Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

Ðôi điều về chính sách "Chiêu hiền đãi sĩ"của ông cha ta



"Chiêu hiền đãi sĩ" là thu phục bậc hiền tài, trọng đãi người trí thức. Ðây là một tiêu chuẩn, một phẩm chất quan trọng của các đấng anh quân, minh chủ.

Năm 1499, vua Lê Hiến Tông ban đạo sắc, trong đó có câu: "Nhân tài là nguyên khí của Quốc gia. Nguyên khí mạnh thì trị đạo mới mạnh. Khoa mục là đường thẳng của quan trường. Ðường thẳng mở thì chân Nho mới có".

Trong bia Văn Miếu số 1, tấm lòng quý trọng chân thành, tha thiết không cùng của triều đình đối với kẻ sĩ, trí thức, đã được phơi bày, khắc sâu trên đá nhằm lưu lại cho muôn đời sau: "Kẻ sĩ đối với đất nước quan trọng là thế, cho nên triều đình quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Ðã quý trọng bằng khoa danh, lại tôn vinh bằng tước trật, ơn ban đã lớn vẫn cho là chưa đủ để bày tỏ nỗi vui mừng của triều đình chọn được người tài. Không việc gì mà không làm tới mức cao nhất (để bày tỏ lòng tôn trọng kẻ sĩ)".

Từ xưa, những người tham gia chính quyền đều phải học và phải thi đỗ. Không đỗ thì không được giữ một chức vụ gì trong bộ máy quản lý đất nước. Ðó là điều kiện bắt buộc đối với quan từ cấp huyện trở lên. Ở cấp xã, tổng không đòi hỏi điều kiện này. Các ông lý trưởng, xã trưởng, chánh tổng,... buộc phải biết chữ, nhưng không phải tuyển qua thi cử. Những người được bổ làm tri huyện về nguyên tắc phải đỗ cử nhân.

Người tham gia chính quyền phải có học là một nguyên tắc chặt chẽ. Xin kể một câu chuyện.

Thời Trần, vợ thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh Từ quốc mẫu, có người họ muốn có chút danh phận với làng nước, đã cầu xin bà nói với Thái sư cho làm chức câu đương (một chức dịch nhỏ cấp xã lo việc cúng tế) ở làng quê. Bà lựa lời nói với Trần Thủ Ðộ nhân dịp ông về quê Thiên Trường xem xét dân tình.

Về đến địa phương, ông kiểm tra mọi việc, luận công khen thưởng, phân xử những việc rắc rối. Ông cũng để ý đến việc người nhà cầu xin. Xem ra ý không học hành, cũng không có công trạng gì với làng xóm, ông cho gọi y ra:

- Ta được Linh Từ quốc mẫu cho biết, nhà ngươi muốn xin một chức câu đương phải không?

- Dạ, xin đội ơn Thái sư.

Trần Thủ Ðộ nghiêm nét mặt:

- Hãy khoan. Câu đương là một chức nhỏ. Ta chẳng hẹp gì với ngươi cả. Nhưng phép nước phải rõ ràng. Chức phận nhỏ to đều do học hành hoặc công tích mà nên. Ngươi không chịu học, cũng chẳng có công gì, cất nhắc rất khó. Nhưng từ chối thì không tiện.

-...

- Vì thế, ta đã nghĩ ra một cách. Ban cho ngươi chức câu đương, phải kèm theo một việc để mọi người biết quan gia không thiên vị. Ngươi cũng thêm kỷ niệm nhớ đời. Ta sẽ cho chặt một ngón chân của ngươi để dân chúng thấy vì vậy mà ngươi được chức tước.

Dứt lời, Trần Thủ Ðộ cho gọi ngay đao phủ. Tên người nhà hoảng hốt sụp xuống lạy dài:

- Xin Thái sư tha cho. Con không dám xin chức câu đương nữa ạ!

Ở trên đã nói việc chọn nhân tài cho bộ máy Nhà nước qua thi cử. Ðể việc tuyển chọn này được chính xác, tránh tình trạng man trá, luật lệ rất nghiêm khắc.

Năm 1696, tên quan chấm thi là Ngô Sách Tuân, muốn trả ơn cấp trên, đã tìm cách làm cho cậu ấm con quan được trúng tuyển. Việc bị phát giác. Ngô Sách Tuân bị kết án tử hình, hình phạt thắt cổ.

Trong các kỳ thi, việc chọn lọc rất chặt chẽ. Năm 1463, 4.400 cử nhân thi, chỉ lấy đỗ được 40 tiến sĩ (9 phần nghìn). Năm 1499, có 5.000 cử nhân thi, chỉ lấy đỗ 55 tiến sĩ (11 phần nghìn). Năm 1514, số thí sinh là 5.700, lấy đỗ 43 tiến sĩ (7,5 phần nghìn).

Ngoài ra, còn có một số quy tắc khác bảo đảm tính nghiêm mật của thi cử: (1)

Ðối với những chức vụ quan trọng, việc kiểm tra, khảo duyệt phải tiến hành nhiều lần. Thí dụ như, dưới thời Lý - Trần, chức An phủ sứ Kinh sư (Thăng Long) phải trải qua việc tuyển chọn rất nghiêm ngặt.

Người nào được dự kiến nhận chức An phủ sứ Kinh sư, phải đưa đi các tỉnh xa như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An để làm An phủ sứ ở đó. Sau một thời gian chừng năm, bảy năm, triều đình đi khảo duyệt một lượt. Người nào khá hơn sẽ được điều về Kinh, giữ một trong những bộ quan trọng như bộ Hình. Tiếp theo lại một đợt khảo duyệt nữa mới được cử làm An phủ sứ Kinh sư.

Trí thức là những người biết rộng, thường có cách nhìn cách nghĩ khác với con mắt bình thường. Họ lại ít quen uốn lưỡi, thích lời nói thẳng. Những người đứng đầu biết nghe lời nói thẳng sẽ được kẻ sĩ tâm phục. Trong lịch sử, nhiều vua chúa dùng hình thức Chiếu cầu lời nói thẳng: (2)

- Theo chính sử còn lưu lại, Chiếu cầu lời nói thẳng đầu tiên được ban bố đời vua Lý Nhân Tông, tháng tư, năm Bính Thìn (1076): "Mùa hạ, tháng tư, đại xá, đổi niên hiệu làm Anh Vũ Chiêu thắng, vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng". (Ðại Việt sử ký toàn thư).

- Ðời vua Lê Thái Tổ, ngày 26 tháng Hai, năm Kỷ Dậu (1429), vua lệnh cho các ngôn quan rằng: "Nếu thấy Trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa; hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu quan chức trong ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân, thiên tư phi pháp thì phải dâng sớ đàn hặc ngay" (Ðại Việt sử ký toàn thư).

- Thời vua Lê Thái Tông, ngày 27 tháng năm, năm Mậu Ngọ (1438), vua xuống chiếu: "Tất cả các đại thần văn võ các ngươi cần chỉ ra các lỗi lầm kể trên (vua không lo sửa đức, quan tể phụ bất tài, nạn hối lộ hoành hành, việc hình ngục có nhiều oan trái, thuế má nặng nề,...). Cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định Trẫm sẽ khen thưởng, cất nhắc, dẫu có vu khoát cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể xoay chuyển được lòng trời, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy" (Ðại Việt sử ký toàn thư).

- Thời vua Lê Nhân Tông, ngày mồng 2 tháng hai, năm Quý Hợi (1443), vua "Lệnh cho khắp quan lại quân dân đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dẹp hết tai biến, hãy nói thẳng ra, chớ nên ẩn giấu, để Trẫm sửa những điều thiếu sót". (Ðại Việt sử ký toàn thư), v.v.

Tóm lại, qua các triều đại, từ Lý - Trần đến Lê - Nguyễn, các bậc vua chúa thường có Chiếu cầu lời nói thẳng, một hiện tượng phổ biến, với lời lẽ chân thành, tha thiết. Chính nhờ vậy mà có sức thuyết phục, cảm động được lòng người, trước hết là các bậc thức giả đương thời.

Ở trên chúng tôi đã trình bày đôi điều về chính sách thu phục hiền tài, trọng đãi trí thức của ông cha ta. Người xưa đã thấm nhuần sâu sắc vai trò của trí thức. Ðó là nhận thức của toàn xã hội mà những người đứng đầu đất nước tiếp nhận, khuếch trương và thực thi. Trên cơ sở này, ông cha ta đã xây dựng một đội ngũ bộ máy cầm quyền có học thức; có quy chế, luật lệ để bảo đảm chọn đúng những người có thực tài, thực học; khuyến khích bậc thức giả tự do bày tỏ chính kiến, kể cả việc phê phán những người "thay trời trị dân". Trên đây là những kinh nghiệm quý cho chúng ta trong kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập.

------------------------

(1) Lê Thanh Hòa: Lựa chọn và sử dụng nhân tài trong lịch sử, NXB Khoa học xã hội, H, tr.42-43.

(2) Theo Bùi Xuân Ðính: Nhà nước và pháp luật thời phong kiến Việt Nam, những suy ngẫm, NXB Khoa Tư pháp, H, 2005, tr.16-22.

GS. TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT

Không có nhận xét nào: