Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

GS Hoàng Tuỵ bất bình là điều dễ hiểu


17:28' 31/07/2003 (GMT+7)

Tôi là một độc giả của VietNamNet và là một người bình thường (không GS hay PGS). Đọc bài trả lời phỏng vấn GS Hoàng Tuỵ, tôi thấy các ý kiến bất bình của GS cũng là điều dễ hiểu tuy rằng với cách giải quyết vấn đề hơi gấp gáp. Về bài viết của GS Trần Thanh Đạm, tôi cho rằng, GS đã thể hiện chuyên môn về ngôn ngữ và văn học không đúng chỗ.

Ai cũng thấy rằng, bài trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Tuỵ là của một nhà khoa học có uy tín (mới được mời phỏng vấn!) về một vấn đề mà ở đó GS không có thẩm quyền quyết định. Do đó, việc GS Hoàng Tuỵ có các ý kiến bất bình, phản bác cũng là điều dễ hiểu, vì GS có quyền nói lên chính kiến cá nhân của mình, còn việc những người có trách nhiệm có nghe không là việc của họ chứ GS Hoàng Tuỵ cũng không thể ép được. Chẳng hạn con số “có thể đến 1/3 GS, PGS” mà GS Hoàng Tuỵ đưa ra là nhận định chủ quan dựa trên quan sát của GS, còn tôi thì tôi cho rằng còn nhiều hơn 1/3 (chứ không phải chỉ “có đến”) số PGS là không xứng đáng (GS thì có thể ít hơn nhiều, và tôi cũng không dám bàn đến chuyện bãi nhiệm ở đây). Điều này thì ai công tác trong ngành giáo dục ĐH (có nhìn nhận một cách nghiêm túc) cũng đều thấy cả, trừ khi không muốn. Có điều, tôi không đồng ý với cách giải quyết vấn đề hơi gấp gáp của GS. Hoàng Tuỵ. Không phải chúng ta cứ áp dụng cách đánh giá như ở các nước phát triển thì chúng ta có ngay đội ngũ các GS, PGS chất lượng như họ. Tôi cũng cho rằng, với quan niệm các chức danh GS, PGS “quốc gia” như hiện nay và được phê duyệt bởi một Hội đồng đánh giá Nhà nước chung (cho từng cụm ngành), thì việc lượng hoá bằng cách tính điểm là cách duy nhất có thể dùng được. Tôi không dám lạm bàn về mặt giải pháp cho vấn đề này ở đây.

Bài viết của GS. Trần Thanh Đạm là bài tranh luận với GS Hoàng Tuỵ về vấn đề “chức danh GS, PGS”. Tôi thật sự thất vọng khi đây là một bài tranh luận giữa các vị (GS) cao niên với nhau mà lại viết theo kiểu người ta hay nói “cả vú lấp miệng em” thế này. Tôi cho rằng, GS. Trần Thanh Đạm đã thể hiện chuyên môn về ngôn ngữ và văn học không đúng chỗ. Nếu đây là một bài viết của một người “trẻ người non dạ” như bọn tôi thì cũng còn dễ hiểu và có thể chấp nhận được.

Lập luận về vấn đề danh xưng, GS. Trần Thanh Đạm bàn về từ “học hàm” rồi lại suy luận ra cho “quân hàm”, “học vị”, rồi còn mượn cả tiếng Pháp, tiếng Tàu. Tôi nghĩ tiếng Pháp là tiếng Pháp, chẳng liên quan gì đến vấn đề đang bàn cả. Có chăng, nếu chúng ta muốn làm theo cách của Pháp, thì tìm hiểu xem từ “GS, PGS” trong tiếng Pháp nó chỉ loại người nào, làm công việc gì, ... rồi áp dụng cho ta. Không việc gì phải đi mượn tiếng Pháp để rồi tra từ điển và giải nghĩa cho một từ trong tiếng Việt. Nếu thế thì sao không dùng luôn tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha,... cho đầy đủ! Lạm dụng ngôn từ chỉ dành cho các GS mà thôi, trong khi dân tình họ không hiểu các ngôn từ đó là gì nhưng họ hiểu quan niệm. Vấn đề là làm thế nào để thay đổi cái quan niệm này!

GS. Trần Thanh Đạm đã hiểu không đúng ý của GS Hoàng Tuỵ về chức danh “GS, PGS chung chung”. GS Hoàng Tuỵ cho rằng “không có nước nào có chức danh GS (hay PGS) chung chung như ta, mà chỉ có GS, PGS của một viện nghiên cứu hay ĐH cụ thể.” Điều này thì rõ ràng dễ hiểu là GS, PGS chỉ là các vị trí công việc gắn với một viện nghiên cứu (có tham gia công tác đào tạo) hay một ĐH cụ thể. Chẳng hạn như một GS ở trường ĐH Sư phạm, nếu muốn chuyển công tác sang trường ĐH Bách khoa khi trường Bách khoa có nhu cầu tuyển dụng một vị trí GS, thì GS đó cũng phải đầu đơn và cũng như qua xét chọn như tất cả những người xin được xét tuyển khác. Khi đó Hội đồng xét chọn là của trường Bách khoa (có thể mời các thành viên bên ngoài) chứ không cứ nhất thiết phải là Hội đồng Nhà nước như hiện nay. Trong khi GS. Trần Thanh Đạm hiểu từ “GS chung chung” ở đây theo nghĩa GS nhiều ngành theo kiểu GS Tâm sinh lý, Văn học, Sinh vật học...

Còn nữa, khi một GS hay PGS đã chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu và không còn tham gia công tác đào tạo thì cái chức danh GS, PGS đó cũng nên để lại cơ quan mà ở đó mình được bổ nhiệm (để cơ quan còn bổ nhiệm cho người mới chứ!). Nếu là Bộ trưởng, Thứ trưởng hay các quan chức khác mà không còn tham gia đào tạo (chỉ cần bán thời gian) ở trường ĐH hay Viện nghiên cứu thì còn kèm theo chức danh GS, PGS để làm gì. Nếu để cho oai, cho sang thì GS, PGS cũng không oai, không sang bằng chức vụ họ đang có. Mà để cho có vẻ hàn lâm thì cũng chẳng có nghĩa gì cả. Còn học vị thì là của họ nên có kèm theo cũng là bình thường. Là Bộ trưởng, Thứ trưởng mà còn kèm theo chức danh GS, PGS thì nghe còn thuận tai một chút, mặc dù không hợp lý. Nhưng nếu một GS, PGS khi chuyển sang kinh doanh xem máy, mở nhà hàng,... mà vẫn muốn ôm chức danh đó thì thật là khôi hài (cho dù họ vốn xuất thân từ một ngành khoa học nào đó và đã từng được bổ nhiệm GS, PGS ở một trường ĐH nào đó). Chính sự hiểu không đúng này mà GS. Trần Thanh Đạm đã quy kết “Chính các vị đó mới là GS chung chung”. Thật là không hay tí nào cả.

GS. Trần Thanh Đạm cho rằng, lập luận của GS. Hoàng Tuỵ thiếu tính khoa học khi nói: “Nếu thực hiện đúng biện pháp này thì phải thu hồi cả chức danh của những vị không xứng đáng, như thế có thể đến 1/3 số GS, PGS của ta bị thu hồi chức danh” mà không dựa vào một nguồn thống kê nào cả. Thứ nhất, GS. Hoàng Tuỵ chỉ ước lượng “có thể đến 1/3” chứ không phải “chính xác” như GS. Trần Thanh Đạm đã nói. Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, đây là các ý kiến cá nhân của một người được phỏng vấn, và nếu có phỏng vấn ai thì họ cũng đưa ra được một con số ước lượng tương tự mà không phải đi làm thống kê. Còn nữa, GS. Trần Thanh Đạm đã không sòng phẳng khi đi công kích người khác lập luận thiếu tính khoa học, trong khi lập luận của mình nghe có vẻ khoa học thì lại không khoa học chút nào (không phải chỉ dựa vào lập luận bắt bẻ kiểu trẻ con như sau đây!). Nếu lập luận theo kiểu của GS. Trần Thanh Đạm, thì tôi cũng có thể kết luận rằng GS đã không khoa học khi không chỉ ra cơ sở cụ thể để viết ở đầu bài rằng: “Tôi chỉ xin nêu nêu sau đây một số, không phải tất cả. Vì nếu thắc mắc với tất cả bài của GS thì tôi phải viết một bài dài gấp 10 lần bài này.” Rồi GS. Trần Thanh Đạm còn ví von bằng truyện “Chí Phèo” của Nam Cao. Tôi thấy GS. Hoàng Tuỵ có doạ ai đâu, vì chắc rằng GS biết có doạ cũng chẳng ai sợ vì GS có quyền gì đâu mà doạ người khác. Nếu lập luận và ví von theo kiểu của GS. Trần Thanh Đạm, thì tôi cũng có thể ví von rằng: chưa có Chí Phèo nào chửi doạ cả thì đã có một người dân ở làng Vũ Đại (có thể vì sợ Chí thật) đã nhảy ra la ầm lên rằng: “ Ối bà con ơi, Chí Phèo doạ tôi và nó cũng doạ cả bà con nữa đấy”.

Còn chuyện nghiên cứu khoa học, GS. Trần Thanh Đạm lại trầm trọng hoá các ý kiến đánh giá cá nhân của GS. Hoàng Tuỵ để rồi viện dẫn ra ngành nghiên cứu này, phương pháp nọ. Việc gì phải đi làm việc điều tra nghiên cứu về chất lượng NCKH, chất lượng GS, PSG để rồi mới cho ý kiến (cá nhân) bất bình hay phản bác. Trong khi thực trạng vấn đề thì ai quan tâm cũng thấy cả.

GS. Trần Thanh Đạm có nhận định: “Thật ra, ý kiến của GS.Hoàng Tuỵ phần lớn chỉ là những lời bài bác phủ nhận, các kiến nghị xây dựng cũng không có gì rõ ràng hoặc rất khó hiểu.” Thật ra, tôi thấy trong bài trả lời phỏng vấn của GS. Hoàng Tuỵ, sau khi có ý kiến (cho dù bất bình, phản bác) về vấn đề đang quan tâm, còn có một số kiến nghị khá cụ thể (cho dù có thể chưa thoả đáng) đấy chứ! GS. Trần Thanh Đạm đề nghị một giải pháp nghe có vẻ mạch lạc và có trách nhiệm "ướt át" thế này: “Có lẽ đã đến lúc nếu không dừng hẳn thì cũng giảm bớt đi những cách phê phán nặng nề, “nói cho đã”, mà phải bình tĩnh gỡ từng mối rối, từ phổ thông đến chuyên nghiệp đến ĐH và trên ĐH… theo những đề án có chuẩn bị, có tính toán, suy nghĩ, có thảo luận dân chủ rộng rãi và tập trung kiên quyết, cả hai đều với tinh thần trách nhiệm rất cao và tình thương yêu rất sâu”.

Sau đó, tôi có được đọc bài của một TS Vật lý tại Anh tên Phạm Lê cũng về vấn đề “GS, PGS”. Cũng xin mạo muội có một số ý kiến về nhận định của TS. Phạm Lê. Tôi không phải là một nhà khoa học cho nên nhận xét của tôi chỉ là nhận xét của một thường dân có quan tâm đến vấn đề.

Tôi đồng ý với TS. Phạm Lê là ở các nước tiên tiến, GS hay PSG chỉ là một vị trí công việc ở một cơ sở đào tạo (ĐH, Viện). Như vậy việc tuyển chọn cũng được thực hiện như các cơ quan, công ty tuyển chọn người làm là: thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, website... nhưng không nhất thiết phải là “website có uy tín”). Việc này tôi thấy một số trường ĐH ở TP.HCM cũng đã làm thông qua báo Tuổi trẻ TPHCM hay một số tờ báo khác.


Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng: “Ngồi trước một màn hình máy tính, bạn có thể tra cứu các công trình khoa học của bất cứ nhà khoa học nào, thậm chí bạn còn có thể tra cứu được các công trình đó đã được trích dẫn bởi các tác giả khác bao nhiêu lần và trích dẫn bởi ai, trong các công trình nào... Từ đó, bạn có thể đánh giá được giá trị của các công trình khoa học đó (impact factor)”. Thứ nhất, Internet chỉ xuất hiện gần đây so với khoa học, và không phải “các công trình khoa học của bất cứ nhà khoa học nào” đều cũng xuất hiện trên Internet! Còn chỉ số impact factor (IF) chỉ là chỉ số liên quan đến việc được trích dẫn của một tạp chí (thường thì được tính theo chu kỳ 2 năm, do đó không cố định). Dù rằng một tạp chí có tỷ lệ được trích dẫn cao so với số bài được xuất bản thể hiện sự truy cập rộng của cộng đồng, nhưng như thế không thể cho rằng một bài đăng ở một tạp chí có chỉ số IF cao thì giá trị hơn một bài đăng ở một tạp chí có chỉ số IF thấp hơn. Điều này còn tuỳ thuộc vào thể loại tạp chí, chuyên ngành, chính sách của Ban biên tập...

Thật không hay tí nào khi TS. Phạm Lê chỉ “ngồi trước màn hình máy tính để thử tra cứu các bài báo khoa học của các GS tại Việt Nam” để rồi kết luận: “Thật là đáng buồn đa số các GS, một số GS được coi là đầu ngành tại Việt Nam lại chỉ có lèo tèo một vài bài báo, thậm chí nhiều vị GS chẳng có một bài báo nào được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”. Tôi công nhận thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi. Một người giỏi thì có quyền tự hào (hoàn toàn chính đáng), nhưng nếu có tự hào thì chúng ta cũng phải sòng phẳng, và không phải bằng cách “kéo” người khác xuống để thấy mình nổi lên. Thứ nhất, thế hệ trẻ bây giờ có nhiều điều kiện hơn thế hệ cha ông trước đây. Vì là thế hệ đi trước trong khi nền khoa học công nghệ của đất nước còn thua kém, họ (chỉ các GS) không thể tập trung tất cả cho công việc nghiên cứu chuyên môn. Nếu không có các thế hệ đầu đàn đấy thì tôi cũng không hình dung được thế hệ bây giờ có tự hào được không. Tất nhiên, có một số ít (bao giờ cũng vậy) GS không đáng được trân trọng như vậy nhưng không phải là hầu hết.

Tôi cũng xin nói thêm, việc GS phải có bài báo đăng trên các “tạp chí khoa học quốc tế có uy tín” lại dẫn đến một qui định không thành hình được. Vì sao: “uy tín” cỡ nào thì vừa? tạp chí quốc tế là những loại tạp chí nào? (vì có quan niệm tạp chí nước ngoài cũng là tạp chí quốc tế) GS ngành nào thì phải có bài như vậy?... Nói như TS. Phạm Lê thì các nhà khoa học gửi bài “có giá trị” đi đăng ở nước ngoài hết, như vậy còn đòi các tạp chí khoa học trong nước phải có chất lượng cao cái nỗi gì. Tôi đồng ý là cơ chế đã làm cho con người ta “lười” nghiên cứu và mất dần đi tính cẩn trọng trong nghiên cứu, vì sẽ là một người “không bình thường” nếu chỉ tập trung làm “nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng” trong khi gia đình và bản thân thì chịu khổ (nếu không muốn nói là đói). Là một người tôn trọng và yêu quí những nhà khoa học, tôi thật sự hy vọng rằng các nhà khoa học (có uy tín, lớn tuổi hay trẻ và giỏi) sẽ quan tâm (chẳng hạn, lôi kéo đồng nghiệp giỏi của mình ở nước ngoài giúp đỡ trong việc đào tạo, gửi công trình đăng ở các tạp chí ở Việt Nam) và có bản lĩnh (chẳng hạn, đăng các công trình của mình ở các tạp chí trong nước) trong việc gia tăng uy thế cho nền khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

Phạm Huỳnh Phương - hp_pham@hotmail.com

Không có nhận xét nào: