Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

Tự sự về gia phả

DÂNG HƯƠNG LÊN NET, NỐI KẾT THÂM TÌNH

Ông Văn Chiến

Nôm na gọi có mấy lời
Nhắn ai nòi Việt ngàn đời đừng quên.
Rằng "Mộc hữu bản, thủy hữu nguyên".
Người mà bỏ gốc sao nên thân người.

Dã Lan NGUYỄN ĐỨC DỤ

Ngày Tết là dịp mọi gia đình sum họp, tĩnh lắng để hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Theo phong tục Việt Nam, “mồng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Đặc biệt, những giờ phút giao thừa là lúc bàn thờ tổ tiên sáng đèn, thơm hương với sự thành tâm kính lễ của con cháu.

Từ vài năm nay, ngoài việc kính lễ vật thực, nhiều gia đình vừa vào internet khai-máy-đầu-xuân, vừa mở ra xem trang gia phả của tộc, chi tộc mình như là một cách “ôn cố tri tân”, nhắc nhở con cháu “uống nước nhớ nguồn”.

Đã có hàng trăm tộc hoặc chi tộc (tôi viết gọn là họ) đã upload gia phả của mình lên mạng. Miễn phí hoàn toàn như trong www.vietnamgiapha.com; thu phí một số dịch vụ như ở như www.phahe.com.vn. Có họ tự tạo riêng website cho họ của mình như www.caoxuan.com, www.hovuvo.com, www.hopham.org, … Đa số chú trọng đưa lên phả hệ và phả đồ là chính; phần phả ký và ngoại phả viết về thủy tổ, bản quán số lượng ít hơn. Nhưng họ nào đã đưa phần viết lên thì rất dồi dào, súc tích, phong phú. Tôi tìm xem các phả ký, thủy tổ, tộc ước của một số họ. Nhiều trang hết sức lý thú, cung cấp nhiều thông tin liên quan sâu sắc đến văn hóa, lịch sử, phong tục Việt và tiểu sử không ít danh nhân như gia phả tộc Hậu Duệ vua Minh Mạng, họ Vũ – Võ, họ Ngô – Lê (Củ Chi), …

Mấy anh chị em tôi cũng tham gia xây dựng gia phả kỹ thuật số cho họ mình. Những đời trước như ông 8 Vĩ đã củng cố gia phả trên giấy, ông Quảng phiên từ chữ Hán ra quốc ngữ, chú Ông Văn Thông lập trình bằng Access một mdb phả hệ, … Hai anh em ngồi nhập và cười rúc rích khi đọc thấy Ông Ích Khiêm đời 18 có đến mười người vợ, hai mươi bảy người con. Cũng ngậm ngùi khi phả ký viết rằng, người giữ gia phả đời thứ 11, trong một lần chạy giặc, đã vùi ống tre đựng gia phả xuống ruộng đến khi quay lại thì không tìm thấy được. Chính vì vậy, phả hệ họ Ông (Phong Lệ, TP Đà Nẵng) ngày nay chỉ ghi chép đầy đủ được từ đời thứ 12. Lại liên tưởng đến họ Trương (làng Kim Đái, huyện Núi Thành, Quảng Nam). Ông Trương Đưa, tộc trưởng, lao vào nhà cháy để cứu lấy bộ gia phả, bị lính Mỹ tưởng là Việt Công, bắn chết! Bộ gia phả đẫm máu trên tay ông còn truyền tới hôm nay.

Cũng trên mạng, trong bài viết của ông Phạm Huy Khánh “Bản sơ thảo Gia phả Phạm Công tộc tại Mộ Đức, Quảng Nghĩa”, ngoài danh tướng Phạm Tu (đời Tiền Lý), thiền sư Thường Chiếu (đời Lý), … có đề cập đến bác Đồng (Phạm Văn Đồng, 1906-2000, Thủ tướng nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hoà và nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thuộc Gia hệ 9 đời thứ 15, hệ 11). Tôi cũng tìm thấy tên Hồ Trọng Quý, một người đời thứ 14 của họ Hồ (Nông Sơn, Quảng Nam) và là thành viên trong phong trào sinh viên học sinh Sàigòn, ngã xuống thành liệt sĩ vào đúng chiều tối ngày 29 tháng 4 năm 1975, nay được đặt tên đường và tên chợ tại phường 10, quận 6, TPHCM … Và còn nhiều thông tin lịch khác thể hiện mối liên hệ không gì tách biệt giữa sử nước, sử nhà, dân-giàu-nước-mạnh, văn hóa truyền thống nằm trong từng tế bào gia tộc.

So sánh với cách hiển thị phả hệ trên giấy như cuốn Phan Gia Công Phả (2006) thì cách hiển thị trên internet đa dạng hơn nhiều. Việt Nam Gia phả và Phả hệ gần giống nhau, dễ nhìn theo kiểu truyền thống. Họ Cao Xuân hoàn toàn khác, lý thú hơn, phá cách bằng cách dùng các hiệu ứng tin học cơ sở dữ liệu động.

Trong quá trình nhập liệu đưa lên mạng, tôi ngồi lật lại các trang viết tay của Ba tôi, các thư từ Hội đồng Gia tộc gửi vào, các hình ảnh của tôi khi mới lên hai chụp ở Quế Sơn, căn nhà Má tôi dựng tại Phong Bắc năm 1956 mà bây giờ trở thành nhà của người anh con bác, … Không phải “đất hóa vàng, tình người hóa bạc”, trong tôi vằng vặc nỗi niềm xa xót của kẻ xa quê. Hôm tháng 6 vừa qua, chúng tôi đưa các cháu đời thứ 23 về quê, chụp hình bên mộ ông bà và thắp nhang tại khu tộc mộ ở Gò Mô. Bức hình chụp bên lăng Ông Ích Khiêm còn nóng hổi tia nắng thiên cổ. Ba tôi đã từng viết trong Lời Dặn Dò Con Cháu, những dòng tâm cảm trước lúc về cõi Phật:

Thân tứ đại trả về cho tứ đại,

Luật tuần hoàn sanh tử chẳng sai.

Sống còn: tạo Đức, thi Tài,

Thác đi: để lại tiếng hay trên đời.

Các con ghi nhớ mấy lời,

Hồn thiêng Ba chứng, ngậm cười ngàn thu.

Đọc gia phả, bổ túc và cập nhật gia phả, chúng tôi như thấy mạch sống của ông cha còn đang miệt mài quyện chảy trong lòng.

Có thể đọc thấy trên mạng những mẩu tin tìm người cùng họ, tìm bạn bè, nhắn tin chung kêu gọi góp sức bổ sung gia phả, … Miên man theo những mẫu tin nhắn ấy, lòng tôi như se sắt lại: ”Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Qua hai cuộc chiến tranh kéo dài, tin tức gián đoạn. Kẻ còn người mất nào ai biết, giờ nhờ có chút duyên trên internet mà tìm lại với nhau. Chỉ mong thế hệ 8X, 9X sẽ chú tâm hơn nữa trong quá trình “lá rụng về cội” để những trang phả hệ các họ sẽ được cập nhật đầy đặn hơn, không ai lạc mất mình. Trong sinh hoạt đời thường, tôi đã gặp một người thợ sửa đồng hồ ở đường Trần Quang Khải, quận 1, tưởng như không hề có mối liên hệ nào khác. Nhưng khi đưa gia phả họ Ông cho anh ấy xem, anh đã tìm thấy tên ông ngoại của mình. Những lần sau gặp lại, có một chút gì thân mật hơn trong lúc giao dịch.

]

Ngay cả người nước ngoài cũng có những hoạt động về gia phả. Các công ty chuyên về dịch vụ viết gia phả, tìm phả hệ ở Hoa Kỳ như Ancestry.com, MyFamily.com, A&E Television Networks’ Genealogy.com , …, ở Anh như Census Online. Có thể họ thu phí “39 USD / 3 tháng hoặc 189 USD / năm” “ để được quyền tìm kiếm và xem các tài liệu như các biên bản điều tra dân số từng gia đình từ năm 1790 đến 1930, và cả các tư liệu nô lệ được lưu trữ tại trang web”, “có thể tìm kiếm tên, địa chỉ, dòng họ của hơn 32 triệu người. Những ai sống ở một ngôi nhà trên 100 năm tuổi cũng có thể tìm hiểu những chủ nhân đã sống ở đó từ đầu thế kỷ trước”. Cũng đáng đồng-tiền-bát-gạo lắm đấy chứ.

]

Ngày Tết có thời gian nghỉ ngơi nên “tám” chuyện gia phả hơi dài. Nếu tác giả Tuấn Dũng từng viết câu thơ (mà anh Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc, bài Cho Con) là “Con đừng quên con nhé, Ba Mẹ là quê hương” thì tôi xin mượn bài kệ của Thiền sư Thường Chiếu để kết thúc bài viết này:

Đạo bản vô nhan sắc

Tân tiên nhật nhật khoa

Đại thiên sa giới ngoại

Hà xứ bất vi gia ?

được dịch là:

Đạo vốn không nhan sắc.

Mà ngày càng gấm hoa.

Trong ba ngàn cõi ấy,

Đâu chẳng phải là nhà ? ./.

Gửi bởi: Ông Văn Chiến Ngày: 29/01/2007

Không có nhận xét nào: