14:11' 19/07/2003 (GMT+7) |
Sau khi VietNamNet xuất bản bài trả lời phỏng vấn của GS. Hoàng Tuy về vấn đề công nhận chức danh GS, PGS rồi đây sẽ được tiến hành hàng năm kể từ năm 2002, tòa soạn VietNamNet đã nhận được bài viết của Giáo sư Trần Thanh Đạm bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS Trần Thanh Đạm như những ý kiến khác về cùng một vấn đề, và mong quý độc giả, nhất là các GS, những nhà khoa học tiếp tục bày tỏ ý kiến của mình. *** Những người quan tâm đến vấn đề này ở các trường ĐH đã in lại bài này và truyền cho nhau đọc. Nhờ đó, tôi (GS Trần Thanh Đạm) cũng được đọc. Có một số ít điểm GS.Hoàng Tuỵ nói tôi đồng tình, song cũng có nhiều điểm tôi không đồng ý. Tôi chỉ xin nêu nêu sau đây một số, không phải tất cả. Vì nếu thắc mắc với tất cả bài của GS thì tôi phải viết một bài dài gấp 10 lần bài này. Thật ra, ý kiến của GS.Hoàng Tuỵ phần lớn chỉ là những lời bài bác phủ nhận, các kiến nghị xây dựng cũng không có gì rõ ràng hoặc rất khó hiểu, cho nên tôi nghĩ chỉ nêu lên vài điểm tiêu biểu thôi cũng đủ, chủ yếu là về tính khoa học trong các lập luận của GS. Xin tự giới thiệu tôi chỉ là nhà giáo nghỉ hưu, không có trách nhiệm gì tiếp thu hay giải trình các ý kiến của GS. Hoàng Tuỵ. Vốn quan tâm đến giáo dục, tôi chỉ bàn bạc thêm cho rộng đường dư luận mà thôi. Các đồng chí có trách nhiệm ở Bộ GD - ĐT nên có sự phân tích, trao đổi lại, không nên “thủ khẩu như bình” hay “ngậm bồ hòn làm ngọt”, “sư nói cũng phải, vãi nói cũng hay”. GS. Hoàng Tuỵ thật là nhạy cảm, thấy hai chữ “học hàm” thì nghĩ đến đầu óc phẩm hàm, chắc thấy hai chữ “học vị” lại nghĩ đến đầu óc địa vị sao ? Thực ra, chữ "hàm" cũng như hai chữ "học hàm" chẳng có tội lỗi gì cả. GS. Hoàng Tuỵ chắc ít biết đến chữ Hán song chữ Pháp thì chắc biết rõ hơn. Nó là chữ titre, titre universitaire. Còn "phẩm hàm" là titre nobiliaire ; đó cũng là một thứ danh (tên gọi) mà thôi, có điều là dành để gọi những người sang, giữ những chức vụ đáng tôn trọng, cần tôn vinh v.v… Gọi bằng cấp trong giáo dục và khoa học là học vị, gọi chức vụ trong khoa học và giáo dục là học hàm còn rõ hơn là chức danh. Làm chức gì mà không có danh? Cán bộ, công chức, nhân viên nào mà không có chức danh : kế toán, bảo vệ, hiệu trưởng, giám đốc. GS. Hoàng Tuỵ bảo là chỉ ở ta mới có học hàm, thế thì hai chữ ấy của Trung Quốc đấy chứ. Tôi không biết Anh Mỹ gọi thế nào, nhưng tiếng Pháp thì có titre : professeur là titre, maréchal cũng là titre, GS công nhận đây là “tiến bộ đáng ghi nhận", đó là GS nói thật lòng hay nói mỉa mai ?
Có thể GS. Hoàng Tuỵ (và cả người phỏng vấn nữa) nghĩ rằng đưa ra một con số “động trời” như vậy để cho các vị GS, PGS có thân phải lo, nghĩ lại mà sợ, từ đó mà khiêm tốn, chăm chỉ học hành, nghiên cứu để khỏi bị “thu hồi chức danh”. Song tôi trộm nghĩ rằng: sẽ không có vị GS, PGS nào sợ điều ấy cả. Vì ai cũng nghĩ rằng mình không thuộc vào số 1/3 kia. Trong truyện "Chí Phèo" của Nam Cao, nhà văn kể rằng, có lần Chí Phèo uống rượu say vào, nó chửi cả làng Vũ Đại, nhưng cả làng Vũ Đại chẳng có ai ra lời, vì ai cũng nghĩ : “Nó chừa mình ra”. Tôi nghĩ dù có nâng 1/3 lên 3/4 thì cũng không có tác dụng gì vì mọi GS, PGS, kể cả tôi, cũng đều nghĩ thầm: mình được chừa ra. Thế thì giá trị khoa học cũng như giá trị giáo dục của cái nhận định 1/3 kia nào có được là bao nhiêu. Chỉ anh nào phạm kỷ luật hay phạm pháp luật thì bị thu hồi chức danh, song cũng không thể đến 1/3 tổng số GS, PGS hiện hành. 4. Đề cập đến tổng kết của Bộ GD - ĐT cho rằng, hiện nay mới có 50% giảng viên ĐH tham gia nghiên cứu khoa học (con số quá tròn này quả thật đáng ngờ!), GS. Hoàng Tuỵ châm biếm cũng bằng cách so sánh với “các nước” : "Theo tôi biết nhiều ĐH lớn ở các nước cũng chỉ đạt tỉ lệ khoảng 2/3 giảng viên có nghiên cứu khoa học. Đối với số đông các trường ĐH làng nhàng của họ thì hàng năm có 50% GV nghiên cứu khoa học đã là khả quan”. Còn ta 50% “Nghe thật sướng tai vì như vậy còn chê trách ĐH Việt Nam nỗi gì”. GS có nói thêm nữa chỉ để chứng minh rằng “cái gọi là công trình KH ở nước ta… rất thấp.." Để so sánh giáo dục nước này với nước kia, cần phải làm các công trình nghiên cứu cẩn thận, nghiêm túc, không thể “cương” ra, “tố” ra các con số này, phần trăm nọ mà có thể thuyết phục được ai đó. Có những nhà khoa học trong lãnh vực của mình thì đòi hỏi chính xác rất cao, song sang các lĩnh vực khác (nhất là về Khoa học xã hội) thì đòi hỏi chính xác đó không còn nữa. Đến một chút “thận trọng trí thức” (probité intellectuelle) cũng không có nữa. Thiếu một thái độ thận trọng như thế, các ý kiến nêu ra thường chỉ chứng minh ở họ những điều mà họ phê phán người khác. Trong giáo dục, tôi thấy nhiều nhà khoa học còn “duy ý chí” hơn cả các nhà chính trị. Có lẽ các nhà chính trị thì “kinh cung chi điểu” (chim sợ cung rồi), còn các nhà khoa học, nhất là khoa học không phải ở “các nước” mà ở “nước ta”, thì chưa phải cung lần nào nên không sợ cây cong. Có lẽ đã đến lúc nếu không dừng hẳn thì cũng giảm bớt đi những cách phê phán nặng nề, “nói cho đã”, mà phải bình tĩnh gỡ từng mối rối, từ phổ thông đến chuyên nghiệp đến ĐH và trên ĐH v.v… theo những đề án có chuẩn bị, có tính toán, suy nghĩ, có thảo luận dân chủ rộng rãi và tập trung kiên quyết, cả hai đều với tinh thần trách nhiệm rất cao và tình thương yêu rất sâu. Không thể “người nói không có lỗi, người nghe phải răn mình” hoặc “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng … hai chân”.
|
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007
Một kiểu phê bình giáo dục
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét