Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

GS, PGS sẽ được hưởng ngạch lương riêng?


14:24' 11/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư vừa đề xuất chế độ chính sách cho chức danh này với Ban soạn thảo của Bộ Nội vụ và quy định cách thức xét công nhận mới từ năm nay. Trao đổi với VietNamNet, GS Đỗ Trần Cát, tổng thư ký Hội đồng nói quy định mới sẽ giúp xóa những thứ như... xác nhận khống, bầu lại thoải mái, tránh hàm suông - hữu danh vô thực, v.v...

GS Đỗ Trần Cát

Thưa ông, tại sao năm nay việc xét công nhận chức danh GS, PGS lại không tính điểm việc hướng dẫn thạc sĩ và các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đề tài nghiên cứu cơ sở?

- GS Đỗ Trần Cát: Năm nay, việc quy định công nhận chức danh GS, PGS có một số thay đổi về nội dung và cách thức tiến hành. Về mặt nội dung, có một số điểm khó hơn để nâng cao chất lượng. Về mặt thực hiện, có những thủ tục chặt chẽ hơn. Như vậy, những điểm mới được sửa theo hướng nhằm hoàn thiện việc công nhận các chức danh này.

Chính vì vậy, một số tiêu chí năm ngoái tính điểm nhưng từ năm nay sẽ không còn được tính nữa. Không tính điểm hướng dẫn thạc sĩ vì đó là điều kiện đương nhiên, do những năm trước có tình trạng một ứng viên hướng dẫn hàng chục thạc sĩ và vẫn được tính điểm theo số lượng này.

Đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản cũng không được tính điểm vì ở lĩnh vực này, sản phẩm nghiệm thu của nó là các công trình đăng trên các tạp chí khoa học. Nếu tính điểm, rồi lại tính điểm các bài báo khoa học thì sẽ thành tính hai lần cho một công trình.

Còn một điểm sửa đổi nữa mà Hội đồng nhà nước thông báo để các ứng viên để thực hiện từ năm 2005. Đó là các quy định về bài báo khoa học: ứng viên phải có bài báo đăng ở tạp chí khoa học có uy tín, quy định mỗi ngành chỉ có hai tạp chí trong nước có uy tín, còn số tạp chí nước ngoài thì không hạn chế. Mỗi ứng viên cho chức danh giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín đó.

Vì yêu cầu nâng cao cũng hơi nhiều nên Hội đồng quyết định lùi lại một năm, vì nếu thực hiện ngay thì sẽ là đột ngột.

Thực ra, đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào về "bài báo khoa học". Vậy năm nay, với những sửa đổi như ông nói thì quy định về "bài báo khoa học" có gì khác?

- Bài báo khoa học phải là công trình khoa học chứa đựng kết quả nghiên cứu mới, phù hợp với chuyên ngành đăng ký chức danh. Bài báo đó phải được công bố trên một trong những tạp chí khoa học chuyên ngành quy định. Cụ thể là:

Các tạp chí uy tín do các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành lựa chọn, đề nghị thường trực Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư quyết định.

Các bài báo khoa học đăng trong các số tạp chí xuất bản từ trước ngày 1/3/2003 do các Hội đồng chức danh giáo sư ngành lựa chọn, đề nghị thường trực Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư quyết định.

Các bài báo đăng trong các số tạp chí xuất bản từ sau ngày 1/1/2003 được tính điểm công trình nếu tạp chí này đáp ứng đủ ba điều kiện: có giấy phép xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin, có hội đồng biên tập gồm các nhà khoa học thuộc chuyên ngành khoa học của tạp chí, có phản biện khoa học đối với bài báo được đăng.

Ngoài ra, kết quả ứng dụng khoa học công nghệ được cấp bằng phát minh, sáng chế được coi là bài báo khoa học.

Tại sao lại quy định chỉ đăng trên hai tạp chí uy tín của Việt Nam mới được tính điểm? Căn cứ nào để chọn hai tạp chí có uy tín này?

- Mỗi ngành chỉ nên có hai cái thôi thì mới uy tín, nhiều quá thì không được. Những năm trước đã có tình trạng các hội đồng cơ sở khá "đau đầu" khi xét các "bài báo khoa học" đăng ở khoảng vài chục tạp chí, mà có những tạp chí "nặng" về tính chất tuyên truyền của một viện nghiên cứu nào đó.

Uy tín hiểu theo cái nghĩa: nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi.

Thưa ông, vậy còn quy định trong hồ sơ của ứng viên phải có nhiều loại giấy tờ như quyết định kiêm nhiệm giảng dạy hoặc hợp đồng thỉnh giảng, rồi giấy nhận xét kết quả đào tạo, bản thanh lý hợp đồng,... Như vậy có quá "vụn vặt" hay không?

- Quy định này nhằm tránh tình trạng các ứng viên đi xin xác nhận giờ dạy mà do nể nang, nhiều hiệu trưởng cứ ký "đại" vào đó. Bây giờ, phải trình quyết định, rồi hợp đồng nữa. Những cái đó, ứng viên không làm tùy tiện được. Sau đó, lại có nghiệm thu, khẳng định kết quả. Những cái này khớp lại với nhau thì không thể có tình trạng... xác nhận "khống".

Trước đây, chưa có quy định rõ ràng và cụ thể về những vấn đề: thẩm định hồ sơ, quy định về minh chứng hồ sơ của ứng viên. Năm nay, những cái này đã được làm rõ ràng hơn để ứng viên dễ làm hồ sơ và các uỷ viên chấm cũng dễ dàng hơn. Cả quy trình họp, chúng tôi cũng chuẩn hóa từng bước để thống nhất trong các hội đồng. Cái này trước đây nơi làm nghiêm túc, nơi lại không. Bây giờ, công bố công khai và viết thành văn bản. Những cái đó không phải mới nhưng chặt chẽ hơn và thống nhất thực hiện chung.

Thông thường sau mỗi lần xét công nhận chức danh đều có xảy ra khiếu nại, tố cáo về cách làm việc không công tâm của các hội đồng. Năm nay, có quy định gì mới để khắc phục tình trạng này?

- Trong xét duyệt khiếu nại tố cáo, sẽ không có tình trạng bỏ phiếu lại lần thứ hai. Việc này chỉ làm với ba điều kiện: có kết luận khẳng định là hội đồng đã vi phạm các quy định về quy trình xét, hoặc ứng viên có vi phạm các tiêu chuẩn, và sau khi có ý kiến bằng văn bản của thường trực Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư.

Bên cạnh đó, kết quả đơn thư khiếu nại thuộc hội đồng cấp dưới phải được báo cáo cho thường trực Hội đồng nhà nước trước khi hội đồng cấp trên trực tiếp của cấp đó họp ít nhất là một lần. Quy định này nhằm "khít" chặt lại chuyện: bầu xong rồi bầu lại như mọi năm, làm giảm chất lượng các hội đồng. Đồng thời, quy định này cũng khiến các hội đồng phải nâng cao trách nhiệm: trước khi bầu anh phải xem xét, suy nghĩ thật kỹ. Năm nay chắc chắn sẽ không có tình trạng bầu lại một cách thoải mái.

Thưa ông, được biết năm ngoái Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư đã có buổi nhóm họp đầu tiên đề bàn về chế độ chính sách cho chức danh này. Cuối tháng 1 vừa rồi, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng đã yêu cầu Hội đồng hoàn thiện dự thảo về chế độ chính sách cho các giáo sư để trình Chính phủ. Vậy ông có thể cho biết những đề xuất của Hội đồng?

- Thực ra, soạn thảo nội dung này là do bên Bộ Nội vụ chủ trì. Hội đồng có tham gia và chủ trì một đề tài nghiên cứu về chế độ, chính sách cho GS, PGS. Riêng vấn đề lương, theo tôi nghĩ có nhiều khả năng Bộ Chính trị sẽ chấp nhận những đề xuất của ban soạn thảo.

Hiện nay, Bộ Nội vụ cũng có xu hướng chấp nhận những đề xuất của Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư. Cụ thể là chức danh này phải có ngạch lương riêng. Việc này sẽ phát huy vai trò của các GS, PGS hơn, giống như ở các nước, chứ không phải là "hàm" suông, hữu danh vô thực. Có cái đó sẽ tăng cường trách nhiệm của những người có chức danh này. Mức lương đó sẽ cao hơn mức lương hiện tại mà các GS, PGS đang được hưởng.

Hiện nay GS đang "ăn" lương theo ngạch giảng viên cao cấp, PGS đang "ăn" lương theo ngạch giảng viên chính nên chúng tôi đề nghị mức cao hơn. Không có lý gì mà giảng viên chính rồi lại có chức danh PGS vẫn hưởng trong khung lương ấy. Tôi hy vọng những đề nghị này sẽ được chấp nhận ở mức độ nào đó.

Vậy còn phụ cấp cho chức danh này có gì đặc biệt?

- Phụ cấp là vấn đề có tính chất chuyên môn về mặt lương. Có lẽ chỉ đặt vấn đề theo hướng: phụ cấp nghề nghiệp là nghề giảng dạy. Hiện nay trong ngành giáo dục mới chỉ có phụ cấp ưu đãi, nhưng phụ cấp này không được tính vào khi về hưu. Bây giờ mọi người đang muốn đề nghị phải là phụ cấp thâm niên. Phụ cấp này mới được tính vào lương khi về hưu. Còn phụ cấp trách nhiệm, hay còn gọi là phụ cấp chức vụ, vẫn chưa được đặt ra. Có coi giáo sư như là chức vụ chính quyền hay không thì chưa đặt ra, mà hiện chỉ xem đây là chức vụ chuyên môn. Hiện mới chỉ có phụ cấp cho chức vụ hành chính như Vụ trưởng, Thứ trưởng, v.v...

Các GS, PGS sẽ được hưởng một "ngạch" lương riêng với mức thu nhập cao hơn hiện tại nhằm đảm bảo cho chức danh này không phải là "hữu danh vô thực". Trong khi đó, quy định về việc bãi miễn chức danh này thì chỉ có trong trường hợp có án tù giam, hoặc phát hiện quá trình xét công nhận có dối trá song thực tế những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Vậy có phải việc sửa chế độ chính sách cho giáo sư chỉ thiên về hướng "đòi quyền lợi"?

- Hiện nay, theo các văn bản pháp lý, việc bãi miễn chức danh GS, PGS còn rất sơ lược và yếu. Sắp tới đây, đang có dự định thay đổi Nghị định 20 (quy định về chức danh GS, PGS - người viết) thì đưa quy định này là nghiêm túc hơn. Gắn với đó là nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, kèm theo chế độ chính sách về lương là những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm. Hiện chỉ có hai trường hợp như chị nói mới bị miễn nhiệm chức danh. Nhưng có thể: không hoàn thành nhiệm vụ là cũng có thể bãi nhiệm được rồi. Tuy nhiên, điều này đang còn phải trao đổi, thảo luận. Kỳ này đang chuẩn bị sửa Nghị định 20 thì vấn đề này sẽ được xem xét.

Xin cám ơn ông!

  • Hạ Anh (thực hiện)


Không có nhận xét nào: