SÁM HỐI - part 1
BÀI GIẢNG CỦA TT THÍCH CHÂN QUANG
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Năm nay mùa Vu Lan đã về, tất cả những người con Phật ở khắp nơi lại nghĩ đến hạnh biết ơn và cùng nhau đi chùa, lễ bái, cầu nguyện, làm phúc tu tập… Mong rằng hồi hướng công đức này cho cửu huyền thất tổ cha mẹ của mình.
Bài nói chuyện hôm nay tựa đề là Sám Hối. Sám Hối là một pháp tu, một đạo đức đặc biệt trong đạo Phật. Hôm nay, chúng ta nói với nhau một chút để xem công đức của sự sám hối cũng như phép tu này sẽ đưa ta đi về đâu. Thật ra phép sám hối này cũng là một đạo đức phổ quát của nhân lọai, vì khi làm điều gì sai thì ta đều xin lỗi. Tiếng Việt Nam là “xin lỗi”, tiếng Anh nói “sorry hay pardon…” Nhưng đại ý là người làm lỗi bày tỏ hai điều: Tôi biết là tôi đã sai lầm và xin hãy tha thứ cho tôi. Chỉ hai từ “xin lỗi” rất đơn giản nhưng trong đó bao hàm ý nghĩa rất dài: “Tôi biết tôi đã có lỗi, xin hãy tha thứ cho tôi.” Và trong đạo Phật ý đó cũng gói gọn trong hai chữ là “sám hối.”
Tuy nhiên trong cuộc sống chúng ta, người nào càng văn minh, càng có đạo đức, là người hay nói lời xin lỗi mỗi khi người này làm điều gì sai lầm. Và càng dễ nói lời xin lỗi chừng nào thì chứng tỏ rằng người đó càng có đạo đức chừng nấy. Nhìn trên biểu hiện một người ta hay tự thấy lỗi và cầu xin sự tha thứ của tha nhân, ta biết rằng người đó có đạo đức sâu dày, còn người nào mà trong cuộc sống mình ít nói lời xin lỗi thì đạo đức thuộc lọai kém. Đó là tiêu chuẩn với cái nhìn rất khách quan. Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ tính nết hiền lành khi lỡ làm điều gì đó phật ý con cũng vẫn xin lỗi con mình luôn: “Ba xin lỗi con, ba không cố ý.” Có nhiều người đã khiêm tốn đến mức độ như vậy. Và khi một người lớn có thể nói xin lỗi được với một người nhỏ thì càng chứng tỏ rằng đạo đức của người đó thật sâu dày.
Khi biết được lỗi, nhận lỗi và xin tha thứ, đó là dấu hiệu của đạo đức. Nếu trong cuộc sống, ta rất ít nói lời xin lỗi, phải xét lại đạo đức của mình liền. Mọi người hãy nghiệm lại trong cuộc đời mình hay trong một ngày qua mình đã nói lời xin lỗi nào chưa? Nếu không bao giờ nói lời xin lỗi thì hoặc do mình thấy mình không có lỗi nào hết, không có làm điều gì sai lầm, không cần phải nói lời xin lỗi; hoặc do mình không có đạo đức, tức là mình đã làm điều sai lầm, đã xúc phạm người khác mà không bao giờ thấy biết hối lỗi, ăn năn.
Thầy nhớ trong một bộ phim, Lý Liên Kiệt đóng vai một người cảnh vệ bảo vệ nhân chứng, ông có nói một điều là: “Tôi không muốn nói lời xin lỗi.”
Mới ban đầu khi nghe câu đó chúng ta ngạc nhiên vì chữ xin lỗi là một biểu hiện của đạo đức của văn minh, mà tại sao ông này lại nói như vậy? Và khi chăm chú xem, mới nghe ông tâm sự rằng lúc nhỏ ông vào chùa Thiếu Lâm học võ, dù ông là người tinh nghịch nhưng thầy ông rất thương và luôn tha thứ cho ông. Cho đến một lần ông nghịch đến nổi đốt cháy luôn Tàng Kinh Các và thầy của ông bị nạn rất nặng. Sau đó ông phải ra khỏi chùa, ông đã thề rằng suốt đời sẽ không bao giờ phạm một sai lầm nào nữa để khỏi phải nói lời xin lỗi. Vì cái sai lầm đã qua của ông quá sức chịu đựng của trái tim của một con người nên ông thề sẽ không bao giờ phạm sai lầm nữa. Khi bắt đầu lớn lên, tham gia vào lực lượng vũ trang, ông làm một nghề đặc biệt, và luôn luôn chu tòan trách nhiệm của mình để không bao giờ phải phạm một sai lầm nhỏ và cũng để khỏi phải nói lời xin lỗi. Đọan phim đại loại như vậy.
Nên để đừng nói lời xin lỗi thì mình đừng bao giờ phạm lỗi, nhưng đa phần tất cả chúng ta thì chúng ta thường phạm những lỗi chút chút, và mỗi khi phạm lỗi như vậy thì ta hay nói lời xin lỗi để mong nhận được sự thông cảm của bạn bè, của người mà ta đã xúc phạm đã đụng chạm.
Ở thế giới văn minh, người ta đã xây dựng lời xin lỗi “I’m Sorry” trở thành câu nói đầu miệng thường xuyên, mà nhiều khi bị đẩy đi quá xa đã trở thành câu nói đầu môi chót lưỡi. Vì nói “xin lỗi” là biểu hiện của đạo đức văn minh, nên người nào ở trong môi trường được gọi là văn minh đạo đức đều phải cố gắng tập nói lời xin lỗi thường xuyên và khi người ta chỉ tập mà không phải là thật lòng thì nó đã biến thành một hình thức của đầu môi chót lưỡi mà thôi.
Có một câu chuyện vui như vầy, người tiếp viên trên máy bay họ phải luôn thường xuyên nói hai câu là cảm ơn và xin lỗi. Mà họ nói riết thành ra tự nhiên rồi không kiểm sóat được, có lần một cô tiếp viên lỡ giẫm lên chân một ông khách, ông la làng lên, cô lại buộc miệng nói: “Cảm ơn nha.” Rồi cô đi luôn.
Còn khi đưa tay lấy khay thức ăn, thì cô lại nói “Xin lỗi.” Tức là hai câu đó lẫn lộn nhau và họ không còn kiểm sóat được nữa. Câu chuyện đó cho biết là khi người ta dùng hai câu “xin lỗi” và “cảm ơn” nhiều quá mà không thật lòng thì nó bị đẩy đi qúa xa và chỉ còn là hình thức. Còn ở đây ta không nói đến việc đó, ta nói đến yếu tố là chúng ta xin lỗi thật lòng, ta thành thật ăn năn, cầu xin sự tha thứ của người kia một cách thật lòng, vì đó là đạo đức.
Tuy nhiên đạo đức về sự xin lỗi ăn năn của thế gian còn thua trong đạo Phật, đạo Phật đã đẩy sự xin lỗi ấy thành một phép tu đặc biệt gọi là sám hối. Pháp sám hối này rất sâu sắc, đã trở thành một phép tu kiên trì nhẫn nại mà hầu hết các chùa cũng như những người Phật tử đều có thực hành. Thậm chí, hằng tháng, chùa luôn dành ra hai ngày để sám hối: hoặc là sám hối Hồng danh hoặc là sám hối riêng theo nghi thức của từng hệ phái, dù lỗi đó ta đã biết hay chưa biết vẫn cứ lạy Phật sám hối.
Đạo Phật xem phép sám hối đó như là một phép tu bắt buộc. Bởi vì sao vậy?
Bởi vì ý nghĩa của sự sám hối, sự xin lỗi được đạo Phật xem rất là quan trọng. Người đời đã xem lời xin lỗi rất quan trọng vì biết nó là văn minh là đạo đức, còn trong đạo Phật đã xem trọng điều ấy gấp ngàn lần hơn thế nữa. Hôm nay chúng ta sẽ nói về phép tu sám hối để xem pháp này sẽ đưa ta đi về đâu?
Sự sám hối trong đạo Phật.
Có khi ta biết được lỗi của mình cũng có khi ta không biết, ta vẫn cứ bày tỏ sự sám hối đó với người mà ta xúc phạm, với đại chúng hoặc là bày tỏ với chư Phật, chư Bồ Tát. Thường là ai đến với đạo Phật cũng tin nhân quả, nên khi ta gặp phải nghịch cảnh, gặp một điều gì đó bất trắc bất tòan thì ai cũng nghĩ rằng là do nhân quả đời trước dù mình không biết được lỗi mình ở chỗ nào. Ví dụ như ta bị tật chân, đi đứng không được bình thường như mọi người thì biết ngay là ta đã phạm một cái lỗi gì đó.
Nhưng thật sự là rất nhiều nguyên nhân gây tội lỗi. Hoặc là do ta vô tình đào cắt ngang một con đường để mọi người đi lại khó khăn, hoặc là kiếp xưa ta bắt thú rừng bẻ què chân cho chúng khỏi chạy, rồi gom lại cho tiện gánh về, nên kiếp này ta bị tật chân.
Rất nhiều nguyên nhân mà ta không biết, nhưng nếu cứ thành tâm sám hối, tin sâu nhân quả, lễ bái cầu nguyện, đến một lúc nào đó, chợt trong giấc mơ, chư Phật Bồ Tát sẽ cho ta biết nhân quả đó là gì.
Có một sư cô vào chùa tu hành rất tinh tấn làm mọi việc rất chu đáo nhưng cô không biết chữ, không thể học được, và sư cô biết rằng mình bị nghiệp gì đời xưa nhưng lại không biết đó là nghiệp gì. Cô cứ thành tâm sám hối với Phật, một đêm được Phật gia hộ cho cô thấy lại kiếp xưa mình là một người nam học rất giỏi nhưng chỉ có cái tật là giấu bài vở lại không chia sẻ với bạn bè, hễ biết rồi là cứ giấu riêng mình, muốn mình là người giỏi nhất, sợ rằng khi chia sẻ, sẽ có người giỏi hơn mình. Lòng cứ nghĩ như thế, vậy mà trải qua không biết bao nhiêu đời, cô trở thành người dốt nát, thất học không biết chữ, bây giờ học bất cứ cái gì cũng vất vả, tới chừng vào chùa mới từ từ viết từng chữ i tờ trở lại. Lúc đó, mới hiểu ra rằng: À, thì ra nhân quả của mình là như vậy.
Điều đầu tiên là ta cứ biết mình có lỗi tuy không biết lỗi mình làm là lỗi gì. Và khi thành tâm sám hối một thời gian, ta sẽ biết được lỗi ấy thế nào, và khi biết được rồi, ta cứ xóay vào lỗi đó mà sám hối. Nhờ vậy, mà qua những đời sau, ta thóat được cái tâm đó luôn, rồi đời đời sau này nữa, ta sẽ luôn là người rộng mở không còn những tâm hẹp hòi ích kỉ sân si như thế nữa, nên công dụng của phép sám hối là như vậy.
Bây giờ ta xét về nhân quả của sám hối. Ví dụ như có một bà lão để dành được vài chỉ vàng để dưỡng già, bà cất vàng trong một gói nhỏ rồi để lót dưới đầu nằm và nghĩ rằng đã giấu kĩ như vậy thì không ai tìm ra được. Đồng thời có một tên trộm leo vào nhà, tên này rất lành nghề, đầu tiên hắn bò đến chân giường, thả kiến vào chân bà lão thế là bà phải ngóc đầu dậy để gãi chân, trong thời gian đó hắn thò tay vào gối rút mất số vàng. (Quý Phật tử nghe thôi nhớ đừng có về bắt chước tội nghiệp thầy.)
Khi chôm được túi tiền hắn vội chạy một mạch về nhà, trên đường về ngang qua một ngôi chùa hắn nghe tiếng tụng kinh sám hối, “Từ những kiếp xưa con đã vô minh gây tạo không biết bao nhiêu lỗi lầm, ngày nay lạy Phật cầu xin sám hối…” Nghe xong lời kinh, hắn bỗng dưng hối hận. Về đến nhà, hắn cũng tính sẽ dùng tiền đó để đi đánh bài, uống rượu, mua sắm.. nhưng ngồi cứ ray rứt nghĩ đến bà cụ già, con cháu ở phương xa chắt mót tằn tiện được một số tiền dưỡng già phòng khi đau yếu, vậy mà mình lại đành tâm lấy trộm rồi khi bệnh khổ bà ấy phải làm sao đây? Ngồi hối hận quá chừng, sáng mai hắn quyết định đến gõ cửa nhà bà và tự thú rằng hôm qua có ăn trộm của bà một số tiền bà cất trên đầu giường. Lúc này bà cụ giật mình tá hỏa luôn, vì ăn trộm vào nhà hồi nào bà không hay, tiền mất bà cũng hổng biết vì chưa kiểm lại. Lúc này tên trộm xin lỗi, trả lại tiền cho bà cụ, chúc sức khỏe rồi ra đi.
Nếu mình là bà lão đó thì mình sẽ nghĩ sao? Liệu mình có tha thứ không?
Mình sẽ tha thứ, vì thứ nhất là anh ta trả lại hết số tiền và thứ hai là ảnh đã nói lời xin lỗi, thì xem như đã khắc phục được hậu quả và không có điều gì đáng tiếc xảy ra, vả lại rất thành tâm nên tội hầu như hết luôn. Và lòng mình cũng cảm thấy là cũng không có gì, thôi tha thứ cho rồi.
Một ví dụ khác, nếu anh ăn trộm này lỡ xài hết tiền, mấy ngày sau khi nghe tin bà cụ bệnh nặng không tiền thang thuốc nên hắn đến xin lỗi. Lúc này, quý Phật tử nghĩ sao? Lần trước cũng xin lỗi nhưng mà trả lại hết tiền, còn lần này cũng xin lỗi nhưng lại không trả đồng nào hết. Lần này mình xét làm sao? Nếu mình là bà già thì có tha thứ không?
Không tha nổi, vì nếu xét tội theo sự thật khách quan thì rõ ràng là không tha được. Dù có tha gì đi nữa, tội vẫn phải còn hai phần ba. Dù rất thành tâm hối hận nhưng tội ấy vẫn phải còn, vì đã lấy tiền xài hết rồi. Còn tâm hối hận đã trừ được một phần ba tội lỗi nên ta sẽ không còn ghét tay ăn trộm đó như trước vì hắn chân thành quỳ xuống xin lỗi, ăn năn, mình cũng cảm thấy hắn sẽ được bớt tội, nhưng mà hắn ta xài hết tiền, không còn đồng nào, do đó, tha gì thì tha vẫn còn lãnh hai phần ba tội lỗi. Đúng không ạ?
Chân lý khách quan là như vậy, mình áng chừng lại hai phần ba thôi chứ sự thật thì có nhiều tội cũng thay đổi nhưng mà áng chừng là vậy. Như vậy ta thấy rằng lời xin lỗi làm giảm bớt tội nhưng không thể giảm hết hòan tòan, bởi vì không khắc phục được hậu quả nữa. Mình đã gây tổn hại cho người khác về tinh thần hay vật chất rồi, có nói lời xin lỗi cũng chỉ làm giảm bớt một phần nào tội mà thôi.
Và ở đây, ta thấy luật pháp cũng vậy, theo pháp luật khi một ông quan tòa hay một nhân viên điều tra bắt được một tên tội phạm, lúc hỏi cung thì người này rất thành khẩn khai báo và họ đọc được trong tấm lòng trong ánh mắt trong cách nói năn thì người này thật sự hối hận sâu sắc thì hầu hết những quan tòa hay nhân viên điều tra đều cảm thấy là có thể giảm tội được. Chính sách đó nhà nước gọi là sự khoan hồng của pháp luật. Sự khoan hồng đó dành cho những người tuy có phạm tội nhưng lòng hối hận sâu sắc. Nên ta thấy sự hối hận sâu sắc này trong sinh họat văn minh xã hội cũng đạt được một kết quả tốt, làm cho mọi người vui lòng bớt ghét nhau tha thứ cho nhau. Và trong sự công tâm của con người người ta thấy bớt tội, đối với luật pháp cũng được giảm án phần nào và trong Phật pháp cũng thật sự là bớt tội luôn. Nên khi ta nói rằng công đức của sự sám hối ăn năn hối lỗi có công năng diệt trừ được tội lỗi của con người thì ta không hề nói ngoa. Có nhiều người khi thấy ta quỳ lạy Phật xin sám hối thì họ lại nghĩ là “làm tội cho đã rồi bây giờ lạy Phật xin sám hối làm sao mà hết tội được.” Hết hẳn thì khó, đúng là ta cũng phải trả một phần nào, nhưng đúng thật sự là có hết tội.
Nảy giờ khi đưa ra một số ví dụ, ta thấy rằng sự hối hận sâu sắc đúng là có làm cho ta hết tội. Chính vì ý nghĩa này mà đạo Phật đã khai thác triệt để đạo đức của sự hối hận ấy thành một phép tu mà ta gọi là phép sám hối, nên phép sám hối này rất độc đáo rất hay như ta đã phân tích.
Dù những lỗi lầm quá khứ có khi mình biết, có khi không biết, nhưng cứ siêng năng lạy Phật sám hối mỗi ngày ta sẽ có được những điều lợi ích như sau:
-Những tội lỗi trong quá khứ được bớt dần, bớt dần. Ta thấy rõ ràng là khi tên trộm đến xin lỗi bà già thì tội giảm được một phần ba. Nếu ngày nào, tên trộm cũng quỳ lạy bà lão, phục vụ bà chu đáo ân cần thì tội lỗi ấy nhẹ dần, nhẹ dần, hết luôn. Cũng vậy, ngày nào ta cũng đối trước Phật sám hối, những tội lỗi từ vô lượng kiếp của ta rõ ràng mất dần, mất dần, đó là sự thật.
-Lợi ích thứ hai là trong đời sống hiện tại ta rất nhanh chóng biết lỗi của mình, ta không ngoan cố. Người nào trong đời sống phạm lỗi mà không chịu biết lỗi là người ngoan cố, người này mai mốt mà hễ trả nghiệp phải trả rất lâu. Ngoan cố là cái rất khó tu, vì bản ngã của mình nặng nề quá, khiến mình không nhanh chóng biết lỗi được. Trong đời sống, khi ta vừa phạm lỗi, bị rầy nhẹ nhẹ ta biết liền, đó là người rất dễ tu. Như có một lần thầy kêu người đệ tử lên tính rầy, mà thầy nghĩ là phải rầy la dữ lắm thì người này mới chịu biết lỗi, nhưng khi thầy vừa phân tích sơ qua, nói vừa dứt câu là người đó khóc liền và nói rằng: “Thưa thầy, đó là lỗi của con, con xin sám hối để con cố gắng sửa.” Thế là thầy hết la được luôn. Mà đúng là người ta biết lỗi nhanh quá, mình cũng thấy rất dễ chịu và hi vọng rằng người này sẽ rất dễ tu. Nên lợi ích thứ hai là người thường sám hối sẽ mau biết lỗi mình để sửa đổi.
- Và lợi ích thứ ba là ta khó phạm lỗi. Người nào hay lạy Phật sám hối nhiều thì trong đời sống rất ít khi phạm lỗi.
Trong đạo Phật, có câu nói là “Bồ Tát sợ nhân chúng sinh sợ quả.” Nghĩa là chúng ta là phàm phu, muốn làm gì thì cứ làm cho đã đến khi quả báo xảy ra rồi, mới khóc than, biết lỗi; còn Bồ Tát có trí tụê thì không đợi đến khi quả báo đến rồi thì mới than khóc, mà trong từng mỗi một việc làm nho nhỏ đã sợ mình phạm sai lầm. Nên nói “Bồ Tát sợ nhân,” là các vị ấy sợ tội, sợ phạm sai lầm; còn “chúng sinh sợ quả” là mình cứ làm tội cho đã đời khi nào quả báo đến, tính sau. Nên chúng ta lạy Phật sám hối nhiều, ta được trí tụê giữ mình trong đời sống ít phạm lỗi lầm, đỡ phải mắc quả báo, đỡ phải sám hối vất vả về sau.
-Lợi ích thứ tư là công đức và phước của ta tăng lên từ từ, lạ như vậy. Nghiệp xưa thì đương nhiên là ai cũng có, nhưng nếu một người cứ lạy Phật sám hối mỗi ngày thì bỗng nhiên một thời gian sau ta thấy người đó mặt mày quang minh sang tỏ, mọi việc trong đời sống được thuận lợi, hanh thông tốt đẹp… Thì ta biết rằng nghiệp quá khứ đã giảm, phước mới gieo đã đến lần lần, đến lần lần là như vậy. Đó là những công đức tổng quát do sám hối đem lại.
SÁM HỐI - part 2
11/11/2009
Bây giờ ta nói về những lọai tội.
Thường thì những tội về của cải tài sản rất là khó sám hối. Ví dụ như bây giờ ta nghèo, mình cũng không biết mình nghèo vì lí do gì nữa, nhưng bây giờ, mình xin sám hối cho hết nghèo. Thầy xin báo là sám thì sám, nhưng cái nghèo vẫn không hết được, vì nghiệp về của cải, tài sản rất khó sám hối. Có những người Phật tử ở nhà chơi hụi, đó cũng là một lối huy động vốn tín dụng mang tính truyền thống đó.
Chủ hụi đi gom tiền của người ta lại, lấy xài bớt cho gia đình. Dù là sau này cũng chi trả đầy đủ, nhưng mình đã hưởng lợi từ số tiền đó (tiền của người khác, không phải của mình) và trong đó, mình cũng có hơi thâm lạm tiền hụi. Đến một lúc nào đó, phước hết, có một người nào đó gom số tiền hốt hụi, rồi trốn luôn, không đóng hụi chết nữa, bấy giờ, người chủ hụi phải làm sao?
Phải bị thiếu hụt, mà số hụi đó chắc là lớn quá nên mới lên trên chùa thầy khóc lóc, kể lại tình trạng “Con bị giật hụi mà bây giờ không có tiền đền.”
Thầy mới nói rằng cả một thời gian dài, đạo hữu sống không phải bằng lao động chân chính mà bằng đồng tiền của người khác. Tuy nhà cửa, xe cộ, cuộc sống phè phởn, vui vẻ, đủ tiện nghi hết, nhưng đó tòan là tiền mồ hôi nước mắt của người ta, nên bây giờ phước hết, mình bị vỡ nợ, xảy đến việc người khác làm khó, cái nghiệp mình đã gây ra bằng của cải, vật chất đó không trả được, không thể lạy Phật sám hối cầu xin mà hết được, vì đó là nhân quả rồi. Mình ăn tiền xương máu của người ta, bây giờ không thể sám hối mà hết được, phải đành chịu tội thôi, còn chịu tội cách nào đó thì tùy đạo hữu tính chứ thầy ở trong chùa thầy không biết được. Người đó nói: “Bây giờ, con thật sự không muốn phải vướng vào vòng lao lí, nếu vô tù thì con không thể làm để trả nợ được, thôi thì chắc con trốn đi nơi khác ráng sức làm để trả nợ lại cho người ta.” Thôi thì tùy, thầy cũng không có xúi, rồi cuối cùng, nghe nói người đó trốn đi.
Lâu sau, được tin báo về là đã đi xa, siêng năng chăm chỉ làm ăn kiếm tiền trả nợ, thầy nghe cũng mừng. Bởi vì nghiệp về của cải, tài sản rất nặng, nó đeo rất dai dẳng mà mình không thể sám hối bằng tâm được, bắt buộc là phải trả bằng tài sản thôi. Được vài năm sau, thầy lại nghe tin người Phật tử đó tiếp tục mượn nợ ở chỗ khác nữa, thầy mới nói: “Thôi đã trở thành cái nghiện rồi.”
Trong nhiều lọai nghiện của cuộc sống này, có một lọai là nghiện xài tiền nợ, nghiện đi mượn nợ để xài. Ta có những lọai nghiện như sau: Nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, trai gái, cờ bạc, nghiện game điện tử… Rất nhiều lọai nghiện và trong đó có một cái nữa là nghiện mượn nợ để xài. Có những người rất thích mượn nợ để xài rồi trốn.
Và những người nào bị cái nghiện là hay mượn nợ người ta để xài thì qua những kiếp sau luôn bị rơi vào cảnh nghèo cùng, khốn đốn, không sám hối được. Vì nghiệp về tài sản về vật chất thật sự là rất khó chuyển. Chúng ta chỉ ráng sám hối thường xuyên, lâu ngày rồi, nhận ra được lỗi, khi biết lỗi mình thóat ra khỏi nghiệp cũ, và nhờ biết làm công đức, mới vượt lên từ từ.
Sở dĩ, ta bảo rằng làm công đức rồi, mới vượt lên từ từ vì: Sau khi hiểu đạo, ta sám hối, rồi ta bòn mót phước bằng cách là đi đắp những đọan đường hư, bố thí cho người nghèo, cúng dường tam bảo… Cứ ráng làm hòai, thậm chí đến mười năm sau, cuộc đời mình vẫn không thay đổi. Vì sao vậy?
Vì trong suốt mười năm dài mà ta làm phước như thế, tòan là trả nghiệp qúa khứ, nghiệp xâm phạm tiền bạc, của cải của người khác, vì vậy mà cuộc đời mình vẫn không thay đổi được.
Trường hợp người bình thường không tạo nghiệp nợ tiền bạc, khi biết Phật pháp, người này phát tâm bố thí, giúp đỡ thương yêu vị tha sống vì mọi người, thì chỉ ba năm thôi, cuộc đời bắt đầu thay đổi liền, chứ không lâu. Từ khi hiểu được Phật pháp, ta bắt đầu chia sẻ giúp đỡ người khác, thương yêu sống vì mọi người bằng lời nói hay bằng một chút tài sản của mình, cứ sống như vậy 3 năm sau, bắt đầu cuộc đời mình gặp may, mình muốn điều gì là tự nhiên chuyện đó đến với mình, mình mơ ước điều gì thì tự nhiên chuyện đó đến. Đến năm năm, mười năm sau, phước của ta càng lớn dần lớn thêm.
Nhưng đối với những người đã bị nghiệp về tài sản vật chất trong quá khứ dẫn đến kiếp này phải nghèo, dù có sám hối bao nhiêu cũng không hết được, mà bây giờ hiểu đạo rồi, có ráng làm phước qua năm năm, mười năm cũng không thay đổi được vì chỉ tòan là lo trả nghiệp xưa không thôi. Vì vậy trong cuộc sống này, ta ráng đừng có gây nghiệp về tài sản vật chất, như là vay mượn rồi giật nợ, chiếm đọat tài sản của người khác hay là lừa đảo… Vì những điều đó phải trả rất là thê thảm, lâu dài và không sám hối được.
Sám hối chỉ làm sạch tâm ta thôi, ví như tâm tham lam ngày trước bây giờ nhẹ bớt thôi, chứ còn nghiệp nghèo khổ của ngày xưa đã tạo gây thì đến bây giờ phải trả.
Còn tội về khẩu nghiệp, ví dụ mình đã chửi ai một câu, mình chửi ai là thú vật. Người ta là người mà trong lúc tức giận mình đã mắng người ta là lòai thú vật. Mắng một hai câu thì chưa sao, nhưng nếu mà cả đời mình, cứ hay mắng hòai như thế, chắc chắn kiếp sau, mình bị đọa làm thú vật. Chỉ bằng cái miệng thôi cũng đủ để cho mình đọa làm thú vật rồi. Nghĩa là khi mình mắng người ta điều gì thì mình sẽ trở thành cái đó.
Bây giờ khi biết Phật pháp, tự nhiên mình chợt nhớ lại: “Mấy mươi năm qua sống trên đời, mình đã chửi bới lung tung, hễ giận ai điều gì là chửi bới người ta không tiếc lời. Khẩu nghiệp đó sẽ đưa đến quả báo thảm khốc cho ta ở tương lai.” Có thể mình phải đọa vào ngạ quỷ súc sinh, thậm chí phải đọa địa ngục chứ không phải chuyện đùa, nên mình phải hết sức sám hối, và mỗi ngày mình đều lạy Phật cầu xin sám hối.
- “Lạy Phật, con biết là khẩu nghiệp của con trong qúa khứ quả thật quá nặng nề. Mỗi khi tức giận, con đã hay chửi bới lung tung; giờ đây, con cũng không có dịp gặp lại những người mà con đã chửi, để nói lời xin lỗi họ. Thôi thì hôm nay, quỳ trước Phật, xin Người tha thứ cho con, chứng minh cho con sám hối và xin Phật ban phước lành đến cho những người mà con đã xúc phạm họ.”
Ngày nào mình cũng nói câu đó, quỳ lạy và phát nguyện trước Phật như vậy thì tội khẩu nghiệp của mình vơi dần, vơi dần, đáng lẽ, kiếp sau mình phải đọa làm súc sinh, giờ mình sám hối tự nhiên nghiệp mất dần rồi hết luôn, mình không bị đọa nữa. Khẩu nghiệp không phải là nghiệp của tài sản vật chất nên mình dễ sám hối hơn, nhưng nếu không sám hối thì mình phải đọa rất nặng.
Tuy nhiên, khẩu nghiệp cũng có những trường hợp mà mình không thể sám hối được, ví dụ như là ta đã phỉ báng một bậc thánh, tội ấy rất khó sám hối. Đó có thể là một bậc đáng kính mà ta không biết, nhiều khi người đó họ đã chứng quả vị tu đà hòan hay tư đà hàm trong lòng họ rồi, nhưng họ cũng sống bình thường nên mình không biết. Do những lúc ý kiến bất đồng, mình đã mắng chửi họ, tội đó dù cho có sám hối gì đi nữa, cũng phải đọa năm mười kiếp mới phục hồi lại được, vì vậy tội phỉ báng bậc thánh rất khó sám hối. Nếu mình chửi bới người phàm phu thì cũng bị đọa, nhưng nếu tâm thành sám hối thì sẽ hết, còn mình lỡ chửi nhầm bậc thánh rồi, rất khó lấy lại. Như vậy khi nào thì mới lấy lại được?
Nếu ta lỡ hủy báng nhầm một bậc thánh rồi mà muốn chuộc lỗi thì ta phải cung kính ngợi ca vị ấy gấp nhiều lần, vì quả phước của sự ngợi khen các bậc thánh cũng rất đặc biệt. Nếu ta ca ngợi nhầm một bậc thánh, phước ta cũng rất là lớn, bây giờ mình biết lỗi rồi, mình ca ngợi trở lại thì sẽ bù lại rất nhanh, chứ còn mình chỉ xin lỗi không sẽ không đủ và không hết tội.
Có một tội về khẩu nghiệp mà cũng không sám hối được là lừa đảo. Ta dùng lời nói ngon ngọt để lừa đảo, lấy tiền của người khác, tuy chỉ bằng cái miệng nhưng tội này đã làm tổn hại đến đời sống của người ta thì cũng không thể sám hối mà hết liền được. Cũng giống như tên trộm hồi nảy, tội chỉ giảm được hai phần ba và còn lại một phần ba. Nên ta làm điều gì ảnh hưởng vào cuộc sống người khác, tuy sám hối, tội ta chỉ bớt một phần mà thôi. Hiểu được điều này, chúng ta phải ráng cẩn thận giữ mình.
Tội về sát sinh cũng vậy, người nào đời trước sát sinh nhiều, đời này sinh ra thường hay bệnh tật. Nếu mình thường hay sám hối, bệnh cũng bớt dần nhưng cũng phải trả một phần nào. Nhưng nếu đó là định nghiệp, thường mình phải đền mạng, phải chết mới trả nghiệp sát sinh ngày xưa. Ví như một người hay đi vào rừng săn bắn, dù chỉ là săn thú thôi nhưng mình cũng phải bị yểu mạng. Còn người nào giết người vì ác tâm thì chắc chắn là phải đọa trong địa ngục rất nặng nề, không thể nào sám hối mà hết được. Sám hối chỉ làm tâm ta sạch thôi, biết được lỗi sạch được tâm nhưng mà nghiệp xưa vẫn phải trả đền rất thê thảm vì vậy ta phải cẩn thận.
Có bốn trường hợp mà ta phải trả nghiệp, xin mọi người nhớ kĩ bốn trường hợp này giùm, tại vì đây là khúc mắc của luật nhân quả mà nhiều người sẽ thắc mắc hỏi ta. Và ta là người đệ tử Phật, ta tin sâu nhân quả thì ta phải hiểu rõ những điều này, bốn điều mà thầy sắp nói rất quan trọng, đây là chìa khóa cốt yếu trong luật nhân quả. Bốn trường hợp mà ta phải trả nghiệp quá khứ là:
-Thứ nhất là ta trả nghiệp bằng những tai nạn vô tình. Ví dụ như mưa bão cuốn người đó chết, hoặc đi ngang cây sập xuống đè chết, đang đi trên cầu thì cầu sập phải rớt xuống sông chết, đang đi trên đồng ruộng bị sét đánh chết… Đó là những tai nạn vô tình và cũng là trường hợp thứ nhất phải trả nghiệp quá khứ.
-Thứ hai là oan gia đối mặt. Người mà kiếp xưa bị mình hại, bây giờ gặp lại, họ đòi nợ mình. Trường hợp này khác với tai nạn vô tình, tai nạn vô tình là ta chết một cách bất ngờ do tai nạn như chết cháy hay điện giật…. Nghĩa là những chúng sinh mà ta làm tổn hại họ kiếp xưa đó, họ không có mặt để đòi nợ mình, mà ta chỉ bị chết do giật điện hay lửa cháy thôi. Nghĩa là ta không gặp lại oan gia đời xưa của mình, những người bị ta hại ngày trước kiếp này họ không trực tiếp đòi nợ ta, ta chỉ bị chết một cách vô tình do tai nạn thôi. Còn trường hợp thứ hai là chính người mà ta gây oan trái, bây giờ họ tìm gặp ta và họ ra tay. Ví dụ như có hai người bạn thân sống với nhau rất vui vẻ, trong một lần họ đã gây gổ đánh nhau, một người không kềm được cơn nóng giận đã cầm cây đập vào gáy của người bạn mình, người kia gãy cổ chết liền.
Sau đó người này bị bắt, công an điều tra mới hỏi: “Lý do, động cơ gì anh đánh chết bạn anh?” Bởi vì giết một mạng người không phải dễ, phải có một động cơ rất sâu xa. Thì người này mới nói thật: “Thật tình thì chúng tôi không có gì xích mích, không tranh giành người yêu, cũng không có xích mích về tiền bạc, tôi cũng học giỏi hơn bạn tôi nên không có gì phải ganh tị.”
Tức là khi công an tra xét ra hết, không hề có một động cơ gì nặng nề để phải giết người. “Nhưng tại sao anh lại lấy cây đập gảy cổ người ta?” Hung thủ trả lời: “Thưa các anh, sự thật là tôi cũng không biết tại sao, tôi rất thương nó, chúng tôi rất thương nhau, có gì cũng chia sẻ với nhau cả, trong lúc cãi qua cãi lại vài lời không đáng kể, mà tôi lấy cây đập nó.” Thì đây là trường hợp oan gia đối mặt. Đời xưa người A đã giết người B, bây giờ người B có một cái cớ vô tình mà lấy cây đập người ta chết để trả lại mối thù ngày xưa. Lúc mà nổi nóng lên, đánh chết người, chính mình cũng không ngờ, không lường trước được sao mình lại ra tay nặng đến thế. Thật ra, sự ra tay của mình lại chỉ là đòi nợ cũ mà thôi. Đó là trường hợp thứ hai: Oan gia đối mặt, đòi nợ nhau.
-Trường hợp thứ ba là người đến lúc phải trả quả báo vô tình gặp người gây nghiệp. Nghĩa là hai người này chẳng có liên hệ gì với nhau trong quá khứ hết, nhưng lại có một người nổi điên lên, đến lúc nó phải gây nghiệp, phải giết một ai đó, đồng thời cũng có một người khác đã tới lúc phải lãnh quả báo, phải chết do bị giết hại, và hai người đó vô tình gặp nhau. Hai người này không phải là oan gia nhưng trùng khớp lại là một người tới lúc phải trả nghiệp và một người có tâm ác đến lúc phải gây nghiệp. Ví dụ như có một thằng nổi điên lên, xả súng vào trường học, giết chết mấy chục mạng người, thì những nạn nhân ấy không phải là người ngày xưa đã giết nó, mà chỉ là do nó nuôi dưỡng ác tâm, nuôi lòng thù hận đối với xã hội, bị ảnh hưởng phim bạo lực… Nó cứ muốn giết người, muốn làm anh hùng, muốn làm lọan, muốn được nổi tiếng để chứng tỏ sự bất mãn xã hội. Do nuôi dưỡng ác tâm suốt mấy năm trời, bây giờ đến lúc hành động, hắn xả súng vào dòng người, những người này chẳng có oan trái gì với nó nhưng những người bị nó bắn chết thì họ cũng đã đến lúc phải trả nghiệp, phải bị bắn chết hay bị thương. Thì đây là trường hợp mà người trả nghiệp vô tình gặp người bắt đầu gây nghiệp để cho ăn khớp, cho luật nhân quả vận hành.
Thầy nhắc lại, trả nghiệp trong trường hợp thứ nhất là tai nạn vô tình, thứ hai là oan gia đối mặt và thứ ba là người trả nghiệp vô tình gặp người bắt đầu gây nghiệp, ăn khớp nhau.
-Trường hợp thứ tư là có oan trái mà lại không có ác tâm nhưng cũng vô tình gây tổn hại. Ví dụ có một chàng say rượu, đêm khuya kiếm chỗ ngủ. Chỗ nào không ngủ lại ra ngủ đằng sau chiếc xe của người ta. Trời đêm mờ tối, ông tài xế leo lên xe chạy cũng đâu có biết có người đang nằm ngủ đằng sau bánh xe mình, thế là vẫn lái bình thường, mà khi lái thì phải lui một cái. Còn anh này cũng hơi tỉnh tỉnh, nghĩ rằng mình nằm đằng sau bánh xe là an tòan, vì xe chạy tới chứ không chạy lui, không ngờ rằng tài xế phải lui lấy trớn chạy tới. Thế là xe cán lên người anh này lòi ruột, chết liền. Sự thật ông tài xế này và người nằm ngủ dưới bánh xe là có oan trái với nhau, nhưng lúc xảy ra chuyện này thì ông tài xế hòan tòan không ác tâm, không cố ý, không nóng giận như là hai người bạn hồi nảy, nhưng cũng là chính mình lái xe giết người kia để trả một cái quả gì đó. Và khi đem ra tòa xét thì ông này mắc tội ngộ sát nhẹ thôi chứ không nặng, đây là oan gia đối mặt nhưng không có ác tâm.
Thường là ta phải trả nghiệp trong Bốn trường hợp như vậy.
Bây giờ thầy nói lại, bốn trường hợp trả nghiệp là: tai nạn vô tình, oan gia đối mặt, người trả nghiệp vô tình gặp người bắt đầu gây nghiệp và trường hợp cuối cùng cũng là oan gia đối mặt nhưng mà lại không có ác tâm.
SÁM HỐI - part 3
Đối với trường hợp thứ ba để thầy cho thêm một ví dụ nữa cho rõ. Ví dụ hôm đó mình có cái nghiệp là phải mất đồ, có một thằng chôm chỉa nó lượn qua lượn lại rồi giật mất sợi dây chuyền của mình luôn.. Mình và nó không hề có oan trái, nhưng mà nó là người bắt đầu gây nghiệp còn mình là người trả nghiệp mất đồ, hai người ăn khớp gặp nhau và nó giật mất dây chuyền của mình chứ còn mình với nó ngày xưa không có gì oan trái hết.
Đó là bốn trường hợp ta phải trả nghiệp quá khứ. Giả tỉ như hồi kiếp trước mình lỡ giết một người nào đó, kiếp này họ giết lại mình, kiếp tới mình mang hận thù rồi giết lại họ, cứ giết qua giết lại hòai như vậy, đến bao giờ mới dứt? Nhưng không phải như vậy mãi đâu vì có bốn trường hợp trả nghiệp,
Ví như mình bị sét đánh chết thì mình cũng trả nghiệp nhưng mà không có ai giết mình cả, không có người gây nghiệp mới. Nghĩa là có người trả nghiệp cũ mà không có người gây nghiệp mới. Thế mới biết nhân quả rất linh động, rất là nhiều trường hợp xảy ra. Chúng ta cũng không lý giải được hết những hiện tượng về nhân quả, do đó người Phật tử hiểu nhân hiểu quả ta phải biết về bốn trường hợp trả nghiệp này để mình giải thích cho mọi người.
Dù là nghiệp nào, ta cũng đều phải biết sám hối cho đời sống của ta bớt vất vả, bớt trái ngang. Trong đây ai là người mà trong đời sống của mình không bao giờ có đau khổ, nghịch cảnh, bất như ý hay trái ngang không giơ tay lên cho thầy biết. Dường như là không. Không có một người nào sống trên đời mà không gặp đau khổ hết, bất kì ai cũng ít nhất một lần phải chịu khổ đau. Vì sao vậy? Vì chắc chắn rằng trong kiếp quá khứ ta cũng đã phạm một ít sai lầm, chắc chắn là như vậy. Do đó, ta nên thường xuyên khởi ý sám hối để cho những nghịch cảnh vơi bớt mà đời ta cũng bớt đi ngang trái khổ đau.
Người mà thường xuyên lạy Phật sám hối, tự nhiên người nào ghét mình, họ cũng bớt ghét, người mà lúc xưa ganh tị với mình, bỗng nhiên họ cũng bớt ganh tị, ta đi vào cuộc đời sẽ suôn sẻ hơn, dễ được mọi người thương mến hơn, dễ được thành công may mắn hơn. Thế là ta bớt được nghiệp quá khứ. Và cũng bớt bệnh tật hơn.
Ví dụ bệnh đó là đáng lẽ ta phải chết, nhưng nhờ mình có công đức sám hối nên được chuyển nghiệp thành bệnh lành và thóat được cái chết. Hôm nọ có một người dắt một đứa con gái lên thăm thầy, người đó nói: “Thưa thầy hồi ba năm trước con gái con bị ung thư tủy xương, nhờ thầy vuốt đầu một cái bây giờ nó hết ung thư.” Thầy mới nghĩ vô lý, làm gì có chuyện thầy vuốt đầu mà hết bệnh được. Khi thầy hỏi thăm người con, nghe kể lại là hồi ba năm trước, bé bị bệnh ung thư, gia đình có lên chùa quy y, thầy khuyên về xin xương của người ta hốt cốt rồi mài xương đó ra uống đồng thời lạy Phật sám hối. Lúc đó, ba mẹ và cả gia đình đều lạy Phật sám hối, hồi hướng công đức hho cháu riết. Hai năm qua, bé đó hết bệnh, khi bác sỉ khám lại thì không còn tế bào ung thư nữa.
À lúc này, thầy mới vỡ lẽ, thầy nói là: “Đúng là phải như vậy, phải là do cha mẹ sám hối chứ không thể nào do thầy rờ đầu mà hết bệnh được.” Rồi thầy mới nói tiếp: “Trong các thứ bệnh thì ung thư là lọai bệnh chỉ sợ tâm linh mà thôi, chứ nó không sợ thuốc. Cứ đem đi hóa trị, xạ trị thì mau tử lắm. Nhưng nếu mình biết lạy Phật sám hối, bệnh ung thư có thể hết được. Như thầy thấy có một trung tá công an ở ngòai Húê, ông bị ung thư vòm họng, tới lúc bệnh phát lên, ông đi không nổi luôn, vậy mà ông cứ quyết tâm lạy Phật sám hối. Ngày nào ông cũng nhờ một người bạn dìu ông ra đài Quan Âm để lạy Phật, lạy suốt sáu tháng như vậy tự nhiên bệnh ung thư bay mất luôn, ông sống bình thường khỏe mạnh còn gọi điện báo tin là được lên chức nữa. Chỉ lạy Phật sám hối thôi mà bệnh ung thư hết luôn, hay như vậy.
Thầy cũng nghe kể chuyện là có một vị cán bộ bị đau gan, khi vào bệnh viện xét nghiệm thì mới biết là bị ung thư gan ác tính, khi biết vậy rồi ông niệm Phật suốt đêm, đến sáng hôm sau, tự nhiên bác sĩ động tâm, xin khám lại thì kết quả là u gan lành tính. Ông bác sĩ cũng ngạc nhiên, ông mới lấy lại mẫu ngày hôm qua đem chiếu lên cho cả phòng coi thì thấy rõ ràng là tế bào ác tính, sao hôm nay khám lại, lại là tế bào lành, lạ thật!
Có nhiều lọai bệnh, nhất là ung thư, ta không thể chữa bằng thuốc được mà nó chỉ sợ tâm linh thôi. Ngày nay, do đời sống con người bị ô nhiễm nghiêm trọng, bệnh ung thư tràn lan hết, trong bệnh viện ung bướu một giường nằm 6 người và nằm nối dài cho tới nhà vệ sinh. Và nếu ta biết rằng bệnh ung thư sợ tâm linh, sẽ giảm được nhiều người phải đến bệnh viện, vì ta cứ thành tâm thiết tha lạy Phật thì sẽ đẩy lùi được cơn bệnh.
Sám hối không chỉ làm cho đời ta bớt nghịch cảnh, oan trái, giúp ta bợt bệnh tật mà còn giúp ta tăng được trí thông minh lên. Cái hay là khi lạy Phật sám hối, ta sẽ bớt được nghiệp ngu dốt đời trước và ta được thông minh trí hụê hơn. Thiền định và sám hối đều làm cho ta tăng trưởng trí hụê. Nếu ta cảm thấy mình là người trí tụê còn kém, hãy ráng lạy Phật sám hối một thời gian sau, tự nhiên thấy trí tụê mình cũng tăng dần, tăng dần.
Khi đi sâu vào tu tập chuyên sâu thì bắt buộc ta phải ngồi thiền, vì thiền định là phép tu cốt lõi, là đỉnh cao trong Phật pháp. Khi ngồi thiền, tâm ta phải thanh tịnh không suy nghĩ vẩn vơ, lúc nào cũng biết rõ hơi thở ra vào. Khi vọng tưởng khởi lên, tự nhiên ta quên hơi thở liền, lúc này ý nghĩ dẫn ta đi mất, làm ta nghĩ chuyện trên trời dưới đất, chuyện năm trước năm sau và quên hơi thở. Lúc nào ta cũng nên nhớ, nên biết hơi thở, tâm ta mới thanh tịnh, tâm linh mới khai mở được. Còn như ta quên hơi thở, ta không thể khai mở được tâm linh vì vọng tưởng cứ dẫn dắt tâm ta đi, nó cứ kéo sự chú ý của ta qua chỗ khác khiến mình không nhớ hơi thở được, mà không biết hơi thở thì không thể khai mở được tâm linh. Vì sao ta muốn nhớ hơi thở ra vào rõ ràng mà tâm ta thì cứ chạy lung tung như vậy?
Cũng vì nghiệp quá khứ, do ta thiếu phước, do nghiệp ta quá dày nên tâm ta cứ lọan lên làm cho mình không còn nhớ hơi thở nữa. Như vậy khi một hành giả ngồi thiền mà thấy tâm mình lọan động thì xin đừng dằn ép, đừng diệt trừ, đừng đối trị thất công, chỉ lo sám hối mà thôi. Nghĩa là khi ta ngồi thiền theo dõi hơi thở, chợt vọng tưởng khởi lên dắt mình đi, mình cứ tác ý sám hối nghiệp xưa, không cần phải niệm Phật. Lúc đó, mình chỉ cần tác ý sám hối như một lời xin lỗi nhẹ nhàng thôi: “Cho con sám hối nghiệp cũ.” Rồi trở lại nhớ hơi thở, tự nhiên sẽ bớt vọng tưởng. Mỗi khi vọng tưởng trở lại, mình lại tiếp tục sám hối và nhớ hơi thở như trên, phép này trong đạo Phật gọi là quán nghiệp.
Quán nghiệp nghĩa là biết đó là nghiệp. Vì biết như vậy nên mình không cầu hết nghiệp nhưng nghiệp sẽ tự tan là do mình biết nhận lỗi nên làm cho lầm lỗi bớt đi. Và cũng vậy, khi ngồi thiền mà tâm ta lọan thì biết ngay là nghiệp quá khứ ngăn trở mình, làm xao lãng, làm chướng ngại, ta chỉ việc tác ý trong đầu, sám hối nhẹ nhàng thôi, rồi ta trở lại tiếp tục theo dõi hơi thở, tự nhiên ta sẽ tỉnh sáng trở lại. Cứ mỗi một hơi thở mà ta biết, như là một giọt nước rớt vào hồ tâm linh của ta, cứ từng giọt từng giọt như vậy đến năm năm mười năm, năm kiếp mười kiếp sau hồ nước ấy đầy lên, bắt đầu ta biến thành con người khác tràn đầy tâm linh thiền định. Mỗi một hơi thở ta biết chỉ là một giọt nước bé nhỏ rớt vào hồ tâm linh, và hồ tâm linh của ta từ trước đến giờ vốn khô cằn sỏi đá không một miếng nước nào. Mỗi một hơi thở mà ta nhớ ra vào rõ ràng như một giọt nước rớt vào rồi chìm mất luôn, vì hồ đó đã cạn khô lâu quá rồi nên một giọt rớt vào chưa thấm vào đâu hết. Nhưng ta cứ kiên nhẫn, từng hơi thở ta biết rõ, biết rõ mà không điều khiển, cứ như vậy thì từng giọt từng giọt nước rớt vào trong hồ ấy từ năm này sang năm kia, kiếp này sang kiếp khác vậy mà cái hồ đó chứa nước lên dần dần dần dần. Những bậc thánh là một hồ tâm linh rộng lớn mênh mông tràn ngập nước, nên những vị ấy rất cao cả, phi thường. Còn ta, hồ tâm linh của ta khô khang, trơ đáy, bây giờ ta bắt đầu làm lại từ đầu, mỗi ngày ngồi thiền biết rõ từng hơi thở, từng hơi thở. Mỗi một hơi thở như là từng giọt Ma Ni, giọt sương cam lộ rớt vào hồ tâm linh của ta, và cứ nhiều đời nhiều kiếp như thế thì hồ ấy cũng sẽ tràn đầy, và ta bước sang một cõi giới mới, một thân phận mới để mà mình có một năng lực phi thường tiếp tục sự nghiệp của chư Phật mà hóa độ chúng sinh.
Trong đạo Phật có những nghi thức sám hối đặc biệt như lạy Hồng Danh, lạy 108 vị Phật mà các chùa hay ứng dụng mỗi tháng 2 lần. Hằng tháng ta đến chùa lạy Phật, sám hối tổng quát những tội lỗi của quá khứ, nhiều khi chính mình cũng không biết rõ là tội nào mà cứ sám hối, đạo Phật hay như vậy. Nhiều khi không biết rõ tội của mình mà vẫn sám hối, huống hồ là những lỗi lầm đã biết thì mình càng phải sám hối nhiều hơn. Hoặc là nghi thức sám hối Lương Hòang Sám, một quyển sách kinh rất dày, trong đó rất nhiều tội được nêu ra rất nhiều vị Phật được nêu lên để ta lễ lạy. Hoặc là Thủy Sám. Mỗi hệ phái đều có nghi thức sám hối riêng biệt khác nhau, nhưng dù là sám hối nào đi nữa thì đều đặt trên nền tảng chung như thế này:
Thứ nhất là mình lạy Phật tôn kính thiết tha để có được công đức,
Thứ hai là kể tội mình ra, để cầu xin tha thứ.
Trước hết, ta phải lạy Phật để được Phật chứng minh, để được hưởng công đức từ nơi Phật, khi có được công đức từ nơi Phật rồi thì mình mới kể tội ra mà xin Phật tha thứ, ý nghĩa là như vậy. Người nào thường lạy Phật sám hối, tội sẽ bớt rất nhanh và công đức sẽ tăng trưởng rất nhiều.
Khi ta hiểu phép sám hối này rồi, trong đời sống khi gặp nghịch cảnh, ta biết quán niệm một cách bình thản. Khi có một người nào đó muốn gây khó khăn gây tổn hại cho ta, mình biết rằng đó là nghiệp quá khứ. Vì biết đó là nghiệp quá khứ nên mình không giận người ta vì đó là nghiệp của chính mình. Kế đó, mình bình tâm sám hối, lòng mình không mong cho hết nạn, điều này rất lạ. Không mong cho hết nạn. Bản lĩnh của người đệ tử Phật và người không phải Phật tử khác nhau là ở chỗ này. Người không phải đệ tử Phật khi gặp nạn đều mong cho hết nạn, còn người Phật tử mình khi gặp nạn không mong cho hết nạn mà chỉ cần sám hối cho hết tội thôi.
Ta nhắc lại, mỗi khi gặp nghịch cảnh trái ngang, người không biết đạo thì mong cho hết nghiệp còn người Phật tử chỉ mong cho hết tội thôi. Vậy thì người nào khôn hơn? Người đệ tử Phật khôn hơn. Vì hết tội, chắc chằn nạn cũng không còn, khi hết tội thì nạn tự nhiên phải hết, còn khi tội mình chưa hết thì nạn ấy không thể nào hết được. Đừng mong hết nạn vô ích, chỉ cầu mong hết tội thôi.
Vì vậy, khi gặp chướng ngại, là Phật tử, ta nên bình tâm sám hối, biết lỗi , biết nghiệp và không mong hết nạn. Nên lòng mình rất thanh thản, rất trầm tỉnh vững vàng, vậy mà tội hết, tai nạn đi qua.
Và một điều cao thượng của người đệ tử Phật nửa là khi ta bị một tai nạn gì thì ta MƠ ƯỚC CHO CHÚNG SINH ĐỪNG BỊ tai nạn đó giống như ta. Đây là siêu đẳng của sự sám hối. Ví dụ như một người mắc nghiệp mù mắt, mỗi ngày đều lạy Phật thế này: “Lạy Phật, kiếp xưa con đã gây một điều gì có hại cho chúng sinh nên kiếp này con phải bị mù lòa. Xin Phật cho con sám hối tội xưa, và xin cho tất cả chúng sinh đừng ai bị mù lòa như con nữa.” Hoặc là một người bị bệnh cùi, bệnh này thì bây giờ đỡ rồi chứ còn ngày xưa thì thật là thê thảm, thì người đó cũng lạy Phật sám hối như vầy: “Lạy Phật, kiếp xưa con đã mắc nghiệp khinh bỉ chúng sinh hay là hủy báng bậc thánh nên kiếp này con phải mắc bệnh cùi, con xin sám hối tội lỗi xưa. Con xin luôn luôn trải lòng tôn kính bậc thánh, tôn trọng mọi người để sẽ không bao giờ phạm lỗi lầm cho những kiếp về sau, cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đừng ai bị bệnh phong hủi này như con nữa. Với vô số nghiệp khác, chúng ta cũng đều sám hối với lời cầu nguyện tha thiết ăn năn như vậy, sám hối tội mình và mong cho tất cả chúng sinh đừng bị vướng vào tai nạn này. Đó là sự siêu đẳng của sám hối.
Hôm nay nhân mùa Vu Lan, lễ Vu Lan vào ngày mai, chủ đề của chúng ta là “Tình Yêu Và Lòng Biết Ơn Trái Đất” còn đêm văn nghệ hôm nay chủ đề là “Trĩu Nặng Ơn Đời.” vì sống trong đời này, chúng ta đã mang rất nhiều ơn nghĩa. Thầy xin chúc quý Phật tử một mùa Vu Lan hạnh phúc, an lành, gia đình được nhiều may mắn, thịnh vượng, cửu huyền thất tổ đều được siêu sinh và mãi mãi mình luôn là những người con ngoan của đức Phật.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nguồn: http://nuidinh.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét