Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

TÓM TẮT NGẮN VỀ 10 ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA PHẬT

Ngài Xá Lợi Phất
Trong hàng Thanh Văn đệ tử của đức Phật Thích Ca, Tôn giả Xá Lợi Phất được coi là người có trí tuệ bậc nhất. Ngài xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn, thân phụ Đề xá là một luận sư nổi danh trong giáo đoàn Bà-la-môn.
Thân mẫu khi mang thai Ngài, trí tuệ vượt trội hơn mọi phụ nữ tầm thường (Theo truyền thuyết đó là do ảnh hưởng của thai nhi).
Đến tuổi trưởng thành Ngài từ giã quê hương phụ mẫu, lên đường tìm sư học đạo. Trên bước đường vân du, Ngài gặp vị Tỳ-kheo A Thị Thuyết, là một trong năm vị Tỳ-kheo đầu tiên quy y Phật, dạy cho bài kệ:
“Các pháp do nhân duyên sanh.
Các pháp do nhân duyên diệt.”

Ngài ngộ được bài kệ và cùng người bạn chí thân đó là Mục Kiền Liên quy y theo Phật từ đó.

Ngài Mục Kiền Liên
Tôn giả Mục Kiền Liên xuất gia theo Phật chỉ trong vòng bảy hôm liền hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán, hiện sức thần thông.
Ngài dáng người cao lớn, mặt vuông tai dài, biểu lộ tính cứng rắng. Tôn giả rất lạc quan, dũng cảm, thường vì chánh nghĩa đả phá việc bất bình.
Trong hàng Tỳ-kheo đệ tử của Phật, có nhiều vị thần thông phi thường, nhưng Mục Kiền Liên được danh hiệu đệ nhất là vì trong lúc hóa đạo, Ngài ưa hiện thần thông. Đức Phật tuy không cho phép các đệ tử hiển phép lạ mê hoặc người nhưng riêng đối với Mục Kiền Liên thì Ngài thường khen ngợi.

Ngài Đại Ca Diếp
Tôn giả Đại Ca Diếp là con của nhà hào phú trưởng giả dòng Bà-la-môn tên Ni Câu Lư Đà Kiệt Ba. Tiếng đồn tài sản của phụ thân Ngài có thể sánh với vua Tần Bà Sa La đương thời.
Ngày mẫu thân Tôn giả lâm bồn, chính là lúc bà đang dạo chơi trong đình viện, bỗng cảm thấy mệt mỏi, bà đến ngồi dưới bóng cây đại thọ Tất-bát-la nghỉ ngơi. Lúc ấy chẳng biết thiên y từ đâu bay tới, và Đại Ca Diếp cất tiếng khóc chào đời.
Theo truyền thuyết, ngày Đại Ca Diếp rời nhà tìm đạo, lúc đó Ngài đã ba mươi tuổi, cũng chính là ngày đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ-đề, trên tòa Kim Cang thấy sao mai mọc và thành Đẳng chánh giác.
Lúc Tôn giả gặp được Phật, đức Thế Tôn đã bảo: "Này Đại Ca Diếp! Ông chính thật là đệ tử của ta. Ta chính là lão sư của ông. Trên thế gian này, như người nào chưa chứng quả vị Chánh giác, không dám nhận ông làm đệ tử. Ông hãy theo ta."
Trong hàng đại đệ tử của Phật Thích Ca, Tôn giả Đại Ca Diếp được mệnh danh khổ hạnh đệ nhất.

Ngài Tu Bồ Đề
Tôn giả Tu Bồ Đề là vị đệ tử Giải Không Đệ Nhất của Phật Thích Ca. Ngay vừa chào đời, tất cả tài bảo, dụng cụ trong nhà Tôn giả bỗng nhiên biến mất, không thấy một cái nào. Người trong nhà đều lo sợ, vội mời thầy xem tướng đến bói một quẻ. Tướng sư gieo quẻ rồi nói:
- Đây là một hỷ sự, trong nhà sanh quý tử. Tiền bạc, bảo vật trong nhà đều trống rỗng ngay khi cậu bé chào đời đó là người Giải không đệ nhất. Chúng ta nên đặt tên cho cậu bé là Không Sanh! Điều này rất đại cát lợi, tương lai chú bé sẽ không bị danh văn lợi dưỡng thế gian ràng buộc, gọi chú là Thiện Cát cũng tốt.
Khi đến tuổi trưởng thành Tôn giả xuất gia theo Phật và thể hội được chân lý vô ngã tối cao và đạt đến huệ KHÔNG sâu xa.

Ngài A Nan
“Tướng như trăng thu đầy
Mắt biếc tợ sen xanh
Phật pháp rộng như bể
Đều rót vào tâm A-nan.”


Trên là bài kệ khen tặng của Bồ tát Văn Thù dành cho Ngài A Nan.
Trong hàng đệ tử của đức Phật Thích Ca, người có tướng mạo trang nghiêm, trí nhớ phi thường, phải kể đến Tôn giả A Nan.
Tuy được mệnh danh là đệ tử Đa văn đệ nhất của Phật nhưng mãi đến khi đức Phật nhập Niết bàn, một ngày trước khi Ngài Đại Ca Diếp triệu tập đại hội kết tập kinh điển đầu tiên, Tôn giả mới chứng quả A-la-hán. Chính trong pháp hội kiết tập này, Tôn giả A Nan đã tuyên đọc lại tất cả những lời Phật đã dạy không thiếu sót.

Ngài Ca Chiên Diên
Tôn giả Ca Chiên Diên là vị đệ tử luận nghị đệ nhất của Phật.
Tôn giả Ca Chiên Diên vốn tên gọi là Na-la-đà, con thứ hai của quốc sư Ca Chiên Diên. Ca Chiên Diên là họ, về sau Tôn giả nổi tiếng nên mọi người dùng họ để thay tên gọi.
Tôn giả Ca Chiên Diên rất giỏi biện luận, không kể người đó là Bà-la-môn quyền uy đến đâu, khi gặp mặt, Tôn giả chỉ dùng vài lời ngắn gọn đều khiến kẻ vấn nạn phải vui vẻ khâm phục.

Ngài Phú Lâu Na
Tôn giả Phú Lâu Na vốn được gọi là "Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử". Phú Lâu Na chỉ là tiếng gọi tắt. Danh hiệu Ngài dài như thế chính là biểu hiện cho Tôn giả khi thuyết pháp cũng trường mãn vô cùng. Danh xưng của Ngài được dịch sang tiếng Trung Hoa là "Mãn Từ Tử".
Đức Phật thường ngợi khen biện tài ngôn luận của Tôn giả trước đại chúng.
"Các ông cũng nên xưng tán Phú-lâu-na. Ta thường khen ông ấy là bậc nhất trong hạng người thuyết pháp. Ông ấy thâm nhập biển Phật pháp hay làm lợi ích cho tất cả người đồng tu học đạo, trừ đức Phật ra, không ai có thể biện bác ngôn luận với ông.
Các ông chớ tưởng rằng Phú-lâu-na chỉ giúp ta tuyên thuyết chánh pháp, ông ấy ở thời quá khứ chín mươi ức cõi Phật đều hộ trì trợ duyên Phật pháp, đều được xưng là Thuyết pháp đệ nhất."

Ngài A Na Luật
Tôn giả A Na Luật là vị đệ tử với thiên nhãn đệ nhất của đức Phật Thích Ca.
A Na Luật sanh trong dòng dõi vua chúa, vốn là em của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Sau ngày Tịnh Phạn Vương băng hà, đại tướng Ma Ha Nam lên nối ngôi, là anh ruột của A Na Luật.
Tuổi thơ của A Na Luật, vốn là một đứa trẻ thiên tư hoạt bát, rất thông minh mẫn tiệp, đối với âm nhạc, kỹ thuậ dường như có tài đặc biệt. Năm bảy, tám tuổi thường ca hát trước đông người, làm những điệu bộ khôi hài khiến ai nấy đều bậc cười. Đó là một chú bé được mọi người yêu mến.
Lúc đức Phật thành đạo và trở về thành Ca Tỳ La thuyết pháp giáo hóa. Sức cảm hóa của Thế Tôn rất mạnh, chẳng bao lâu trong hoàng tộc nhiều người quy y Phật, xuống tóc xuất gia. Điều ấy khiến các vương tử thanh niên chấn động, A Na Luật cũng nằm trong tình hình ấy, lập chí xuất gia theo Phật.
Nhân một lần bị Phật quở khi Tôn giả ngủ gục trong lúc đang nghe pháp, Tôn giả lập thệ không ngủ nghỉ nữa. Vì dụng công tu tập quá mức, chẳng bao lâu Ton giả bị mù hai mắt. Đức Phật dạy Tôn giả tu tập "Kim cang chiếu minh tam muội" chẳng bao lâu A Na Luật chứng được thiên nhãn thông.
Trong kinh A Di Đà đã đặc biệt nêu đại danh A Na Luật trong hàng thánh đệ tử, vì thiên nhãn của Tôn giả có thể thấy được thế giới Cực Lạc ở phương Tây, dùng thiên nhãn để chứng minh cho hàng chúng sanh sơ học, dễ sanh lòng tin tưởng vào cõi nước của Phật A Di Đà

Ngài Ưu Ba Ly
Người được mệnh danh là Trì Giới Đệ Nhất trong hàng đệ tử của Phật.
Tôn giả Ưu Ba Ly xuất thân từ giai cấp thủ đà la, là giai cấp thấp nhất trong xã hội của Ấn Độ thời bấy giờ.
Từ nhỏ Ưu Ba Ly đã không được hưởng quyền lợi về học vấn. Người của dòng Thủ Đà La mà muốn học tập pháp điển Mã Nổ của Bà-la-môn là một vọng tưởng hão huyền.
Đến tuổi trưởng thành, Tôn giả được xuất gia theo Phật. Mùa hạ trong năm Ưu Ba Ly xuất gia, đang khi chúng Tăng cử hành lễ an cư, Ưu Ba Ly đã tinh tấn tu đạo và khai ngộ. Do đó, Tôn giả đã thành một bậc thượng thủ trong Tăng đoàn, được sự cung kính của hai chúng tại gia, xuất gia. Việc ấy cũng làm nhiều người kinh ngạc. Một người thuộc dòng Thủ Đà La thấp hèn mà căn cơ mẫn tuệ đến như vậy, đó không những làm rạng rỡ cho dòng Thủ Đà La, mà cũng làm vẻ vang cho tinh thần bình đẳng của Phật Giáo.

Ngài La Hầu La
Đức Phật khi còn là Thái tử của vương thành Ca Tỳ La, đã kết hôn với công chúa Da Du Đà La thành Câu Lợi. Vào năm thái tử và công chúa mười chín tuổi, sanh hạ La Hầu La. Thái tử rất vui mừng, nhưng đó không phải là sự vui mừng tình thường người đời sanh con. Vì thái tử đã nhiều lần xin vua cha xuất gia, đều không được chấp thuận. Vua Tịnh Phạn có nói "Trừ phi có được đứa cháu đích tôn thì mới cho phép thái tử xuất gia". Hiện tại thái tử đã có La Hầu La như ý phụ vương, nguyện vọng xuất gia sẽ thành được, bảo sao thái tử không vui mừng.
Khi La Hầu La được 7 ngày tuổi, Thái tử Sĩ Đạt Ta xuất thành tầm đạo và trong suốt mười năm theo đó, La Hầu La chưa một lần nhìn thấy mặt cha.
Khi Phật thành đạo, Ngài trở về thành Ca Tỳ La. Da Du Đà La bảo con rằng: " Con hãy theo phụ thân xin tài sản đi, cha con có những châu báu mà chúng ta chưa được thấy."
Không bao lầu sau, La Hầu La được xuất gia theo Phật và trở thành vị Sa Di đầu tiên trong Tăng đoàn, dưới sự dìu dắt trực tiếp của Tôn giả Xá Lợi Phất.
Từ khi được Phật chỉ dạy và lại thường được ở bên cạnh sư phụ Xá Lợi Phất, nhận được sự hướng dẫn của Thầy, La Hầu La tu tiến rất nhanh. Cuối cùng Tôn giả chứng được quả A La Hán và thường được Phật khen là người Mật Hạnh Đệ Nhất.

Nguồn: http://www.chualinhson.com/phathoc/phat/thapdaidetu.html

Không có nhận xét nào: