Thứ Hai, 13 tháng 8, 2007

Olympic toán quốc tế: Dấu ấn Việt với ba HCV


Đội tuyển Olympic toán VN “ra mắt” trong ngày khai mạc kỳ thi - Ảnh: V.D.
TT - Ba chàng trai với ba phong cách khác nhau nhưng cùng một niềm say mê toán học. Họ đã ghi danh vào bảng vàng quốc tế...

>> 3 "cậu bé vàng" của Olympic Toán Việt Nam
>> Đoàn học sinh Việt Nam đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay
>> Olympic toán quốc tế: Dấu ấn Việt với ba HCV
>> Một cuộc thi tài, một sân chơi trẻ
>> VN đăng cai Olympic toán quốc tế

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đi trong đoàn VN tham dự Olympic toán quốc tế (IMO 48) Phạm Thành Thái (lớp 12 toán Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) vẫn bị nhầm là “dân” Hàn Quốc hay Nhật Bản vì khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt một mí lanh lợi. Giao tiếp bằng tiếng Anh tối đa, Thái cũng buộc cậu em cùng phòng Lê Ngọc Sơn (lớp 11 Trường chuyên Bắc Giang, huy chương bạc IMO 48) phải sử dụng ngôn ngữ thứ hai ấy.

Học toán để... giải trí!

Với Thái, một tuần tập trung đội tuyển, được giao lưu với các bạn nước ngoài, khả năng giao tiếp tiếng Anh đã tăng lên không ngờ. “Bảy ngày bằng em tích lũy nhiều năm học”. Năm lớp 11, giành giải ba toán quốc gia nên Thái đã đăng ký một suất vào thẳng ĐH Ngoại thương. “Có thể bây giờ em sẽ thay đổi nguyện vọng của mình. Tiếp tục chọn khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên chẳng hạn, rồi em sẽ phấn đấu đi du học” - Thái tâm sự.

12 năm học phổ thông, cậu học sinh quê Gia Lộc, Hải Dương này liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thái khẳng định: cách học toán tốt nhất là làm toán! Giải nhiều bài tập thì công thức trở nên thuần thục một cách tự nhiên.

Đỗ Xuân Bách, Phạm Duy Tùng, Phạm Thành Thái (từ trái sang) với Marcela Katerila (đội tuyển Bolivia) - Ảnh: Việt Dũng

Đoạt huy chương vàng với điểm tối đa ở 4/6 bài thi, Thái “bật mí”: bây giờ nếu được giải lại từng ấy bài, Thái cũng sẽ đạt được số điểm như thế, không hơn không kém. Thái đã rèn cho mình một tâm lý thi cử thật vững vàng, “khi thi cũng chỉ nghĩ đơn giản như đang làm bài tập về nhà vậy”.

Niềm say mê toán học đã khiến Thái coi việc học toán rất nhẹ nhàng. Lúc buồn, lôi toán ra học cũng là một cách... giải trí đặc biệt của Thái. Có những bài toán Thái đeo đuổi cả tháng trời, đến khi giải được thì không niềm vui nào so sánh được. “Lúc đó sẽ thưởng gì cho mình?”. “Em sẽ lại tự thưởng cho mình một bài toán khó nữa”, Thái cười hiền.

Để đi xa hơn nữa...

Đỗ Xuân Bách (lớp 12 khối chuyên toán, ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội) còn nhớ như in cái cơ duyên đặc biệt khiến em trở nên gắn bó và say mê toán học. Thường thì các bài ở lớp nghĩ vài phút là ra đáp án ngay, bài nào nghĩ quá 5 phút là... chán. Nhưng một lần, vào lớp 8, một bài toán khó đã khiến Bách “chi phí” khá nhiều thời gian, đến khi giải được thì tự nhiên sự bí ẩn của các con số đã chinh phục Bách hoàn toàn. Cô chị gái hơn Bách 4 tuổi đang du học về công nghệ thông tin tại Hoa Kỳ theo diện ngân sách nhà nước (đề án 322) chính là tấm gương cho mục tiêu “đi xa hơn nữa” của em.

Đoạt huy chương vàng với số điểm cao nhất của đoàn Việt Nam (31 điểm), nhưng chàng trai có nụ cười rất tươi ấy lại tỏ ra vô cùng khiêm tốn: “Có thể em sẽ không đi theo con đường nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về toán học. Kỳ thi Olympic quốc tế lần này chỉ như một cuộc chạy ngắn 100m mà em không tham gia những cuộc chạy dài hơn sau đó, nhưng kỹ năng của cuộc thi sẽ giúp em nhiều hơn trong các lĩnh vực ứng dụng sau này”. Tâm lý nhẹ nhàng đó đã giúp Bách vững tin trong từng bài thi, lần lượt đạt điểm tối đa 4/6 bài thi.

Phạm Duy Tùng diễn tập văn nghệ với các bạn quốc tế - Ảnh: Việt Dũng

Cú “hattrick” của cậu em út

Thành viên “út ít” Phạm Duy Tùng (lớp 11 khối phổ thông chuyên toán, ĐH KHTN-ĐHQG Hà Nội) giải thích về bí quyết giành huy chương vàng toán quốc tế lần này rất “nhẹ nhàng”: “Chơi ra chơi, học ra học; học nhưng vẫn phải dành đủ thời gian để nghỉ ngơi”.

Trong thời gian ban tổ chức dành cho các đội tuyển đi tham quan, Tùng kiên quyết không nói gì đến chuyện học tập, huy chương... Cùng với Phạm Thành Thái, Phạm Duy Tùng giành giải ba nội dung thi cầu lông trong khuôn khổ các môn thi đấu thể thao bên lề IMO 48.

Cậu “em út” này của đội tuyển IMO 48 của VN đã chọn mượn các anh chị khóa trên các tập sách, các cuốn vở ghi lại những bài toán hay để giải dần. Ngày nào Tùng cũng ghi lại những đề toán ấy ra vở của mình rồi tìm cách giải. “Nếu bí quá, em cũng chỉ tham khảo một bước giải của cuốn vở ghi cẩm nang ấy. Tốt nhất là không bao giờ được xem lời giải trước khi tự mình tìm ra nó. Cảm xúc của việc tự mình tìm lời giải cho mình sẽ nuôi dưỡng niềm say mê cho chính mình”, Tùng tâm sự. Phải chăng, bằng “bí kíp” tự lực cánh sinh kiên trì ấy, mà đến lớp 11 Tùng giành “cú hattrick”: giải nhất Olympic toán do Trường THPT Hà Nội - Amsterdam tổ chức, giải nhì HS giỏi quốc gia và bây giờ là huy chương vàng Olympic toán học quốc tế 2007.

NGỌC HÀ

Việt Nam giành sáu huy chương

Cả sáu thành viên đội tuyển VN đều giành được giải cao với ba huy chương vàng (HCV) và ba huy chương bạc (HCB). Với thành tích này, đội tuyển nước chủ nhà giành được vị trí thứ ba toàn đoàn - vị trí cao nhất từ trước đến nay trong các kỳ Olympic toán quốc tế kể từ khi VN tham dự IMO từ năm 1974.

Ba HCB thuộc về Nguyễn Xuân Chương (lớp 12 chuyên toán, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc), Lê Ngọc Sơn (lớp 11 chuyên toán, Trường THPT chuyên Bắc Giang) và Đặng Ngọc Thanh (lớp 12 chuyên toán, Trường THPT chuyên Quảng Bình).

Theo ban giám khảo IMO 2007, đội tuyển Liên bang Nga dẫn đầu với sáu HCV, tiếp theo tuyển Trung Quốc với năm HCV và một HCB, đội tuyển Hàn Quốc đồng hạng ba với ba HCV và ba HCB. Lễ trao giải và bế mạc kỳ thi sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia vào chiều nay 30-7.

THANH HÀ

Không có nhận xét nào: