Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

Địa linh nhân kiệt


Ðã từ lâu chúng ta vẫn thường nghe mọi người nhắc nhở nhóm từ “Ðịa linh nhân kiệt”. Nhóm từ này thường được dùng để nói về một nơi chốn nào đó, chốn đã sản sinh ra nhiều người tài giỏi.

“Tưởng gì, điều đó ai mà không biết, có vậy mà cũng nói”. Ðã đành ai cũng biết như vậy, nhưng có ai thử ngồi suy nghĩ tại sao, địa - đất đai, chỗ này linh mà chỗ kia không linh, cái gì đã khiến cho địa linh, và địa linh thì có liên quan gì đến nhân kiệt.

Nếu như có người hỏi rằng: Này bạn, nghe nói ngôi chùa cổ cả ngàn năm kia linh ứng lắm hay là nghe nói miếu bà chúa Y, X… thiêng lắm, ai muốn mua may bán đắt đến mượn tiền ấy về đầu tư sẽ được như ý, theo sự hiểu biết của bạn, bạn có tin điều này không?

Tại sao có và tại sao không? Theo bạn, bạn nghĩ thế nào?

Riêng đối với tôi, tôi sẽ trả lời rằng: “Tôi tin chốn ấy quả là có linh thiêng, vì sự thật hiển nhiên, không linh thiêng thì ai mà đem tiền bạc của cải đến để dâng cúng, không phải chỉ có một hay hai người, mà hàng trăm, hàng ngàn người, từ năm này qua năm khác, kéo dài cả trăm năm rồi cả ngàn năm, nhưng mà tôi không tin có một linh hồn của ông Quan Công hay linh hồn của bà Chúa Xứ hoặc là một Phật ông, Phật bà nào còn tồn tại mà ở mãi trong ngôi chùa, ngôi miếu đó để phù trợ cho nhân gian cả. Nói như vậy không có nghĩa là tôi phỉ báng thánh thần mà trái lại tôi vẫn tin cõi đời này có rất nhiều loại chúng sinh như lời Phật dạy”. Hơn nữa, bạn vẫn biết rõ rằng đức Phật không hề giáng họa hay ban phước cho ai cả, hoạ hay phước là do con người tự gieo và gặt lấy.

Bạn sẽ hỏi tôi: “Ồ, nếu bạn nói vậy thì làm sao linh, cái gì khiến cho cuộc đất, ngôi miếu, ngôi chùa đó trở nên linh ứng?” Hì hì, tôi sẽ kéo tay bạn lại, ấn bạn ngồi xuống ghế đây, rồi ta từ từ phân tích, bạn sẽ hiểu ngay, đơn giản lắm thôi. Ờ mà muốn giải thích cái này, phải lan man qua lãnh vực phong thủy:

Khi nói đến phong thủy thì phải nhìn nhận cái “hạt nhân của phong thủy là khí thời xưa, trường thời nay”. Vậy khí là gì đây. Khí, thật ra nó chỉ là một loại vật chất tất cả những người bình thường không sao nhìn thấy được. Người xưa chia vật chất thành hai bộ phận, một bộ phận là “hình” có thể nhìn thấy được, sờ mó được; một bộ phận khác là “khí” không nhìn thấy, không sờ mó được nhưng vẫn tồn tại một cách khách quan. Nói một cách bao quát, đại khái hơn một chút là “hình” và “khí” là hai hình thức biểu hiện của cùng một loại vật chất, “hình” và “khí” có thể chuyển hóa lẫn nhau, tụ thì thành “hình”, tán thì hoá “khí”. Nên nhớ khí đây không phải là không khí mà ta thở ra hít vào mỗi ngày đâu nhé. Trung y gọi “khí” là vật chất tinh vi, Ðạo gia gọi “khí” là vật chất cực nhỏ nên có thể chuyển động được. (Một Ðạo gia sớm có vũ trụ quan – Trang Tử - cho rằng “Bản nguyên của muôn vật trong trời đất là KHÍ là ÐẠO. )

Cái quan niệm “ tụ thì thành hình, tán thì hoá khí” của người xưa gần đây được nhìn nhận phù hợp với kết quả của các công trình nghiên cứu vật lý đã tìm thấy rằng vật chất tồn tại dưới hai hình thái: một là dưới dạng thực thể do hạt cơ bản tạo thành, hai là dưới dạng trường mà cảm quan của con người không sao phát hiện được. Cần chú ý rằng, đây là hai mặt của cùng một sự vật, hình thể và trường luôn gắn chặt với nhau, trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hóa lẫn nhau. Do trường động sẽ thành sóng( chẳng hạn trường điện từ dao động sẽ thành sóng điện từ) vì thế trường và sóng thật ra là một.

Và mọi vật chất hiện hữu trên thế gian này đều có trường khí bao bọc, hay đúng hơn là một dạng sóng nào đó bao bọc. Ở con người nó được gọi là trường nhân thể.

Các công trình nghiên cứu khoa học đã cho hay ở ngoài cơ thể chúng ta quả có bộ áo trong suốt giống như sương mù, mắt không nhìn thấy, tay không sờ thấy, gồm có ba lớp tưa như áo lót, áo mặt trong, áo khoác ngoài vậy. Ðương nhiên bộ áo này chỉ có những người có công năng đặc dị hoặc đã khai mở “thiên mục” là có thể nhìn thấy, còn “người trần mắt thịt” phải dựa vào các thiết bị vật lý mới có thể nhìn thấy được. Ðó chính là trường khí của con người, là trường nhân thể.

Trường nhân thể có nhiều điểm đặc biệt hơn trường khí của các loại vật chất khác mà đặc điểm rõ rệt nhất là tính có thể điều khiển được nó, nghĩa là có thể dùng ý thức điều khiển khí, một đặc điểm khác là tính hữu cơ của nó, nghĩa là nó được sản sinh ra từ tế bào, acid amin, protein, nhân tế bào đặc biệt là từ mã di truyền AND, acid dezoxibonucleic.

Trường nhân thể hay gọi tóm tắt là trường khí này có chứa một năng lượng mà các nhà nghiên cứu gọi là trường năng lượng nhân thể hay trường năng lượng sinh học có thể đo được bằng máy móc.

Các nhà khoa học đã dùng ống nhân quang (photomultiplier) và kỹ thuật xử lý ảnh vô tuyến đã ghi lại được trường năng lượng sinh học bao quanh cơ thể con người.
Ðiều đáng nói là các quan sát thực nghiệm đã cho thấy sự biến đổi cường độ của trường này có liên quan đến tâm lý và tình hình sức khỏe của cơ thể. Trạng thái tâm lý đề cập đến ở đây chính là khâu “Ðiều tâm” trong khí công. Các kết quả cho thấy trạng thái tâm lý của những người có trường năng lượng tương đối mạnh phù hợp với yếu lĩnh điều tâm của khí công . Nhất là có những người trường năng lượng tồn tại kéo dài sau 15 – 20 phút mới mất.

Ngày nay con người dần dần nhận ra rằng, cái gọi là linh khí, hào quang chính là trường năng lượng của con người được ý nghĩ chỉ huy . Trường năng lượng sinh học(một tên gọi nôm na khác là Nhân Ðiện) này có thể thẩm thấu vào khoảng không và vào mọi vật thể, nó vừa có tính điện từ lại vừa không có tính điện từ. Thực nghiệm đã chứng minh con người có thể hấp thụ năng lượng ở trường vũ trụ lại vừa có thể bức xạ năng lượng vào trường vũ trụ. Thế nhưng trường năng lượng sinh học của con người mạnh hay yếu tùy thuộc vào thể chất và chức năng sinh lý của từng ngưòi, đặc biệt liên quan mật thiết với trạng thái tinh thần của mỗi cá nhân. Tóm lại, việc nghiên cứu và đo đạc trường sinh học chứng minh rằng trong cơ thể con người có tồn tại một trường năng lượng chịu sự chỉ huy của ý nghĩ của mình, có tồn tại mối quan hệ giữa cơ thể, trạng thái tinh thần và các tín hiệu của trường năng lượng vũ trụ. Trường nhân thể là sự thể hiện những đặc trưng của một loại năng lượng vạn năng; loại năng lượng này gắn chặt với sự sống của con người; nó được mô tả như một vật phát sáng, vật phát sáng này bao bọc và xuyên qua cơ thể con người, đồng thời phát ra những bức xạ vốn có riêng của nó, loại năng lượng này có thể làm cho con người tương tác với nhau trong một khoảng cách nhất định.

Ảnh hưởng của ý niệm đối với khí rất to lớn và là nguyên nhân quyết định sự việc. Ý niệm được chia thành hai loại: Thiện và ác, ác niệm có thể dẫn đến độc hại. Người ta đã làm một thực nghiệm về tâm lý và phát hiện rằng: Khi con người có mầm mống ác niệm thì về sinh lý có thể gây ra sự thay đổi hóa học và làm cho một loại dịch thể nào đó chuyển hóa thành độc tố xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể con người, từ đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Như vậy coi như tạm xong phần phong thủy nhưng cũng có liên hệ đến khoa học rồi đấy bạn ạ. Nhưng bạn vẫn còn thắc mắc rằng cái này có dính dấp gì tới chuyện linh không linh phải không ạ ?

Rõ ràng là có chứ sao không. Này nhé, đã bảo là ý nghĩ của con người sẽ tác động lên trường năng lượng nhân thể khiến cho nó có thể mạnh hay yếu hơn có phải không. Một con người trong lúc thành tâm thành chí có phải là một hình thức “điều tâm” không? Phải quá đi chứ. Mà con người khi đã đi đến chùa miếu để cầu xin van vái điều gì đó tất nhiên là phải có lòng tin mới đi chứ. Khởi đầu những nơi chốn linh thiêng đó thật sự cũng có một vài hiện tượng linh ứng xảy ra bởi trường năng luợng còn tồn tại đâu đó của những vị tu hành đạo cao đức trọng đã rời bỏ thế gian khiến cho con người sinh lòng tin tưởng. Chính cái lòng tin của một người, hai người, ba người khi đến đó để cúng bái, cầu xin đã tạo ra một trường năng lượng mới vừa thẩm thấu vào không gian quanh đó lại vừa tác động trở lại vào trường năng lượng của cơ thể con người, khiến con người cảm thấy có điều ứng nghiệm xảy ra, trường năng lượng mới này dần dần được khuếch tán mạnh mẽ hơn bởi vì ai đến đó cũng mang niềm tin đến và khi ra về cũng mang theo về ít nhiều năng lượng đã thu nhập từ nơi đó, trải qua ngày tháng chất chồng trường khí của những nơi thờ phượng đó trở thành linh thiêng, thậm chí có những vật vô tri cũng được thẩm thấu trường năng lượng bởi sự va chạm lâu dài thí dụ như quyển kinh, cái chuông cái mõ chẳng hạn, đó cũng là một hình thức nén khí mà đôi khi người ta dùng những vật đó để trừ tà rất là hiệu nghiệm.

Do đó ta có thể kết luận rằng những cuộc đất được con người khai thác, sống chết với nó càng lâu càng dài sẽ có những điều kiện phong thủy sản sinh ra con người tài giỏi nhiều hơn những cuộc đất mới khai thác. Và con người được sinh ra, lớn lên trong môi trường đất đai có trường khí linh thiêng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã hấp thu được cái trường năng lượng tốt rồi thì không vượt bực hơn những người ở nơi khác sao được. Và còn điều đáng nói nữa là trường khí hay nôm na là sóng có tính chất thu hút những dạng sóng khác cùng tần số với nó (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Dựa theo những khám phá trên, một con người sau khi rời bỏ thế gian thì mới đầu cái trường khí vẫn còn đó, trường khí này không có vật chất để trụ vào thì theo khuynh hướng tự nhiên nó dễ dàng bị thu hút, kết nạp vào những vật chất có cùng dạng sóng bao bọc. Trường khí thanh, nhẹ do bởi con người lúc còn sống có nhiều thiện niệm thì được thu hút đến những vùng, nơi, vật chất có trường khí thanh, nhẹ giống như nó. Trường khí ô trọc, nặng nề do bởi con người lúc còn sống có nhiều ác niệm thì cũng sẽ bị thu hút vào những vùng, nơi, vật chất có trường khí nặng nề như nó. Nguyên lý này có thể giải thích thuyết nhân quả bởi vì đã đành con người nhận chịu cái quả xấu là do gieo nhân xấu, bản thân người đó sẽ nhận lãnh quả báo về sau (có thể là kiếp khác), nhưng vì hành động không thiện làm cho trường khí bị ảnh hưởng và nó thu hút những trường khí cùng loại đến phát tác vào những vật chất chung quanh bắt đầu thành tựu nơi đó chẳng hạn như con, cháu, thế hệ sau của người đó, và khi thế hệ sau đó nhận chịu những hệ quả xấu mà chính bản thân thế hệ sau đã gieo nhân trong quá khứ thì người làm cha mẹ, ông bà của thế hệ sau có thể dửng dưng được hay không ? Người của thế hệ trước nhận cái quả gián tiếp và người thế hệ sau nhận cái quả trực tiếp .

Ðiều kiện phong thủy đã đành là cũng lệ thuộc dáng núi hình sông mà un đúc nên những loại trường khí tốt cho lãnh vực này hay lãnh vực khác nhưng nếu không có cái nhân tốt để cho trường khí tốt có cơ hội thẩm thấu vào và phát triển mạnh mẽ hơn thì làm gì địa mà linh cho được. Ta phải nhìn nhận một điều rằng đất đai miền Bắc và miền Trung, nhất là miền Bắc, là đất cũ lâu đời, con người sinh sống ở đó, trường khí trải ra đó quanh đi quẩn lại đã hơn cả ngàn năm, biết bao anh hùng hào kiệt đã được sinh từ đó và cũng đã được vùi lấp trở lại mãnh đất đó thì không trách gì người Bắc, người Trung dễ dàng thăng tiến trên mọi lãnh vực. Tuy là vậy nhưng cũng không có nghĩa là những miền khác không sản sinh được nhân kiệt, điều này còn phải xét điều kiện trường khí của từng gia đình, giòng tộc nữa. Cho nên cũng không lấy làm lạ khi một gia đình nếu kém phần âm đức mà có được một ngôi đất tốt thì cũng trở thành vô dụng, đôi khi còn bị phản tác dụng nữa là khác.

Tác giả: không rõ

Gửi bởi: Đặng Đình Thi Ngày: 08/02/2006

Không có nhận xét nào: