Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

'Vedan đã kiếm lời trên sức khỏe người dân từ nhiều năm'

(theo VNexpress)

Ông Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Tiến Dũng

"Việc xả chất thải của Vedan quá tinh vi, đánh lừa cơ quan chức năng. Thủ tướng đã điện thoại chỉ đạo tôi, nếu đủ căn cứ, đề nghị tạm đóng cửa nhà máy.", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên trả lời báo chí sáng 17/9.
>Tẩy chay sản phẩm các doanh nghiệp đầu độc môi trường

Ba ngày sau khi vụ công ty Vedan xả chất thải xuống sông Thị Vải được đưa ra công luận, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có cuộc họp báo bất thường. Hơn 50 phóng viên quây kín phòng họp.

- Hiện, ông có thể nói gì về những sai phạm của Vedan?

- Vi phạm của Vedan là nghiêm trọng, tinh vi và kéo dài nhiều năm nay, nếu bằng nghiệp vụ thanh tra môi trường thì không thể bắt quả tang. Từ năm 2005 tôi đã vào kiểm tra tình trạng ô nhiễm tại khu vực sông Thị Vải và dự đoán công ty này có hệ thống xả nước thải ngầm, nhưng sau đó không phát hiện được.

Sau nhiều tháng điều tra, Cục cảnh sát môi trường và chúng tôi mới bắt quả tang việc xả chất thải của Vedan. Trung bình mỗi tháng họ xả 45.000 m3 dịch thải sau khi lên men xuống sông Thị Vải. Trong khi, để xử lý 1m3 dịch thải đậm đặc phải tốn kinh phí đầu tư gần chục triệu đồng. Việc xả chất thải của Vedan là một trong những nguyên nhân chính khiến Thị Vải trở thành dòng sông chết, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Sơ đồ nhà máy Vedan và khu xả thải xuống sông Thị Vải. Ảnh do Cục cảnh sát môi trường cung cấp.

- Với những sai phạm trên, Vedan sẽ bị xử lý như thế nào?

- Thủ tướng đã gọi điện thoại cho tôi chỉ đạo là nếu đủ căn cứ pháp luật có thể khởi tố, tạm đóng cửa nhà máy. Hồ sơ vụ việc đang được hoàn thiện nhưng theo phía công an đã đủ cơ sở khởi tố, vấn đề còn lại là thủ tục pháp lý. Chúng tôi cũng sẽ có văn bản đề nghị Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đóng cửa nhà máy Vedan để kiểm tra toàn bộ hệ thống và nhà máy đề xuất các phương án khắc phục.

- Vậy, phản ứng của phía Vedan thế nào, thưa ông?

- Phía Vedan hiện chưa có phản ứng gì. Theo tôi biết, lãnh đạo của họ ở Đài Loan đang họp bàn giải quyết vụ việc. Qua vụ việc này chúng tôi muốn gửi thông điệp là những doanh nghiệp nước ngoài không thể mang công nghệ lạc hậu, chất thải vào Việt Nam. Họ cũng không thể "ăn không" chi phí môi trường, gây tổn hại sức khỏe người dân.

- Những dấu hiệu sai phạm của Vedan đã được người dân phản ánh và bản thân ông cũng cảm nhận điều đó khi thị sát tại sông Thị Vải. Vậy trách nhiệm của Bộ và Sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai như thế nào khi để sai phạm kéo dài?

- Những nhà máy sản xuất mặt hàng như Vedan tại nhiều nước thường phải chi 15-20% vốn đầu tư để làm công trình xử lý môi trường. Khi tôi làm việc với Tổng giám đốc Vedan, ông ta cho biết công ty chỉ dành 1,5% vốn đầu tư cho xử lý môi trường. Tôi đã khuyến cáo và họ hứa sẽ cải thiện, nhưng liên tục bị xử lý sai phạm. Họ liên tục xin gặp tôi nhưng 5 năm qua tôi từ chối tiếp.

Sau khi xử lý xong Vedan, chúng tôi sẽ họp rút kinh nghiệm, rà lại các văn bản quy phạm pháp luật, làm rõ trách nhiệm. Tôi biết một số bộ phận đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm.

- Không chỉ khu vực sông Thị Vải mà nhiều khu công nghiệp đang bị ô nhiễm. Ông nghĩ gì trước ý kiến có sự "bắt tay" giữa cơ quan chức năng địa phương và doanh nghiệp?

- Hiện nay trong hơn 100 khu công nghiệp, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường. Dọc sông Thị Vải cũng không chỉ có doanh nghiệp Vedan xả chất thải nguy hại. Tôi không rõ có sự bắt tay giữa địa phương và doanh nghiệp hay không, nhưng có xu hướng địa phương chạy theo phát triển kinh tế coi nhẹ tác động môi trường.

Bản thân tôi cũng rất áp lực, nhiều lãnh đạo địa phương gọi điện cho tôi nói rằng phải hạ tiêu chuẩn về môi trường nếu không sẽ không có đầu tư nước ngoài. Nhưng cho đến nay, quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nước xả từ nhà máy xuống sông Thị Vải. Ảnh do Cục cảnh sát môi trường cung cấp.

- Với những bằng chứng về sai phạm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân khu vực sông Thị Vải sẽ được bồi thường thế nào?

- Chúng tôi sẽ làm việc với ngành y tế để đánh giá tác động của nước thải Vedan đưa ra môi trường tới sức khỏe người dân. Người dân hoàn toàn có thể kiện, đòi Vedan bồi thường thiệt hại với những bằng chứng cụ thể. Dự kiến ngày 19/9 chúng tôi sẽ có kết quả phân tích mẫu chất thải đã trưng cầu giám định.

Công ty thực phẩm Vedan, 100% vốn của Đài Loan, xây dựng nhà máy năm 1991 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM 75 km. Đến nay, các hạng mục đã đưa vào sản xuất gồm có: nhà máy Xút - Clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy lysine...

Năm 1994 ngay sau khi đi vào hoạt động, công ty đã thải chất gây ô nhiễm môi trường xuống sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt. Năm 2005, Vedan đã đồng ý đền bù nông dân nuôi trồng thủy sản Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 15 tỷ đồng.

Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn.

Việt Anh thực hiện

Cuộc sống khốn cùng bên dòng sông 'chết'

Thứ năm, 18/9/2008, 17:45 GMT+7

Từ một dòng sông nên thơ và trù phú, Thị Vải giờ đây nước đen ngòm, hôi thối. Cá tôm không còn, dân làng chài chỉ còn biết đi làm thuê. Chuyện "Vedan bị bắt quả tang xả thải" đã làm nhiều người dân hỉ hả.
> 'Vedan kiếm lời trên sức khỏe người dân từ nhiều năm'

Những ngày này dân 3 ấp 1A, 1B, Long Phú, thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ khúc sông ô nhiễm nhất của Thị Vải, sát bên nhà máy Vedan - gặp nhau là bàn chuyện "Vedan bị bắt quả tang xả nước thải ra sông". Hễ thấy có người cầm máy ảnh, nghĩ là báo chí, họ đều níu lại, nhiệt tình kể những nỗi niềm mà họ ấp ủ từ hơn 10 năm nay.

Hai vợ chồng ngư dân tại tổ 5, ấp 1A nhớ lại bến sông xưa giờ đã tiêu điều. Ảnh: Thiên Chương.

Anh Tuấn, ngụ ở tổ 5, không ngại lấy thuyền đưa chúng tôi ra sông, nơi mà theo anh có thể thấy rõ nhất "cái sự chết" của con sông này. Tới khu vực gần nhà máy Vedan, suốt một quãng dài khoảng gần 10 km, nước đặc quánh một màu đục đen, không thấy sóng gợn, chỉ có bọt sủi, nhờn nhợn mùi hôi.

Anh Tuấn nhắc chúng tôi không nên đưa tay chạm nước vì ngay cả dân địa phương, khi bất đắc dĩ lắm lội sông là lập tức da bị ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ. “Chỉ cần thò tay hoặc bước chân xuống nước, móng tay chân sẽ đen và bóng như dính nhớt”, anh Nguyễn Văn Lớn, vốn sinh sống bằng nghề chài lưới tại tổ 5, ấp 1A, nói.

Xế chiều, gió thổi mùi hôi thối từ phía nhà máy qua khu dân cư xã Phước Thái -cách nhà máy Vedan 300-500 m. "Mùi hôi của rỉ mật, sinh phẩm lên men từ cống xả của nhà máy Vedan, nước đen đặc với mùi khăn khẳn của sông khiến chúng tôi không chịu nổi. Ở mãi có lúc quen, nhưng vào ngày trời mưa, mùi nặng, khó thở đến mất ngủ luôn", bà Em, người đã sống lâu năm tại đây cho biết.

Bà Em cũng cho hay, ở ấp bà gần trăm nóc nhà, từ người lớn đến trẻ con ai cũng bị viêm mũi, viêm xoang. Đứa cháu mới tháng 6 tháng tuổi của bà cũng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 vì chứng viêm đường hô hấp.

Qua câu chuyện kể với chúng tôi, trong ký ức của hầu hết người dân con sông quê họ trước đây vốn rất nên thơ và trù phú. “Tôi từng hãnh diện nói với các con rằng, chưa có dòng sông nào đẹp và trù phú như Thị Vải quê mình. Không ngờ sau 15 năm, nơi tôi ngày xưa ngụp lặn cùng chúng bạn mò cua bắt ốc, lại trở nên hôi hám và kiệt quệ đến thế”, chị Lý Thị Út vừa trở về thăm quê sau 10 định cư tại Thái Lan, nói.

Nước sông đục đen vì ô nhiễm. Ảnh: Thiên Chương.

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Hữu Thành, Bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân xã Phước Thái bồi hồi: “Đó là con sông quê đẹp nhất mà tôi từng nhớ, như trong bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh vậy".

Còn anh Trung, làm nghề lái xe ôm, thì mộc mạc kể rằng: “Xưa dân xã toàn đánh bắt, mang cá đi bán, chỉ ăn những loại cá ngon nhất thôi”. Tiếp lời anh, ông Sáu Hải, người có hơn 50 chung sống bằng nghiệp chài lưới kể lại: "Cá tôm bát ngát, biển có loại nào, Thị Vải chúng tôi có loại đó. Không cần đi đâu xa, chỉ cần bước chân xuống bến 10 phút, nghêu sò nhậu không xuể".

Giọng kể hào hứng của ông Sáu chợt nghẹn lại bởi một tiếng thở dài. Ông nói đó là trước kia. "Còn bây giờ, sông chết vì ô nhiễm, cá tôm không còn dân đành phải đi làm mướn làm thuê", ông nói.

Hầu hết những người dân ở đây đều khẳng định tình trạng sông ô nhiễm nặng, hôi thối, cá chết có nguyên nhân từ nhà máy Vedan. Nhà máy này hoạt động năm 1994 thì chỉ một năm sau, nước bắt đầu chuyển màu và có mùi hôi. "Các loài thủy sản lần lượt chết trắng mặt nước. Kể cả loài cua, ốc, vốn chịu đựng giỏi thì chỉ sau vài năm đã không còn con nào”, anh Sơn, người có 30 năm sinh sống tại địa phương nói.

Ông Nguyễn Hữu Thành, bí thư xã Phước Thái, cho biết, hiện có khoảng 500 hộ dân đã bị mất nghề đánh bắt thủy sản do sông bị ô nhiễm. Nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi thủy sản. Nhưng nghề này cũng luôn gặp khó khăn từ môi trường.

"Con sông này đã ô nhiễm đến mức nước dù xử lý thật kỹ song tôm giống đổ vào mười thì đã chết đến bảy”, một ngư dân nói. Cũng theo anh này, trước khi Vedan hoạt động, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 600 triệu đồng từ tiền nuôi tôm, nhưng nay chỉ còn khoảng 100 triệu. Đó là chưa kể đến có ngày lúc công ty Vedan xả thải gặp triều lên, nước tràn vào đìa tôm thì xem như trắng tay.

Sau 1 buổi kéo lưới, ngư dân về tay không. Ảnh: Thiên Chương.

Nhiều hộ dân khác trong xã như Chín Tòng, Tư Thông, Sáu Bé vốn ngày xưa từng là chủ ruộng tôm, có thuyền đánh cá loại lớn trị giá hàng trăm triệu, nay trở thành sạt nghiệp. Nhiều gia đình đông con thậm chí phải đưa nhau đi làm thuê, vác mướn hoặc lái xe ôm kiếm sống qua ngày.

“Biết là khổ sở vì ô nhiễm, biết người ta lấy mất nguồn lợi kinh tế và sức khỏe nhưng không thể kiện cáo hàng ngày bởi chúng tôi còn phải chạy kế sinh nhai. Năm 1995, trước phản ứng của chúng tôi, Vedan có giải quyết đền bù thiệt hại cho việc gây ô nhiễm nhưng hộ nào có tàu đánh lớn hoặc diện tích nuôi tôm lớn cũng chỉ nhận được 3 triệu đồng. Người chài lưới nhỏ như tôi chỉ nhận 900 nghìn đồng, ăn vài tuần là hết”, anh chín Ráy, một ngư dân sống tại ấp Long Phú nói.

Không biết kêu ai, người dân đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm và nhớ về những kỷ niệm đẹp về bến sông xưa.

Thiên Chương - Đức Quang