Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

''Không ai có thể tự dối lừa trình độ khoa học theo kiểu Chí Phèo"


09:25' 24/07/2003 (GMT+7)

VietNamNet vừa nhận được bài viết của một tiến sĩ Vật lý tại Anh bày tỏ ý kiến về vấn đề công nhận chức danh GS, PGS ở Việt Nam sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Tụy bài viết của GS Trần Thanh Đạm. Bài viết cho rằng, trong lĩnh vực khoa học hiện nay, không một nhà khoa học nào có thể tự dối lừa được trình độ khoa học thực sự của mình theo kiểu tự vỗ ngực như Chí Phèo.

Là một nhà khoa học còn rất trẻ (mới ngoài 30 tuổi) so với tuổi đời của hai giáo sư, tôi cũng mạo muội nêu ra những bức xúc của riêng tôi về vấn đề này.

Tôi đã được đào tạo từ trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay gọi là trường ĐH Khoa học tự nhiên, thuộc ĐHQG Hà Nội. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, tôi có may mắn được đi làm việc tại Mỹ và một số nước châu Âu như Hà Lan, Anh. Được may mắn làm việc tại các nước có trình độ khoa học tiên tiến, tôi thấy họ đều có một điểm chung trong việc bổ nhiệm các chức danh (hay học hàm) GS và PGS. Việc bổ nhiệm các chức danh khoa học nói chung thường được công khai qua việc quảng cáo các chức danh cần tuyển chọn qua các website có uy tín, sau đó là việc lựa chọn và phỏng vấn các ứng viên trước khi có quyết định cuối cùng về việc chọn ứng viên nào phù hợp nhất.

Tôi thấy Việt Nam là nước duy nhất có hệ thống bình bầu tính điểm phong GS một cách rất bất hợp lý và phức tạp như ý kiến của GS. Hoàng Tụy đã nêu. Ngay cả việc tính điểm các công trình khoa học cũng đã thể hiện sự vô lý khi đánh đồng điểm số của các bài báo đăng tại các tạp chí khoa học trong nước với các bài báo đăng tại các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.

Tôi đã từng được biết một số nhà khoa học trẻ tại Việt Nam rất tài năng nhưng không thể nào được "bầu" làm PGS chỉ vì trẻ quá. Trong khi đó tại nước ngoài việc lựa chọn các nhà khoa học trẻ cho các chức danh khoa học luôn là ưu tiên hàng đầu.

Với cơ chế quá bất hợp lý như vậy, hệ quả tất yếu là trình độ khoa học của các vị GS và PGS tại Việt Nam thực ra rất là hạn chế so với thế giới, chưa nói đến tuổi đời trung bình của các GS, PGS là tương đối cao. Tuy chưa có điều tra và thống kê nào về trình độ của các GS và PGS ở Việt Nam, nhưng con số 1/3 số GS PGS phải bị thu hồi chức danh như quan điểm của GS Hoàng Tụy là một con số hoàn toàn khiêm tốn. Theo tôi, con số thực tế có khi còn cao hơn thế nữa.

Hiện nay thế giới đã bước vào kỷ nguyên của Internet và công nghệ thông tin. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đều đã được đưa vào Internet. Ngồi trước một màn hình máy tính, bạn có thể tra cứu các công trình khoa học của bất cứ nhà khoa học nào, thậm chí bạn còn có thể tra cứu được các công trình đó đã được trích dẫn bởi các tác giả khác bao nhiêu lần và trích dẫn bởi ai, trong các công trình nào... Từ đó bạn có thể đánh giá được giá trị của các công trình khoa học đó (impact factor). Chính vì vậy, trong lĩnh vực khoa học hiện nay, không một nhà khoa học nào có thể tự dối lừa được trình độ khoa học thực sự của mình theo kiểu tự vỗ ngực như Chí Phèo được.

Tôi đã nhiều lúc ngồi trước màn hình máy tính để thử tra cứu các bài báo khoa học của các GS tại Việt Nam. Thật là đáng buồn đa số các GS, một số GS được coi là đầu ngành tại Việt Nam lại chỉ có lèo tèo một vài bài báo, thậm chí nhiều vị GS chẳng có một bài báo nào được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Nhân đây, cũng phải nói rõ là các tạp chí khoa học tại Việt Nam (mà hiện được dùng để tính điểm công trình cho học vị GS PGS ở Việt Nam) có chất lượng còn kém nên hầu như không được xếp hạng và đưa vào số liệu trên thế giới.

Theo tôi, các con số mà GS Hoàng Tụy nêu ra tuy không phải là một con số thông kê chính xác nhưng nó đã phản ánh phần nào một cách đúng đắn thực trạng về trình độ khoa học tại Việt Nam nói chung. Nhìn vào các con số đó, tôi thấy mỗi một nhà khoa học nên coi nó như là một bức tranh “thực tế” chung để từ đó tìm ra giải pháp cho sự phát triển khoa học của nước nhà, hơn là tự ghép bản thân mình so sánh xem mình có phải thuộc số các nhà khoa học kém chất lượng đã được đề cập không. Là một nhà khoa học trẻ, tôi rất mong có một sự thay đổi sâu rộng trong việc bầu và chỉ định các chức danh GS, PGS tại Việt Nam sao cho thực sự thu hút được các nhân tài phục vụ cho đất nước.

  • Phạm Lê (United Kingdom)

Không có nhận xét nào: