Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Ung thư gan – thử thách số phận

Viêm gan B và hậu quả

Có rất nhiều người khỏe mạnh nhưng mang virus viêm gan siêu vi B trong người, trong đó có nhiều người biết và nhiều người không biết. Tôi phát hiện bị nhiễm viêm gan B từ năm 2002, nhân dịp đi cho máu. Tôi có theo dõi kiểm tra máu một thời gian, nhưng kết quả vẫn tốt nên không cần dùng thuốc gì. Tháng 5/2007, bác sĩ có làm sinh thiết gan thì kết quả vẫn bình thường. Vì vậy, từ năm 2007 tôi không tiếp tục đi kiểm tra bệnh này (theo bác sĩ là 3 hoặc 6 tháng nên kiểm tra 01 lần). Sự chủ quan này quả thật không nên tí nào. Ngày 30/9/2011, tôi bị đau bụng phía phải, với nghi ngờ là đau ruột thừa. Tôi nhập viện và sau khi xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp CT thì bác sĩ phỏng đoán tôi đã bị ung thư tế bào gan nguyên phát (HHC). Tôi tiếp tục được cho chụp cộng hưởng từ (MRI) và khối u có độ lớn: 7,8cm (dài) x 7,3cm (sâu) x 5cm (rộng) và đang có xu hướng tăng.

Biết được thông tin mình bị bệnh ung thư gan là một tin hơi bất ngờ và chẳng tốt lành gì. Nhất là tôi còn khá trẻ (37 tuổi); còn có nhiều người để kính yêu và thương mến như bố mẹ, vợ con, anh chị em, các cháu, bà con, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, v.v; còn có nhiều ước mơ, dự định đang ấp ủ và chuẩn bị; lại bị bệnh khi đang học tiến sĩ ở nước ngoài xa xôi, nơi không có gia đình bên cạnh (may còn có bạn bè giúp đỡ).

Chấp nhận hậu quả và sống an vui

May thay, trước đó tôi có duyên lành biết đến đạo Phật. Mặc dù chưa phải là Phật tử, nhưng qua thời gian nghiên cứu và thực hành, tôi rất trân trọng và biết ơn các giáo lý có khả năng diệt khổ này. Theo quan điểm của Phật giáo, số phận của mỗi chúng sinh do chính họ gây tạo nên, tuân theo luật nhân quả công bằng thể hiện qua nhiều kiếp luân hồi sinh tử. Ai đó được mọi người kính trọng và thương yêu (quả lành) là do họ đã rất kính trọng và thương yêu mọi người (nhân lành). Ai đó độc ác, thích hãm hại hay làm mất uy tín của người khác (nhân ác) thì cũng sẽ bị đọa đày, hãm hại và làm cho mất uy tín (quả ác). Ai đó bị bệnh tật (quả khổ) là do trước đó họ đã tạo những nhân (nghiệp) bất thiện. Chẳng hạn như giết hại hay xui khiến việc giết hại chúng sinh khác, thấy chúng sinh khác bị bệnh khổ mà không cứu giúp dù có khả năng hoặc xa lánh và khinh thường, v.v.

Chấp nhận sự thật, dù sự thật đó có phủ phàng và đắng cay đến đâu, và xem quả khổ đó là do chính mình tạo nên, không đổ lỗi cho bất cứ nguyên nhân nào khác và không tìm sự thương hại của ai, sẽ tạo cho mình sự bình an và sức mạnh lớn lao để vượt qua những con đau và nổi sợ hãi chết chóc. Người tin vào sự công bằng của luật Nhân-Quả khác với người tin vào số phận hay các niềm tin mù quáng khác là vậy.

Tăng sức đề kháng cho cơ thể

Ai cũng biết rằng trong cơ thể con người có các kháng thể và hệ miễn dịch, vẫn luôn hoạt động để phòng chống bệnh tật cho cơ thể. Nếu các khánh thể và hệ miễn dịch đủ mạnh thì sẽ giúp cơ thể chiến đấu được với bệnh tật rất tốt. Vì thế, các bác sĩ (đặc biệt bác sĩ giàu kinh nghiệm) luôn tư vấn tâm lý cho bệnh nhân của mình, để giúp họ tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật. Sẽ rất sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng, bệnh tật chỉ có thuốc thang là xong và lại quá ỷ vào tiến bộ y học. Thực ra, thuốc thang và các phương pháp điều trị hiện đại chỉ là một phần; phần quan trọng còn lại là do chính bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không có những suy nghĩ và hành động để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể mình, không tạo những nhân lành, thì thuốc thang hay các phương pháp điều trị hiện đại cũng chẳng giúp gì được họ nhiều.

Tìm cách chữa bệnh và hợp tác với bác sĩ để chọn giải pháp tốt nhất cho mình

Biết chấp nhận sự thật dù phủ phàng và thừa nhận sự thật đó là do mình là nhân lành ban đầu, giúp mình có sự bình an và sức mạnh, cũng cố và tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể. Kế đến, người đó (người thân) phải cố gắng tìm hiểu bệnh tật của mình để hiểu rõ nó hơn (biểu hiện lâm sàng, diễn tiến, các nguyên nhân và phương pháp chữa trị, các rủi ro có thể có, v.v.), nhằm theo dõi bệnh tình mình được tốt hơn và hợp tác với các bác sĩ điều trị mình một cách hiệu quả hơn. Chẳng hạn, khi tôi được báo mình bị ung thư gan, tôi đã lên mạng tìm hiểu về bệnh này. Tôi được biết để xác định có phải ung thư gan hay không thì phải thực hiện ít nhất 03 kiểm tra: chức năng gan (liver’s function), AFP và chụp hình bằng CT/cộng hưởng từ (MRI). Có khi còn làm sinh thiết gan để xem khối u là độc hay lành tính. Tôi đọc bệnh án của tôi thì thấy bác sĩ đều đã làm đầy đủ (trừ sinh thiết thì bác sĩ nói là không cần nữa). Bác sĩ đã cho chụp X-Quang 2 lần, chụp CT 2 lần và chụp cộng hưởng từ (MRI) một lần và cho xét nghiệm máu và chức năng gan nhiều lần. Kết quả AFP của tôi tăng khá nhanh và lần cuối là 319 (ngày 12/10/2011), cao hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép (<12). Kết quả chụp CT qua 2 lần cho thấy khối u đang phát triển khá nhanh. Khi biết chắc bị ung thư gan, bác sĩ báo cho tôi nên thực hiện phẫu thuật. Tôi tìm hiểu thì cũng được biết, có 05 cách khác nhau để giải quyết bệnh ung thư gan: phẫu thuật, SIRT (Selective Internal Radiation Therapy), kỹ thuật đông lạnh bằng hóa chất doxorubisin, hóa trị và xạ trị, ghép gan (nguồn: http://rungthien.blogspot.com/2011/10/tim-hieu-benh-ung-thu-gan_24.html).

Trao đổi với bác sĩ điều trị, bác sĩ nói với tôi phẩu thuật là giải pháp tốt nhất cho tôi. Tuy nhiên, ông không giám đưa ra xác suất thành công là bao nhiêu (Theo bác sĩ Thủy ở trang web trên thì xác suất thành công là 10-20%). Khi trao đổi với tôi, ông có vẽ hơi buồn và chia sẽ với tôi, mặt luôn cúi xuống hoặc nhìn né nơi khác. Tôi trấn an bác sĩ. Tôi nói: “Tôi rất chân thành cảm ơn bác sĩ đã làm mọi cách để giúp tôi điều trị bệnh tình (thực sự là ông đã làm hết mình), và rằng tôi rất bình tỉnh (I’m very calm even I am going to die soon) và mong ông nói rõ bệnh tình của tôi để tôi cùng hợp tác với ông chữa trị cho tốt hơn”. Sau hai đợt nhập viện dạng cấp cứu, với 15 ngày nằm viện, tôi được tạm cho về nhà và đang chờ đến ngày phẫu thuật.

Tuy khá cứng rắn nhưng chắc chắn tôi khó giữ được thái độ bình tỉnh, nếu trước đó tôi không có duyên lành gặp được Phật pháp. Tôi chấp nhận luôn trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với tôi là phẫu thuật không thành công, nghĩa là tôi sẽ chia tay cuộc đời. Âu đó cũng là số phận và coi bài hát “Nói với nhau” như là lời động viên: “Có nhân nào không quả. Trót gây rồi phải trả. Đừng sầu than vướng mắc. Đừng bận tâm oán trách. Xin yên lòng sống vui. Dù rằng nhiều đắng cay. Hận thù xin chớ vay. Trong cuộc đời khói mây…” . Tuy nhiên, tôi không phó mặc hay chấp nhận một cách thụ động. Tôi tiếp tục tìm hiểu để xem cách ăn uống và nghĩ ngơi, cách tập thể dục thể chất và tinh thần để tăng cường sức khỏe. Vì thế, khi nào đau và mệt thì tôi chỉ nằm và tập thể dục tinh thần; còn khi đỡ đau thì tôi liền đi dạo bộ và kết hợp tập thể dục thể chất lẫn tinh thần. Đọc tài liệu, tôi cũng được biết khi đau mà còn chịu đựng được thì không nên uống thuốc giảm đau; vì thuốc giảm đau không có chức năng chữa bệnh mà còn có thể làm bệnh tồi tệ hơn và sinh ra bệnh khác. Vì thế, y tá chăm sóc tôi thường hay hỏi để cho tôi thuốc giảm đau; nhưng tôi thường từ chối hoặc dấu thuốc đi không uống khi cơn đau đang trong khả năng chịu đựng của mình. Nhưng nếu đau quá thì chắc cũng nên dùng thuốc giảm đau, vì chịu đựng quá đáng cũng làm hao tổn nhiều năng lượng và sức lực, không có lợi cho việc điều trị bệnh. Trước khi về tôi cũng được cho thuốc giảm đau để dùng khi cần, nhưng tôi chưa dùng viên nào.

Bệnh ung thư dưới góc nhìn tâm linh

Tiếp tục tìm hiểu về bệnh tình của mình, tôi gặp một bài viết về “Chữa trị ung thư!” dưới góc nhìn Phật giáo rất thú vị của tác giả Việt Quang tại http://www.thichchanquang.com/news/CHUA-TRI-UNG-THU-!.aspx . Vì thế, bên cạnh những cố gắng nêu trên, tôi nghiêm khắc xét lại các lỗi lầm trong quá khứ của mình và các dự định trong tương lai, làm theo lời chỉ dạy của tác giả Việt Quang. Nay cơn đau đã giảm nhiều, tôi vẫn tập thể dục thể chất và tinh thần sáng tối đều đặn và có làm việc cùng máy tính.

Các bài thuốc Đông y và tìm kiếm một giải pháp tổng hợp

Bên cạnh việc tập hợp được 25 bài từ y học phương Tây (với tựa đề “Tìm hiểu bệnh ung thư gan”), và 25 bài từ y học đông Phương (các loại thuốc Bắc và thuốc Nam có ở Việt Nam) và Tâm linh (với tựa đề “Chữa bệnh ung thư gan”); tôi cũng đồng thời tập hợp 05 bài viết về các gương điển hình chiến đấu với bệnh ung thư (với tựa đề “Chiến đấu với bệnh ung thư”) để chia sẽ với những người cùng cảnh ngộ và gia đình họ.

Kinh nghiệm của những người đã từng bị bệnh ung thư và nay đã lành nhờ các bài thuốc Đông y (có khi có kết hợp tâm linh) giúp những bệnh nhân như tôi có thêm phương pháp điều trị. Tôi đã điện thoại tìm hiểu những bệnh nhân như Bà Bích và nhờ Bà mua thuốc để sắc uống (đang chờ thuốc gửi qua). Tôi cũng nhờ vợ và anh trai (tôi không muốn cho thêm người biết, vì chỉ ngại làm cho họ thêm lo mà không giải quyết được gì) giúp tìm các loại thuốc ở Việt Nam. Bởi vì, y học Tây phương khó mà chữa trị triệt để được căn bệnh này, dù cho có phẫu thuật thành công.

Sau khi tìm hiểu tôi chọn cho mình phương án điều trị gồm bốn điểm chính: (1) Vững tâm, ăn uống, nghĩ ngơi và tập thể dục để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, (2) Dựa vào y học phương Tây để theo dõi bệnh tình và phẩu thuật cắt khối u (có người phát hiện chậm thì khó sử dụng phương án này), (3) Kết hợp dùng các bài thuốc của y học phương Đông, (4) Chữa bệnh theo hướng tâm linh.

Vì rất chia sẽ với sự đau đớn mà người bệnh ung thư phải gánh chịu và sự lo buồn của gia đình họ, tôi mạnh dạn viết bài này để chia sẽ với hy vọng mọi người sẽ cùng nhau cố gắng vượt qua bệnh khổ. Mong rằng các bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân có thêm thông tin và kinh nghiệm từ những bài viết mà tôi đã tập hợp, để tìm ra giải pháp tốt nhất cho mình.

Vài lời kết

Nhân kinh nghiệm đau thương của bản thân, tôi xin mạn phép đưa ra vài lời chia sẽ với hy vọng không ai gặp rủi ro như tôi:

Thứ nhất, xin đừng chủ quan với virus viêm gan. Hiện nay có rất nhiều người mang virus viêm gan A, B và C trong người. Ai chưa chích ngừa thì nên xét nghiệm và chích ngừa (rẽ lắm và rất đơn giản). Ai đã có virus đó thì nên đi xét nghiệm định kỳ và tìm các loại thuốc Nam mà uống, chẳng hạn như cây chó đẻ (xem Chữa bệnh ung thư gan).

Thứ hai, hiện nay môi trường ngày càng ô nhiễm và thực phẩm thì chứa nhiều chất gây ung thư và các bệnh khác. Do đó, hãy cẩn thận với thực phẩm dùng hằng ngày. Cẩu thả trong ăn uống và sinh hoạt là nhân bất thiện dẫn đến nhiều căn bệnh quái ác.

Thứ ba, bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư, do rất nhiều nguyên nhân tạo nên. Do đó, để chữa trị bệnh tật thì phải xử lý trên nhiều phương diện, loại trừ hết các nguyên nhân, mới hy vọng chữa trị triệt để.

Thứ tư, nên tìm hiểu bệnh tình của mình để có thể hợp tác với bác sĩ và thầy thuốc một cách hiệu quả nhất.

Thứ năm, không đau khổ hay lo lắng về bệnh tật. Sẵn sàng chấp nhận kết quả xấu nhất và cố gắng thay đổi trong khả năng cho phép. Tìm kiếm mặt tốt từ việc bị bệnh, như câu chuyện “Được ngựa, mất ngựa”; hoặc như Alexander Duma đã viết trong tác phẩm Bá Tước Mông-tơ Crít-xtô: “…Chỉ có người nào ngày mai phải chết, mới cảm nhận được giá trị của cuộc sống”.

Chưa biết rồi tôi sẽ may mắn khỏi bệnh hay không. Phần nào đều do nhân quả trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ định đoạt. Xin cầu mong những người đang bị bệnh khổ an tâm và quyết thay đổi cuộc sống; để sống vui, sống khỏe và sống có ích hơn.

Ngày 20/10/2011

TK- rungthien49@gmail.com

Không có nhận xét nào: