Chủ tịch Hội người tàn tật Thái Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đọc bài báo viết về Ngô Kinh (nhân vật bên trái trong ảnh) |
15 tháng sau khi sinh, Ngô Kinh bị mù do bị u võng mạc. Lúc lên 7, cô bắt đầu học ở một trường địa phương dành cho trẻ mù. Cô không chỉ nổi trội về các môn học mới mà còn bộc lộ tài năng ở các môn thể thao và nghệ thuật.
Ngô Kinh cho biết cô rất cảm ơn cha mẹ vì họ không bao giờ xem cô là người mù. Họ để cô nhảy, lộn nhào và khuyến khích cô làm những việc mà người sáng mắt có thể làm, mặc dù cô hay bị ngã hơn những người khác.
Năm 12 tuổi, Ngô Kinh được chọn đi thi ở một cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật. Năm sau, cô đạt hai huy chương vàng môn chạy nước rút 100 mét và 200 mét ở Thế vận hội dành cho Người khuyết tật tỉnh Giang Tô. Vào năm 2003, Ngô Kinh lại giành hai huy chương vàng cho môn chạy ở Thế vận hội Quốc gia dành cho Người tàn tật.
Hai năm sau, cô thi đấu tại Thế vận hội châu Á dành cho Thanh thiếu niên khuyết tật và Paralympic Games diễn ra tại Athens.
Chơi thể thao giỏi, nhưng Ngô Kinh không quên trau dồi văn hóa. Từ năm 2002, Ngô Kinh bắt đầu học tiếng Anh lúc rảnh rỗi. Cô tìm mua các tài liệu học tiếng Anh và nhờ bạn cùng phòng đọc từng chữ một để cô dịch sang chữ nổi. Ngô Kinh thường học tiếng Anh đến tận nửa đêm.
Năm ngoái, Ngô Kinh gửi hồ sơ lý lịch, kinh nghiệm học tập, danh sách các thành tích thi đấu thể thao tới ĐH Harvard qua một người bạn đang học ở đó. Cô cũng gửi hồ sơ này để xin học tại 7 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ. Kết quả đã không phụ cô gái đầy nghị lực ấy.
Ngô Kinh đã đi Mỹ giữa tháng trước để nhập học tại Đại học Harvard. Ngô Kinh cũng dự định học luật tại ĐH Yale sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard để chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền hợp pháp của người khuyết tật. Học tập tại ĐH Harvard là một bước lớn để cô thực hiện mục tiêu làm việc cho tổ chức Liên hợp quốc nhằm giúp đỡ người tàn tật khắp thế giới.
Ngoài tiếng Anh, Ngô Kinh còn sử dụng được tiếng Thụy Điển. Cô đặt kế hoạch sẽ học tiếng Đức và tiếng Pháp. Ngô Kinh nói cô phải nắm được 5 ngoại ngữ để làm việc ở một bộ phận của Liên hợp quốc chuyên làm việc vì lợi ích của người khuyết tật.
Ngô Kinh tâm sự: “Nếu tôi trở thành nhân viên của Liên hợp quốc, tôi sẽ xin làm việc ở châu Phi bởi vì người tàn tật ở đó cần nhiều sự trợ giúp hơn".
THƯƠNG VŨ (Theo China.org.cn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét