TK – Ngày 25/10/2011
Kính chào những người đang bị ung thư gan/ung thư nói chung và gia đình bệnh nhân. Tôi cũng là một người đang mang bệnh ung thư gan, khối u chụp ngày 17/10/2011 có độ lớn: 7,8cm (dài) x 7,3cm (sâu) x 5cm (rộng) và đang có xu hướng tăng. Tôi đang chờ để mỗ lấy khối u.
Thời gian qua tôi tìm hiểu bệnh tình của mình và tập hợp được 25 bài liên quan đến bệnh này (với tựa đề “Tìm hiểu bệnh ung thư gan”), dưới góc độ y học Tây phương, cho mình và xin chia sẽ với mọi người để bớt mất công tìm kiếm. Tôi cũng tập hợp được 25 bài liên quan đến chữa trị bệnh ung thư gan nhìn từ góc độ Tâm linh và y học Đông phương, với tựa đề “Chữa trị ung thư gan”. Tôi tiếp tục tập hợp 5 bài nữa nói về những tấm gương chiến đấu với bệnh ung thư điển hình trong bài này (“Chiến đấu với bệnh ung thư”), để tăng cường sức chiến đấu cho tôi và những bệnh nhân khác và gia đình họ. Tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả và các trang web/blog đã cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến căn bệnh này. Tôi xin phép được copy lại đây và chia sẽ trong blog để có thêm nhiều người biết.
Tôi không có chuyên môn về lĩnh vực này và cũng đang trong giai đoạn điều trị, vì vậy thành thật xin lỗi là tôi không biết các thông tin mà tôi góp nhặt được bên dưới có độ chính xác đến đâu. Do đó, xin bệnh nhân và gia đình hãy đọc và tìm hiểu một cách thận trọng để đừng bị “tiền mất, tật mang”.
Xin chúc các bệnh nhân hết đau và sớm vượt qua khổ bệnh thành công! Xin gia đình và người thân bệnh nhân hãy cùng sát cánh với bệnh nhân và giúp họ theo nhiều cách khác nhau (tôi có viết bài để chia sẽ ở trang blog này với tựa đề: "Ung thư gan- Thử thách số phận"), vì cơn đau sẽ rất khó chịu và thậm chí lúc đó cảm thấy chết nhẹ nhàng còn dễ chịu hơn.
Ai muốn thêm thông tin có thể email cho tôi: rungthien49@gmail.com
Bài 1: Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Giám đốc TT Ung bướu TP.HCM: "Rất cần những ngọn đuốc Terry Fox"
Có một câu chuyện cảm động về người thanh niên Canada Terry Fox. Với chiếc chân giả do bệnh ung thư xương gây nên năm 18 tuổi, anh đã chạy marathon liên tục suốt 143 ngày nhằm gây quỹ từ thiện góp phần nghiên cứu tìm ra thuốc đặc trị bệnh ung thư.
Bệnh lan đến phổi, buộc anh phải dừng lại khi đã vượt qua 5.000 km. Bình quân lúc đó mỗi người dân đã quyên góp 1 đô la, quỹ từ thiện thu được 25 triệu đô la Canada. Hình ảnh vị anh hùng trẻ tuổi ấy được thắp sáng hàng năm trong các cuộc chạy bộ Terry Fox diễn ra trên 50 quốc gia và số tiền quyên góp được sẽ dành cho các bệnh nhân ung thư của các nước sở tại.
Trong tuần qua, Tổng lãnh sự quán Canada vừa tổ chức buổi lễ trao tặng tấm ngân phiếu 350.000.000 đồng cho Trung tâm Ung bướu TP.HCM để hỗ trợ các bệnh nhân ung thư, kết quả quyên góp từ cuộc chạy bộ Terry Fox lần thứ 8 tại Việt Nam. Chỉ tới năm vừa qua, sự kiện này mới được dư luận quan tâm rộng rãi. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng với giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM về vấn đề từ thiện cho người bệnh ung thư.
* Giáo sư có suy nghĩ gì về cuộc chạy bộ Terry Fox được phát động ở Việt Nam trong thời gian qua?
- Đối với việc phòng chống ung thư, đây là một cách làm rất tốt, chúng ta đang bắt đầu làm quen với hình thức này. Ung thư, một bệnh hiểm nghèo, việc nghiên cứu và điều trị bệnh cần một kinh phí rất lớn, cần cả xã hội cùng lo cho người bệnh. Terry Fox là một chương trình rất cụ thể. Số tiền quyên góp được tuy không lớn nhưng có ý nghĩa rất sâu sắc: phong trào tác động cho mọi người ý thức về việc cùng phòng chống bệnh ung thư. Ở Việt Nam, bệnh ung thư khiến người ta rất sợ khi nghĩ tới, thậm chí có tâm lý giấu bệnh, kể cả người đang điều trị lẫn người đã khỏi bệnh. Nêu ra những gương tốt đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt các danh nhân, chính khách..., là cách giúp cộng đồng hiểu và bớt đi cái nhìn bi quan về bệnh ung thư. Chẳng hạn, người đang làm Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia Mỹ đã từng vượt qua 2 bệnh ung thư. Hình ảnh cậu bé Hewitt 9 tuổi sinh sống tại Việt Nam luôn có mặt trên đường chạy Terry Fox, vừa chiến thắng bệnh u não, sẽ thắp lên niềm tin đối với biết bao người đồng bệnh. Tôi đánh giá chương trình Terry Fox là một ngọn đuốc tỏa sáng.
* Bệnh viện Ung bướu là một trong những nơi nhận được nhiều nhất sự quan tâm của xã hội. Đó là nhờ sự tuyên truyền của bệnh viện hay vì lý do gì khác?
- Hoàn toàn chưa có sự tuyên truyền nào của bệnh viện. Thực ra, phần lớn chúng ta đều phải chứng kiến cảnh của thân nhân, bằng hữu bị bệnh ung thư. Người bệnh ở nước ta đa số có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình và dòng họ - đây cũng là tình thương, sự nâng đỡ, chia sẻ. Ở đây, bệnh nhân nghèo hơn các nơi khác. Tiền thuốc bệnh viện chỉ mua giúp bệnh nhân song mỗi toa thuốc từ 1 đến vài chục triệu đồng, phải điều trị dai dẳng, nhiều người có tiền sau một thời gian nằm viện cũng hết tiền. Các bác sĩ vừa khám chữa bệnh vừa phải lo lắng cho mấy trăm con người hoàn cảnh khó khăn. Nhìn vào số người bệnh nghèo cần được giúp đỡ mới thấy được gánh nặng của bệnh viện lớn như thế nào. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, yêu cầu chúng tôi làm việc hết công suất. Có người vào đây đã “rùng mình”: sao nơi này nhếch nhác, chật chội đến thế? Nhưng nếu như từ chỗ đó mọi người nghĩ đến một điều: khó khăn như vậy mà tại sao đội ngũ y bác sĩ ở đây vẫn gồng mình gánh vác hết được... thì chúng ta sẽ thấy được mặt thứ hai của vấn đề. Đây chính là niềm kiêu hãnh riêng của cán bộ công nhân viên bệnh viện vì được người bệnh và xã hội tin tưởng. Chúng tôi tiếp nhận những việc làm từ thiện một cách nghiêm túc, minh bạch, có tinh thần trách nhiệm cao, được các nhà hảo tâm tin tưởng.
* Có khi nào việc từ thiện lại gây ra những khó khăn cho bệnh viện hay không?
- Không ít trường hợp biết điều trị không thể hết bệnh song bệnh nhân vẫn không chịu về với gia đình bởi sợ gia đình hắt hủi. Họ vẫn được chăm sóc, ăn uống và có khi chúng tôi phải lo cả chuyện hậu sự nữa... Nhiều đồng nghiệp đã gọi Bệnh viện Ung bướu của chúng tôi là nơi điều trị và chẩn y viện cho người nghèo.
Thường thì những cá nhân thích gửi tiền quà từ thiện trực tiếp tới tay bệnh nhân nên đôi khi cũng gây ra sự xáo trộn. Chẳng hạn, có khi trong quà từ thiện lại kèm theo tài liệu tuyên truyền không tốt... Nhiều nhà hảo tâm nhờ y tá trưởng lên danh sách một số các trường hợp thực sự khó khăn để trao quà. Song, có bệnh nhân ấm ức vì cảm thấy mình đủ "tiêu chuẩn" mà không được nhận tiền quà từ thiện, đâm ra nghi ngờ, giận dữ, đã trút lên đầu y tá sự bất bình. Do được nhận tiền trực tiếp từ các nhà hảo tâm nên một số bệnh nhân cố tình ở lại đây không phải để điều trị mà là để nhận tiền quà từ thiện! Bệnh viện đã đề nghị các cá nhân, tổ chức nên góp tiền vào quỹ từ thiện của bệnh viện song nhiều người chỉ yên tâm khi trao trực tiếp tới người bệnh.
Chúng ta rất trân trọng, nâng niu những tấm lòng vàng trong xã hội. Song cần phải tổ chức công tác từ thiện ở tầm chiến lược hơn nữa thì hiệu quả điều trị những căn bệnh hiểm nghèo sẽ cao hơn. Hy vọng tới đây sẽ có nhiều phong trào lớn như ngọn đuốc Terry Fox.
Trung tâm Ung bướu TP.HCM đã đứng ra quản lý một quỹ từ thiện để lo bếp ăn và thuốc men cho bệnh nhân nghèo. Bếp ăn từ thiện của bệnh viện được bắt đầu từ năm 1995 - ban đầu do một số người hảo tâm tự làm, rồi sau đó bệnh viện đứng ra tổ chức. Hằng ngày có 3 bữa cơm canh nóng cho khoảng 400 người bệnh nghèo (chiếm 30% bệnh nhân điều trị nội trú). Khẩu phần thay đổi liên tục, chất lượng đảm bảo bởi được sự giám sát của Khoa Dinh dưỡng. Nhiều bệnh nhân nói: cơm từ thiện rất ngon và dinh dưỡng hơn nhiều so với những bữa cơm của gia đình họ ở quê nhà - tâm sự đó khiến chúng ta không khỏi bùi ngùi se xót.
Số tiền từ thiện còn được dùng vào việc hỗ trợ chi phí chữa trị cho bệnh nhân nghèo, thuê xe cho bệnh nhân quá nặng về nhà, mai táng cho người không nơi nương tựa... Theo dược sĩ Hà Thu Điểm, số tiền hằng năm các nhà hảo tâm đóng góp cho hội quỹ từ thiện của bệnh viện lên tới cả tỉ đồng (chưa kể các hiện vật và số tiền đến trực tiếp các bệnh nhân).
Hồng Dung
(thực hiện)
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
Nguồn: http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Giao-su-Nguyen-Chan-Hung-Giam-doc-TT-Ung-buou-TP-HCM-Rat-can-nhung-ngon-duoc-Terry-Fox/45138338/111/
Bài 2: Hãy cùng gìn giữ ngọn lửa của Terry Fox
TTO - Một trăm bốn mươi ba ngày liên tục, với những bước chạy tập tễnh trên một chiếc chân bằng gỗ, mầm bệnh ung thư trong người, chàng trai 22 tuổi Terry Fox miệt mài cố gắng chạy một vòng quanh Canada, quyên góp từng đô la để góp phần vào cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của cả nhân loại...
>> 420 triệu đồng cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM >> Chạy bộ gây quỹ từ thiện Terry Fox >> Đường chạy Terry Fox lần 6 tại Hà Nội >> Chạy Terry Fox Hà Nội 2004 quyên góp được 200 triệu đồng >> Đường đua Hy vọng
Anh đã chạy qua những cơn bão tuyết và cái nóng của mùa hè, ngược chiều những cơn gió giật, qua những làng chài và những thành phố lớn nhất Canada.
Ba năm sau khi buộc phải cưa chân vì căn bệnh ung thư xương quái ác, Terry Fox quyết định chạy vòng quanh Canada để hi vọng gây quỹ cho việc nghiên cứu căn bệnh ung thư. Hi vọng của anh là quyên góp 1 đôla từ mỗi công dân Canada. Chàng trai Terry bắt đầu cuộc chạy vào ngày 12-4-1980.
Thông điệp của chàng thanh niên trẻ đến nay vẫn còn được tiếp tục. 26 năm sau khi Terry Fox đặt bước chân đầu tiên trên đường chạy, đã có hơn 2 triệu người trên toàn thế giới tiếp bước anh trong cuộc chạy nhằm gom quỹ để giúp thực hiện các nghiên cứu và nỗ lực chống lại căn bệnh ung thư trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, cách Canada nửa vòng trái đất, kể từ năm 1999 đến nay, các cuộc chạy Terry Fox tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM đã thu hút được hàng chục ngàn người tham gia chạy và đóng góp được hơn 3 tỉ đồng cho các hoạt động nghiên cứu chống căn bệnh ung thư.
Trong hành trang của Terry ngày ấy có 2 bình nước lấy từ Đại Tây Dương, với ý định là chàng trai sẽ giữ lại kỷ niệm một bình, còn một bình còn lại sẽ hoà vào dòng nước Thái Bình Dương. Kế hoạch của chàng trai là mỗi ngày chạy 42 km (quãng đường của cuộc chạy Marathon). Chưa từng có ai từng làm một việc như Terry.
Rất tiếc là Terry Fox đã không thể hoàn thành được cuộc chạy, đến ngày thứ 143, căn bệnh ung thư đã di căn lên phổi và chàng trai đã dừng hành trình” marathon vì hi vọng” của mình tại Ontario vào ngày 1-9-1980.
Trong 143 ngày, Terry đã chạy được tổng cộng 5.373 km (tương đương với khoảng 37,6 km/ngày). Một năm sau, Terry đã mất ngày 28-6-1981, một tháng trước khi tròn 23 tuổi.
Terrance “Terry” Stanley Fox được coi là một trong những người anh hùng vĩ đại nhất của Canada trong thế kỉ 20 và được người dân toàn cầu tưởng nhớ mỗi tháng 9 khi các hoạt động chạy “Terry Fox” được tổ chức khắp nơi trên toàn cầu. Đây là hoạt đông gây quỹ lớn nhất cho các nghiên cứu chống căn bệnh ung thư.
Di sản lớn nhất của Terry Fox là hàng trăm triệu USD đã được quyên góp cho các hoạt động nghiên cứu chống căn bệnh ung thư. Một phần của nghiên cứu đã giúp cải tiến cách thức chữa căn bệnh đã cướp đi sự sống của Terry, sacôm xương. Cho đến nay những đứa trẻ mắc sacôm xương hiếm khi phải bị cưa chân, và cuộc sống có thể kéo dài đáng kể.
Terry Fox cũng giúp xoá đi suy nghĩ rằng những người tật nguyền không thể vượt qua được những hạn chế hình thể của mình để lập những chiến tích như người bình thường và đem lại cho những người trẻ tuổi một thông điệp lớn là “Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
THANH TUẤN
(*) Nhân cuộc chạy Terry Fox tổ chức tại Hà Nội ngày 24-9-2006
(Trích từ báo Tuổi Trẻ Online - “Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ” (*)) ------------------------------------------------------------------------------------
Chạy bộ từ thiện Terry Fox lần thứ 10 tại TP.HCM
(Trích từ trang http://www.hochiminhcity.gov.vn)
Tổng lãnh sự quán Canađa phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM và Phòng Thương mại Canađa tổ chức cuộc chạy bộ từ thiện Terry Fox lần thứ 10 với chủ đề “Marathon vì niềm hy vọng” vào sáng 3-12 tại sân trượt patin ở Nam Sài Gòn, Quận 7.
Ban tổ chức hy vọng cuộc chạy Terry Fox lần 10 sẽ thu hút trên 5.000 người tham gia tranh tài ở cự ly 5km với ba nội dung đi bộ, đi xe đạp và đi patin nhằm quyên góp trên 500 triệu đồng cho công tác nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư tại TP.HCM.
Năm 2005, sự kiện này đã thu hút trên 4.300 người tham gia và quyên góp được 420 triệu đồng hỗ trợ cho công tác nghiên cứu căn bệnh ung thư tại Trung tâm Ung bướu TP.HCM .
Đăng ký tham gia tại Tổng lãnh sự quán Canađa, 235 Đồng Khởi, lầu 10, Quận 1, ĐT: (08) 827 9899.
---------------------------------------------------------------------------
Thông tin cho những ai quan tâm
Terry Fox Run 2006 sẽ được tổ chức tại TP. HCM vào lúc 8 giờ sáng ngày Chủ Nhật 3/12/2006 tại sân trượt patin ở Nam Sài Gòn, quận 7. Nói là 8 giờ vậy thôi chứ thực ra mọi người nên đến lúc 7 giờ rưỡi. Với những ai chưa đăng ký có thể đến sớm lúc khoảng 7 giờ để đăng ký và lấy số luôn (không nhất định phải đến lãnh sự quán Canada đâu). Phí cho 1 người là 75 ngàn.
-----------------------------------------------------------------------------
Terry Fox
From Wikipedia, the free encyclopedia
Terry Fox on his Marathon of Hope cross-country run.
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/linhlinh_vn/article?mid=124&fid=-1
Bài 3: Nghị lực thép chống ung thư của Steve Jobs
Thứ Sáu, 7.10.2011 | 11:10 (GMT + 7)
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù cơ thể bị huỷ hoại bởi căn bệnh ung thư, nhưng ý chí và tinh thần thép của Steve Jobs không bao giờ bị dao động.
'Huyền thoại' Steve Jobs của hãng Apple qua đời
Nhìn lại sự nghiệp vẻ vang của Steve Jobs
Các phát ngôn nổi tiếng của Steve Jobs
Những điều làm nên vị trí số 1 của Steve Jobs
Những bức ảnh chụp Steve Jobs tiều tuỵ hôm 27.9 bên ngoài nhà riêng ở Thung lũng Silicon.
Vốn là một người kín tiếng và riêng tư, Steve Jobs quyết định không tuyên bố công khai về căn bệnh tàn phá cơ thể ông cũng như quyết tâm làm việc đến giây phút cuối cùng mà không cần phải đưa ra một lời giải thích nào.
Người đồng sáng lập hãng máy tính danh tiếng Apple lần đầu tiên được chẩn đoán ung thư vào năm 2003, nhưng thông tin về tình trạng sức khoẻ của ông chỉ được công bố một năm sau đó.
Ngay từ đầu, bản thân Steve Jobs và cộng sự cũng như hãng Apple đều cố gắng giữ thông tin về sức khoẻ của ông bí mật đến mức có thể. Cuối cùng, khi phải thông báo, ông khẳng định rằng mình bị bệnh nhưng đã phẫu thuật và chữa trị.
4 năm sau đó lại xuất hiện đồn đoán rằng ông bệnh trở lại. Sự xuất hiện của ông khiến nhiều người tin rằng ông ốm rất nặng. Nhưng ngay cả thời điểm đó, Steve Jobs không hề đưa ra bất kỳ bình luận nào, có chăng chỉ hãng Apple nói rằng sức khoẻ của ông là "vấn đề riêng tư".
Tin đồn vẫn lan tràn. Tờ Bloomberg còn vô tình công bố cáo phó, gây nên một cuộc tranh cãi kịch liệt trên mạng. Vụ việc khiến Steve Jobs khởi động một sự kiện của Apple vào mùa thu năm 2008, tại đó Steve nói rằng thông tin về cái chết của ông thực sự bị phóng đại lên nhiều lần.
Tuy nhiên, đằng sau tất cả những tin đồn đó, Steve Jobs đã phải vật lộn để chống chọi với căn bệnh ung thư. Tháng 1 năm 2009, ông buộc phải nghỉ ốm. Mặc dù hãng tuyên bố ông vẫn phụ trách, nhưng thông tin sau này cho hay thời gian đó ông phải phẫu thuật ghép gan.
Trở lại làm việc vào tháng 6 năm 2009, Steve Jobs tiếp tục cho ra đời một chuỗi sản phẩm công nghệ cao. Tháng 1 năm 2011, ông quá yếu để có thể tiếp tục làm việc nên quyết định nghỉ ốm. Tháng 3, ông quay lại và được hoan nghênh nhiệt liệt khi xuất hiện trên sân khấu giới thiệu chiếc iPad 2 và chính thức ra mắt sản phẩm này.
Đến tận lúc này, Apple vẫn không công bố thông tin gì về tình trạng sức khoẻ của Steve, nhưng những đồng nghiệp thân thiết nhất biết rằng ông có thể sẽ không bao giờ trở lại nữa. Cuối cùng, ông tuyên bố từ chức CEO vào ngày 24.8. Tuy nhiên, trong thư từ chức, ông cũng không nói gì đến bệnh tật và chỉ viết rằng trước đây ông từng nói sẽ từ chức nếu thấy không thể tiếp tục làm việc được nữa.
Vợ con Steve Jobs giúp ông vào nhà. Đây là bức ảnh cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng.
Vài ngày sau đó, ông chụp ảnh ở bên ngoài nhà riêng ở Palo Alto. Giờ đây, xem lại những bức ảnh này mới thấy rõ ràng ông đang trải qua những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Vị giám đốc điều hành tài ba của Apple ít nói về sức khoẻ của mình, trừ một lần ông thừa nhận bị ung thư trong một bài phát biểu tại Đại học Stanford. Ông nói với các sinh viên: "Không một ai muốn chết. Nhưng cái chết là đích chung mà tất cả chúng ta đều phải trải qua, không ai trốn tránh được".
Cách đối mặt với căn bệnh nan y của Steve Jobs khiến nhiều tổ chức từ thiện ung thư ngưỡng mộ. Catherin Bouvier, giám đốc Quỹ Bệnh nhân NET của những người bị u thần kinh nội tiết cho biết, nhiều người cảm thấy khủng khiếp và cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn khi được chẩn đoán ung thư. Nhưng Steve Jobs là một trường hợp đặc biệt.
Laura Dillingham thuộc Trung tâm hỗ trợ ung thư Macmillan nói rằng, Steve tiếp tục làm việc sau khi được chẩn đoán. Đó là điều không phải tất cả các bệnh nhân ung thư đều có thể làm được.
Vân Anh (Theo Mail, BBC)
Nguồn: http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Nghi-luc-thep-chong-ung-thu-cua-Steve-Jobs/61600
Sức khỏe của Steve Jobs vẫn là điều bí ẩn
Steve Jobs từ chức là thông tin không ai mong muốn, nhưng người ta không quá bất ngờ khi nghĩ về tình trạng sức khỏe của ông, về mấy năm ròng rã ông chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
>Sự rút lui của Steve Jobs "gây bão" trên mạng
Nhà lãnh đạo kiểu mẫu đã trở thành bộ mặt của Apple kể từ khi quay lại vào năm 1996. Những dịp Steve phát biểu trở thành sự kiện lớn trong giới công nghệ và những bài phát biểu đó giúp đưa hình ảnh công ty đến với công chúng gần hơn.
Nhưng Jobs phát hiện bị ung thư tuyến tụy vào năm 2003. Một năm sau, bệnh tật của ông mới được công bố khi vị CEO này phải làm phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Bức ảnh so sánh Steve Jobs tháng 9/2007 và 9/2008. Ảnh: philmug.com
Ca phẫu thuật diễn ra thành công và Jobs không cần hóa trị hay xạ trị. Tim Cook thay thế điều hành công ty cho đến khi Jobs quay lại vào tháng 9/2004.
Năm 2005, Jobs đã có một bài phát biểu đặc biệt tại Đại học Standford. Tại đây ông đã tiết lộ thông tin bác sĩ chẩn đoán ông sẽ không sống quá 6 tháng nữa.
Jobs nói: "Các bác sĩ bảo rằng dạng ung thư này không thể chữa được, và tôi sẽ khó qua nổi sau 6 tháng nữa. Bác sĩ khuyên tôi về nhà và hãy sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, nghĩa là hãy chuẩn bị cho trường hợp tôi ra đi".
Sau đó, các xét nghiệm sinh tiết lại cho thấy bệnh ung thư này chữa được, nhưng Jobs cho hay lần đầu tiên trong đời nó khiến ông suy nghĩ nghiêm túc hơn về cái chết.
"Không ai muốn chết", Jobs chia sẻ, "Ngay cả những người muốn lên thiên đường thì cũng chẳng muốn chết để được lên đó. Nhưng đó là con đường số phận mà tất cả chúng ta phải đi chung, không ai có thể tránh".
"Và mọi chuyện sẽ như nó vốn có, bởi cái chết là sự sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó là nhân tố thay đổi cuộc sống. Nó xóa đi những thứ cũ kỹ để dọn đường cho những điều mới mẻ. Lúc này đây với bạn là mới, nhưng một ngày nào đó không xa, bạn sẽ dần dần trở thành thứ cũ và sẽ bị xóa đi. Tôi xin lỗi vì nói vậy, nhưng đó lại là sự thật", Jobs nói.
"Thời gian không phải là vô hạn, vậy nên đừng phí phạm để sống cuộc đời của ai đó, đừng bị ràng buộc bởi những giáo lý rồi sống theo cách người khác suy nghĩ. Đừng để quan niệm của thiên hạ dập tắt chính tiếng nói từ trong con người của bạn", ông chia sẻ.
Hình ảnh Steve Jobs trong những năm gần đây. Ảnh: dailymail.co.uk
Mọi thông tin về Jobs được giữ khá kín trong vài năm sau đó, nhưng khi ông cho ra mắt chiếc iPhone 3G vào tháng 7/2008, ai cũng trông thấy Jobs gày gò và hốc hác. Thời điểm đó Apple đã nói rằng CEO của mình chỉ bị ốm thông thường, một cách nói tránh tình trạng bệnh của Steve.
Nhưng thị trường đã phản ứng lại với dáng vẻ của Jobs và chỉ trong vài tuần sau đó, giá cổ phiếu của Apple giảm tới 10%. Vào tháng 12/2008, Apple cho biết Jobs sẽ không có bài phát biểu tại triển lãm thường niên MacWorld và cũng không tham gia.
Tháng 1/2009, Jobs đã gửi một lá thư nói rằng ông sử dụng một loại hormone gây mất cân bằng khiến mình sụt cân. Mục đích của lá thư để xoa dịu áp lực của các nhà đầu tư. Nhưng chỉ ít ngày sau đó, Steve đã phải vắng mặt một lần nữa do các vấn đề sức khỏe tệ hơn ông nghĩ.
Trong một email gửi tới các nhân viên của mình, Steve viết: "Tôi đã đề nghị ban lãnh đạo cho phép nghỉ một thời gian để tập trung chăm sóc sức khỏe của mình và được chấp thuận. Tôi sẽ tiếp tục vai trò CEO của mình và sẽ tiếp tục đóng góp những quyết định chiến lược cho công ty".
Jobs cho biết thêm rằng ông Tim Cook sẽ tạm thời đảm trách chuyện điều hành công ty: "Tôi yêu Apple rất nhiều và hy vọng trở lại sớm nhất cơ thể. Trong thời gian này, gia đình tôi và tôi rất cần được tôn trọng sự riêng tư".
Tháng 1/2009 cũng đã có thông tin Jobs phải thực hiện một ca ghép gan tại Viện Cấy ghép bệnh viện đại học Methodolist tại Memphis, bang Tennessee. Lúc này, có tới 15.771 người Mỹ sẵn sàng hiến gan cho ông. Tình hình sức khỏe của ông được thông báo tiến triển tốt và Apple tuyên bố CEO của họ sẽ sớm trở lại làm việc.
Tuy nhiên cũng xuất hiện những nghi ngờ cơ thể Jobs đào thải lá gan mới khi cơ thể ông ngày càng có biểu hiện yếu hơn. Gan nằm ngay dưới tuyến tụy và trực tiếp nhận chất dẫn lưu từ đây. Điều này tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ tụy sang gan khi các tế bào ung thư lan rộng. Trong trường hợp này, lá gan sẽ không hoạt động bình thường nữa và dễ khiến bệnh lan rộng hơn. Tuy nhiên chưa bệnh nhân nào sống đủ lâu để chuyện này xảy ra.
Ba tháng sau đó, Jobs trở lại trong buổi ra mắt mẫu iPod mới tại San Francisco và nói rằng ông "yêu từng phút khi được trở lại Apple". Tháng 10/2009, Jobs giới thiệu chiếc laptop MacBook Air siêu nhẹ.
Chi tiết về tình trạng sức khỏe của Jobs được giới chuyên gia xem là "thông tin cơ sở" có ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư trong việc nên mua hay bán cổ phiếu của Apple. Tuy nhiên, sở hữu cổ phiếu Apple không đồng nghĩa với có quyền can thiệp vào đời sống riêng của Jobs.
Những thông tin chính xác về chuyện đau ốm của Steve vẫn đang là câu hỏi lớn với giới truyền thông và công nghệ. Trong bức thư gửi riêng cho Ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên của Apple, Steve đã không dùng bất kỳ một từ nào để nói về tình trạng sức khỏe của mình. Apple luôn nổi tiếng về sự kín kẽ của mình trong các dòng sản phẩm trước khi ra mắt, nhưng giới thạo tin vẫn luôn "moi" được điều gì đấy. Lần này Apple đang làm tốt hơn bao giờ hết.
Bức ảnh gần đây nhất chụp Steve Jobs (áo đen) cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama (áo trắng) và CEO Mark Zukerberg của Facebook. Dễ dàng nhận thấy dáng vẻ gầy guộc của Jobs với cổ tay tưởng như chỉ còn da bọc xương. Ảnh: alwinclores.com
Tất cả những lời đồn về sức khỏe của Jobs ở thời điểm hiện tại chỉ là phỏng đoán, không có nguồn tin nào xác nhận được chuyện này. Nhưng có một điều không thể chối cãi rằng sức khỏe đang hủy hoại Jobs, đánh bật ông khỏi mong muốn dẫn dắt Apple, việc làm mà chắc chắn Jobs không bao giờ muốn mất.
Anh Quân
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/kinh-nghiem/2011/08/suc-khoe-cua-steve-jobs-van-la-dieu-bi-an/
Steve Jobs kể về cuộc đời và cái chết trong diễn văn bất hủ
Những lời phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005 về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của Steve Jobs trở thành một trong những bài diễn văn để đời và đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại.
Huyền thoại Steve Jobs qua đời ở tuổi 56 / Cộng đồng iFan sững sờ trước tin Steve Jobs ra đi / Video tưởng niệm Steve Jobs
Steve Jobs đã qua đời vào sáng 5/10/2011, khiến cả thế giới sửng sốt và tiếc nuối. Ông là người kín tiếng, gần như không bao giờ nói về đời tư và cuộc trò chuyện cởi mở nhất có lẽ là bài phát biểu dưới đây:
"Tôi rất vinh dự có mặt trong lễ trao bằng tốt nghiệp của các bạn hôm nay tại một trong những trường đại học uy tín nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ có bằng đại học. Phải thú nhận đây là lần tôi tiếp cận gần nhất với một buổi tốt nghiệp. Tôi muốn kể cho các bạn ba câu chuyện về cuộc đời tôi. Không có gì nhiều nhặn. Chỉ là ba câu chuyện.
Chuyện thứ nhất là về việc kết nối các dấu chấm (kết nối các sự kiện)
Tôi bỏ trường Reed College ngay sau 6 tháng đầu, nhưng sau đó lại đăng ký học thêm 18 tháng nữa trước khi thực sự rời trường. Vậy, vì sao tôi bỏ học?
Mọi chuyện như đã định sẵn từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một sinh viên, bà chưa kết hôn và quyết định gửi tôi làm con nuôi. Bà nghĩ rằng tôi cần được nuôi dưỡng bởi những người đã tốt nghiệp đại học nên sắp đặt để trao tôi cho một vợ chồng luật sư ngay trong ngày sinh. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi vào phút chót bởi họ muốn nhận một bé gái hơn là tôi.
Vì thế, cha mẹ nuôi của tôi, khi đó đang nằm trong danh sách xếp hàng, đã nhận được một cú điện thoại vào nửa đêm rằng: "Chúng tôi có một đứa con trai không mong đợi, ông bà có muốn chăm sóc nó không?" và họ trả lời: "Tất nhiên rồi". Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện ra mẹ nuôi tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học còn cha tôi thậm chí chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Bà từ chối ký vào giấy tờ trao nhận và chỉ đồng ý vài tháng sau đó khi bố mẹ hứa rằng ngày nào đó tôi sẽ vào đại học.
Sau đó 17 năm, tôi thực sự đã vào đại học. Nhưng tôi ngây thơ chọn ngôi trường đắt đỏ gần như Đại học Stanford vậy. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi phải dồn vào trả học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi thấy việc đó không hề hiệu quả. Tôi không có ý niệm về những gì muốn làm trong cuộc đời mình và cũng không hiểu trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra điều đó như thế nào. Tại đó, tôi tiêu hết tiền mà cha mẹ tiết kiệm cả đời. Vì vậy tôi ra đi với niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn cả. Đó là khoảnh khắc đáng sợ, nhưng khi nhìn lại, đấy lại là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Tôi bắt đầu bỏ những môn học bắt buộc mà tôi không thấy hứng thú và chỉ đăng ký học môn tôi quan tâm.
Tôi không có suất trong ký túc, nên tôi ngủ trên sàn nhà của bạn bè, đem đổi vỏ chai nước ngọt lấy 5 cent để mua đồ ăn và đi bộ vài km vào tối chủ nhật để có một bữa ăn ngon mỗi tuần tại trại Hare Krishna. Những gì tôi muốn nói là sau này tôi nhận ra việc cố gắng theo đuổi niềm đam mê và thỏa mãn sự tò mò của mình là vô giá.
Tôi sẽ kể cho các bạn một ví dụ: Đại học Reed khi đó có lẽ là trường tốt nhất dạy về nghệ thuật viết chữ đẹp ở Mỹ. Khắp khuôn viên là các tấm áp-phích, tranh vẽ với những dòng chữ viết tay tuyệt đep. Vì tôi đã bỏ học, tôi quyết định chỉ đăng ký vào lớp dạy viết chữ để tìm hiểu họ làm điều đó thế nào. Tôi học cách biến hóa với nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm. Đây là môn học nghệ thuật và mang tính lịch sử mà khoa học không thể nắm bắt được và tôi thấy nó thật kỳ diệu.
Những thứ này khi đó dường như chẳng có chút ứng dụng thực tế nào trong cuộc đời tôi. Nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế máy Macintosh, mọi thứ như trở lại trong tôi. Và chúng tôi đưa nó vào trong Mac. Đó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp. Nếu tôi không bỏ học chỉ để theo một khóa duy nhất đó, máy Mac sẽ không bao giờ được trang bị nhiều kiểu chữ hoặc có được sự cân xứng về khoảng cách các chữ như vậy (sau này Windows đã sao chép lại). Nếu tôi không bỏ học, tôi có lẽ sẽ không bao giờ tham gia lớp nghệ thuật viết chữ và máy tính có lẽ không có được hệ thống chữ phong phú như hiện nay.
Tất nhiên, chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể móc nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó - sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì - cách nghĩ đó đã tạo nên những sự khác biệt trong cuộc đời tôi.
Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát
Tôi may mắn khi đã nhận ra những gì tôi yêu quý ngay từ khi còn trẻ. Woz (Steve Wozniak) cùng tôi sáng lập Apple tại garage của bố mẹ khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc miệt mài trong 10 năm và phát triển từ một cái nhà xe thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4.000 nhân viên. Chúng tôi cho ra đời thành quả sáng tạo - Macintosh - khi tôi mới bước sang tuổi 30.
Sau đó, tôi bị sa thải. Sao bạn lại có thể bị sa thải tại ngay công ty mà bạn lập ra? Apple đã thuê một người mà tôi nghĩ là đủ tài năng để điều hành công ty với mình và năm đầu tiên, mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau đó, tầm nhìn về tương lai của chúng tôi khác nhau và không thể hợp nhất. Khi đó, ban lãnh đạo đứng về phía ông ấy. Ở tuổi 30, tôi phải ra đi. Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy.
Tôi không biết phải làm gì trong những tháng tiếp theo. Tôi cảm thấy như mình đã đánh rơi mất cây gậy trong cuộc chơi khi người ta vừa trao nó cho tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi vì đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi còn nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng mọi thứ bắt đầu kéo tôi trở lại. Tôi vẫn yêu những gì tôi làm. Bước ngoặt tại Apple không thay đổi con người tôi. Tôi bị từ chối, nhưng tôi vẫn còn yêu. Vì thế tôi quyết định làm lại từ đầu.
Khi đó tôi đã không nhận ra, nhưng hóa ra bị sa thải lại là điều tốt nhất dành cho tôi. Sức ép duy trì sự thành công đã được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của người mới bắt đầu lại và không chắc về những gì sẽ diễn ra. Nó giải phóng tôi để bước vào giai đoạn sáng tạo nhất cuộc đời.
Trong năm năm tiếp theo, tôi thành lập NeXT và một công ty khác mang tên Pixar và phải lòng một người phụ nữ tuyệt vời, người trở thành vợ tôi sau này. Pixar tạo ra bộ phim từ đồ họa máy tính đầu tiên trên thế giới - Toy Story và hiện là xưởng phim hoạt hình thành công nhất toàn cầu. Apple mua lại NeXT, tôi trở lại và công nghệ tôi phát triển ở NeXT là trọng tâm trong cuộc phục hưng Apple. Tôi và vợ Laurene cũng có một cuộc sống gia đình tuyệt vời.
Tôi khá chắc chắn rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Nó như một liều thuốc đắng và kinh khủng, nhưng bệnh nhân cần nó. Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu chưa nhận ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm.
Câu chuyện thứ ba là về cái chết.
Khi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó rằng: "Nếu sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng". Điều đó gây ấn tượng với tôi và 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?". Nếu câu trả lời là "Không" kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi.
Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hộ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim.
Một năm trước, tôi biết mình bị ung thư. Tôi được chụp cắt lớp lúc 7h30 và nhìn thấy rõ khối u trong tuyến tụy. Tôi còn chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Bác sĩ bảo tôi bệnh này không chữa được và tôi chỉ có thể sống thêm 3 đến 6 tháng nữa. Ông ấy khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, cố gắng trò chuyện với bọn trẻ những điều mà tôi định nói với chúng trong 10 năm tới, nhưng giờ phải tâm sự trong vài tháng. Nói cách khác, hãy nói lời tạm biệt.
Tối hôm đó, tôi được kiểm tra sinh thiết. Họ đút một ống qua cổ họng tôi xuống dạ dày và ruột rồi đặt một cái kim vào tuyến tụy để lấy mẫu tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, và vợ tôi, cũng có mặt lúc đó, kể với tôi rằng khi các bác sỹ xem các tế bào dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện đây là trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
Đó là lần gần nhất tôi đối mặt với cái chết. Tôi hy vọng lần tiếp theo sẽ là vài thập kỷ nữa. Không ai muốn chết. Ngay cả người mong được lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Nhưng cái chết là đích đến mà chúng ta đều phải tới. Không ai thoát được nó. Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ sự cũ kỹ (người già) để mở đường cho cái mới (lớp trẻ). Các bạn chính là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Chúng biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách thú vị là The Whole Earth Catalog (Cẩm nang thế giới). Nó giống như một cuốn kinh thánh, kim chỉ nam của thế hệ tôi. Tác giả Steward Brand tạo ra nó vào thập niên 60, trước thời máy tính cá nhân. Nội dung sách được soạn bằng máy đánh chữ, bằng kéo và bằng máy ảnh polaroid. Nó như Google trên giấy vậy. Ở bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường trong ánh bình minh, bên dưới là dòng chữ: "Sống khát khao. Sống dại khờ". Tôi luôn chúc điều đó cho chính mình. Hôm nay, các bạn tốt nghiệp và sắp bước vào cuộc đời mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ".
Xem video bài phát biểu của Steve Jobs
Châu An dịch
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/vi-tinh/2011/10/steve-jobs-ke-ve-cuoc-doi-va-cai-chet-trong-dien-van-bat-hu/
Bài 4: Chavez phải phẫu thuật điều trị ung thư
Trong phát biểu trước công chúng lần đầu tiên sau khi đi Cuba trị bệnh, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho hay ông đã phải qua phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư.
Ba tuần trước, ông tổng thống phải rời Venezuela đi điều trị và giới chức nói ông bị sưng háng.
Nay ông Chavez tuyên bố ông sẽ chiến thắng tật bệnh và đang trên đường "hồi phục hoàn toàn".
Sự vắng mặt của ông đã khiến Venezuela hoãn tổ chức một hội nghị khu vực vào thứ Tư tuần rồi.
Xuất hiện trên truyền hình trong hình dáng gầy gò hơn hẳn những lần trước, ông Chavez xác nhận điều mà nhiều người đã đồn đại, rằng tình hình sức khỏe của ông xấu hơn dự đoán.
Đứng sau bệ micrô, ông tổng thống nói ông đã mắc "sai lầm cơ bản" là không chăm sóc sức khỏe bản thân.
Ông cho biết cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro là người đầu tiên nhận xét ông trông hơi nhợt nhạt khi ông thăm Cuba lần trước.
Tổng thống Chavez nói ông đã phẫu thuật chữa sưng háng hôm 10/06, đúng như thông báo gửi tới người dân.
Thế nhưng trong quá trình hậu phẫu, các kết quả xét nghiệm cho thấy có khối u ung thư, khiến ông phải phẫu thuật thêm lần nữa.
Thành công
Ông Chavez cho hay cuộc phẫu thuật lần hai "thành công rực rỡ".
Ông nói thêm rằng sức khỏe của ông tiến triển tốt, trong khi ông tiếp tục được điều trị và "trên đường hồi phục hoàn toàn".
"Tôi rất cảm kích trước tình đoàn kết của người dân Venezuela và các dân tộc anh em khác."
Bài phát biểu của ông Chavez được phát trên kênh truyền hình xuyên châu Mỹ Telesur vào tối thứ Năm. Hiện chưa rõ nó được ghi hình bao giờ nhưng có vẻ được làm tại Cuba.
Sau đó, Phó Tổng thống Venezuela nói chính phủ nước này đoàn kết thúc đẩy cải cách mà ông Chavez khởi xướng.
Ông Elias Jaua nói: "Bây giờ không phải lúc lùi bước mà phải tiến lên".
"This is not the time to go backward, it's time to advance," Elias Jaua said.
Ông Chavez không nói rõ ông sẽ phải trị bệnh thêm bao lâu, nhưng ông được trông đợi quay trở lại Venezuela vào thứ Ba tới khi nước này kỷ niệm 200 ngày tuyên bố độc lập.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/07/110701_chavez_cancer.shtml
Bài 5: Chàng du học sinh không đầu hàng bệnh ung thư máu
Khi chỉ còn 2 tháng là tốt nghiệp ngành CNTT tại Nga, Vũ Trường An nhận tin sét đánh khi biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối. Về Việt Nam chữa bệnh, An lập dự án giúp "tìm lại nụ cười" cho trẻ mắc bệnh ung thư.
> 'Mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa'
Trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh đấu tranh với căn bệnh ung thư máu, Vũ Trường An vẫn miệt mài bên dự án "Niềm tin và hy vọng", với mong muốn giúp đỡ các em nhỏ bị ung thư tìm lại nụ cười.
Tại tầng 8 của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), chàng trai 25 tuổi này hăng say làm việc bên máy vi tính. Trong cách nói chuyện, An luôn thể hiện sự lạc quan, đầy nhiệt huyết, nhưng khi kể lại câu chuyện của mình, ánh mắt An thoáng buồn.
Vũ Trường An sinh năm 1986, là con út trong gia đình có 6 người con ở xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình). Bố mẹ và các anh chị của An quanh năm đầu tắt mặt tối nơi đồng ruộng với nguồn thu nhập còm cõi. An là niềm tự hào của cả gia đình khi đỗ vào khoa Công nghệ Thông tin (ĐH Thái Nguyên) năm 2004.
Trường An trong những ngày du học tại Nga. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Niềm vui được nhân lên gấp bội khi An nhận được học bổng tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula (Liên bang Nga) do đạt thành tích xuất sắc trong học kỳ I của năm đầu tiên.
Sau những năm tháng tu nghiệp tại nước ngoài, ngỡ tương lai sẽ rộng mở với An, nhưng sự thật lại quá nghiệt ngã. "Tháng 5/2010 khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là thi tốt nghiệp, em phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối và phải trở về Việt Nam. Sau đó em nhập Viện 103 để điều trị và giờ là Viện Huyết học", giọng An chùng xuống.
Cuộc đấu tranh giành giật sự sống của chàng trai cũng bắt đầu từ đó. Bệnh ung thư hoành hành khiến An bị liệt nửa người bên trái và luôn ở trạng thái hôn mê sâu. Chứng động kinh, lên cơn co giật cũng bắt đầu xuất hiện. Ngày ngày An nằm trên giường bệnh với cái đầu trọc không còn một cọng tóc, chân tay teo tóp không cử động được và miệng bị méo đi do hệ quả của những đợt trị liệu bằng hóa chất. Các bác sĩ cho biết, An có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Những tưởng sẽ là dấu chấm hết, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, An đã không chịu đầu hàng số phận và cho ra đời dự án "Niềm tin và hy vọng", thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia.
Người mẹ luôn bên cạnh để chăm sóc An trong những ngày anh nằm viện. Ảnh: Phạm Oanh.
An kể, những ngày điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, được tận mắt chứng kiến nỗi đau và bất hạnh của những em nhỏ mang bệnh giống mình, An tự nhủ phải làm được điều gì đó cho các em và dự án được ra đời.
Một loạt công việc như: lắp truyền hình cáp chiếu phim hoạt hình phục vụ bệnh nhi trong khi truyền hóa chất; tạo bình nước lọc tự động trong phòng bệnh để đảm bảo vệ sinh và tiện lợi; xây dựng phòng vui chơi có sách truyện; tổ chức sinh nhật hàng tháng cho các em... đều được An lên kế hoạch và triển khai.
"Các em còn quá nhỏ để phải chịu những bất hạnh do bệnh tật mang lại. Bản thân là người mang trong mình căn bệnh ung thư nên tôi hiểu các em khát khao được sống như thế nào. Vì thế tôi mong muốn được cùng cộng đồng chung tay, góp sức tạo món quà nhỏ để các em có niềm vui chiến thắng bệnh tật", An chia sẻ.
Thấy được tính nhân văn sâu sắc của dự án "Niềm tin và hy vọng", nhiều cá nhân, tổ chức đã liên lạc và giúp đỡ An thực hiện một số hoạt động. Tại Viện Huyết học, lần đầu tiên bệnh nhi được đón sinh nhật do An và các tình nguyện viên tổ chức. Quà tặng đơn giản chỉ là chiếc kẹo hay búp bê cũ quyên góp được, nhưng đã làm thức dậy nụ cười ở các em.
Các bác sĩ và người nhà bệnh nhân đều bất ngờ trước những gì An làm được. Và không biết tự lúc nào các em đều thân mật gọi An là "anh trai". Người nhà bệnh nhân cũng coi An như con, họ vui mừng khi thấy những bước chân tập tễnh khó nhọc của anh mỗi lần đến thăm. An động viên từng em phải cố gắng sống để chiến thắng bệnh tật trong khi bản thân mình cũng đang cận kề cái chết.
Sau những đợt hóa trị, An miệt mài ngồi xây dựng dự án "Niềm tin và hy vọng". Ảnh: Phạm Oanh.
Nằm trên giường bệnh, An trăn trở: "Tôi chỉ có thể lên kế hoạch cho dự án, không biết cuộc sống cho tôi bao nhiêu thời gian, có thể là một năm, 2 năm, nhưng cũng có thể ngày mai, ngày kia thôi tôi sẽ ra đi. Tôi chỉ có một ước nguyện là khi không thể tự mình thực hiện được dự án, các bạn tình nguyện viên và nhà hảo tâm sẽ thay tôi làm tiếp những công việc này".
Trong những ngày ngắn ngủi còn lại trên đời, chàng trai 25 xuân xanh này vẫn cần mẫn với dự án để mong muốn mang lại nhiều hơn nữa nụ cười cho các em thơ.
Khi còn du học tại Nga, Vũ Trường An là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula, Phó trưởng nhóm hoạt động từ thiện 2W tại Tula, tác giả cuốn e-book miễn phí "Sổ tay Photoshop 2007", đồng thời là người sáng lập trang web của cộng đồng sinh viên tại Tula.
Không những thế, An còn là trưởng dự án "Тёплая зима" mùa đông ấm áp quyên góp quần áo cũ ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Dự án đã nhận được giấy khen tại trại hè thanh niên quốc tế tại Liên bang Nga.
Trong dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long, An đã vận động các sinh viên đang theo học cùng tổ chức Festival quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè nước Nga và được truyền thông nước này đưa tin. Vì những đóng góp đó mà An đã vinh dự nhận giấy khen của Ban chấp hành Liên chi ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula. Tháng 10/2010, Vũ Trường An nhận giải thưởng công dân toàn cầu do VTV3 tổ chức.
Cuối năm 2010, khi An đang hôn mê và cận kề cái chết, một người bạn đã gửi hồ sơ dự án "Niềm tin và hy vọng" tham dự giải thưởng Chim én 2010. Tấm gương nghị lực của An đã được nhiều bạn trẻ quan tâm và động viên. Năm 2011, Vũ Trường An tiếp tục tham dự giải thưởng Chim én (www.vicongdong.vn) với mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ, giúp đỡ để dự án đem lại niềm tin, hy vọng cho những bệnh nhi ung thư.
Phạm Oanh
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/nhip-dieu-tre/2011/07/chang-du-hoc-sinh-khong-dau-hang-benh-ung-thu-mau/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét