Bảy năm cho một bài báo Mới đây, ông có bài đăng trên Tạp chí “Vật lý toán phi tuyến” (Journal of Nonlinear Mathematical Physics) của Nhà Xuất bản Khoa học danh tiếng Atlantis – bài báo “Bài toán biên đối với phương trình Korteweg-de Vries trên phần tư mặt phẳng dương” (The Initial-Boundary-Value Problem for the Korteweg-de Vries Equation on the Positive Quarter-Plane). TS. Phạm Lợi Vũ cho biết, từ hơn 10 năm nay, ông chủ yếu gửi đăng kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. “Làm nghiên cứu khoa học là để đi đến chân lý. Các tạp chí khoa học quốc tế cho tôi cảm giác mình luôn được sát cánh trên hành trình này”, ông giải thích rõ hơn: “Đối với các tạp chí chuyên ngành quốc tế, mỗi bài báo gửi đến thường được hai phản biện không nêu danh kiểm tra và đánh giá. Nếu ý kiến nhận xét trái ngược nhau thì Ban Biên tập Tạp chí mời phản biện thứ ba (Adjudicator). Một số tạp chí còn có mục Automated Status Enquiry giúp tác giả theo dõi quá trình thẩm định bài báo, từ thời điểm nhận được bài, chuyển bài tới các phản biện, đến thời điểm các phản biện viết nhận xét. Một bài báo gửi đăng ở tạp chí có uy tín thường dẫn đến tình huống sau: Ban biên tập Tạp chí viết thư trả lời tác giả kèm theo báo cáo của phản biện là những chuyên gia đang nghiên cứu thành công trong lĩnh vực của tác giả. Đó là những nhận xét xác đáng về đặt vấn đề, giải quyết vấn đề của tác giả, về sửa chữa những chỗ chứng minh sai, yêu cầu trích dẫn và so sánh kết quả của mình với các kết quả khác... Cuối cùng, Ban biên tập sẽ xem xét lại việc đăng tải bài báo sau khi nó đã được sửa chữa theo ý kiến của phản biện. Nếu gửi đăng tạp chí trong nước thì hầu như không thể nhận được những ý kiến xác đáng có chất lượng cao”. Kết quả nghiên cứu khoa học được khẳng định và công bố – đó là lý do quan trọng nhất khiến ông không quản ngại bỏ ra vài năm, thậm chí là 7 năm như trong trường hợp bài báo mới nhất, để hoàn thành một nghiên cứu. Ông cho biết, bài báo này khởi thảo từ năm 2000, trong đó 4 năm được dành để viết và gần 3 năm để sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Ban Biên tập Tạp chí. “Nghiên cứu khoa học cơ bản là vậy, không thể vội vàng, thất bại không có nghĩa là đầu hàng mà có nghĩa là bắt tay vào làm lại,” - ông nói. Rồi ông đưa ra bức thư đầu tiên của phản biện nhận xét về bài báo từ năm 2003. Trong thư, phản biện nêu rõ, bài toán ông đang định giải thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới từ nhiều năm nay nhưng một số khía cạnh của nó còn chưa được giải quyết, và phản biện không cho rằng, nghiên cứu này của ông sẽ đóng góp được tiến bộ gì đáng kể. Thế nhưng, sau ba năm kiên trì bổ sung, bài báo của ông cuối cùng đã xuất hiện trên số 1 của Tạp chí năm nay. Một điều mà ông băn khoăn bấy lâu nay, và đã hơn một lần phát biểu tại các hội thảo hoặc trực tiếp gửi thư tới các vị lãnh đạo cấp cao của ngành khoa học, đó là, ở Việt Nam, tiêu chuẩn về bài báo nghiên cứu khoa học cơ bản còn có khoảng cách so với khu vực và thế giới. “Việt Nam chưa có Tạp chí khoa học nào được đưa vào danh sách của Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information - ISI (Hoa Kỳ). Bài báo được công bố trên các Tạp chí thuộc Danh sách ISI được xem là kết quả khoa học đích thực và có bản quyền. Thế nhưng hiện nay, theo tôi được biết, có đến 90% các nghiên cứu của ta mới chỉ công bố trên các Tạp chí trong nước, nghĩa là các công trình này chưa được quốc tế “đóng dấu” thừa nhận có kết quả khoa học mới” – TS. Phạm Lợi Vũ nói. Theo báo Nhân dân |
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007
Nhà khoa học không có tuổi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét