Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

Blog của ông nghị "Quốc Xưa Nay": Trình làng!!

!

(Lanhdao.net) - Chỉ còn một ngày nữa là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc. Với đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai), nhiệm kỳ này của ông sẽ đặc biệt hơn, và bận rộn hơn khi blog Quốc Xưa Nay chính thức "trình làng".

* Đại biểu Quốc hội đầu tiên lập... blog

* Blog của ông nghị "Quốc Xưa Nay"

Giao diện của blog Quốc Xưa Nay trên Yahoo.360

Chuyện "bếp núc" trong blog của ông nghị

Mặc dù blog Quốc Xưa Nay chưa đặt ở chế độ công khai nhưng lượng truy cập vẫn tăng vùn vụt. Đã có rất nhiều blogger vào bình luận, nhắn nhủ, rồi "chào mời" vì ông là chính khách đầu tiên của Việt Nam công khai lập blog. Cũng có người muốn xem "mặt mũi" blog của ông "như thế nào", hoặc để thỏa mãn sự tò mò, hoặc "để lại dấu ấn" trong blog của người nổi tiếng. Số khác thì muốn cùng ông chia sẻ suy nghĩ, tâm tư... Đa phần đều gửi tới ông lời chào "gia nhập" làng blog!

Nhưng khi nhìn vào bức hình của blog Quốc Xưa nay, không ít người ngạc nhiên cho tới nghi ngờ: sao không phải là "ông" Quốc vẫn xuất hiện trên báo đài, mà lại là một... cậu bé? Phải chăng đây chỉ là một blogger giả danh? Trong khi đó, mọi hoạt động trên blog có vẻ vẫn "im ỉm", không động tĩnh gì...

Thực ra, ông Quốc chẳng thiếu ảnh, nhưng ông vẫn dứt khoát chọn "cậu bé" này, bởi đây là tấm hình của ông chụp cùng với gia đình hồi năm 1951. Và thể theo yêu cầu của ông, hình ảnh "cậu bé" này đã được tách riêng để làm "mặt tiền" trên blog. Ông muốn giao diện của blog thật giản dị. Mọi thông tin cá nhân trên blog ban đầu cũng rất "khiêm tốn" và cũng chưa vội vàng để public (công khai).

Điều đặc biệt nhất phải kể đến đội ngũ nhân lực, blog Quốc Xưa Nay cũng không thua kém blog của các nhân vật tầm cỡ thế giới khi có tới (ít nhất) 4 "trợ lý" và cố vấn tình nguyện thường trực! Xem chừng nghề tổng quản blog ở Việt Nam đã có cơ phát triển, nhất là nếu cư dân mạng lại xông vào... "tát" (tag) ông!

Đại biểu Dương Trung Quốc (ngoài cùng bên phải) cùng với các anh chị ngày 15/9/1951. Theo yêu cầu của ông, quản trị blog đã tách "cậu bé Quốc" để đặt lên trang chủ. Chỉ có điều, cậu bé không hiểu sao lại cứ buồn thiu?

Bắt đầu hé mở chuyện nghị trường

Các bài viết đầu tiên trong blog Quốc Xưa Nay hiện giờ đều là các bài báo của ông đã từng được đăng tải. Đó là những suy ngẫm, những câu chuyện mạn đàm về thời cuộc và cả những chuyện tưởng chừng vụn vặt trong con mắt của một nhà sử học, một người viết báo, và một đại biểu Quốc hội...

"Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn gây sự quan tâm trên mặt báo và quanh bàn trà. Nửa đầu của kỳ họp đã bị chìm vào những ký ức đầy ấn tượng của các sự kiện dồn dập xoay quanh APEC và WTO. Nhưng nửa sau của kỳ họp cũng lại gây ấn tượng chính vì nó đặt trên cái nền hoành tráng của những thắng lợi ngoại giao và hội nhập.

Thay vì ấn tượng lạc quan về những thành công lại là những nỗi lo trước những đòi hỏi ngày một cao khi chúng ta đã hội nhập mà một trong những công việc cuối cùng trong chương trình nghị sự ở cuối kỳ họp này là Quốc hội thông qua việc gia nhập WTO.

Nỗi lo lắng ấy càng thể hiện rõ trong phiên chất vấn các vị đứng đầu bộ máy hành pháp và tư pháp. Sự đánh giá về kỳ chất vấn trên các phương tiện truyền thông và nhất là trong dư luận xã hội vẫn còn khác nhau. Người cho rằng có tiến bộ, người thất vọng...

Đến như nội dung trả lời chất vấn của ông Chánh án Toà tối cao làm rất nhiều người phản ứng hơn cả sự thất vọng thì vẫn có người khen (mà cá nhân tôi cũng chia sẻ) rằng: ít ra ông ấy là người dám nói ra sự thực. Phát biểu trả lời phỏng vấn báo chí sau phiên chất vấn, ông còn đưa ra một câu nói ấn tuợng hơn: “Chỉ có nói dối mới đáng xấu hổ!” .

Giả dụ ông ấy là người khôn ngoan, giỏi biến báo như nhiều vị khác thì sự việc sẽ được vo tròn rồi lẩn mất tăm trong những câu trả lời vòng vo cho đến lúc…hết giờ chất vấn thì làm sao xã hội có thể biết đến một sự thật kinh hoàng đến như vậy!? Mà vào thời buổi này những tiếng nói trung thực chưa phải đã nhiều và trên thực tế những nội dung trả lời chất vấn ở Quốc hội chưa bao giờ được thẩm tra. Duy chỉ có một đồng thuận cao là lần này, Thủ tướng đã tạo được ấn tượng mạnh và một niềm tin cậy qua cuộc chất vấn đầu tiên ở cương vị mới này".

Cũng trong bài viết "Nghĩ về việc chất vấn ở Quốc hội", ông đã đọc lại bản tưởng thuật phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa I.

Có đến 11 vị phải ra chất vấn (...) Thay mặt Bộ Nội vụ, cụ bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng khiêm nhường phát biểu: ”Nước nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, đó là công lao của Hồ Chủ tịch. Nhưng trong nước có những việc không hay đó là việc của tôi!” (...)

Bộ trưởng Kinh tế Chu Bá Phượng thì bị các đại biểu “chê” là lúng túng khi trả lời chất vấn. Bí quá ông bèn mời các vị chất vấn có dịp sang bộ của ông sẽ trình sổ sách giấy tờ...

Bộ trưởng y tế Hoàng Tích Trí “bị” các đại biểu như Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hồ Đức Thành chất vấn cũng lúng túng trả lời không rõ ràng..."

Từ câu chuyện đó, ông rút ra một điều: "60 năm sau, đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội mới thấy giá trị của cái nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hoà Dân chủ vững chãi đến dường nào. Nghĩ cho cùng thì, cho dù Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta đã đi được một chặng đường xa, nhưng cũng có nhiều giá trị mà đến nay ta còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa. Việc chất vấn ở Quốc hội cũng vậy!"

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: K.Minh

Những câu chuyện nhỏ và một bồ kiến thức

Một blog cá nhân được hiểu đơn giản nhất là một cuốn nhật ký online. Nhưng, với một "pho sử" cùng những kinh nghiệm trong làm báo, rồi hoạt động ở chốn nghị trường, cộng với sự chịu khó viết lách, blog Quốc Xưa Nay giống như một bộ sách, mà trong đó, lĩnh vực nào cũng có chuyện để mà nói, để mà bàn.

Ai ghé qua blog cũng có thể "thu về" được một lượng kiến thức. Hoặc ít nhất, khi đọc những bài viết, các blogger cũng cảm thấy nó có ích cho mình: từ những chuyện lớn như gia nhập WTO, cho tới chuyện làm ...nghèo không khó, đặt tên đường phố, rồi cả những chuyện nhỏ như.. đi bộ hay tên đường phố.

"Việc đặt tên đường phố bằng những “danh nhân” chỉ bắt đầu có từ thời Tây sang cũng là thời các đô thị đã thay dần các “kẻ chợ” với những đường phố đựơc quy hoạch ngay ngắn, nhu cầu đặt tên cho các đường phố được đặt ra. Và kể từ đó, tập quán lấy tên các nhân vật – theo tiêu chí là “danh nhân” bắt đầu xuất hiện.

Đọc lại lịch sử tên gọi các đường phố của nước Pháp thì thấy vào thời điểm đó khuynh hướng “chính trị hoá” tên đường phố cũng đang thịnh hành ở nước Pháp. Xa xưa, ở các đô thị của nước Pháp người ta cũng ít dùng tên người. Tên gọi thường được xác lập theo tập quán của cư dân sống trên đường phố đó. Vì vậy, tên goi thường rất thông tục, đôi khi vô nghĩa. Ví như “Poil-au-Cue”(có thể dịch là cái lông đít), “Tire-Vit (Làm nhanh lên), “Tire-Boudin” (lôi khúc dồi ra)…Đó là những cái tên thời trước Cách mạng 1789.

Sau Cách mạng, nguời ta bắt đầu gán cho cái tên đường phố những ý nghĩa xã hội hay tư tưởng chính trị. Trước hết họ bắt đầu đổi nhưng tên dân dã, ví như “Pute-Y-Muse” (Con điếm và Nàng Thơ) thành “Petit-Muse” (Nàng thơ nhỏ bé),”Pet-Au-Diable” (Đánh rắm bậy) thành “Tourniquet” (Cửa quay) rồi sau này là Washington - Tống thống đầu tiên của Hoa Kỳ…

Đồng thời các tên danh nhân theo quan điểm của các nhà cách mạng được đặt như Voltaire, Mirabeau, Jean Jacques Rouseau nối dài đến thế hệ của Charles de Gaulle…

Truyền thống ấy kéo dài đến hiện nay bao gồm cả các nhân vật văn hoá, nghệ thuật… nhưng thường vẫn lép vế hơn các chính khách…(*)" - Về tên đường phố (Trích blog Quốc Xưa Nay).

Đại biểu Quốc hội: "3 trong 1"

Là một blogger, ông có thêm một kênh đại chúng nữa để tiếp cận với người dân. Còn quay trở lại vai trò của đại biểu Quốc hội, ông vẫn nói vui rằng: "Mình nhiều khi chỉ là một viên thuốc an thần, trong khi dân cần một viên thuốc chữa bệnh".

- Trong một năm, ông dành ra bao nhiêu thời gian để giải quyết các vấn đề thuộc quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội?

Về lý thuyết, theo quy định thì một đại biểu không chuyên trách dành ra 1/3 thời gian để hoạt động Quốc hội. Nhưng rất khó để thống kê cụ thể.

Thí dụ, tôi ở trong Ủy ban Văn hóa giáo dục, tôi tham gia một số hoạt động đối ngoại như tổ chức đi giám sát, tiếp khách, đi làm việc và cả những buổi hội thảo về lập pháp v.v... Cho nên với cử tri, nhiều khi tôi không chủ động được, cử tri đến lúc nào là mình phải tiếp lúc đó, dù là sáng sớm hay là vào buổi tối.

- Trong vai trò của đại biểu Quốc hội không chuyên trách, làm thế nào để ông giải quyết hết các công việc đó?

Tôi vẫn cho rằng đại biểu Quốc hội thì phải là chuyên trách, tính chuyên nghiệp cao, và có bộ máy làm việc. Bởi vì một trong những cái khó nhất mà chúng tôi xử lý, thí dụ như xử lý cái đơn của dân chẳng hạn, thì nhiều lúc thấy mình chưa đủ năng lực về pháp luật để có thể phân định được, phát biểu được ý kiến của mình. Nếu chỉ làm công việc đơn giản của người truyền đơn, giống như là anh bưu tá thì tôi cho rằng nó chỉ giải quyết được một khâu hết sức hình thức.

Tôi đã phát biểu trước Quốc hội: người đáng được trợ giúp pháp lý nhất chính là đại biểu Quốc hội, bởi vì đại biểu - kể cả tôi - cũng không phải là những người am hiểu hết tất cả các vấn đề của luật pháp.

Tôi cứ hay nói vui là, một đại biểu Quốc hội là phải "3 trong 1": Thứ nhất là đại biểu với tư cách là được luật định, với quyền lực được luật định; Thứ hai là là một luật sư, một nhà luật học, có đủ khả năng phân tích vấn đề trong quá trình lập pháp, giám sát; Thứ ba là một nhà truyền thông PR (quan hệ công chúng) tốt để có thể đưa được tiếng nói của mình tác động mạnh vào trong đời sống xã hội.

Tùng Anh

Không có nhận xét nào: