Thắng

Gửi bởi: Thanh Nien Ngày: 24/05/2005

Không có nhận xét nào: