Cơ quan chức năng phát hiện, việc bán chất thải y tế chưa qua khử trùng và tiệt khuẩn không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, mà đang diễn ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh.
> Mua rác bệnh viện sản xuất đồ dùng sinh hoạt
Hơn 70 bao tải chứa chai lọ, vỏ thuốc, kim tiêm... bị công an phát hiện tại điểm thu mua phế liệu. Ảnh: P.V |
Theo Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, phổ biến là vi phạm về quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế trái với quy định do Bộ Y tế ban hành.
Ba tháng trước, kế hoạch kiểm tra nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bệnh viện K, Phụ sản Trung ương, Bạch Mai, Thanh Nhàn, Đống Đa... đã được cơ quan điều tra tiến hành. Ngày 28/8, Cục phó Cảnh sát môi trường, đại tá Lương Minh Thảo nhận xét: "Hầu hết các bệnh viện đều bán rác thải y tế như Việt Đức. Chỉ có số ít như Thanh Nhàn, bệnh viện 19-8 là tuân thủ tốt".
Chiều 29/8, trao đổi với VnExpress, một thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường, thừa nhận: "Lâu nay việc quản lý rác thải bệnh viện chưa chặt chẽ".
Theo quy định, chất thải từ sinh hoạt bệnh viện xử lý theo quy trình bình thường. Nhưng rác trong quá trình điều trị được liệt vào diện độc hại vì dính bệnh phẩm, nguy cơ gây sát thương (trong đó có kim tiêm), có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Chúng phải được phân loại, bảo quản, quản lý bằng hồ sơ chặt chẽ khi vận chuyển. Chỉ đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hiểm mới được vận chuyển, xử lý. Vị cán bộ này cho hay ở, Hà Nội chỉ có Công ty Môi trường đô thị (Urenco) được giao làm việc này.
Đặc biệt, các bệnh viện phải đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại trên với Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội. Hằng ngày phải cập nhật, ghi vào sổ theo dõi.
Lần đầu phát hiện rác y tế dùng làm đồ sinh hoạt
Ngày 15/8, sau khi Cục cảnh sát môi trường phát hiện hơn 70 bao tải đựng rác phế thải y tế chưa tiệt khuẩn, khử trùng của Bệnh viện Việt Đức bị tuồn ra ngoài, Thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường đã làm việc với bệnh viện.
Chiếu theo quy định, cơ sở điều trị ngoại khoa hàng đầu của cả nước này có 2 vi phạm. Thứ nhất, chưa đăng ký chủ nguồn sở hữu chất thải nguy hại với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường. Mức phạt cho sai phạm này là 12,5 triệu đồng, theo quy định 10-15 triệu đồng. Thứ hai là bán chất thải ra ngoài, quy trình xử lý không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Sai phạm này bị xử lý hành chính 7,5 triệu đồng.
Nhiều kim tiêm dính máu trong các bịch rác. Ảnh: P.V |
Một thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường cho hay, đây là lần đầu tiên cơ quan này cùng Cục cảnh sát môi trường phát hiện vụ tuồn chất thải y tế ra ngoài, bán cho tư thương để tái chế, dùng sản xuất đồ dùng sinh hoạt. Đây cũng là lần đầu tiên việc này bị phát hiện tại Việt Đức. Trưởng khoa chống khuẩn của bệnh viện, ông Lê Văn Bình thừa nhận, sự việc xảy ra do nhân viên quản lý kho trình độ có hạn, tinh thần trách nhiệm kém nên lén lút, tự động chọn lọc các loại không được pháp sử dụng để bán.
Cơ quan điều tra đang làm rõ trách nhiệm từng cá nhân liên quan vụ việc, cũng như số tiền thu về qua việc "bán rác".
Vụ việc tại Bệnh viện Việt Đức là "bài học" cho nhiều bệnh viện khác. Tuy nhiên, việc giải quyết tận gốc vấn đề đang là vấn đề nan giải. Bởi theo đánh giá của vị thanh tra trên, "ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều bệnh viện chưa tốt".
Còn Cục phó Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo lo ngại "tình trạng bán rác thải y tế tại các bệnh viện sẽ tái diễn", nếu công tác quản lý chất thải y tế không được quan tâm đúng mức. Sắp tới, Bộ Công an sẽ kiến nghị Bộ Y tế tăng kinh phí, siết chặt kiểm tra xử lý.
Hoàng Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét