Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2007

Cậu thủ khoa nghèo trên chiếc xe lăn


Tưởng mong sẽ trở thành "Công Hùng thứ hai". Ảnh: Tiền Phong.

Người dân xã Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh vẫn chưa quên hình ảnh cậu bé loắt choắt có đôi chân teo tóp ngày ngày được cậu em cần mẫn cõng, đèo đến trường hơn 10 năm. Cậu học trò bại liệt ngày nào giờ không chỉ là sinh viên mà còn đạt danh hiệu thủ khoa ĐH Thái Nguyên.
> Tuyên dương thủ khoa Việt Nam 2007

Nguyễn Duy Tưởng bị bại liệt từ nhỏ. Đôi chân bụ bẫm teo dần rồi không đi được. Hồi học lớp một, hằng ngày mẹ cõng Tưởng đến trường. Thế nhưng học dở lớp một thì mẹ ốm nặng, nhà lại nghèo nên không ai cõng đi học, Tưởng đành nghỉ ở nhà. Mỗi khi thấy các bạn cùng lứa cắp sách đến trường, Tưởng lại hỏi mẹ: “Bao giờ con lại được đến trường?”. Người mẹ chỉ biết rớm nước mắt nhìn con.

Đợi em cứng cáp cõng mình đến trường

Bốn năm sau, em trai của Tưởng là Nguyễn Duy Tin học lớp hai, chân tay cứng cáp đã đề nghị với bố mẹ được cõng anh đi học. Kể từ đó, đôi chân của Tin đã thành đôi chân chung của hai anh em. Từ lớp một đến lớp năm, dù nắng, mưa hay bão tố, Tin vẫn cần mẫn cõng anh đến trường.

Tưởng kể, vào những lúc trời mưa to, đường trơn, chân Tin yếu, hai anh em thường xuyên bị ngã, quần áo ướt sũng nhưng đến lớp cô giáo và bạn bè đều nhìn đầy trìu mến. Tin gầy nhỏ nên cõng anh rất khó khăn, nhưng cậu vẫn quyết tâm vì thương anh, thương mẹ nghèo.

Lên lớp 5, nhà mới có xe đạp, Tin quyết tâm tập đi. Vậy là hai anh em đỡ vất vả hơn, đường đến trường của 2 anh em dường như ngắn lại.

Nguyễn Duy Tin hiện là sinh viên năm thứ hai, khoa Máy, ĐH Xây dựng Hà Nội. Tin tâm sự, anh Tưởng liệt cả hai chân nên em coi chân mình cũng như chân anh ấy.

"Em nhớ hồi mới tập đi xe đạp, hai anh em bị ngã rất nhiều do em hiếu động. Một lần, vừa đặt anh lên xe, vào đoạn đường trơn phanh gấp, hai anh em ngã nhào. Em thì không sao nhưng anh Tưởng không chủ động chống đỡ được nên ngã “quả” nào biết “quả” ấy. Đi bộ vất vả nhưng đi xe anh ấy ngã nhiều hơn, đau hơn", Tin nhớ lại.

Bố mẹ Tưởng và Tin là bộ đội phục viên. Nhà có ba anh em, Tưởng và Tin đều là sinh viên đại học. Bây giờ cả nhà chỉ có 8 sào ruộng để nuôi hai anh em ăn học. Chị gái đi làm công nhân đồng lương còm cõi một tháng không giúp mẹ được mấy. Vậy nên, lúc nông nhàn, bố Tưởng phải đi phụ hồ còn mẹ đi thu mua ve chai kiếm thêm thu nhập.

Khi hỏi về mức sống bây giờ, Tưởng nói: “Em được 400 nghìn đồng mỗi tháng, em trai 500 nghìn đồng. Chỉ thương Tin học ở Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ, lại là con trai…”.

Giờ Tưởng đang là lớp phó đời sống và thường hay hát quan họ cho các bạn nghe. Tưởng có một sở thích khá thú vị là đọc thơ Hồ Chí Minh, và gần như thuộc hết tập Nhật ký trong tù.

Em mơ chiếc máy vi tính cho anh

Hôm tuyên dương thủ khoa 2007, cả hội trường lặng đi khi Tưởng ngồi xe lăn ra sân khấu nhận giải. Tin ngồi dưới cũng không khỏi nghẹn ngào.

Tin kể: “Để có tiền cho hai anh em nộp học phí mẹ đã phải đi vay ngân hàng một lúc mấy triệu đồng để dành vì vay ít ngân hàng không cho vay. Hi vọng, khi ra trường đi làm có tiền mới trả được chứ bố mẹ em làm gì có tiền”.

Chiếc xe đạp bảy năm cần mẫn cùng anh đến trường, giờ đây lại cần mẫn đưa Tin suốt quãng đường 7 km đi học. Em cũng không dám đi xe buýt, phải thuê nhà trọ xa cho rẻ tiền: “Một tháng mẹ cho 500 nghìn đồng, mà Hà Nội tiêu pha đắt đỏ lắm”, cậu sinh viên ĐH Xây dựng bộc bạch.

Khi hỏi về ước mơ, Tin nói: “Em mong anh Tưởng có được cái máy vi tính. Vì anh ấy học công nghệ thông tin, không có máy thì vất vả lắm. Mà điều kiện nhà em thì chắc không mua nổi. Em phải học cả ngày do đăng ký học tín chỉ nhiều môn để kết thúc khóa học sớm Mai này ra trường đi làm em sẽ trả hết nợ cho bố mẹ”.

"Em mong sau này làm được nhiều việc có ích cho mọi người, ví dụ như lập một trang web có ý nghĩa với cộng đồng chẳng hạn. Nhưng ước mơ lớn nhất của em là Tín trở thành người đàn ông thành đạt, bản lĩnh và nhân ái", Nguyễn Duy Tưởng tâm sự.

(Theo Tiền Phong

Không có nhận xét nào: