Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

An toàn giao thông: Nhìn từ phía trường đào tạo và cấp bằng lái xe

An toàn giao thông ở Việt Nam đang và sẽ là một vấn đề đòi hỏi cả xã hội phải quan tâm. Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2010 đã xảy ra 13.713 vụ tai nạn giao thông trên cả nước, làm 11.060 người chết và 10.306 người bị thương. Đây là một con số khủng khiếp, số người chết hàng năm đã lớn hơn số người chết trận trong một cuộc chiến trung bình. Hơn nữa, đằng sau con số bị thương tích và tử vong đó là cả một gánh nặng về mặt vật chất và tinh thần mà gia đình và xã hội phải gánh chịu. Vì thế, an toàn giao thông xứng đáng là một vấn đề xã hội quan trọng, đòi hỏi Nhà nước và toàn xã hội phải nghiêm khắc hơn trong việc mổ xẻ nguyên nhân và khắc phục hậu quả này.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích vấn đề từ phía trường đào tạo và cấp bằng lái xe. Hiện nay, để có bằng lái xe ô tô tại Việt Nam cũng không phải đơn giản. Người muốn có bằng phải đăng ký và chờ khoảng 3 tháng (TPHCM) mới có lớp học và thi. Để có bằng lái, người học phải trải qua hai phần thi: lý thuyết và thực hành.

Về lý thuyết, các trường đào tạo lái xe hiện nay thường có 2 buổi dạy lý thuyết cho học viên về 405 câu hỏi thuộc Luật giao thông đường bộ Việt Nam và 1-2 buổi thực tập trả lời các câu hỏi. Tóm lại, mục đích của dạy lý thuyết là giúp học viên trả lời các câu hỏi liên quan đến Luật (nhưng nhiều người xem thi như là một cách đối phó, nên thậm chí vẫn cố gắng gian lận khi thi). Trong khi đó, ở Úc thì khác. Người muốn có bằng lái xe tại Úc thì trước hết phải dự 2 ngày học lý thuyết và rồi thi lý thuyết để lấy bằng L-Learner (người có bằng này không được ngồi sau vô lăng, nếu không có người có bằng F-Full ngồi bên cạnh để kèm cặp). 02 ngày đào tạo lý thuyết của họ không dạy học viên về luật và cách trả lời các câu hỏi (346 câu), mà dạy về các tình huống tai nạn thực tế, hậu quả và nguyên nhân của tai nạn, ý thức về các chướng ngại và cách tránh các tai nạn, trách nhiệm và đạo đức của người lái xe. Tóm lại, trách nhiệm học luật và thực hành trả lời các câu hỏi lý thuyết là của học viên (câu hỏi đã có sẵn trên mạng để học viên có thể thực hành bất cứ khi nào), trường chỉ dạy trong 2 ngày về làm sao lái xe an toàn vì mình và vì mọi người. Tôi đã dự lớp này và cảm thấy rất là quan trọng, nó tạo ra một quan niệm hoàn toàn khác với khi tham gia học và thi lấy bằng lái xe ô tô ở Việt Nam. Bởi vì, sau 2 ngày đào tạo, người học được tham gia phân tích các tình huống, thực tập trong lớp về các ảo giác do rượu bia (đeo kính ảo ảnh) tạo ra, hậu quả của sự mất tập trung khi lái xe do tiếng ồn và những người ngồi trong xe, v.v. Thậm chí, có nhiều người sau khi học xong lý thuyết thì thấy sợ lái xe.

Về thực hành, các trường ở Việt Nam thường có khoảng 10 tiếng thực tập và sau đó tùy người học có thể đăng ký học thêm và rồi dự thi thực hành. Nói chung, người thi rớt lý thuyết thì vẫn có thể thi thực hành và sau đó thi lại lý thuyết để lấy bằng lái. Tuy nhiên, tại Úc, khi người học có bằng L (nghĩa là bằng học lái) thì họ phải chờ 6 tháng sau mới được thi thực hành để có bằng P (khi có bằng P họ mới có thể lái xe mà không cần người có bằng F kèm cặp, nhưng vẫn có những giới hạn nhất định), và vài năm sau nữa thì họ mới có thể chuyển sang bằng F (có đủ tư cách lái và dạy người khác lái xe). Nói tóm lại, 6 tháng giữa lý thuyết và thực hành là một thời gian tốt để người học chiêm nghiệm về trách nhiệm và đạo đức của người lái xe. Họ sẽ phân tích và thực hành việc uống rượu bia hay các chất kích thích khác có thể tạo ra ảo giác, làm mất tập trung, gây tai nạn nguy hiểm thế nào.

Học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô tại Việt Nam đã dễ dàng, việc học và thi lấy giấy phép lái mô tô và xe máy còn đơn giản hơn nhiều. Hậu quả của sự dễ dãi là rất lớn, theo Báo cáo 402/TB-DPMT ngày 19/3/2009 của Bô Y tế thì trong năm 2008, Việt Nam có 70,4% số tai nạn giao thông là do mô tô và xe máy.

Luật tại Úc khắt khe trong việc đào tạo cấp giấy phép lái xe, luật cũng đặt ra các quy định nghiêm khắc để tước giấy phép lái xe hay phạt tiền và tù đối với người uống rượu bia hoặc chất kích thích gây ảo giác vượt mức cho phép. Sự khắt khe của pháp luật và cách đào tạo cẩn thận đã góp phần giảm tai nạn giao thông tại Úc. Hy vọng, Việt Nam (Nhà nước, các trường đào tạo lái xe, cảnh sát giao thông, người lái xe và toàn xã hội) sẽ có một cách nhìn khác về cách đào tạo và cấp giấy phép lái xe, tước giấy phép lái xe, phạt tiền và bỏ tù để tăng mức độ an toàn giao thông- một vấn đề xã hội nghiêm trọng của Việt Nam hiện nay.

Hồng Lam

Không có nhận xét nào: