Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Tìm hiểu bệnh ung thư gan

TK- ngày 24/10/2011

Kính chào những người đang bị ung thư gan/ung thư nói chung và gia đình bệnh nhân. Tôi cũng là một người đang mang bệnh ung thư gan, khối u chụp ngày 17/10/2011 có độ lớn: 7,8cm (dài) x 7,3cm (sâu) x 5cm (rộng) và đang tăng khá nhanh. Hôm nay, tôi sẽ đi gặp bác sĩ phẫu thuật để xem ngày phẫu thuật.

Tôi cũng tìm hiểu bệnh tình của mình và tập hợp được 25 bài liên quan đến bệnh này, dưới góc độ y học Tây phương, cho mình và xin chia sẽ với mọi người để bớt mất công tìm kiếm, với tựa đề "Tìm hiểu bệnh ung thư gan" (bài này). Tôi cũng tập hợp được 25 bài liên quan đến chữa trị bệnh ung thư gan bên dưới, nhìn từ góc độ Tâm linh và y học Đông phương, với tựa đề “Chữa trị ung thư gan”) để chia sẽ cùng các bệnh nhân khác và gia đình họ. Tôi tiếp tục tập hợp 5 bài nữa nói về những tấm gương chiến đấu với bệnh ung thư điển hình trong bài này (“Chiến đấu với bệnh ung thư”), để tăng cường sức chiến đấu cho tôi và những bệnh nhân khác và gia đình họ. Tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả và các trang web/blog đã cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến căn bệnh này. Tôi xin phép được copy lại đây và chia sẽ trong blog để có thêm nhiều người biết.

Tôi xin lỗi vì không dành thêm thời gian để tập hợp các bài theo trình tự cho dễ đọc hiểu. Tôi cũng thành thật xin lỗi vì tôi không có kiến thức chuyên môn về bệnh này. Do đó, tôi không biết được các thông tin tôi thu thập được có độ chính xác bao nhiêu. Vì thế, xin bệnh nhân và gia đình hãy đọc và thận trọng để không bị “tiền mất, tật mang”.

Xin chúc các bệnh nhân hết đau và sớm vượt qua khổ bệnh thành công! Xin gia đình và người thân bệnh nhân hãy cùng sát cánh với bệnh nhân và giúp họ theo nhiều cách khác nhau (tôi có viết bài để chia sẽ ở trang blog này với tựa đề: "Ung thư gan- Thử thách số phận"), vì cơn đau sẽ rất khó chịu và thậm chí lúc đó cảm thấy chết nhẹ nhàng còn dễ chịu hơn.
Email của tôi: rungthien49@gmail.com

Mục lục các bài trong tập tài liệu này
Bài 1: Ai dễ bị ung thư gan? 2
Bài 2: Nấm mốc trong thực phẩm gây ung thư gan 4
Bài 3: Ung thư gan - những điều cần biết 5
Bài 4: Ung thư gan 8
Bài 5: Phương pháp mới chẩn đoán ung thư gan 9
Bài 6: Ung thư tế bào gan, chớ vội bi quan 10
Bài 7: Phát triển liệu pháp chữa trị bệnh ung thư gan 12
Bài 8: Điều trị ung thư gan không cần chiếu xạ 13
Bài 9: 'Nung chín' khối u để chữa ung thư gan 15
Bài 10: Điều trị ung thư biểu mô tế báo gan (HCC) 16
Bài 11: Những điều cần biết về bệnh viêm gan B và ung thư gan 27
Bài 12: KỸ THUẬT MỚI ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ GAN KHÔNG CÓ CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT 30
Bài 13: UNG THƯ GAN 31
Bài 14: ÐIỀU TRỊ UNG THƯ GAN NGUYÊN PHÁT TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ 36
Bài 15: Dao lạnh- Phương pháp mới điều trị ung thư 44
Bài 16: Giảm đau đớn trong điều trị ung thư 45
Bài 17: Hy vọng mới của bệnh nhân ung thư gan 45
Bài 18: Điều trị ung thư bằng… “bom thông minh” 46
Bài 19: ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TẠI SINGAPORE. 48
Bài 20: Dinh dưỡng điều trị ung thư nên có EPA 51
Bài 21: Các thuốc điều trị ung thư 52
Bài 22: Ăn uống sau đợt điều trị ung thư 54
Bài 23: Tìm hiểu phương pháp điều trị Ung Thư 55
Bài 24: Phương pháp mới trong điều trị căn bệnh ung thư 58
Bài 25: Hạn chế và triển vọng trong điều trị ung thư 59


Bài 1: Ai dễ bị ung thư gan?
Ung thư gan là 1 trong những ung thư thường phổ biến trên thế giới, bệnh chiếm 5% trong tổng số các ung thư ở người. Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4 ở cả hai giới. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virut viêm gan B. Đây là căn bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, việc điều trị cũng ít hiệu quả. Cách tốt nhất phòng chống căn bệnh này là tiêm phòng vaccin viêm gan B.

Ung thư gan
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Thủ phạm chính gây nên bệnh ung thư gan là virut viêm gan B. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh virut viêm gan B là yếu tố gây ung thư gan trên thực nghiệm. Người bị nhiễm virut viêm gan B có nguy cơ cao gấp 200 lần so với người không bị nhiễm loại virut này.
Xơ gan do bất cứ nguyên nhân nào cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư gan. Uống rượu kéo dài dẫn tới xơ gan là nguyên nhân thường gặp nhất của ung thư gan trên toàn thế giới. Những người bị xơ gan do rượu nếu ngừng uống khoảng 10 năm thì sau đó cũng tiến triển tới ung thư gan. Thực phẩm dự trữ trong môi trường nóng và ẩm dễ sinh ra một loại nấm gọi là Aspergillus flavus, loại nấm này sinh ra Aflatoxin, chất được biết gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Ung thư tế bào gan cũng xuất hiện ở trên 30% bệnh nhân bị ứ sắt có tính chất di truyền. Tại Việt Nam, hậu quả của chiến tranh để lại với hàng triệu tấn chất độc màu da cam có chứa chất dioxin cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây nên căn bệnh này.
Triệu chứng nhận biết
Các bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đau bụng vùng hạ sườn trái là triệu chứng thường gặp nhất do u lớn. Triệu chứng khởi đầu cũng thường gặp là trên các bệnh nhân xơ gan đột ngột xuất hiện biến chứng (cổ trướng, vàng da, xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản). Khi khám bệnh, các bác sĩ có thể sờ thấy gan to, ấn rắn chắc.
Chẩn đoán xác định
Các xét nghiệm thường được làm để chẩn đoán ung thư gan là xét nghiệm máu xác định nồng độ anpha-FP, khi AFP cao trên 500ng/ml thì rất gợi ý tới ung thư gan. Ngoài ra, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT scaner ổ bụng có tác dụng xác định vị trí và sự xâm lấn của khối u gan. Xét nghiệm sinh thiết gan bằng kim nhỏ chọc đơn thuần hoặc siêu âm để chẩn đoán mô bệnh học.
Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, thời gian sống trung bình từ khi phát hiện khoảng 6 tháng. Chỉ có khoảng 1% người ung thư gan có thể sống sót sau 5 năm.
Theo SucKheoDoiSong
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=M3ZKPA990AQRFRD15

Bài 2: Nấm mốc trong thực phẩm gây ung thư gan
Ung thư gan (UTG) hiện nay đứng đầu trong số các ung thư thường gặp nhất. Theo các chuyên gia sức khỏe thì nấm mốc trong thực phẩm chính là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này.

Nấm mốc thực phẩm khô – thủ phạm gây ung thư
Ung thư gan (UTG) là một bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay, đứng đầu trong số các ung thư thường gặp nhất. Mỗi năm cả nước có hơn 10.000 trường hợp phát hiện UTG, trong đó hơn 80% được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển.
Nguy hiểm ung thư gan
Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, cho biết, UTG có thể điều trị được, song hầu hết các bệnh nhân UTG ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn ung thư tiến triển nên cơ hội sống không cao. Nguyên nhân là do UTG tiến triển chậm, gần như không có triệu chứng nên khi các khối ung thư nằm trên bề mặt gan phát triển lớn thì bệnh nhân mới có cảm giác đau ở vùng dưới sườn bên phải và đi khám thì mới biết bệnh.

UTG liên quan chặt chẽ với viêm gan B hay C, mà tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B hay C ở Việt Nam là khá cao. Tuy nhiên các bệnh nhân viêm gan B, C thường không đi siêu âm để tầm soát ung thư cho đến khi có triệu chứng hoặc tình cờ làm siêu âm thì mới phát hiện ra và có không ít trường hợp khi được phát hiện thì đã quá chỉ định điều trị.

Siêu âm tầm soát ung thư gan tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: Ngô Đồng.
Tiến sĩ Trương Bá Trung, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, chia sẻ: UTG có thể hoàn toàn phòng ngừa được bằng cách tránh thức ăn mốc meo, ngừa viêm gan B bằng vaccine, điều trị tốt viêm gan C, tầm soát phát hiện ung thư sớm để điều trị kịp thời. Khoảng 90% trẻ em và người lớn tránh được viêm gan B nhờ tiêm chủng, vaccine. Các bà mẹ có thể chủ động phòng bệnh cho con từ khi bé còn là bào thai, bởi có rất nhiều bệnh bé dễ bị lây từ mẹ trong giai đoạn này.
Thủ phạm gây ung thư
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP HCM, cho biết nấm mốc là nguyên nhân chủ yếu sản sinh ra chất aflatoxin cực độc làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và chất này là một trong những thủ phạm gây ung thư gan.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho hay, khi bảo quản kém, thực phẩm dễ sinh ra các loại nấm xanh, nấm có mũ… và đều chứa chất aflatoxin. Đây là chất độc gây hại khắp cơ thể nhưng nhiều nhất là gan. Khi xâm nhập vào gan, nó sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B và ăn phải nấm mốc có chứa aflatoxin thì coi như lá gan bị “vùi dập”, tăng nguy cơ ung thư cao 60 lần so với người chỉ nhiễm viêm gan B.
Với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, lương thực thực phẩm khô rất dễ bị mốc do hút ẩm nhiều. Nhiều bà nội trợ thấy gạo, đậu bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt. Nhưng thực chất độc tố của các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ rất cao. “Nếu nghi ngờ thực phẩm m
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=CJ36CDGDKSMS1IA10

Bài 3: Ung thư gan - những điều cần biết
Hơn 16.000 người bị ung thư gan mỗi năm ở Hoa kỳ. Nguyên nhân chính xác của ung thư gan chưa được biết rõ , nhưng viêm gan mãn tính và xơ gan là yếu tố nguy cơ ung thư gan.
Các loại ung thư gan:
*Ung thư tế bào gan nguyên phát:
Trên 80% ung thư gan là ung thư tế bào gan nguyên phát, ung thư này xảy ra ở nam gấp đôi nữ và thường gặp ở tuổi trên 50 . Ung thư tế bào gan nguyên phát (HCC) bắt đầu xảy ra từ tế bào gan. Người ta chưa biết chính xác nguyên nhân HCC nhưng viêm gan do siêu vi mãn tính, xơ gan là yếu tố nguy cơ HCC. Xơ gan chiếm 80% truờng hợp HCC. Dạng khác của ung thư gan là ung thư đường mật. Đây là ung thư xuất phát từ ống dẫn mật và nguyên nhân là do viêm xơ chai đường mật nguyên phát.Ung thư đường mật có thể do nhiễm ký sinh trùng , chẳng hạn như sán lá nhỏ. Ung thư này phát triển theo đường dẫn mật , rất khó thấy trên phim X quang.
*Ung thư di căn gan:
Ung thư xuất phát từ tế bào của các phần khác của cơ thể lan đến gan . Ung thư di căn gan có thể từ: ung thư đường tiêu hóa, vú , phổi, ung thư tủy…..Tùy theo cơ quan nào di căn đến gan mà gọi tên , ví dụ từ ung thư phổi thì gọi là ung thư gan thứ phát do di căn từ ung thư phổi.
Triệu chứng của ung thư gan?
Triệu chứng của ung thư gan gồm: mệt , sốt , đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, ăn không ngon , dễ chảy máu hay dễ có vết bầm, vàng da, báng bụng.
Ung thư gan được chẩn đoán như thế nào?
Ung thư gan có thể được phát hiện qua cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bác sĩ có thể sờ thấy khối u lớn và cứng trong bụng.
Xét nghiệm máu AFP (alpha fetoprotein). 50---70% người ung thư gan có AFP trong máu cao. AFP cao có thể nghĩ đến ung thư gan nhưng không thể là yếu tố quyết định chắc chắn. Sau khi thấy AFP cao nên làm siêu âm , chụp cắt lớp điện toán (CT) , chụp cộng hưởng từ (MRI), chúng ta sẽ thấy khối u , tuy nhiên chưa xác định chắc chắn u lành tính hay ác tính. Để chẩn đoán chính xác lành hay ác ,phải sinh thiết gan .
Nguyên nhân gây ung thư gan

Người ta chưa biết chính xác nguyên nhân ung thư gan . Tuy nhiên có nhiều yếu tố thuận lợi giúp phát triển ung thư gan, bao gom cả tuổi, phái tính, gia đình. Phái nam bị ung thư nhiều hơn nữ và tỉ lệ tăng dần sau 60 . Những người trong gia đình có nhiều người bị ung thư gan cũng dễ có nguy cơ phát triển ung thư gan.
*Những yếu tố nguy cơ:
- Nhiễm virus viêm gan B , C mãn tính: gây nên viêm gan , xơ gan và phát triển thành ung thư gan. Khoảng 25% những người u gan ở Mỹ có nhiễm siêu vi B. Những người có nguy cơ nhiễm siêu vi C nên được xét nghiệm máu để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời , như vậy giúp ngăn ngừa xơ gan và nguy cơ ung thư gan.
- Xơ gan: nguy cơ đưa đến ung thư gan rất lớn. Hơn 80% trường hợp u gan có xơ gan .Uống rượu là nguyên nhân dẫn đến xơ gan nhiều ở Mỹ.
- Bệnh gan ứ sắt: Sự quá tải sắt ở gan. Đây là bệnh di truyền gây rối loạn chuyển hóa sắt. Sự quá tải sắt gây độc cho cơ thể đặc biệt ở gan , gây viêm và chết tế bào gan. Điều này dẫn đến xơ gan và nguy cơ rất cao đưa đến ung thư gan.
- Hút thuốc: đây cũng là yếu tố nguy cơ ung thư gan. Trong khi mối liên quan giữa thuốc lá và ung thư gan chưa được biết rõ ràng , Tổ chức gan mật Hoa Kỳ khuyên mọi người nên ngừng hút thuốc . Lượng thuốc hút mỗi ngày càng nhiều , thời gian hút thuốc càng lâu càng làm tăng nguy cơ ung thư gan.
- Một số hóa chất có nguy cơ gây ung thư gan: vinyl chloride dùng chế plastic, arsenic nhiễm trong nước uống…….
- Lạm dụng thuốc steroid thường xuyên cũng là yếu tố nguy cơ
Tiên lượng cho bệnh nhân ung thư gan?
Tiên lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm yếu tố khối u có được chẩn đoán sớm không? Nếu khối u nhỏ có thể điều trị bằng phẫu thuật, tuy nhiên tỉ lệ thành công của phẫu thuật 10----20% . Nếu phẫu thuật không thành công bệnh nhân tử vong trong vòng 3 đến 6 tháng . Tiên lượng ung thư di căn gan rất xấu.
Ung thư gan được điều trị như thế nào
Điều trị ung thư gan rất khó khăn . Triệu chứng ung thư gan thì khó nhận biết chỉ đến khi khối u phát triển nhiều , vì vậy việc phát hiện thường là trễ. Những yếu tố nguy cơ khác như xơ gan , làm cho việc điều trị phẫu thuật khó khăn.
Phẫu thuật có thể cắt bỏ khối u nhỏ , nếu cả khối u được cắt bỏ , khả năng sống còn của bệnh nhân 25%. Tuy nhiên thưiờng rất hiếm thành công vì thường phần lớn gan đã bị xơ.
Ghép gan thì có thể , tuy nhiên nếu ung thư đã di căn thì không thể áp dụng được.
Hóa trị và xạ trị thì hiệu quả rất hạn chế
Một kỹ thuật mới (SIRT) phướng pháp dùng tia xạ chọn lọc với tần số cao đánh trực tiếp vào khối u mà không làm tổn thương mô xung quanh . Thử nghiệm lâm sàng cho thấy SIRT có thể cải thiện triệu chứng và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Kỹ thuật đông lạnh bằng hóa chất : dùng catheter bơm hóa chất và thuốc doxorubicin vào khối u cũng hứa hẹn nhiều thành công tốt đẹp.
Ung thư gan có thể được ngăn ngừa?
Phòng bệnh là phương pháp tốt nhất chống ung thư gan. Phải nỗ lực làm giảm xơ gan , phát hiện sớm và điều trị viêm gan siêu vi mãn tính. Các thuốc điều trị viêm gan virus mãn tính , thuốc chống siêu vi cũng có thể làm giảm tỉ lệ ung thư gan.
Vaccin chống siêu vi A , B rất cần thiết , đặc biệt với người viêm gan C . Không nên uống rượu. Phải khám sức khỏe định kỳ những người có nguy cơ nhằm phát hiện ung thư gan sớm.
Nguồn: http://www.drthuthuy.com/Faq/Ungthugan.htm

Bài 4: Ung thư gan
Ung thư gan là 1 trong 8 ung thư hay gặp nhất trên toàn thế giới, bệnh chiếm 4% trong tổng số các ung thư ở người. Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4 ở cả hai giới. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là vinh viêm gan B. Đây là căn bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm chính vì vậy việc điều trị cũng ít hiệu quả. Cách tốt nhất phòng chống căn bệnh này là tiêm phòng vacxin viêm gan B.
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Thủ phạm chính gây nên bệnh ung thư gan là virus viêm gan B. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh viêm viêm gan B là yếu tố gây ung thư gan trên thực nghiệm. Người bị nhiễm viêm viêm gan B có nguy cơ cao gấp 200 lần so với người không bị nhiễm loại virus này.
Xơ gan do bất cứ nguyên nhân nào cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư gan. Uống rượu kéo dài dẫn tới xơ gan là nguyên nhân thường gặp nhất của ung thư gan trên toàn thế giới. Những người bị xơ gan do rượu nếu ngừng uống khoảng 10 năm thì sau đó cũng tiến triển tới ung thư gan. Thực phẩm dự trữ trong môi trường nóng và ẩm dễ sinh ra một loại nấm gọi là Aspergillus flavus, loại nấm này sinh ra Aflatoxin, là chất được biết gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Ung thư tế bào gan cũng xuất hiện ở trên 30% bệnh nhân bị ứ sắt có tính chất di truyền. Tại Việt Nam, hậu quả của chiến tranh để lại với hàng triệu tấn chất độc màu da cam có chứa chất Dioxin cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây nên căn bệnh này.
TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN
Các bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đau bụng vùng hạ sườn trái là triệu chứng thường gặp nhất do u lớn Triệu chứng khởi đầu cũng thường gặp là trên các bệnh nhân xơ gan đột ngột xuất hiện biến chứng (cổ chướng, vàng da, xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản). Khi khám bệnh. các bác sỹ có thể sờ thấy gan to, ấn rắn chắc.
Các xét nghiệm thường được làm để chẩn đoán ung thư gan là xét nghiệm máu xác định nồng độ anpha-FP, khi AFP cao trên 500nglml thì rất gợi ý tới ung thư gan. Ngoài ra, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT scaner ổ bụng có tác dụng xác định vị trí và sự xâm lấn của khối u gan. Xét nghiệm sinh thiết gan bằng chọc kim nhỏ đơn thuần hoặc dưới sự hướng dẫn của siêu âm để chẩn đoán mô bệnh học.
ĐIỀU TRỊ VÀ TIÊN LƯỢNG
Điều trị bệnh nhân ung thư gan tuỳ thuộc vào giai đoạn của ung thư và tình trạng sức khoẻ chung của bệnh nhân. Đối với những trường hợp có khối u nhỏ đơn độc, chức năng gan còn tết, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, hầu hết những bệnh nhân ung thư gan cũng bị xơ gan và không thể cắt bỏ khối u được. Các phương pháp điều trị khác như tiêm cồn, hoá chất động mạch gan... cho kết quả rất hạn chế. Đối với các bệnh nhân giai đoạn muộn, điều trị chủ yếu là chống đau và chăm sóc triệu chứng.
Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, thời gian sống trung bình từ khi phát hiện khoảng 6 tháng. Chỉ có khoảng 1 % người ung thư gan có nguy cơ sống sót sau 5 năm.
DỰ PHÒNG
Đa số các ung thư gan thường kèm theo nhiễm viêm gan B, để dự phòng căn bệnh này, việc cần làm là thực hiện tiêm vacxin chống lại virus viêm gan B.
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=benh_detail&id=8

Bài 5: Phương pháp mới chẩn đoán ung thư gan
Ung thư gan là một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và sự kéo dài cuộc sống của người bệnh. Nó có thể làm người bệnh chết trong vòng 6 tháng tính từ khi phát hiện. Sống lâu hay chóng tùy thuộc rất lớn vào sự phát hiện sớm ra bệnh. Mới đây các nhà khoa học đã tìm ra một phương pháp mới có thể chẩn đoán sớm ung thư gan bằng các hạt nano vàng.

Các nhà khoa học Trường đại học Brown (đảo Rhode, Hoa Kỳ) đã sử dụng những hạt nano vàng có kích thước khoảng 50-60nm (tức là vào khoảng 50-60 triệu mm), được bao bọc bên ngoài các phân tử nano này một lớp áo polyme gắn đầy điện vi điện cực 1nm có khả năng tích điện cho hạt nano vàng. Khi được tích điện, những hạt này sẽ gắn chặt với những tế bào ung thư gan và người ta chỉ việc chụp CT dưới hướng dẫn của hạt vàng là có thể dễ dàng phát hiện ra khối u.

GS. Christoph Rose-Petruck - một nhà hóa học ứng dụng cho biết, với thành tựu này, chúng ta có thể phát hiện khối ung thư không chỉ là 1cm mà có thể phát hiện được những khối u nhỏ cỡ khoảng 5mm, tạo cơ hội phát hiện và điều trị ung thư gan sớm, đạt hiệu quả cao hơn.
Theo ScienceDaily
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=8WRY7LEKFIWK8EA11

Bài 6: Ung thư tế bào gan, chớ vội bi quan
Ung thư tế bào gan là loại ung thư phát triển từ tế bào của gan, chiếm 80 – 90% trong các loại ung thư gan. Ung thư gan thường gặp nhất ở đàn ông, gần tương đương với ung thư phổi. Ở nữ giới, ung thư gan chỉ sau ung thư vú và cổ tử cung. Mỗi năm, khoảng nửa triệu ca ung thư gan mới được phát hiện trên toàn cầu.

Vì đâu nên nỗi?
Viêm gan mạn tính do nhiễm virút B (HBV), virút C (HCV) được xem là nguyên nhân chính gây xơ gan dẫn đến ung thư tế bào gan. Nhiều trường hợp virút đã xâm nhập cơ thể nhưng không có triệu chứng, chỉ khi cơ thể suy yếu, virút mới gây viêm gan cấp tính hay mạn tính. Nước ta ước tính có 10 – 20% dân số – tức 7 – 14 triệu người nhiễm HBV mạn. Đây chính là những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tế bào gan. Những nguyên nhân khác gồm: nghiện rượu, độc tố aflatoxin từ các loại nấm mốc của đậu ngô…
Khám lâm sàng không ăn thua
Ung thư tế bào gan hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy tức bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau nhẹ vùng bụng trên bên phải… Đến khi sờ được khối u ở bụng, báng bụng, vàng da... thì bệnh đã ở giai đoạn trễ, không còn khả năng điều trị. Do đó, tầm soát phát hiện bệnh sớm là hết sức quan trọng.
“Hiện các bác sĩ đã có trong tay nhiều phương tiện điều trị tiên tiến. Nếu phát hiện bệnh sớm và chỉ định điều trị hợp lý, điều trị khỏi bệnh ung thư tế bào gan là điều trong tầm tay”
Khám lâm sàng thường không phát hiện triệu chứng gì, ngoại trừ ở giai đoạn quá trễ. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào cận lâm sàng: xét nghiệm AFP (chất chỉ dấu ung thư tế bào gan); siêu âm – phương pháp chẩn đoán thông dụng, thường sử dụng trước tiên như là phương tiện tầm soát ung thư tế bào gan; chụp cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ là hai phương tiện chẩn đoán tiếp theo cho thấy hình ảnh tương đối đặc hiệu của ung thư tế bào gan. Nếu các phương tiện trên vẫn chưa đưa đến kết luận rõ ràng, sinh thiết gan bằng kim sẽ được dùng để xác định.
Phát hiện sớm, cơ hội sống cao
Bệnh ung thư gan có nhiều phương pháp điều trị. Bác sĩ sẽ chọn phương pháp tốt nhất dựa vào tình trạng khối u, chức năng gan và sức khoẻ của người bệnh. Hiện thế giới vẫn công nhận phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả khỏi bệnh cao nhất. Các phương pháp điều trị có thể xếp vào hai nhóm như sau:
Hãy tham gia chương trình tầm soát
Để phát hiện bệnh sớm, mọi người nên đi xét nghiệm viêm gan siêu vi. Nếu kết quả âm tính, cần tiêm phòng vắcxin. Nếu dương tính, cần xét nghiệm để biết virút đang “nằm im” hay hoạt động, từ đó điều trị cho ổn định. Người có nguy cơ cao như viêm gan siêu vi B - C, xơ gan, nốt loạn sản ở gan, nên đi khám tầm soát ung thư gan mỗi 3 – 6 tháng.
Phương pháp thông dụng nhất hiện nay để tầm soát ung thư gan là siêu âm bụng và xét nghiệm máu tìm chất alpha fetoprotein (AFP). Chất AFP trong máu mất đi ngay sau khi trẻ sinh ra, nếu hiện diện ở máu người lớn có nghĩa là có biến đổi về tế bào gan. Siêu âm bụng và xét nghiệm AFP có chi phí thấp, không có hại, giúp phát hiện sớm ung thư gan. Khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các biện pháp chính xác hơn để chẩn đoán.
Nhóm điều trị triệt căn: phẫu thuật cắt một phần gan (hiệu quả tốt nhất ở các bệnh nhân có một khối u đơn độc hoặc nhiều khối u khu trú trong một thuỳ gan, chưa xâm lấn vào mạch máu, không xơ gan hoặc xơ mức độ nhẹ. Hiện nay một số trung tâm phẫu thuật nội soi phát triển có thể thực hiện phẫu thuật cắt gan nội soi. Phẫu thuật này giúp bệnh nhân ít đau sau mổ, hồi phục nhanh, ra viện sớm do vết mổ nhỏ hơn); phẫu thuật ghép gan sau khi cắt bỏ toàn bộ gan (chỉ định cho các trường hợp ung thư tế bào gan nhiều khối, kích thước nhỏ, chức năng gan kém không thể thực hiện phẫu thuật cắt một phần gan); huỷ khối u tại chỗ (bằng dòng điện radio cao tần, bằng tiêm rthanol… Chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân có một đến ba khối u kích thước dưới 5cm. Có thể thực hiện tại phòng siêu âm, không cần gây mê và có thể ra viện ngày hôm sau).
Nhóm điều trị giảm nhẹ bệnh: làm tắc động mạch nuôi u gan (TAE); làm tắc động mạch gan và bơm hoá chất vào khối u (TOCE – chỉ định cho trường hợp khối u to, nhiều khối, chưa xâm lấn các mạch máu lớn trong gan, không còn khả năng phẫu thuật); xạ trị và hoá trị toàn thân (hiện nay nhiều nghiên cứu trên thế giới chưa chứng minh được hiệu quả của xạ trị và hoá trị toàn thân trong việc điều trị ung thư tế bào gan).
Ung thư tế bào gan nếu được phát hiện sớm, còn khả năng điều trị triệt căn, tỷ lệ sống sau năm năm khoảng 50 – 70%. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, đa số chỉ sống thêm 3 – 6 tháng. Hiện chỉ khoảng 20% bệnh nhân ung thư gan đến bệnh viện còn khả năng điều trị triệt căn. Chính vì vậy, ung thư tế bào gan vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ ba trong số các bệnh ung thư. Hiện các bác sĩ đã có trong tay nhiều phương tiện điều trị tiên tiến. Nếu phát hiện bệnh sớm và chỉ định điều trị hợp lý, khỏi bệnh là điều trong tầm tay.
Theo Saigontiepthi
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=D3F3BNP1HECDGEF14

Bài 7: Phát triển liệu pháp chữa trị bệnh ung thư gan
Theo một nghiên cứu đăng trên trang mạng của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 20/6, một nhóm các nhà khoa học đã thành công trong việc tìm ra cơ chế tái sinh phức tạp của gan thông qua việc nghiên cứu một protein chịu trách nhiệm giải mã gen.

Một trong những tác giả tham gia công trình nghiên cứu trên, Phó giáo sư Atsushi Suzuki thuộc Viện Y khoa Bioregulation của Đại học Kyushu cho biết, việc giảm số lượng protein kiểm soát sự sao chép thông tin gen, hay còn gọi là nhân tố sao mã, kích thích sự phát triển của các tế bào gan.

Phó giáo sư Suzuki nói: "Nhờ tìm ra phương pháp kiểm soát nhân tố sao mã này, chúng tôi có thể xác định nguyên nhân gây ra các bệnh như xơ gan và ung thư gan, từ đó phát triển liệu pháp chữa trị cho các bệnh này."
Gan có khả năng tái sản sinh mạnh mẽ. Trong thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học thấy một lá gan sau khi đã bị cắt bỏ 70% có thể mọc trở lại kích cỡ ban đầu trong khoảng một tuần cho đến 10 ngày.
Trong nghiên cứu trên, nhóm các nhà khoa học đã tập trung tìm hiểu nhân tố sao mã có tên "snail" đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tế bào và các chức năng khác.

Khi họ cắt bỏ một phần lá gan của chuột, số lượng "snail" bên trong các tế bào gan bắt đầu giảm đáng kể trong 12 tiếng trước khi các tế bào gan bắt đầu mọc trở lại.
Theo Vietnamplus
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=W2LOM3OB5MJGSIK28

Bài 8: Điều trị ung thư gan không cần chiếu xạ
SIR-Spheres microspheres, phương pháp điều trị ung thư gan mới, không chiếu xạ, sử dụng hàng nghìn tia microspheres nhỏ có chứa thành phần kích hoạt yttrium-90 tấn công trực tiếp vào khối u.

Phương pháp SIR-Spheres microspheres trong điều trị ung thư gan.
Phương pháp này gọi là liệu pháp phóng xạ nội y được sử dụng trong trường hợp khối u trong gan không thể phẫu thuật được. SIR-Spheres microspheres rất nhỏ, khoảng 32 microns. Tiến trình được diễn ra qua một đường dẫn nhỏ vào gan. SIR-Spheres microspheres được truyền qua ống dẫn này.
Microspheres với chất phóng xạ yttrium-90 được đưa vào máu tới khối u trong gan dẫn tới các mạch máu nhỏ nuôi khối u và đưa dòng phóng xạ vào. Không giống như tia xạ khi chiếu từ bên ngoài chỉ có thể tới một số bộ phận của cơ thể, phương pháp này có khả năng mang lượng phóng xạ trực tiếp vào tế bào ung thư trong thời gian dài hơn. SIR-Spheres microspheres với kỹ thuật SIRT cho phép tiêu diệt tại chỗ khối u trong gan, đồng thời bảo vệ các tế bào khác.
Phương pháp điều trị ung thư gan mới này được thực hiện bởi chuyên gia chuẩn đoán hình ảnh can thiệp. Bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú và gây tê tại vùng. Một vết cắt nhỏ tại phần bẹn cùng ống mềm được đưa vào gan dưới sự trợ giúp của máy X-quang. Ống này đưa vào động mạch gan. Chuyên gia chuẩn đoán hình ảnh can thiệp sẽ đưa SIR-Spheres microspheres vào khối u. SIR-Spheres microspheres được truyền trong 15 phút.
Toàn bộ quá trình sẽ được tiến hành trong một giờ. Sau khi truyền xong, bệnh nhân sẽ được chụp để kiểm tra độ phóng xạ của SIR-Spheres microspheres trong gan. Người bệnh được theo dõi trong vài giờ và xuất viện sau 24 giờ. Một tuần sau khi điều trị, bệnh nhân không nên tiếp xúc với người khác quá 2 giờ. Bạn nên nằm riêng, đặc biệt không gặp gỡ, tiếp xúc gần phụ nữ có thai, trẻ em và vật nuôi. Sau một tuần, bệnh nhân sẽ trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Bệnh nhân ung thư đại tràng đã di căn, không thể phẫu thuật (ung thư bắt nguồn từ bụng, lan tỏa ra gan hoặc ung thư gan) hay người bệnh ung thư có một phần lớn gan bị hủy hoại (điều này thấy được qua thử máu) phù hợp với phương pháp SIR-Spheres. Trước khi được tiến hành, bệnh nhân sẽ chụp động mạch vành để xác định mạch máu gan có khả năng nhận được SIR-Spheres microspheres hay không. Các xét nghiệm cơ bản khác bao gồm thử máu, chụp X-Quang hoặc CT lồng ngực để loại bỏ khả năng ung thư phổi.
Bệnh nhân không bị phản ứng phụ nặng khi được dùng SIR-Spheres microspheres đúng cách. Tuy vậy, trong khi truyền SIR-Spheres microspheres, bệnh nhân có thể cảm thấy đau. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau trong quá trình truyền SIR-Spheres microspheres. Đôi khi bạn thấy đau ở bụng khoảng vài giờ sau khi truyền SIR-Spheres microspheres. Một số người bị sốt kéo dài khoảng một tuần. Một số khác có thể có cảm giác buồn nôn nhưng triệu chứng này sẽ qua đi theo thời gian và sau khi dùng thuốc. Nhiều bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, kém ăn một vài ngày sau khi truyền nhưng sẽ hết. Một số người cần dùng thuốc phụ trợ trong tháng đầu tiên sau khi truyền SIR-Spheres microspheres để bảo vệ dạ dày và viêm loét dạ dày.
Một số trường hợp rủi ro có thể gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng nếu SIR-Spheres microspheres không được đưa vào đúng mạch máu dẫn vào gan. Trường hợp này, SIR-Spheres microspheres có thể bị truyền vào bụng, tá tràng, tụy hoặc các bộ phận khác, gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Chuyên gia chuẩn đoán hình ảnh can thiệp được đào tạo cách truyền SIR-Spheres microspheres. Mỗi bệnh nhân sẽ được truyền theo liều lượng khác nhau. Nếu truyền quá liều, một số người sẽ bị ảnh hưởng lâu dài đến chức năng gan.
Chiều thứ 7 (2/4) và sáng chủ nhật (3/4), bác sĩ Donald Poon sẽ có mặt tại Hà Nội gặp gỡ và tư vấn cho các bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân có nhu cầu cần đăng ký với văn phòng thông tin y tế bệnh viện Raffles theo thông tin dưới đây:
Theo Vnexpress
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=IWAMSNYPAG2BQ7401

Bài 9: 'Nung chín' khối u để chữa ung thư gan
Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đang điều trị khá thành công cho các bệnh nhân ung thư gan bằng kỹ thuật nhiệt cao tần.

Bác sĩ Lê Thành Lý đang siêu âm xác định vị trí khối u
Ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn thế giới với hơn 600.000 ca tử vong mỗi năm. Châu Á là nơi có tỷ lệ mắc viêm gan B khá cao nên ung thư gan lại càng phổ biến.

Điều trị nhanh, không đau
Ứng dụng kỹ thuật đốt sóng cao tần, đầu tiên các bác sĩ dùng máy siêu âm để xác định vị trí khối u. Sau đó, máy đốt nhiệt đưa một cây kim đặc biệt vào đo diện tích khối u. Ðầu kim được kiểm soát bởi năng lượng tần số cao và làm nóng những mô ung thư ở xung quanh. Tiếp đến, máy phóng ra luồng điện cao tần có thể lên tới 1.000 độ C để nung chín khối u, khiến nó bị hoại tử và biến thành nang nước. Thời gian chữa trị kéo dài không quá một giờ. Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân sẽ ít bị đau đớn, có thể chữa trị cho bệnh nhân có khối u lớn, ít rủi ro.
Tiến sĩ Lê Thành Lý, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Gan mật, cho biết kỹ thuật này đã được ứng dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 5 năm nay, điều trị các trường hợp ung thư tế bào gan có kích thước nhỏ hơn 3 cm và cho kết quả rất đáng khích lệ, nâng tỷ lệ sống lên trung bình 24 tháng. Ngay năm đầu tiên triển khai kỹ thuật nhiệt cao tần, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được 50 ca với tỷ lệ sống sau một năm là 96% và không xảy ra tai biến.
Hiệu quả chuyên môn cao
Theo bác sĩ Lý, thực tế phương pháp này rất kinh tế, vừa tiết kiệm chi phí vừa ít rủi ro vì mức độ xâm lấn cơ thể ít. Bởi trước đây, để điều trị được những biến chứng hoặc trường hợp giai đoạn cuối ung thư gan khi khối u vỡ ra thì bắt buộc phải mở ổ bụng bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân ung thư gan được phẫu thuật, còn phần lớn ở tình trạng không thể tiến hành phẫu thuật. Vì vậy, điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần là rất hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Thành Lý cho biết thêm, đối với các tế bào gan có kích thước lớn hơn 3 cm hoặc là có nhiều tổn thương, có 2 - 3 khối ung thư trong gan hoặc những trường hợp ung thư tế bào gan phát triển giai đoạn cuối có biến chứng vỡ trong ổ bụng thì ngoài kỹ thuật trên, bệnh viện còn ứng dụng chụp động mạch xóa nền để điều trị. Kỹ thuật này sẽ giúp cho các bác sĩ nhìn rõ được nhánh động mạch tổn thương và ứng dụng kỹ thuật xóa nền để thông mạch, tiếp cận những mạch máu để làm tắc mạch một cách có chọn lọc. Trong khoảng hơn 5 năm nay, bệnh viện đã thực hiện cho khoảng hơn 4.000 bệnh nhân. Kết quả đã khống chế sự phát triển của các tế bào ung thư gan và kéo dài được tuổi thọ cho người bệnh.
Để ngày càng nhiều người được tiếp cận với kỹ thuật này, Bệnh viện Chợ Rẫy đang xúc tiến những hoạt động hỗ trợ cho bệnh nhân. Hiện bệnh viện đã thành lập Đơn vị Y xã hội để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trung bình mỗi năm chi khoảng 6 - 7 tỷ đồng hỗ trợ phẫu thuật, điều trị, ăn uống, đi lại.
Theo BDV
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=1B46XM6J4WHJS0T22

Bài 10: Điều trị ung thư biểu mô tế báo gan (HCC)
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, mức độ rối loạn chức năng gan và xơ gan. Hệ thống phân chia giai đoạn theo Hội ung thư gan lâm sàng Barcelona cung cấp một phác đồ mô tả các lựa chọn phương pháp điều trị có sẵn đối với mỗi giai đoạn của bệnh (Hình 1). Có một vài cuộc tranh luận xung quanh các chiến lược điều trị; những vấn đề này sẽ được đề cập, cùng với việc bổ sung thêm sorafenib vào trang thiết bị của các phương pháp trị liệu đối với ung thư biểu mô tế bào gan.

Hình ảnh minh họa
I.CÁC QUAN ĐIỂM ĐIỀU TRỊ:
1.Điều trị khỏi bệnh
Lựa chọn để điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) với ý định chữa khỏi bệnh, mặc dù chỉ khả thi ở một thiểu số bệnh nhân, đã góp phần vào việc cải thiện rõ tỷ lệ sống còn ở cả hai phương thức phẫu thuật và ghép gan, với tỷ lệ sống còn 5 năm là 60-70%. Ước tính 10-15% bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan là những đối tượng cho phẫu thuật cắt bỏ, và chỉ khoảng 5% đáp ứng các tiêu chuẩn để ghép gan. Phẫu thuật là một điều trị chuẩn chấp nhận được đối với ung thư biểu mô tế bào gan có thể cắt bỏ ở bệnh nhân có chức năng gan được bảo tồn. Có sự tranh luận xung quanh việc can thiệp phẫu thuật, với một số dữ liệu hỗ trợ cho việc sử dụng phương pháp ghép gan đối với dạng bệnh này do tỷ lệ tái phát thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn lâu dài tương tự ở cả hai nhóm bệnh nhân cắt gan và ghép gan, vì vậy có sự quan tâm về nguy cơ biến chứng lâu dài của trường hợp thứ hai thứ phát do suy giảm miễn dịch. Việc giảm thiểu nguy cơ khi phẫu thuật là một trọng tâm trong các thử nghiệm lâm sàng. Phương thức soi ổ bụng và phương thức cắt bỏ khối u bằng sóng radio ít xâm lấn đang được nghiên cứu và hiện nay đã được chấp nhận là những cách tiếp cận chữa khỏi bệnh để điều trị các ung thư biểu mô tế bào gan kích thước nhỏ. Một phương thức cũ hơn là tiêm ethanol xuyên qua da không được ưa chuộng nữa do các dữ liệu mới đây đã cho thấy phương thức này kém hơn so với cắt bỏ khối u bằng sóng radio ở những bệnh nhân có tổn thương ung thư biểu mô tế bào gan kích thước nhỏ.
Theo phương pháp cổ điển, ghép gan được dành cho những bệnh nhân có gan bị bệnh và gan xơ có thể cắt bỏ.Tổ chức UNOS (the United Network for Organ Sharing) giúp phân bổ số lượng hạn chế các cơ quan đúng chỗ có sẵn qua việc sử dụng một hệ thống thang điểm, được gọi là hình mẫu đối với bệnh gan giai đoạn cuối, giúp điều chỉnh sự phân bổ nguồn hiếm có này - là hạn chế chính đối với ghép gan. Ghép gan bị hạn chế trong phạm vi những bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan không có hơn 1 khối u duy nhất có đường kính 5 cm hoặc nhỏ hơn, hoặc 2-3 khối u, mỗi u có đường kính 3 cm hoặc nhỏ hơn, không lan rộng đến các mạch máu chính và/hoặc không có bệnh di căn. Tỷ lệ sống còn toàn bộ 5 năm sau khi ghép gan có thể cao bằng 75%. Ghép gan từ người hiến tặng còn sống là một nguồn gan khác càng ngày càng có thế chấp nhận, mặc dù vẫn còn sự tranh luận. Cách tiếp cận điều trị này đem đến nguy cơ cho cả người hiến tặng và người nhận.
2.Điều trị bổ trợ đối với ung thư biểu mô tế bào gan
Đến nay, không có điều trị bổ trợ nào có lợi ích đã được chứng minh trong việc làm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ, ghép gan hoặc cắt bỏ khối u bằng sóng radio (RFA). Trước đây, một vài thử nghiệm bổ trợ đã cho thấy kết quả khả quan ban đầu, nhưng những kết quả này không có khả năng tái lập. 2 lựa chọn điều trị bổ trợ cho ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) đã từng được đánh giá kỹ lưỡng nhất là l-131 lipiodol và acyclic retinoid. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên ở 43 bệnh nhân, l-131 lipiodol là chất bổ trợ được dùng qua đường động mạch gan đã được so sánh với quan sát sau khi cắt bỏ ung thư biểu mô tế bào gan. Đã ghi nhận sự cải thiện về tỷ lệ sống còn không bệnh trung bình thiên về nhóm dùng l-131 lipiodol (57,2 tháng so với 13,6 tháng; P = .037). Mặc dù sự cải thiện tỷ lệ sống còn vào thời điểm trình bày dữ liệu ban đầu, nhưng sự theo dõi lâu dài về thử nghiệm này trong 10 năm không cho thấy lợi ích sống còn đối với những bệnh nhân được điều trị bằng l-131 lipiodol.
Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên về thuốc acrylic retinoid so với giả dược sau phẫu thuật cắt bỏ ở 89 bệnh nhân, những người được điều trị bằng acrylic retinoid có tỷ lệ tái phát là 27% so với 49% ở những bệnh nhân dùng giả dược (P = .04) trong giai đoạn theo dõi 38 tháng.
Các dữ liệu từ thử nghiệm SHARP đã giúp xác định sorafenib là điều trị chuẩn đối với ung thư biểu mô tế bào gan không thể cắt bỏ. Sẽ phải mất vài năm trước khi có kết quả của thử nghiệm điều trị bổ trợ với nhiều dự đoán, chọn ngẫu nhiên các bệnh nhân để dùng sorafenib so với giả dược sau khi phẫu thuật, được tiếp theo bằng phương thức cắt bỏ khối u bằng sóng radio (RFA) nếu có thể được. Mặc dù tác dụng chống tạo mạch của sorafenib đã được thiết lập để ngăn chặn bất kỳ xu hướng tạo mạch nào sau phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng sóng radio, trị liệu này không được khuyến cáo dùng bổ trợ ở ngoài sự tiến hành một thử nghiệm lâm sàng. Các bác sĩ cần chú ý đặc biệt đến các tác dụng phụ có thể có liên quan với sorafenib, kể cả nguy cơ xuất huyết nặng hiếm gặp nhưng có khả năng xảy ra.
3.Điều trị bệnh tiến triển tại chỗ
Hai nguồn cung cấp máu cho gan có xu hướng làm phát triển nhiều trị liệu tại chỗ nhắm có chọn lọc đến các tổn thương ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) được tưới máu quá mức bởi động mạch gan thay vì nhu mô gan nền được tưới máu qua hệ thống tĩnh mạch cửa. Liệu pháp gây thuyên tắc mạch bằng hóa chất qua động mạch (TACA) được xem là một điều trị chuẩn có thể chấp nhận đối với ung thư biểu mô tế bào gan tiến triển tại chỗ mà không thể thực hiện được phẫu thuật cắt bỏ hoặc ghép gan. Điều này dựa trên kết quả của 2 thử nghiệm lâm sàng cho thấy lợi ích sống còn đối với liệu pháp gây thuyên tắc mạch bằng hóa chất qua động mạch cao hơn điều trị triệu chứng. Trong 1 thử nghiệm lâm sàng ở 112 bệnh nhân có ung thư tế bào gan không thể cắt bỏ, các bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên đối với liệu pháp gây thuyên tắc nhẹ động mạch (tức là không phải hóa liệu pháp), gây thuyên tắc mạch bằng hóa chất qua động mạch (TCAE) sử dụng doxorubicin, hoặc điều trị hỗ trợ tốt nhất. Điều trị bằng TACE dẫn đến lợi ích sống còn so với điều trị bảo tồn (tỷ lệ sống còn 1 năm: 82% so với 63%; tỷ lệ sống còn 2 năm: 63% so với 27%; P = .009. Theo ghi nhận, không có thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh được sự khác biệt về tỷ lệ sống còn giữa bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp gây thuyên tắc nhẹ động mạch và bệnh nhân được điều trị bằng TACE. Một nghiên cứu thứ hai chọn ngẫu nhiên bệnh nhân đối với liệu pháp TACE sử dụng cisplatin so với điều trị triệu chứng đã cho thấy lợi ích sống còn tương tự thiên về nhóm TACE (tỷ lệ sống còn 1 năm: 57% so với 32%; tỷ lệ sống còn 2 năm: 31% so với 11%; tỷ lệ sống còn 3 năm: 26% so với 3%; P = .002. Tuy nhiên, các kết quả khả quan này không được tái lập ở các thử nghiệm khác.. Một phân tích tổng hợp bao gồm 2466 bệnh nhân từ các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã được tiến hành từ năm 1980 đến 2000 đã kết luận rằng TACE làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong toàn bộ sau 2 năm. Tuy nhiên, TACE không cho thấy có hiệu quả hơn liệu pháp gây thuyên tắc nhẹ động mạch. Hai phân tích tổng hợp khác mới đây báo cáo không có lợi ích sống còn đối với nhiều cách trị liệu tại chỗ khác nhau, kể cả TACE. Bất kể điều này, cả TACE và liệu pháp gây thuyên tắc nhẹ động mạch là những điều trị chuẩn được chấp nhận đối với những bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan không thể cắt bỏ có ranh giới vùng.
II. ĐIỀU TRỊ TOÀN THÂN
Điều trị khỏi bệnh bằng phẫu thuật cắt bỏ và ghép gan là các lựa chọn được chỉ định đối với một thiểu số bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC); hơn 80% bệnh nhân bị HCC có các khối u tiến triển và không thích hợp đối với những can thiệp chữa khỏi bệnh này. Ngoài ra, trong số những bệnh nhân đã trải qua trị liệu có khả năng chữa khỏi bệnh, tỷ lệ tái phát cao là 50% vào thời điểm 2 năm; vì vậy cần tiếp tục có các tiến bộ trong điều trị toàn thân.
1.Hóa liệu pháp
Các thuốc hóa trị đã được nghiên cứu rộng rãi trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), với các thử nghiệm phase II cho tỷ lệ đáp ứng ở mức từ 10% đến 20% nhưng không bao giờ cho thấy sự cải thiện về tỷ lệ sống còn toàn bộ với điều trị hỗ trợ tốt nhất. Doxorubicin vẫn là thuốc được nghiên cứu rộng rãi nhất về HCC tiến triển, với tỷ lệ đáp ứng ở mức từ 0% đến 79%. Tỷ lệ đáp ứng mục tiêu với một thuốc đơn độc là doxorubicin trong 2 thử nghiệm phase III mới đây là 10,5% và 4%, dựa trên hình ảnh chụp X-quang có chụp cắt lớp điện toán, so sánh với các nghiên cứu trước đây đánh giá đáp ứng dựa trên khám thực thể hoặc chụp siêu âm. Hai thử nghiệm mới đây cho đánh giá chính xác nhất về hiệu quả của doxorubicin trong HCC. Các thuốc hóa trị khác đã được nghiên cứu trong điều trị HCC bao gồm docetaxel, paclitaxel,irinotecan, và gemcitabine; tuy nhiên không thuốc nào trong những thuốc này cho thấy bất kỳ lợi ích sống còn nào.
Do thiếu lợi ích sống còn khi điều trị bằng một thuốc đơn độc, các chế độ điều trị phối hợp đã được nghiên cứu rộng rãi đối với HCC. Một chế độ điều trị mạnh bằng PIAF (cisplatin, interferon alfa-2b, doxorubicin, và 5-fluorouracil) đã cho thấy một tỷ lệ đáp ứng là 26% và tỷ lệ sống còn trung bình khoảng 9 tháng trong một thử nghiệm phase II ở 1 nhóm. Ở nghiên cứu này, mặc dù với số lượng nhỏ bệnh nhân, được xem là một bước ngoặc cho trị liệu toàn thân đối với HCC vì 13 bệnh nhân (26%) có đáp ứng; trong số này, 9 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật và 4 bệnh nhân (9%) đã đạt được đáp ứng bệnh học hoàn toàn đối với hóa liệu pháp. Những kết quả này đã chứng tỏ là hóa liệu pháp đối với HCC có hiệu quả ở những bệnh nhân được chọn. Các kết quả khả quan này đã dẫn đến việc đánh giá PIAF trong một nghiên cứu ngẫu nhiên lớn so sánh với doxorubicin. Nghiên cứu này ở 188 bệnh nhân đã không đáp ứng tiêu chí đánh giá chính, với thời gian sống còn trung bình là 8,6 tháng đối với PIAF so với 6,8 tháng đối với doxorubicin (P= .83). Tỷ lệ đáp ứng quan sát được với PIAF không có ý nghĩa thống kê (20,9% đối với PIAF so với 10,5% với doxorubicin (P = .058). Các kết quả này hỗ trợ cho việc sử dụng PIAF ở dạng điều trị tân bổ trợ để phù hợp cho bệnh nhân về mặt y khoa có chức năng gan tốt là những người mà sự giảm số lượng tế bào ung thư có thể cho phép cắt bỏ trong tương lai. Khả năng chữa khỏi bệnh sẽ biện minh cho nguy cơ độc tính đáng kể của PIAF. Mặc dù cả hai chế độ hóa liệu pháp với một thuốc đơn độc và phối hợp đã không chứng minh được bất kỳ lợi ích sống còn nào trong điều trị HCC, nhưng việc sử dụng hóa liệu pháp phối hợp và trị liệu nhắm đích có tầm quan trọng do thành công của sự phối hợp trong điều trị các khối u đặc khác.
2.Đích phân tử trong ung thư biểu mô tế bào gan
Do việc thiếu điều trị chuẩn, các nhà nghiên cứu lâm sàng đã nhận ra nhu cầu bức thiết cần phải đánh giá các trị liệu mới đối với những bệnh nhân bị ung thư tế bào gan (HCC) tiến triển. Những nỗ lực này đã bắt đầu ở cùng một giai đoạn mà các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản đang mô tả sự hiểu biết tốt hơn về cơ chế sinh ung thư tế bào gan và các quá trình liên quan. Những đích có tầm quan trọng trong HCC bao gồm các thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì và quá trình tạo mạch.
a. Chất ức chế thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì
Tầm quan trọng của chất ức chế thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) trong ung thư tế bào gan (HCC) vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, một vài chất ức chế EGFR tyrosine kinase đã được nghiên cứu trong HCC. Erlotinib đã được nghiên cứu trong một thử nghiệm phase II ở 38 bệnh nhân bị ung thư tế bào gan tiến triển. Trong số những bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, 47% đã được điều trị hóa liệu pháp trước đó, và 71% trong tất cả bệnh nhân có chức năng gan Child-Pugh A còn bù tốt. Tiêu chí đánh giá chính là tỷ lệ sống còn không bị bệnh tiến triển vào lúc 6 tháng, sử dụng Tiêu chuẩn đánh giá đáp ứng về khối u đặc (RECIST). Vào thời điểm 6 tháng, 32% bệnh nhân không bị bệnh tiến triển, với thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 3,8 tháng. Chỉ có 3 trường hợp đáp ứng một phần và thời gian sống còn toàn bộ trung bình là 13 tháng. Có 3-4 trường hợp có độc tính thường gặp nhất là nổi ban da 13%, tiêu chảy 8% và mệt mỏi 8%. Nhuộm hóa mô miễn dịch để đánh giá sự biểu hiện của EGFR không liên quan với kết quả, điều này đồng nhất với các dấu chứng về các khối u đặc ác tính khác.
Mặc dù hoạt tính tiền lâm sàng của cetuximabtrong HCC, không có dữ liệu lâm sàng nào được công bố về việc sử dụng thuốc này trong HCC. Lapatinib - một chất ức chế kép của EGFR tyrosine kinase 1 và 2 (HER2/Neu) cũng đã được nghiên cứu trong HCC. Trong một thử nghiệm phase II đánh giá lapatinib ở 30 bệnh nhân có HCC tiến triển, 2 trong số 17 bệnh nhân được đánh giá có đáp ứng một phần đã được xác định, và 8 bệnh nhân có bệnh ổn định. Thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình thì ngắn 1,8 tháng, không thuận lợi khi so sánh với các dữ liệu trong y văn. Ngoại trừ để cải thiện tỷ lệ sống còn đã ghi nhận đối với erlotinib (nghiên cứu phase II nhỏ ở một viện nghiên cứu), những nghiên cứu đầu tiên này về các chất ức chế EGFR không cho sự hỗ trợ đầy đủ để có thể khuyến cáo sử dụng những chất này là thuốc đơn độc trong điều trị HCC. Điều quan trọng cần chú ý là không có nghiên cứu nào trong số này đánh giá tình trạng đột biến KRAS của những bệnh nhân được đưa vào các nghiên cứu này. Trong HCC, đột biến KRAS ít xảy ra và có thể tùy thuộc vào bệnh nguyên của bệnh.
b.Chất ức chế quá trình tiền tạo mạch
Sự tạo mạch bao gồm họ yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), là thành phần then chốt trong sự phát triển ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, VEGF được thấy làm tăng khả năng di căn của khối u của HCC. Khả năng di căn này được cho là bị chi phối bởi sự biểu hiện quá mức của thụ thể của yếu tố tăng trưởng beta có nguồn gốc tiểu cầu (PDGFR-β) trong HCC. Sorafenib, là một chất ức chế multityrosine kinase, nhắm đích là các VEGFR-1, VEGFR-2, và VEGFR-3 tạo mạch; PDGFR-β; và các thụ thể RET sinh khối u, Fit-3 và C-Kit. Sorafenib còn ức chế serine/threonine kinase Raf-1. Một thử nghiệm phase II của sorafenib ở 137 bệnh nhân bị HCC ở giai đoạn tiến triển đã cho thấy một tỷ lệ đáp ứng một phần thấp là 2%. Tuy nhiên, 33,6% bệnh nhân được điều trị có bệnh ổn định (≥ 16 tuần) phù hợp với thời gian đạt đến tiến triển về triệu chứng trung bình, có cải thiện tương đối và được xem xét độc lập là 5,5 tháng. Thời gian sống còn toàn bộ trung bình của nhóm nghiên cứu là 9,2 tháng, thuận lợi khi so sánh với các nhóm chứng về mặt mô học. Các độc tính độ 3/4 liên quan với việc điều trị bao gồm mệt mỏi (9,5%), tiêu chảy (8%), và phản ứng da ở bàn tay-bàn chân (5,1%). Có 1 sự cố xuất huyết nội sọ, tuy nhiên chưa rõ có phải phản ứng phụ này liên quan với thuốc hay không. Một quan sát chính trong nghiên cứu này là hoại tử khối u vùng trung tâm được ghi nhận ở các khối u của bệnh nhân có bệnh ổn định khác (Hình 2). Các đánh giá thêm đã cho thấy là sự hoại tử khối u cao hơn tỷ số thể tích khối u tương quan với đáp ứng mục tiêu. Hiện tượng các khối u mở rộng một ít và hoại tử đồng thời này cần được đánh giá về triển vọng. Tuy nhiên, các bác sĩ lâm sàng được khuyến khích sử dụng phương pháp chụp cắt lớp điện toán 3 pha (gồm cả phase động mạch) như một phương tiện để đánh giá thành phần hoại tử của sự đáp ứng.
Hình 2. Ví dụ tiêu biểu về chụp cắt lớp thường và chụp cắt lớp theo dõi hàng loạt chứng minh sự hoại tử khối u ở một bệnh nhân bị HCC.

Thể tích (cm3) 285
Hoại tử (%) 51 295
2.1 341
53.1
Công bố đầu tiên bởi Hiệp Hội Ung Thư lâm sàng Mỹ. Abou-Alfa GK. Schwartz L, Ricci S và cộng sự. Phase II study of sorafenib in patients with advanced hepatocellular carcinoma. J.Clin Oncol. 2006; 24: 4293-4300.
Tiếp theo nghiên cứu phase II với sorafenib, SHARP là một thử nghiệm lớn mù đôi, ngẫu nhiên phase III đã đánh giá trị liệu bằng một thuốc đơn độc là sorafenib so với giả dược ở những bệnh nhân bị HCC tiến triển và xơ gan giai đoạn Child-Pugh A. Thử nghiệm này đối với hai tiêu chí đánh giá chính về tỷ lệ sống còn toàn bộ và thời gian đạt đến sự tiến triển về triệu chứng được đánh giá bằng Chỉ số Triệu chứng Gan-mật 8 - Đánh giá ung thư về chức năng - Thời gian đạt đến tiến triển về triệu chứng (FHSI8-TSP), cho thấy một sự cải thiện về thời gian sống còn là 10,7 tháng thiên về sorafenib so với 7,9 tháng đối với giả dược (tỷ số nguy cơ 0,69; P = .00058). Nghiên cứu này không cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào về thời gian đạt đến tiến triển về triệu chứng (P= .77), là một quan sát có thể liên quan với các hạn chế của phương tiện đánh giá FHS18-TSP và điểm số tình trạng hoạt động cơ thể rất tốt của bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Các dữ liệu về độc tính liên quan với thuốc nghiên cứu giống với các dữ liệu ghi nhận được trong nghiên cứu phase II, với 8% tiêu chảy và hội chứng bàn tay-bàn chân độ 3/4. Mặc dù ít gặp phản ứng phụ xuất huyết (< 1%), bác sĩ và bệnh nhân cần phải thận trọng về điểm này, xem xét đặc tính tạo mạch của sorafenib, cũng như với các thuốc kháng mạch khác. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, chủ yếu dựa trên các kết quả của thử nghiệm này, đã duyệt sorafenib cho những bệnh nhân bị HCC không thể cắt bỏ mà không có bất kỳ tham khảo đặc biệt nào về mức độ xơ gan. Mặc dù chỉ định rộng rãi này, độ an toàn và hiệu quả của sorafenib ở bệnh nhân Child-Pugh A hoặc cao hơn vẫn đang được đánh giá. Trong một nghiên cứu phase II đánh giá sorafenib trong HCC, 28% bệnh nhân có xơ gan giai đoạn Child-Pugh B. Ở 28 bệnh nhân được ghi nhận các thông số dược động học, các kết quả diện tích dưới đường cong (AUC) (0-8) tương đương giữa bệnh nhân bị bệnh giai đoạn Child-Pugh A (25,4 mg.giờ/L) và Child-Pugh B (30,3 mg.giờ/L). Nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương (Cmax) cũng tương đương nhau (4,9 mg/L đối với bệnh nhân Child-Pugh A và 6 mg/L đối với bệnh nhân Child-Pugh B), với các dữ liệu về độc tính liên quan với thuốc tương tự nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân Child-Pugh B có chức năng gan xấu đi thường gặp hơn, bao gồm cả tăng bilirubin huyết thanh; chưa rõ có phải sự hư hại này là tiến triển do thuốc hay do bệnh. Ngoài ra, sorafenib tác động như một cơ chất đối với UGT1A1, và nghiên cứu này đã không thu thập các số liệu đo bilirubin trực tiếp, vì vậy chưa rõ có phải tăng biliribin toàn phần có thể là do tác dụng ức chế UGT1A1 và giảm sự glucuronide hóa hay không. Thời gian đạt đến tiến triển về triệu chứng trung bình đối với bệnh nhân Child-Pugh A là 21 tuần và đối với bệnh nhân Child-Pugh B là 13 tuần. Thời gian sống còn toàn bộ trung bình đối với bệnh nhân Child-Pugh A là 41 tuần và đối với bệnh nhân Child-Pugh B là 14 tuần. Cho đến khi đạt được các dữ liệu thêm về việc sử dụng sorafenib ở bệnh nhân bị HCC và xơ gan tiến triển, cần thận trọng khi áp dụng các kết quả của thử nghiệm SHARP cho những bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn Child-Pugh B hoặc Child-Pugh C. Một nghiên cứu CALGB đánh giá việc sử dụng sorafenib ở 150 bệnh nhân bị rối loạn chức năng cơ quan đã cho hiểu biết thêm về việc sử dụng sorafenib ở những bệnh nhân này. Độc tính làm hạn chế sử dụng thuốc được báo cáo thường gặp nhất trong số những bệnh nhân có bilirubin ở mức cơ bản tăng là sự tăng thêm của bilirubin. Theo ghi nhận, nghiên cứu này không bị giới hạn đối với HCC (N=17), vì vậy chưa rõ sự liên quan và ý nghĩa của các dấu chứng đối với HCC. Tuy nhiên khuyến cáo được đề nghị liên quan với liều dùng sorafenib từ nghiên cứu này là: 400 mg, 2 lần/ngày đối với bệnh nhân có nồng độ bilirubin gấp 1,5 lần giới hạn trên của mức bình thường (x ULN) và 200 mg, 2 lần/ngày (hoặc 400 mg/ngày dùng đường uống) đối với bệnh nhân có nồng độ bilirubin gấp 1,5 – 3 ULN. Không có liều an toàn của sorafenib được thiết lập đối với bilirubin > 3 x ULN.
Một tình trạng khó xử khác liên quan đến các dữ liệu mới đây đối với sorafenib ở HCC là do kết quả của một nghiên cứu phase III ngẫu nhiên đánh giá sorafenib so với giả dược ở các nước Đông Nam Á.Đã ghi nhận được một lần nữa về sự cải thiện có ý nghĩa thống kê (P = .014) về thời gian sống còn thiên về sorafenib so với giả dược (6,5 tháng so với 4,2 tháng) nhưng không có tầm quan trọng tương tự thử nghiệm SHARP. Nghiên cứu này bao gồm những bệnh nhân có điểm số tình trạng hoạt động cơ thể kém và bệnh tiến triển thêm so sánh với những người tham gia thử nghiệm SHARP. Những sự khác biệt này có thể quy cho việc giảm lợi ích ở nhóm sorafenib giữa 2 nghiên cứu phase III. Dựa vào tỷ số nguy cơ đối với tỷ lệ sống còn toàn bộ, thời gian đạt đến tiển triển về triệu chứng, thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển giữa 2 nghiên cứu, người ta cho rằng lợi ích đối với sorafenib đã được quan sát sớm trong bệnh sử tự nhiên ở thử nghiệm SHARP, trong khi những bệnh nhân trong nghiên cứu Asia-Pacific có lợi từ dạng can thiệp này nhưng không cùng mức độ. Một giải thích khác đối với sự khác biệt về kết quả này có thể tùy thuộc vào bệnh nguyên của HCC ở những bệnh nhân trong mỗi nghiên cứu, vì 73% bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu Asia-Pacific có viêm gan B là một yếu tố nguy cơ có sẵn so với 18% bệnh nhân trong thử nghiệm SHARP. Kết quả của 18% bệnh nhân có viêm gan B trong thử nghiệm SHARP chưa được báo cáo. Ngoài ra, những bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm SHARP có virus viêm gan C (HCV) có thể đáp ứng tốt hơn với trị liệu bằng sorafenib. Trong một phân tích 1 nhóm phụ bệnh nhân bị HCC liên quan với HCV, đã ghi nhận là 93 bệnh nhân này được điều trị bằng sorafenib có lợi ích về thời gian sống còn trung bình là 14 tháng so với toàn bộ nhóm là 10,7 tháng. Ngược lại, nhóm HCV có đối chứng với giả dược không có bất kỳ lợi ích sống còn thêm nào hơn nhóm giả dược trong nghiên cứu, cho thấy tình trạng HCV có thể có ảnh hưởng rõ trên hiệu quả của sorafenib. Điều này không làm yếu đi tác dụng chống tạo mạch của sorafenib, mặc dù thuốc này có thể tạo ra một sự cải thiện khác biệt về kết quả ở những bệnh nhân có bệnh nguyên viêm gan virus khác nhau. Bất kể điều này, sorafenib vẫn được chỉ định đối với tất cả bệnh nhân có HCC không thể cắt bỏ bất chấp bệnh nguyên ung thư của họ.
Bevacizumab đã được nghiên cứu rộng rãi ở những bệnh nhân bị HCC tiến triển. Bevacizumab được nghiên cứu ở dạng một thuốc đơn độc với liều 5 mg/kg và 10 mg/kg. Trong số 46 bệnh nhân được điều trị, 6 bệnh nhân (13%) đạt được đáp ứng mục tiêu, và 65% bệnh nhân không bị bệnh tiến triển vào thời điểm 6 tháng. Thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 6,9 tháng và thời gian sống còn trung bình là 12,4 tháng. Xuất huyết độ 3-5 xảy ra ở 11% bệnh nhân bao gồm một trường hợp tử vong thứ phát sau xuất huyết do giãn tĩnh mạch. Một nghiên cứu khác đánh giá một thuốc đơn độc bevacizumab trong HCC cho thấy các kết quả tương tự.[Malka 2007] Trong số 24 bệnh nhân có thể đánh giá được về đáp ứng, 3 bệnh nhân có đáp ứng một phần và 13 bệnh nhân có bệnh ổn định.
Sunitinib cũng đã được kiểm tra trong HCC. Trong số 34 bệnh nhân được điều trị bằng sunitinib 37,5 mg/ngày, 50% bệnh nhân có bệnh ổn định, với thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 3,9 tháng và thời gian sống còn toàn bộ là 9,8 tháng. Các phản ứng phụ độ 3/4 thường gặp nhất bao gồm độc tính về huyết học, mệt mỏi và tăng transaminase. Có 2 trường hợp tử vong đã được báo cáo ở nghiên cứu này được quy cho tình trạng bệnh xấu đi và suy gan. Chụp cộng hưởng từ có tiêm thêm thuốc tương phản từ cho hình ảnh rõ nét (DCE-MRI) đã được thực hiện và cho thấy giảm nhanh rò rỉ mạch máu liên quan với việc dùng sunitinib. Tác dụng này rõ hơn ở bệnh nhân có sự tiến triển chậm. Một nghiên cứu khác đã đánh giá sunitinib với liều 50 mg/ngày ở 37 bệnh nhân bị HCC giai đoạn tiến triển và đã cho thấy các kết quả hứa hẹn tương tự. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đã không chuyển sang giai đoạn hai như đã định do tỷ lệ đáp ứng thấp là 2,7% ở giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu. Ngoài ra, có 4 trường hợp tử vong được cho là liên quan với bệnh não gan, độc tính về huyết học, và xuất huyết do giãn tĩnh mạch có thể liên quan với thuốc. Mặc dù có những dấu chứng này, vẫn có sự quan tâm tiếp tục về giá trị của việc điều trị bằng sunitinib trong HCC; một thử nghiệm lâm sàng phase III đánh giá sunitinib so với sorafenib ở bệnh nhân bị HCC tiến triển đang được tiến hành (Thử nghiệm lâm sàng).
III. ĐIỀU TRỊ PHỐI HỢP
Các cách tiếp cận hứa hẹn hơn để cải thiện kết quả ở những bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) giai đoạn tiến triển phát xuất từ các trị liệu phối hợp thuốc chống tạo mạch với các chất sinh học hoặc hóa liệu pháp. Bevacizumab đã được nghiên cứu phối hợp với các thuốc hóa trị như gemcitabine và oxaliplatin trong một thử nghiệm phase II ở các nhóm đã được điều trị trước đây với tình trạng thực hiện tốt và HCC giai đoạn tiến triển.Trong số 30 bệnh nhân, 20% có đáp ứng mục tiêu và 27% có bệnh ổn định. Thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 5,3 tháng và thời gian sống còn toàn bộ trung bình là 9,6 tháng. Các độc tính độ 3/4 thường gặp nhất là giảm bạch cầu/giảm bạch cầu trung tính, tăng transaminase, tăng huyết áp và mệt mỏi. Một nghiên cứu phase II khác đã đánh giá tính khả thi và hiệu quả của sự phối hợp bevacizumab, oxaliplatin, và capecitabine ở 30 bệnh nhân bị HCC giai đoạn tiến triển. Đã ghi nhận đáp ứng một phần ở 13,3% bệnh nhân và 76,6% có bệnh ổn định. Thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 4,5 tháng và thời gian sống còn toàn bộ trung bình là 10,3 tháng. Bệnh thần kinh ngoại biên độ 2/3 liên quan với oxaliplatin xảy ra ở 28% bệnh nhân, và hội chứng bàn tay-bàn chân độ 2/3 liên quan với capecitabine đã được báo cáo ở 16% bệnh nhân. Có 3 trường hợp phản ứng phụ xuất huyết đã được ghi nhận ở nghiên cứu này: 1 trường hợp thủng dạ dày ruột và 2 trường hợp xuất huyết do giãn tĩnh mạch. Capecitabine và bevacizumab cũng đã được nghiên cứu trong HCC. Ở 25 bệnh nhân, tỷ lệ kiểm soát bệnh là 60%, thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 4,1 tháng, và thời gian sống còn toàn bộ trung bình là 10,7 tháng. Độc tính độ 3 liên quan với điều trị thường gặp nhất là hội chứng bàn tay-bàn chân. Có 1 trường hợp xuất huyết do loét dạ dày đã được báo cáo.
Các dữ liệu hứa hẹn hơn đối với điều trị phối hợp là với bevacizumab và erlotinib. Những bệnh nhân bị HCC Child Pugh A hoặc B, và số điểm thực hiện ECOG 0-2, đã được điều trị bằng bevacizumab 10 mg/kg mỗi 2 tuần và erlotinib 150 mg/ngày. Tiêu chí đánh giá chính về tỷ lệ sống còn không bị bệnh tiến triển vào lúc 16 tuần là 62,5%, với thời gian sống còn không bị bệnh tiến triển trung bình là 39 tuần. Thời gian sống còn toàn bộ trung bình là 68 tuần và tỷ lệ đáp ứng là 25%. Độc tính độ 3/4 liên quan với thuốc thường gặp nhất là mệt mỏi (20%), tăng huyết áp (15%), tiêu chảy (10%), tăng transaminase (10%), và xuất huyết tiêu hóa (12,5%). Các kết quả khả quan của nghiên cứu này thuận lợi khi so sánh với các nhóm chứng về mặt mô học, bao gồm cả một thuốc đơn độc là sorafenib. Điều này hỗ trợ cho sự xác đáng về mặt sinh học của sự phối hợp trị liệu chống tạo mạch với một chất ức chế tyrosine kinase trong HCC và đáng được đánh giá thêm. Một nghiên cứu phase II ngẫu nhiên về erlotinib, bevacizumab và sorafenib hiện đang được tiến hành (Thử nghiệm lâm sàng).
Sorafenib cũng được đánh giá phối hợp với trị liệu sinh học và hóa liệu pháp thông thường. Một nghiên cứu phase I đã đánh giá sorafenib phối hợp erlotinib ở bệnh nhân có khối u đặc. Nghiên cứu này bao gồm 1 bệnh nhân bị HCC. Mặc dù các dữ liệu giới hạn ở HCC, có 1 nghiên cứu phase III ngẫu nhiên đang được tiến hành đánh giá sorafenib kết hợp với erlotinib so với sorafenib ở bệnh nhân bị HCC giai đoạn tiến triển (Thử nghiệm lâm sàng). Ngoài ra, có những kết quả hứa hẹn từ 1 nghiên cứu phase II ngẫu nhiên đánh giá doxorubicin kết hợp với sorafernib và doxorubicin kết hợp với giả dược. Tiêu chí đánh giá chính-Thời gian trung bình đạt đến tiến triển-là 9 tháng đối với nhóm doxorubicin và sorafenib và 5 tháng đối với nhóm doxorubicin và giả dược. Một nghiên cứu so sánh thăm dò thời gian sống còn toàn bộ giữa 2 nhóm cho thấy một sự khác biệt đáng kể là 13,8 tháng thiên về nhóm dùng doxorubicin và sorafenib so với 6,4 tháng đối với nhóm doxorubicin và giả dược (tỷ số nguy cơ: 0,51, P = .0129). Dữ liệu về độc tính tương tự giữa 2 nhóm nghiên cứu, với dữ liệu độc tính đối với doxorubicin và sorafenib dùng ở dạng một thuốc đơn độc phù hợp với các nghiên cứu đã được báo cáo trước đây. Các độc tính độ 3/4 bao gồm mệt mỏi (15% ở cả hai nhóm) và giảm bạch cầu trung tính (55% với doxorubicin và sorafenib so với 46% với doxorubicin và giả dược). Các độc tính liên quan với sorafenib bao gồm tiêu chảy độ 3/4 (11%) và hội chứng bàn tay-bàn chân độ 3/4 (9%) ở nhóm phối hợp; tuy nhiên có thêm rối loạn chức năng thất trái ở nhóm doxorubicin và sorafenib (tất cả các độ: 19%; độ 3/4: 2%). Những dữ liệu này cho thấy là tác dụng hiệp đồng tiềm năng giữa doxorubicin và sorafenib dẫn đến làm nặng thêm chức năng tim có thể xảy ra. Các anthracyline như doxorubicin tùy thuộc vào Ask-1 trong việc phát huy tác dụng gây chết tế bào theo chương trình. Ở các tế bào ung thư, sự hoạt hóa Raf-1 – là một đích của sorafenib qua trung gian bFGF, có thể kích thích một phức hợp giữa Raf-1 và Ask-1 ở mức ty lạp thể, dẫn đến ức chế hoạt tính của Ask-1 kinase và ngăn cản tác dụng gây chết tế bào theo chương trình qua trung gian stress của các anthramycine. Hoạt tính ức chế raf kinase khi dùng sorafenib có thể làm phóng thích Ask-1 và phục hồi hoạt tính gây chết tế bào theo chương trình của doxorubicin (Hình 3). Một thử nghiệm lớn phase III ngẫu nhiên đánh giá sự phối hợp sorafenib và doxorubicin so với sorafenib đơn độc sẽ bắt đầu tuyển chọn đối tượng tham gia và hy vọng xác định thêm sự hiệp đồng tiềm năng của dạng phối hợp này.

Hình 3 Vai trò của Raf-1 trong sự điều chỉnh Ask-1 gây chết tế bào theo chương trình
Được cho phép in lại từ Hình 6 trong tài liệu của Alavi AS, Acevedo L, Min W, Cheresh DA. Chemoresistance of endothelial cells induced by basic fibroblast growth factor depends on raf-1 mediated inhibition of the proapoptotic kinase, ASK1. Cancer Res. 2007;67:2766-2772.
IV.KẾT LUẬN
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là một vấn đề y tế toàn cầu và tỷ lệ mắc bệnh hiện đang tăng lên ở bán cầu phương Tây do dịch virus viêm gan C và tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. HCC là 2 bệnh trong 1 rối loạn chức năng gan có sẵn và chính bản thân ung thư, cả hai đều cần có sự điều trị tích cực. Hệ thống tính điểm không kết hợp cả rối loạn chức năng gan cũng như các yếu tố liên quan đến ung thư có giá trị khi thiết lập một chiến lược điều trị. Phẫu thuật, ghép gan, và trong một số trường hợp cắt bỏ khối u bằng sóng radio, là những phương thức chữa khỏi duy nhất đối với HCC, tuy nhiên những phương thức này chỉ có sẵn đối với một phần nhỏ bệnh nhân. Nguy cơ tái phát cao và thiếu trị liệu bổ trợ có hiệu quả cộng thêm vào nhu cầu bức thiết đối với điều trị toàn thân hiệu quả. Sorafenib hiện nay là một điều trị chuẩn đối với HCC giai đoạn tiến triển. Việc cải thiện kết quả khả quan này là một thách thức mới. Các hướng điều trị mới bao gồm phối hợp các thuốc chống tạo mạch với các thuốc sinh học khác như bevacizumab và erlotinib hoặc phối hợp với hóa liệu pháp như doxorubicin và sorafenib. Những cách tiếp cận này dường như là các hướng hứa hẹn nhất trong năm 2009 và đang được thử trong các thử nghiệm lớn phase III ngẫu nhiên.
Hình 1. Phân chia giai đoạn theo Hội ung thư gan lâm sàng Barcelona (BCLC).

PEI: tiêm ethanol xuyên qua da; PS: tình trạng hoạt động cơ thể; PST: Kiểm tra tình trạng hoạt động cơ thể; RF: sóng radio; TTO: đổi chác thời gian
Bảng 1. Hệ thống thang điểm Child-Pugh trong bệnh gan
Đo 1 Điểm 2 Điểm 3 Điểm
Bilirubin (toàn phần), µmol/L (mg/dL) < 34 (< 2) 34-50 (2-3) > 50 (> 3)
Albumin huyết thanh, g/L > 35 28-35 < 28 Tỷ số chuẩn hóa quốc tế (INR) < 1,7 1,71 – 2,20 2,20 Cổ trướng Không có Được chặn lại bằng thuốc Đề kháng Bệnh não gan Không có Độ 1-2 (hoặc được chặn lại bằng thuốc) Độ 3-4 (hoặc đề kháng) INR: Tỷ số chuẩn hóa quốc tế Bảng 2. Phân chia giai đoạn theo thang điểm ung thư của chương trình gan Ý (CLIP -Cancer of the Liver Italian Program) Biến số 0 Điểm 1 Điểm 2 Điểm Loại Child-Pugh A B C Hình thái học khối u 1 khôi u duy nhất và < 50% diện tích Nhiều khôi u Khối u lớn hoặc > 50% diện tích
Alfa-fetoprotein, ng/mL < 400 ³ 400 Huyết khối tĩnh mạch của Không có Có Theo drthuthuy Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=J5H4BFET4RE4W8807

Bài 11: Những điều cần biết về bệnh viêm gan B và ung thư gan
Tỉ lệ bị viêm gan B và C ở người Việt và châu Á rất cao. Viêm gan B là 16% và viêm gan C là 10%. Có thể còn cao hơn vì nhiều người không đi thử.

1. Tỉ lệ bị viêm gan B và C ở người Việt và châu Á rất cao. Viêm gan B là 16% và viêm gan C là 10%. Có thể còn cao hơn vì nhiều người không đi thử.
2. Đàn ông Việt Nam có tỉ lệ bị ung thư gan cao gấp 13 lần người Mỹ trắng (người gốc Đại Hàn gấp 8 lần và người gốc Hoa gấp 6 lần).
3. Nguyên nhân chính gây ra ung thư gan ở người Á châu là viêm gan B. Với viêm gan B, người có bệnh có thể bị ung thư gan khi gan chưa bị chai và ngay cả khi thử máu không thấy có dấu hiệu siêu vi B đang hoạt động.
4. Viêm gan B cũng gây ra cái chết vì chai gan hay viêm gan cấp tính.
5. Những người bị nhiễm viêm gan B khi còn thơ ấu hay lúc lọt lòng mẹ, có tỉ lệ bị ung thư gan rất cao, đến 40% và có thể ở tuổi trẻ.
6. Hiện thời có thuốc để chữa viêm gan B. Tuy nhiên hiệu quả chữa lành của các thuốc này còn thấp, chỉ dưới 20%. Do đó khoa học tiếp tục nghiên cứu nhiều thuốc mới đang được thí nghiệm.
7. Tiêm phòng viêm gan B nếu chưa bị mắc bệnh là cách tốt nhất để ngừa chứng hư gan vì siêu vi B và ung thư gan.
8. Các trẻ em sinh ở Mỹ trong vòng 20 năm qua đều đã được tiêm phòng viêm gan B. Ngoài ra trẻ em vào lớp 7 cũng phải được tiêm phòng siêu vi B. Tuy nhiên, còn rất nhiều trẻ em chưa được tiêm phòng.
9. Viêm gan C thường mạn tính và thường 20 - 30 năm sau mới gây ra bệnh nặng như chai gan, ung thư hay hư gan.
10. Người bị viêm gan C cũng dễ bị ung thư gan, nhưng thường thì phải bị chai gan trước khi trở thành ung thư gan.
11. Cũng có thuốc chữa bệnh viêm gan C, phải dùng cả thuốc uống và thuốc tiêm và cơ hội chữa bệnh khoảng 50%.
12. Chưa có thuốc tiêm phòng cho viêm gan C.
13. Cả viêm gan B và C đều truyền qua sự đụng chạm về máu như truyền máu, sử dụng kim tiêm, dùng dao cạo râu, bàn chải đánh răng... của người bệnh. Sự giao hợp nam nữ cũng có thể làm lây bệnh viêm gan B và C từ người này qua người khác. Truyền máu ở nước Mỹ rất an toàn trong vấn đề này vì tất cả máu đều đã được thử siêu vi viêm gan B, C và HIV.
14. Ăn cùng mâm cùng bát đũa không bị lây viêm gan B hay C, nhưng có thể làm lây viêm gan A là một loại viêm gan nhẹ và thường không gây những hậu quả tai hại về sau. Tuy nhiên, nếu bị lây bệnh này sau khi đã bị viêm gan B hay C thì gan có thể sẽ bị yếu đi gây thêm thương tích cho gan.
15. Uống rượu khi đã bị viêm gan B hay C có thể càng làm gan yếu hơn, gia tăng cơ hội bị chai gan hơn và gia tăng cơ hội bị ung thư gan hơn. Vì vậy, nếu muốn uống rượu, chỉ nên uống vừa phải nếu gan tốt và không bị nhiễm siêu vi B hoặc C hay một bệnh gan nào khác. Nếu bị bệnh gan, nhất là bị siêu vi B hay C, tuyệt đối không nên uống rượu. Nguyên nhân gây chai gan và ung thư gan nhiều nhất cho những người không bị siêu vi gan B hay C là do uống nhiều rượu.
Những điều nên làm để phòng ngừa
16. Mọi người nên thử máu để xem có bị viêm gan B hay C không? Ngoài ra cũng nên thử xem đã miễn nhiễm viêm gan A và B hay chưa? Xin hỏi bác sĩ để thử ngay nếu chưa thử bao giờ.
17. Nếu kết quả thử máu có Hepatitis B surface antigen HBsAg (dương tính) (positive), cần thử lại sáu tháng sau. Nếu vẫn dương tính, tức là đã bị viêm gan B.

18. Trong trường hợp viêm gan B cần theo dõi chức năng gan, lượng AFP (alpha-fetoprotein) trong máu mỗi sáu tháng, siêu âm gan mỗi một năm để truy tầm ung thư gan. Cũng nên gặp bác sĩ chuyên môn về gan để xem có cần chữa bệnh viêm gan B hay chưa?
19. Nếu không có HBsAg (âm tính), tức là chưa mắc bệnh, thì phải xem Hepatitis B surface antibody tức HbsAb xem có đủ cao hay không? Nếu trên 10, có nghĩa là đã được miễn nhiễm. Nếu âm tính hay thấp hơn 10, cần được tiêm phòng viêm gan B.

20. Với viêm gan C, nếu có Hepatitis C antibody tức HCV Ab dương tính, có thể đã bị viêm gan C, chứ không có nghĩa là đã được miễn nhiễm đâu. Nên gặp bác sĩ chuyên khoa gan ngay để thử nghiệm xem lượng vi khuẩn có cao không, chức năng gan còn tốt không và có phải chữa trị hay không?
21. Nếu đã bị chai gan vì bất cứ lí do nào, cần được theo dõi kĩ, được truy tầm ung thư gan với lượng AFP (alpha-fetoprotein) trong máu sáu tháng/ lần và siêu âm gan mỗi năm một lần dù cho không thấy có triệu chứng gì cả.
22. Nếu máu không có lượng kháng thể IGG hay Total Antibody của viêm gan A, thì chưa miễn nhiễm viêm gan A, nên nghĩ đến chuyện tiêm phòng, nhất là người đã bị viêm gan B hay C, để bảo vệ gan không bị hư hại thêm trong trường hợp nhiễm thêm viêm gan A. Cũng nên tiêm phòng nếu đi đến vùng có dịch.
23. Nên nhớ chưa có thuốc tiêm phòng viêm gan C. Do đó, nếu đã miễn nhiễm siêu vi A và B vẫn có thể bị nhiễm siêu vi C. Tránh những hành động có thể gây ra sự truyền nhiễm qua đường máu từ người này qua người khác như dùng kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu chung. Hãy dùng kim mới để tiêm, châm cứu, hay lễ giác, dùng đồng xu mới và riêng cho từng người để cạo gió.
24. Hãy sử dụng bao cao su khi giao hợp hay các biện pháp an toàn khác như tránh quan hệ tình dục với nhiều người.
25. Tránh uống rượu. Nếu đã bị viêm gan B hay C rồi thì tuyệt đối không uống rượu, bia.
nguoicaotuoi
Nguồn: http://ungthu.net.vn/?a=readmore&id=XGDGWI0ZXW1OY2M21

Bài 12: KỸ THUẬT MỚI ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ GAN KHÔNG CÓ CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT
Ung thư gan là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của toàn thế giới, đã có rất nhiều nổ lực để tìm ra những phương pháp điều trị sao cho đạt hiệu quả cao nhất nhưng cho đến nay tỷ lệ tử vong vẫn còn rất cao. Các kỹ thuật điều trị khối u như dùng vi sóng, tia laser hay như sóng cao tần để làm hoại tử và đông khối u qua trung gian nhiệt đã chứng tỏ có hiệu quả đối với cả ung thư gan nguyên phát và thứ phát. Sóng cao tần là các dao động điện từ có tần số cao 200 KHz – 1200 KHz và khoa nội tiêu hóa-gan mật, bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng phương pháp dùng nhiệt cao tần có đối lưu để điều trị các tổn thương ung thư gan không có chỉ định phẫu thuật hay bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật từ tháng 9/2004 – 12/2005 đã thực hiện được 50 ca với tỷ lệ sống sau 1 năm là 96% và không xảy ra tai biến.
Một số hình ảnh :
Tổ bác sĩ điều trị
Khối u gan thùy P
Hình ảnh kim dùng để đốt khối u bắt đầu đi vào khối u gan
Hình ảnh khối u gan đang được đốt bằng nhiệt cao tần
Nguồn: http://www.choray.org.vn/cnnoitieuhoa.asp

Bài 13: UNG THƯ GAN
Ung thư gan là một loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Tỷ lệ phát bệnh
cao ở vùng Châu Á và Châu Phi, tuổi trung niên và nam giới thường mắc bệnh cao hơn. Đặc điểm lâm sàng là vùng gan đau, gan to, cứng, bề mặt gồ ghề kèm theo sốt
vàng da, rối loạn tiêu hóa và xuất huyết.
Ung thư gan theo y học cổ truyền thuộc phạm trù chứng ‘Hoàng Đản’, ‘Cổ Trướng’, ‘Trưng Hà’, ‘Tích Tụ’...
Ung thư thường phân ra 3 thời kỳ:
- Kỳ I: Không có triệu chứng ung thư rõ rệt, biểu hiện sớm nhất là rối loạn tiêu hóa.
- Kỳ II: nặng hơn kỳ I nhưng chưa có triệu chứng đặc trưng.
- Kỳ III: cơ thể suy kiệt rõ, vàng da, bụng nước, có di căn. Thực tế lâm sàng, ung thư gan kỳ I và II rất ít được phát hiện và trên 90% là ung thư kỳ III vì thế bệnh kéo dài thường chỉ độ 3-4 tháng.
Triệu Chứng
1- Đau vùng gan: đau vùng hạ sườn phải, thường gặp vào thời kỳ giữa và cuối, đau tức hoặc như dao đâm. Thường trên nửa số bệnh nhân có đau vùng gan, đau xuyên lên vai phải và lưng.
2. Bung trên đầy tức, xuất hiện sớm, thường kèm theo những triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhưng ít được chú ý, đến lúc muộn thì đã có nước bụng và cổ trướng.
3. Chán ăn là triệu chứng sớm nhất của bệnh nhưng ít được chú ý và dần dần xuất hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy nặng lên đã là giai đoạn cuối.
4. Những triệu chứng khác như mệt mỏi, sút cân, sốt và xuất huyết là nhúng triệu chứng của thời kỳ cuối mà tiên lượng đã rất xấu.
5. Gan to (khối u vùng bụng trên) trên 90% số bệnh nhân đến khám là gan to, cứng, mặt gồ ghề hoặc ấn đau.
6. Lách to thường kèm theo và là kết quả của xơ gan.
7. Cổ trướng là triệu chứng của thời kỳ cuối, nước bụng thường màu vàng cỏ úa hoặc màu đỏ (có máu), thuốc lợi tiểu thường không có hiệu quả.
8. Hoàng đản (vàng da) do tắc mật và do tế bào hủy hoại nặng dần lên, mạch sao, thường xuất hiện vào thời kỳ cuối biểu hiện của xơ gan.
Chẩn Đoán Và Phân Biệt Chẩn Đoán
Các triệu chứng lâm sàng trên đây được quan sát và thăm khám đầy đủ giúp chẩn đoán bệnh được chính xác.
- Các phương tiện chẩn đoán hiện đại:
1- Siêu âm ký có giá trị chẩn đoán cao và không hại cho người bệnh.
2. Sinh thiết tế bào gan, soi ổ bụng, mổ bụng thăm dò là các phương pháp có thể thực hiện để xác định chẩn đoán.
3. Xét nghiệm máu: nồng độ phosphataza kiềm tăng.
4. Bản đồ rà gan bằng đồng vị phóng xạ.
5. CT (computed tomography).
Cần phân biệt chẩn đoán với:
a. Áp xe gan: đau nhiều, sốt cao, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao...
b. Xơ gan: thường gan không to nhiều hoặc nhỏ hơn...
c. Ung thư gan thứ phát do di căn: có các triệu chứng của các loại ung thư, cần hỏi kỹ tiền sử bệnh và khám kỹ để phân biệt.
Điều Trị
Phẫu trị là phương pháp tốt nhất hiện nay đối với ung thư gan nhưng cắt bỏ phần gan bêïnh lý phải là tổn thương còn khu trú, chưa có di căn. Cho nên trên thực tế những trường hợp ung thư gan có chỉ định phẫu thuật tốt rất hiếm, tỷ lệ tái phát rất cao. Đối với xạ trị thì các tổn thương bệnh lý của ung thư ít nhạy cảm với tia và độ chịu đựng tia của gan thấp. Hóa trị cũng chỉ cho kết quả rất tạm thời, cho nên ở Trung Quốc, trên 90% bệnh nhân dùng Đông y hoặc Đông Tây y kết hợp.
Đíều trị ung thư gan bằng Đông y có thể chia làm 2 loại: biện chứng luận trị và dùng bài thuốc kinh nghiệm.
Có thể căn cứ theo các thời kỳ ung thư để có phương pháp biện chứng luận trị như sau:
1-Đối với ung thư gan kỳ l: Phẫu trị là chủ yếu, kết hợp dùng thuốc Đông y điều trị triệu chứng và ngăn chận tế bào ung thư phát triển. Có thể dùng bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn gia giảm.
2. Đối với ung thư kỳ II: Bệnh phát triển nhanh, phản ứng của cơ thể mạnh như gan to, cứng, nôn, tiêu chảy, sốt, ra mồ hôi... do can khí trệ, huyết ứ, can vị bất hòa.
Điều trị: Sơ can, lý khí, hoạt huyết, hóa ứ kiêm dưỡng âm, thanh nhiệt. Dùng bài Sài Hồ Sơ Can Tán gia giảm: Sài hồ 12g, Đương quy 20g, Bạch thược 20g, Chỉ xác 8g, Sinh địa 16g, Xuyên khung 8g, Hương phụ 8- 12g, Mẫu lệ 20g, Si nh Cam thảo 6g.
- Gia giảm: Sườn đau tức nhiều: thêm Đan sâm, Tam lăng, Nga truật, Địa miết trùng để hoạt huyết, hóa ứ. Bụng đầy, táo bón, rêu vàng, mạch Hoạt thêm: Sinh đại hoàng 6g, Chỉ thực, Hậu phác. Nhiệt độc thịnh, (sốt, miệng đắng, ra mồ hôi, bứt rứt, tiểu đỏ, mạch Huyền Sác thêm Đơn bì, Chi tử, Long đởm thảo, Thanh đại. Khí trệ nặng (ngực sườn tức đau, đầy, rêu trắng, mạch Huyền) thêm Uất kim, Diên hồ sách, Thanh bì Trần bì, Mộc hương. Âm hư thêm Nữ trinh tử, Câu kỷ tử, Địa cốt bì...
3. Đối với ung thư kỳ III: Cơ thể suy kiệt, gầy ốm, vàng da, cổ trướng, xuất huyết... Khí huyết đều suy tán thì khó trị.
Điều trị: Phù chính, khu tà, bổ khí âm kiêm hoạt huyết, chỉ huyết. Dùng bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn gia vị: Nhân sâm (sắc riêng) 8- 10g, Sinh hoàng kỳ 20g, Thục địa 16g, Sơn thù 10g, Hoài sơn 12g, Phục linh 12g, Đơn bì 12g, Trạch tả 12g, Sinh mẫu lệ 20g, Miết giáp 16g, Trần bì.
- Gia giảùm: Trường hợp âm hư nội nhiệt: Nhiêït thương huyết lạc gây huyết chứng như sốt thấp, người nóng âm ỉ, tiêu đỏ, nôn ra máu, tiêu có máu, lưỡi đỏ thẫm không rêu, mạch Hư, Tế, Sác, thêm Thanh hao, Quy bản, Miết giáp, Bạch mao căn, Trắc bá diệp (đốt thành than). Trường hợp nhiệt độc thịnh (miệng lưỡi loét, miệng đắng, lưỡi khô, kết mạc mắt xung huyết, răng, lợi, mũi chảy máu, lưỡi đỏ, rêu vàng, nhớt, mạch
Huyền Hoạt Sác) thêm Long đởm thảo, Sơn chi, Hoàng cầm, Sinh địa, Xa tiền tử. Nếu nôn, buồn nôn, chất lưỡi đỏ, sạm đen, ít rêu, khô, mạch Tế Sác, thêm Trúc nhự, Bán hạ, Tuyền phúc hoa, Đại giả thạch. Lý nhiệt uất kết sinh vàng da, chất lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng nhớt, mạch Nhu, Sác thêm Nhân trần, Kim tiền thảo. Trường hợp bụng căng, nhiều nước, thêm Trư linh, Xa tiền tử, Thương lục. Tỳ dương hư yếu gây ra tiêu chảy, thân lưỡi bệu, rêu mỏng, nhớt, mạch Trầm Trì thêm Bào can khương, Thảo khấu, sao Bạch truật, Ý dĩ nhân. Thận dương hư suy, cơ thể và chân tay lạnh, mạch Trầm Trì thêm Phụ tử, Quế nhục...
MỘT SỐ BÀI THUỐC KINH NGHIỆM
Kiện Tỳ Lý Khí Hợp Tễ (Bệnh Viện Ung Thư Thuộc Y Học Viện Thượng Hải): Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Bát nguyệt trác.
Kết quả lâm sàng: Điều trị 48 ca ung thư gan, bệnh nhân sống trên 1 năm và 5 năm có 21 và 8 (Tổ đối chiếu sống trên 1 năm chỉ 2 ca và không có ca nào sống trên 5 năm).
Ích Khí Bổ Thận Phương (Sở Nghiên Cứu Trung Y Dược Triết Giang): Tây sâm (sống), Hoàng kỳ (chích), Câu kỷ tử, Hà thủ ô, Nữ trinh tử, Cẩu cốt diệp, Chỉ thực tử, Nhục thung dung, Đỗ trọng, sao Bạch truật, Chích thảo. Bài thuốc có tác dung nâng cao tính miễn dịch.
Thăng Huyết Điều Nguyên Phương [Trung Sơn Y Học Viện]: Bắc hoàng kỳ, Đảng sâm, Kê huyết đằng, Hà thủ ô, Cốt toái bổ, Mạch nha, Nữ trinh tử, Phật thủ Có tác dụng nâng cao bạch cầu thấp do hóa trị, tỷ lệ kết quả 8 l,2%.
Can Ích Tiễn (Bệnh Viện Ung Thư Thuộc Trung Y Học Viện Thượng Hải): Hạ khô thảo, Hải tảo, Hải đới, Thiết trúc diệp, Bạch hoa xà thiệt thảo, Lậu lô, Thạch kiến xuyên, Long quý, Độc dương tuyền, Điền kê hoàng, Bình địa mộc, Tam lăng, Nga truật, Lưu hành tử, Xích thược, Đào nhân, Bát nguyệt trác, Uất kim, Đương qui, Đơn sâm, Xuyên luyện tử, Mộc hương, Hương phụ, Nhân trần, Xa tiền tử, Bạch thược, Đảng sâm, Bạch truật, Ý dĩ nhân, chích Miết giáp, Cam thảo chế thành cao lỏng, mỗi chai 500ml, mỗi lần uống 10-20ml.
Tiêu Tích Nhuyễn Kiên Phương: Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo, Thiền trúc diệp, Tam lăng, Nga truật, Địa miết trùng, Đảng sâm, Đương qui, Bạch thược, Bạch truật, Chỉ thực, Ý dĩ nhân.
Bài thuốc dân gian Triết giang: Miêu nhân sâm, Song hoa, Tử kim ngưu, Khổ sâm, Hoạt huyết long, Bạch chỉ, Long đảm thảo, Tạo giác thích, sắc uống.
Bài thuốc trị ung thư gan của Thượng Hải: Bán chi liên, Sinh ngọa lăng, Thạch yến, Lậu lô, Ý dĩ, Đương quy, Đơn sâm, Hồng Hoa, Bát nguyệt trác, Trần bì, Bạch thược, sắc uống.
Bột ung thư gan: Sinh nga truật, Tam lăng, Thủy điệt, Ngọa lăng tử, Tô mộc, Hồng hoa, Diên hồ sách, Hương phụ, Mộc hương, Trần bì, Bán hạ, Hậu phác, Chỉ thực, Mộc thông, Sa nhân, Đại hoàng. Tán bột mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần, 3-6 tháng là 1 liệu trình.
Sài Hồ Tàm Hưu Thang (Bệnh Viện Trung Y Triết Giang): Sao Sài hồ 10g, Phục linh, Xích, Bạch thược, Thuyên thảo, Đương qui, Uất kim, Chế hương phụ, Cam thảo đều 10g, Tàm hưu, Hoàng cầm, Nga truật đều 15g, Toàn qua lâu, sinh Miết giáp, Hổ trượng đều 20g.
Biện chứng gia giảm: Thấp nhiệt thêm Nhân trần, Xa tiền thảo, Bán chi liên đều 15-30g. Suy nhược, tiếng nói nhỏ, miệng khô thêm Hài nhi sâm, Thạch hộc tươi, Mạch môn đều 15g, Huyền sâm 10g.
- Kết quả lâm sàng: Trị 19 ca ung thư gan, sau điều trị, ngày sống bình quân 523, 5 ngày, ngắn nhất là 130 ngày, sống lâu nhất là 6 năm 4 tháng. Sống 1-2 năm là 5 ca, sống 2-4 năm là 2 ca, sống 4-5 năm một ca, 5 năm trở lên 2 ca.
Lý Khí Tiêu Trưng Thang: (Lưu Gia Tường, Học Viện Trung Y Thượng Hải): Bát nguyệt trác 15g, Kim linh tử 9g, Đơn sâm 12g, Lậu lô 15g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, Hồng đằng 15g, sinh Mẫu lệ 30g, Bán chi liên 30g, sắc uống.
Gia giảm: Can khí uất thêm Sài hồ, Đương qui, Bạch thược, Chế hương phụ, Uất kim, Chỉ thực, Sơn tra, Kê nội kim; Khí huyết ứ trệ thêm Sài hồ, Đương qui, Xích thược, Nga truật, Tam lăng, Đào nhân, Địa miết trùng, Diên hồ, Can thiềm bì, Uất kim, Thạch kiến xuyên, Miết giáp, Đại hoàng. Tỳ hư thấp: ngực bụng đầy, vùng bụng đau lâm râm, thêm Ý dĩ, Trần bì, Bán hạ, Đại phúc bì, Thạch quỳ, Quảng Mộc hương, Bổ cốt chi, Xa tiền tử... Can thận âm hư thêm Bắc sa sâm, Thiên đông, Sinh địa, Quy bản, Sinh miết giáp, Uất kim, Xích thược, Đơn bì . Can đởm thấp nhiệt thêm Uất kim, Nhân trần, Chi tử, Hoàng bá, Xích thược, Sinh dĩ nhân, Hoàng cầm, Kim tiền thảo, sinh Đại hoàng.
- Kết quả lâm sàng: Trị 102 ca, sống trên l năm 31 ca (30,3%), 2 năm 14 ca (13,7%), trên 3 năm 6 ca (5,9%), 5 năm trở lên 5 ca.
Hóa Ứ Giải Độc Thang (Trương Khắc Bình): Tam lăng, Nga truật, Xích thược. Huyền hồ, Tử thảo căn, Trư linh đều 15g, Miết giáp, Đương quy, Đơn sâm đều 12g, Xuyên khung, Đại hoàng đều 9g, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bán chi liên, Bồ công anh đều 30g, sắc uống.
Kết quả lâm sàng trị 7 ca kết quả sống bình quân 443 ngày so với tổ dùng thuốc tây chỉ sống 95 ngày.
Kháng Nham Ích Can Thang (Lâm Tông Quảng, Bệnh Viện Số 2 Cục Công Nghiệp Dệït Thượng Hải): Tam lăng, Nga truật, thủy Hồng hoa tử, Quảng uất kim, Bát nguyệt trác đều 10g, Đơn sâm, Thạch kiến xuyên đều 15g, Sinh mẫu lệ 30g, sắc uống.
Biện chứng gia giảm: Can đởm thấp nhiệt thêm Nhân trần, Hoàng cầm, Khổ sâm đều 15g, Bạch hoa xà thiệt thảo, Thất diệp nhất chi hoa đều 30g. Can khí uất thêm Sài hồ, Chỉ xác, Hậu phác đều 10 - 12g. Tỳ khí hư thêm Đảng sâm, Bạch truật, chích Hoàng
Kỳ, Quảng bì đều 10g. Can vị âm hư thêm Bắc sa sâm, Sinh đia, Thạch hộc, sinh Sơn tra đều 10g.
Kết quả lâm sàng: Trị 25 ca ung thư gan, kết quả sống ngắn nhất 3 tuần, dài nhất 4 năm l tháng, trong đó sống dướùi 1 năm 10 ca, 1 năm 5 ca, 2-3 năm 6 ca, 3 - 4 năm 2 ca, trên 4 năm 2 ca, sống trong 1 năm có tỷ lệ 60% và trên 30 năm chiếm tỷ lệ 16%.
Hồng Đào Uất Kim Thang (Từ Bảo Hoa): Đương qui, Sinh địa, Đào nhân, Xích thược, Ngưu tất, Xuyên khung, Hồng hoa, Chỉ xác, Sài hồ đều 9g, Cát cánh, Cam thảo đều 3g, Uất kim, Đơn sâm đều 15g, sắc uống.
- Biện chứng gia giảm: ngực tức, sườn đau, mệt mỏi, ăn kém, tiêu lỏng, thêm Mộc hương, Sa nhân, Trần bì, Cam thảo đều 9g, Đảng sâm, Bạch truật, Bán hạ, Bạch linh đều 9g, Tiêu Sơn tra, tiêu Lục khúc, Mễ nhân đều 15g. Miệng khô, vùng gan đau âm ỉ, lưỡi đỏ thêm Bắc sa sâm, Mạch đông, Xuyên luyện tử đều 9g, Sinh địa, Kỷ tử đều 19g.
- Kết quả lâm sàng: Trị 29 ca, sống trên 1 năm 22 ca, (75, 8%), sống trên 3 năm 8 ca (27, 59%), trên 5 năm 2 ca (6,9%).
Tiêu tích Nhuyễn Kiên Thang (Đường Thìn Long, Trường Đại học y khoa Thượng Hải): Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo, Thiết trúc diệp, Đảng sâm đều 15g, Tam lăng, Nga truật, Địa miết trùng, Chích miết giáp, Đương quy, Bạch thược đều 9g. Bạch truật 12g, Chỉ thực 6g, Ý dĩ nhân 30g, sắc uống.
Kết quả lâm sàng: Có so sánh 2 tổ nghiên cứu: 1 tổ dùng đơn thuần thuốc bắc, 1 tổ dùng kết hợp hóa liệu. Kết quả: tổ dùng đơn thuần, tỷ lệ bệnh nhân sống l năm và 2 năm là 30, 8% và 16, 7%, sống lâu nhất là 8 năm 10 tháng. Tổ có kết hợp hóa liệu tỷ lệ sống trong 1-2 năm là 11,60%. Có 6,3% ca sống lâu nhất là 8 năm 5 tháng.
Nguồn: http://www.yhoccotruyen.htmedsoft.com/benhhoc/htmdocs/Benh_VanU/UngThuGan.htm


Bài 14: ÐIỀU TRỊ UNG THƯ GAN NGUYÊN PHÁT TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ
LÊ LỘC, PHẠM NHƯ HIỆP, ÐẶNG NGỌC HÙNG
Khoa ngoại Tiêu hóa-Gan mật
I. ÐẶT VẤN ÐỀ
Ung thư tế bào gan là một bệnh lý ác tính, hàng năm, trên thế giới có khoảng 1,25 triệu người chết vì bệnh này. Ðây là một loại ung thư gan nguyên phát thường gặp nhất ở người trưởng thành, tỷ lệ của nó thay đổi tuỳ theo địa dư, vùng gặp nhiều nhất là ở nam Phi, nam Á, Nhật bản, sau đó thấp dần ở Bắc Mỹ, Châu Âu... Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm thay đổi từ 13,5/100000 dân ở Swaziland đến 143,8 ở Mozambique. Trong khi các vùng khác trên thế giới thì tỷ lệ này lại tương đối thấp [3,4,8].
Tại Việt nam, ung thư gan nguyên phát cũng là một loại bệnh lý thường gặp, nó gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau ung thư dạ dày. Ðây là một bệnh lý ác tính, gây tử vong cao và tiên lượng sau mổ rất thấp, nhất là khi chúng ta chưa có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại trang bị xuống tận cơ sở. Mặt khác do ung thư gan là một bệnh lý phát hiện muộn, khi đã có triệu chứng thì khối u đã lớn, thương tổn đã lan rộng, việc cắt bỏ càng trở nên khó khăn, trong khi các biện pháp điều trị ung thư gan khác vẫn còn thiếu điều kiện để phát triển [1,2,8].
Tại TT - Huế cũng như một số tỉnh miền trung, di chứng của chất độc màu da cam trong chiến tranh còn khá nặng nề, tình trạng viêm gan do virus nhóm B, C khá cao do vậy tần suất ung thư gan cũng khá phổ biến, và là nguyên nhân gây tử vong cho một số lớn bệnh nhân. Do đó việc đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý, các phương pháp chẩn đoán sớm, chiến thuật điều trị đúng,... vẫn còn là một yêu cầu cần thiết để góp phần làm giảm tỷ lệ biến chứng vỡ khối U và tăng tỷ lệ phẩu thuật cắt bỏ được U gan đúng qui cách nhằm cải thiện thời gian sống sau mổ dài hơn.
Ðề tài được thực hiện nhằm mục đích :
1. Tìm hiểu tình hình dịch tễ của ung thư gan nguyên phát
2. Ðánh giá kết quả điều trị sớm cắt gan do ung thư tại bệnh viện Trung Ương Huế
II. ÐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Ðối tượng nghiên cứu :
Gồm 326 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Trung Ương Huế với chẩn đoán ung thư gan nguyên phát (từ 1.1995-10.2000). Trong đó có 108 bệnh nhân được điều trị phẫu thuật, 218 bệnh nhân được điều trị nội khoa do không còn chỉ định phẫu thuật (204) hoặc không đồng ý mổ (14 bệnh nhân).
2. Phương pháp nghiên cứu :
2.1. Nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ học :
- Ðịa chỉ : nông thôn, miền núi, vùng có chiến tranh cũ, thành phố,...
- Các đặc điểm chung : tuổi, giới, nghề nghiệp,...
2.2. Ðặc điểm lâm sàng :
- Ðau vùng gan
- Khối u gan
- Báng
- Vàng mắt, vàng da
- Tuần hoàn bàng hệ
2.3. Cận lâm sàng :
- Nhóm máu, CTM, VSS,...
- HbsAg, anti HCV,..
- ( Fétoprotein
2.4. Chẩn đoán hình ảnh : xác định vị trí, kích thước, số lượng,... của thương tổn, so sánh SA - CT - LS
- Siêu âm
- CT- Scanner
2.5. Ðiều trị :
- Chỉ định phẫu thuật cắt gan :
+ Khối u khu trú, hoặc thương tổn ở thuỳ gan
+ Phần nhu mô gan còn lại sau cắt bỏ không có tổn thương u xâm lấn và không bị xơ hoá nặng
+ Không có hạch di căn
+ Thể trạng bệnh nhân còn tương đối tốt
- Xác định thương tổn trong mổ : tính chất, vị trí, kích thước, số lượng, độ xâm lấn, tăng sinh mạch máu, ...
- Thắt động mạch gan, tiêm alcol,...trong trường hợp không có chỉ định cắt gan
2.6. Theo dõi sau mổ : 6 tháng- 1năm- 2 năm
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU :
1. Ðặc điểm chung :
Bảng 1 : Thời gian điều trị của bệnh nhân
Thời gian Số BN không mổ Số bệnh nhân mổ n
N % n %
1995 35 10,7 8 2,5 43
1996 34 10,4 9 2,8 43
1997 38 11,7 12 3,7 50
1998 45 13,8 16 4,9 61
1999 42 12,9 22 6,7 64
2000(1-10) 24 7,4 41 12,5 65
Tổng số 218 66,9 108 33,1 326
Số lượng ung thư gan được điều trị tại BVTW Huế tăng trong những năm gần đây.
Bảng 2 : Phân bố vùng dịch tễ
Phương pháp ÐT Nông thôn Miền núi* Thành phố
Phẫu thuật 59 13 36
Không phẫu thuật 114 65 39
* Miền núi nằm ở vùng chiến tranh, phần lớn đều bị rải chất độc màu da cam.
Vùng nông thôn và miền núi có tỷ lệ ung thư không được phẫu thuật cao hơn nhiều so với thành thị.
Phân bố bệnh nhân ở các tỉnh : Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên-Huế, Quảng nam, Ðà nẵng, Quảng ngãi, Tây nguyên.
Bảng 3 : Giới tính
Giới Nhóm PT Nhóm không PT Tổng số
Nam 84 178 262
Nữ 24 40 64
Tổng số 108 218 326
2. Ðặc điểm lâm sàng :
Bảng 4 : Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng Ðau Gan lớn Báng Vàng da TH bàng hệ
Nhóm PT 74* 85 25 28 1
Nhóm không PT 203 209 79 56 15
Triệu chứng đau và gan lớn chiếm tỷ lệ cao ở nhóm không có chỉ định phẫu thuật. Các triệu chứng biểu thị mức độ của BN xuất hiện nhiều ở nhóm không phẫu thuật.
* : Có 15 bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu do ung thư gan vỡ.
3. Ðặc điểm cận lâm sàng :
Bảng 5 : Kháng nguyên Úc
HbsAg (+) AnHCV (+)
Nhóm PT 54/72 7/72
Nhóm không PT 63/97 11/97
Có 117/169 (69,2) có nhiễm virus viêm gan B, và 18/169 (10,7%) nhiễm virus viêm gan C .
Bảng 6 : ( Fétoprotein
(+/-) 0-300ng/l >300ng/l
Nhóm PT 10/8 26 54
Nhóm không PT 33/46 19/112 93/112
Ở nhóm không PT, số BN được làm định tính khá lớn, đây là thời điểm trước năm 1997 lúc đó chúng tôi chưa sử dụng phương pháp định lượng. Trong nhóm PT, có 18 BN được làm với phương pháp định tính, 55 bệnh nhân được thực hiện bằng định lượng. Sau PT cắt bỏ u gan (n=82), phần lớn BN có ( Fétoprotein cao đều giảm xuống.
Bảng 7 : Men gan
<20 g/l 20-30 g/l 30-40 g/l >40 g/l
Nhóm PT 20 28 21 36
Nhóm không PT 32 39 45 53

Biểu đồ 1 : men gan của nhóm PT cắt gan ở thời điểm từ trước đến tuần thứ 3 sau mổ ở nhóm PT (trị trung bình) , n=82.
Phần lớn men gan trước mổ tăng ở cả 2 nhóm bệnh nhân. Ở nhóm PT, sau mổ, men gan giảm chậm ở tuần thứ 2.
4. Chẩn đoán hình ảnh :
Bảng 8 : Hình ảnh siêu âm
Kích thước khối u < 5 cm 5-10 cm >10 cm Tổng số
Nhóm PT 29 53 26 108
Nhóm không PT* 10 78 130 218
Thương tổn ở nhóm không có chỉ định PT nặng nề hơn, trong đó ở gan P : 135 trường hợp, T : 63, P&T : 10, giữa : 8
* 12 BN có từ 2 khối u trở lên
- Có 12 BN ở nhóm không PT có kích thước khối u <10cm, nhưng không đồng ý PT dù có chỉ định - 58 BN có huyết khối tĩnh mạch cửa Bảng 9 : Hình ảnh Scanner Kích thước khối u <5 cm 5-10 cm >10 cm Tổng säú
Nhóm PT 19 34 12 65
Nhóm không PT 6* 12 37 53
* : Có nhiều khối u nhỏ rải rác khắp cả gan P & T.
Bảng 10 : Giải phẫu bệnh (nhóm được PT cắt gan) :
Nguyên nhân N (33) %
HCC 32 96,7
Gan fibrose 30 90,9
Không rõ 1 3,3
5. Ðiều trị :
Bảng 11 : Phương pháp điều trị phẫu thuật
Thắt ÐM gan+ Cắt gan
Ðơn thuần Tiêm alcol P T Giữa (IV) Hạ PT
21 5 37 27 4 14*
+ : 4 BN ở gan T có lấn sang P, 2 ở HPT IV, 20 ở gan P đều đã quá chỉ định cắt gan
* : 4 ở gan T và 10 ở gan P, có 5 trường hợp kèm theo tiêm alcol.
Phân bố thương tổn của U : Gan P : 67, T : 35, G : 6
Bảng 12 : Tai biến và biến chứng
Tử vong Tai biến và biến chứng
Trong mổ Hậu phẫu Chảy máu Hôn mê gan
4 1 1 1
Tử vong trong mổ chủ yếu do mất máu không kiểm soát được, những trường hợp này là do khối u đã quá lớn, xâm lấn vào các cuống mạch. Có 1 trường hợp khả năng do xoắn TM dưới sau cắt gan P.
1 trường hợp hôn mê gan sau cắt, bệnh nhân xin về.
Bảng 13 : Theo dõi ở những bệnh nhân được PT
Nhóm bệnh TS BN được TD Chết <6 tháng Chết <1 năm Chết <2 năm Cắt gan 32 7 11 8 Thắt ÐM gan 12/26 4 7 1 Trong nhóm PT cắt gan có 14 BN sống trên 1 năm, trong đó có 6 bệnh nhân sống trên 2 năm ( có 4 BN sống từ 4 - 5 năm). Ở nhóm thắt ÐM gan chỉ có 1 BN sống trên 1 năm, số còn lại đều tử vong trong năm đầu. IV. BÀN LUẬN Trong hơn 5 năm, chúng tôi có trên 300 trường hợp vào điều trị ung thư gan tại BVTW Huế, tỉ lệ nam/nữ khá cao (262/64). Tỉ lệ bệnh nhân vào viện với chẩn đoán ung thư gan không còn chỉ định phẫu thuật (67%) gặp khá cao ở nhóm dân cư vùng nông thôn và miền núi B.2, đây là vấn đề còn tồn tại tại cơ sở điều trị của chúng tôi, cũng như ở nhiều nơi trong toàn quốc. Một phần là do sự hiểu biết còn hạn chế của người dân, một phần là do đặc điểm của bệnh lý ung thư gan khi đã có triệu chứng thì thường quá muộn, bệnh đã vượt qua giai đoạn phẫu thuật, điều này xảy ra không chỉ tại Việt nam mà còn gặp ngay ở các nước phát triển [4,11,12,13], mặt khác còn do chúng ta không có các phương tiện chẩn đoán và phát hiện sớm ở ngay tuyến cơ sở nên việc phát hiện sớm ung thư gan lại càng trở nên khó khăn. Ngay việc phát hiện các triệu chứng lâm sàng trên bệnh nhân vẫn còn phải xem xét, bệnh nhân khi vào viện phần lớn là do đau, gan lớn, vàng da,... có khi bệnh nhân còn vào viện trong tình trạng cấp cứu do ung thư gan vỡ. "chúng ta phát hiện những BN mà ngay cả ở nhóm mổ cũng chưa nói lên được là chúng ta chẩn đoán sớm, mà có thể là nhờ triệu chứng lâm sàng bộc lộ rõ hơn mà thôi", Cherqui D. [7]. Ðây cũng là một vấn đề nan giải cho chiến lược điều trị ung thư gan tại Việt nam. Khi đã có nghi ngờ, chúng tôi đã tập trung làm các xét nghiệm về sinh hoá và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Trong giai đoạn trước năm 1998, khi chưa có CT-Scanner, chúng tôi chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật dựa trên xét nghiệm AFP và siêu âm gan mật, trong thời gian này, số lượng phẫu thuật chưa nhiều, cũng như đánh giá trong mổ còn gặp nhiều khó khăn. Ðến giai đoạn sau từ năm 1998, khi đã có CT-scanner, việc chẩn đoán và chỉ định trở nên tương đối dễ dàng và được chuẩn hoá, chúng tôi đã có khả năng tiến hành các phẫu thuật lớn và tương đối khó như cắt gan P, T mở rộng; cắt gan trung tâm HPT IV,... các phẫu thuật này ngày càng trở nên thường qui tại Khoa phẩu thuật tiêu hóa gan mật BV TW Huế (Bảng 11). Số lượng phẫu thuật : của chúng tôi tương đối ít (trên 33 %) so với các trung tâm khác một phần là do bệnh nhân vào viện quá muộn nên không còn chỉ định điều trị, hoặc do bệnh nhân từ chối phẫu thuật. Một số bệnh nhân phải mổ cấp cứu do biến chứng vở khối U mất máu nặng nên không PT được triệt để như cắt gan, mà chỉ làm các PT tạm thời. Mặt khác chúng tôi vẫn còn chưa triển khai được các biện pháp điều trị hỗ trợ ung thư gan khác [11,13] nên số bệnh nhân không được điều trị được vẫn còn cao. Chẩn đoán ung thư gan nguyên phát : đối với những bệnh nhân được phẫu thuật hoặc sinh thiết, vấn đề chẩn đoán ung thư gan nguyên phát tương đối dễ thực hiện. Tuy nhiên trong nhóm bệnh nhân được điều trị nội khoa, số lượng bệnh nhân được sinh thiết trên nhóm này của chúng tôi rất ít, do đó việc chẩn đoán chúng tôi căn cứ trên lâm sàng, AFP và chẩn đoán hình ảnh để xác định đặc điểm của khối u. Ðồng thời chúng tôi còn kết hợp thăm khám hỗ trợ để phát hiện các loại ung thư ở các cơ quan khác di căn tới. Ðối với các khối u lớn thường gặp ở nhóm này (Bảng 8), tính chất của nó khá rõ ràng, kèm thêm các triệu chứng lâm sàng nghĩ nhiều tới khối u nguyên phát. Còn các khối u nhỏ, nằm ở nhiều HPT của gan, chúng tôi gặp trên 12 BN (Bảng 8), đây là một vấn đề còn bàn cãi của chẩn đoán là có phải ung thư nguyên phát hay không. Theo Kunstlinger [10], trong những trường hợp như vậy thì phải xem xét có ung thư đại trực tràng, tuỵ, dạ dày, hay không, vì đây là những loại ung thư đường tiêu hoá thường di căn đến gan nhất. Việc đánh giá sau mổ cũng khá cần thiết, ở đây, chúng tôi căn cứ trên men gan và siêu âm, chỉ số men gan sau mổ cho thấy giảm trị trung bình ở tuần thứ 2,3 sau cắt gan. Tuy nhiên, việc giảm men gan xảy ra từ từ và không có đột biến, có thể là do ung thư tiến triển trong 1 thời gian dài, cũng như thương tổn của gan sau cắt thường phục hồi chậm và kéo dài, các tác giả khác cũng có nhận định tương tự [3,4,8]. Việc xác định AFP của chúng tôi sau mổ trước đây chưa có tính hệ thống, do trước năm 1998 chúng tôi chỉ đánh giá AFP bằng định tính. Gần đây, chúng tôi đã định lượng được AFP trước và sau mổ, đối với nhóm được phẫu thuật cắt gan, thì sự giảm xuống của AFP khá rõ sau mổ, tuy nhiên chúng tôi không có điều kiện theo dõi AFP của bệnh nhân lâu dài nên không xác định được là khi nào thì AFP trở lại bình thường cũng như là khi nào thì AFP tăng trở lại (biểu hiện của sự tái phát của ung thư). Cherqui D. [7] cũng có các nhận xét tương tự. Tử vong trong mổ và hậu phẫu ở nghiên cứu của chúng tôi là 5, chủ yếu là do mất máu nhiều mà không có đủ máu bù lại gây rối loạn đông máu nặng, nguyên nhân là do khối u quá lớn, hoặc thương tổn phức tạp. Chúng tôi không phát hiện được trường hợp nào tử vong do tắc mạch do khí hoặc do các huyết khối tĩnh mạch di chuyển như một số tác giả khác [1,2,3,4,5]. Có một trường hợp chúng tôi nghi ngờ khả năng tử vong sau cắt gan P do xoắn TM chủ, do thể tích của gan P đã bị lấy đi, tạo nên khoang trống, phần gan T còn lại có thể lật sang P, gây xoắn tĩnh mạch chủ dưới. Ðây là một tai biến có thể đề phòng, sau khi cắt gan, PTV cần đặt vào khoảng trống một đoạn mạc nối đủ lớn hoặc cố định phần gan còn lại để chúng khỏi lật sang P, Belghiti J. [5], Panis Y.[7] và Hannou L.[9] cũng có những nhận xét tương tự. Chúng tôi theo dõi được 44 bệnh nhân sau mổ, chỉ có 1/12 bệnh nhân ở nhóm không cắt gan sống trên 1 năm, 14/32 bệnh nhân ở nhóm cắt gan sống trên 1 năm (43,8 %), 6/32 sống trên 2 năm (18,6 %), đặc biệt có 4 BN (12,5%) sống từ 4 -5 năm sau cắt gan lớn. Nhìn chung thì tỷ lệ này hơi thấp hơn so với một số tác giả khác, nhưng có thể chấp nhận được nhất là trong điều kiện bệnh đã tiến triển với khối u gan lớn, phần nhu mô gan còn lại đa số bị fibrose. KẾT LUẬN Qua nghiên cứu trên 326 bệnh nhân ung thư gan được điều trị tại BVTW Huế trong thời gian gần 5 năm, chúng tôi nhận thấy : 1. Số bệnh nhân ung thư gan có tỷ lệ nam/nữ khoảng 4/1. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B là 69,2%, C là 10,7%. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu khiến bệnh nhân vào viện là đau bụng, gan lớn. Ða số bệnh nhân được phát hiện là tình cờ, chủ yếu nhờ vào siêu âm bụng tổng quát, hoặc vào viện trong tình trạng cấp cứu. 2. Các xét nghiệm huyết học và siêu âm có một vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư gan, nhất là khi chưa có CT-scaner. CT-scaner là một xét nghiệm có ý nghĩa quyết định trong việc chẩn đoán cũng như chỉ định phẫu thuật ung thư gan. Việc đánh giá men gan, AFP, có một vai trò quan trọng trong việc theo dõi sau mổ ung thư gan 3. Có 82 bệnhnhân được phẫu thuật cắt gan, trong đó cắt gan P là 37, T là 27, PT giữa là 4, HPT 14. Tỷ lệ ung thư gan nguyên phát trên giải phẫu bệnh là 96,7%. Trong khi cắt gan HPT là phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện, thì cắt gan P, cắt P & T mở rộng, và nhất là cắt gan HPT IV (cắt gan trung tâm) là những phẫu thuật nặng nề, có nguy cơ tử vong và biến chứng trong mổ cao, cần được chuẩn bị tốt về nhiều mặt. 4. Tỷ lệ bệnh nhân vượt quá chỉ định phẫu thuật còn khá cao (67%), do đó đòi hỏi phải triển khai gấp rút một số biện pháp điều trị hỗ trợ tại chỗ ung thư gan nguyên phát tại BVTW Huế, để góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong của bệnh lý này. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. Tôn Thất Tùng. Một số công trình nghiên cứu khoa học. NXB Y học, Hà nội, 1984 2. Tôn Thất Tùng. Cắt gan. NXB khoa học kỹ thuật, Hà nội, 1971 Nguồn http://www.angelfire.com/electronic/vietme/nckhcu/nc0401_22_DTUngThuGan.HTM

Bài 15: Dao lạnh- Phương pháp mới điều trị ung thư
Chỉ bằng những chiếc kim nhỏ lại có thể thay đổi “Bản án tử hình” của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Được biết, Dao lạnh là phương pháp ra đời từ ứng dụng của những kỹ thuật trong ngành tên lửa, điều trị bằng kỹ thuật đông lạnh đã góp thêm một phương pháp mới cho ngành điều trị ung thư bằng phương pháp xâm lấn nhỏ, đem lại thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
“Dao lạnh” thực chất là sử dụng khí lạnh và nóng tuần hoàn để điều trị ung thư, khi khí Argon được phóng cấp tốc ra đầu kim, chỉ cần trong vài giây đã có thể giảm nhiệt độ của tổ chức bệnh xuống còn âm 120oC – 165oC; tiếp sau đó, khí Hellium lại được phóng ra đầu kim, nhanh chóng gia tăng nhiệt làm tan quả cầu băng vừa được hình thành, tiêu trừ khối u. Thời gian, tốc độ tăng giảm nhiệt độ, kích thước của quả cầu băng được hình thành đều có thể điều chỉnh cho phù hợp với hình dáng từng khối bệnh của từng cá thể bệnh nhân.
Ngoài ra, phương pháp này có thể nhanh chóng giảm kích thước của khối u, đối với những khối u có đường kính nhỏ hơn 4cm thì hiệu quả thu gọn kích thước có thể lên tới trên 95%, những khối u có đường kính lớn hơn 5cm thì khả năng thu gọn kích thước có thể đạt tới trên 85%, thậm chí có những khối u cá biệt có thể tiêu biến hoàn toàn sau điều trị, giúp kéo dài sinh mệnh cho bệnh nhân. Điều đặc biệt là phương pháp Dao lạnh không có nhiều tác dụng cho nhiều loại ung thư như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư vú…
Cuối cùng, chuyên gia Bành Hiểu Xích tổng kết lại 3 đặc điểm chính của kỹ thuật Đông lạnh như sau: 1. Kim dẫn khí nhỏ, đường kính chỉ vài mm giúp cho vết thương khi xâm lấn vào cơ thể bệnh nhân là rất nhỏ; 2. Đối với những khối u không đủ điều kiện phẫu thuật cắt bỏ bởi một số lý do như tuổi cao, tình trạng sức khoẻ không tốt, đang đồng thời mắc những bệnh khác… thì cũng có thể sử dụng phương pháp này để thay thế; 3. Đối với những khối u có kích thước quá lớn không thể phẫu thuật được như khối u lớn trong gan cũng có thể dùng phương pháp này để hạn chế sự phát triển. Do đó, phương pháp này được coi như một loại phẫu thuật kéo dài, có thể cắt bỏ những khối u không thể phẫu thuật được bằng phương pháp thông thường.
Hiện nay, những kỹ thuật tiên tiến này đã được vận dụng thành thục tại bệnh viện Ung thư Hiện đại Quảng Châu. Phương pháp Đông lạnh hoạt động dựa trên cơ chế tăng giảm nhiệt độ cấp tốc, xâm lấn bằng kim nhỏ, ít gây tổn hại đến người bệnh, không hoặc ít chảy máu, hạn chế biến chứng, hồi phục nhanh, có thể điều trị nhiều lần, cũng có thể kết hợp điều trị với hoá xạ trị và phẫu thuật./.
Theo An ninh Thủ đô
Nguồn: http://vov.vn/Home/Dao-lanh-Phuong-phap-moi-dieu-tri-ung-thu/20112/166808.vov

Bài 16: Giảm đau đớn trong điều trị ung thư
Tình trạng đau đớn vật vã sau những đợt hóa trị và xạ trị ở bệnh nhân ung thư sẽ được giảm nhẹ nhờ vào công nghệ ánh sáng của NASA. Dù mục đích ban đầu là phục vụ dự án nghiên cứu sự tăng trưởng của thực vật trong không gian, công nghệ có tên viết tắt là HEALS thực sự có thể giúp bệnh nhân ung thư hồi phục tốt sau những đợt điều trị khủng khiếp.
Thiết bị HEALS được dùng trong nghiên cứu lâm sàng có kích thước cỡ bàn tay người, tên gọi WARP 75. Nó sử dụng 288 vi mạch i-ốt phát sáng khác nhau, mỗi vi mạch có kích thước cỡ hạt cát. Những vi mạch này phát ra các luồng ánh sáng hồng ngoại và tử ngoại cực mạnh. Khi chiếu tia phát ra từ WARP 75 vào gần cổ và má, luồng ánh sáng này có tác dụng làm giảm nhẹ các cơn đau gây ra do viêm màng nhầy miệng, tác dụng phụ thường thấy của các biện pháp hóa trị và xạ trị.
Luồng ánh sáng đó kích thích các tế bào bị hủy hoại tự hồi phục, theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu công nghệ HEALS là Đại học Alabama. Bên cạnh khả năng trên, HEALS còn được hoàn thiện để điều trị khối u não ở bệnh nhi cũng như các vết thương khó lành như loét ngoài da ở bệnh nhân tiểu đường và các vết phỏng nặng, theo báo cáo trên AFP.
Thụy Miên
Nguồn: http://tuvanungthu.thanhnien.com.vn/Pages/20110408/Giam-dau-don-trong-dieu-tri-ung-thu.aspx

Bài 17: Hy vọng mới của bệnh nhân ung thư gan
Ung thư gan là loại ung thư có tỷ lệ phát bệnh và tử vong cao nhất trong tất cả các loại ung thư; được mệnh danh là “vua ung thư”.
Đối với ung thư gan thời kỳ đầu, điều trị bằng phẫu thuật mang lại hiệu quả tương đối tốt. Nhưng đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh đều ở thời kỳ muộn, những phương pháp điều trị không mang lại hiệu quả cao. Hiện nay phương pháp điều trị sinh vật định vị mang đến cho bệnh nhân ung thư gan niềm hy vọng mới.
Phương pháp điều trị sinh vật định vị được thiết lập trên cơ sở miễn dịch học hiện đại và cơ sở sinh vật phân tử học, sử dụng phân tử, gen và những loại thuốc từ thiên nhiên, thông qua điều tiết miễn dịch sẵn có trong cơ thể để đạt đến mục đích điều trị và dự phòng ung thư. Đây là một phương pháp điều trị hoàn toàn mới.

Từ khi xuất hiện, điều trị sinh vật định vị đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phương pháp điều trị khác biệt với phương pháp truyền thống, đầy hy vọng trong điều trị ung thư.

Hiện nay điều trị ung thư gan bằng phương pháp sinh vật định vị bao gồm điều trị gen, điều trị miễn dịch, điều trị định vị.

1. Điều trị gen trong ung thư gan diễn ra và phát triển liên quan đến hoạt động gen của tế bào ung thư và sự mất khả năng của gen kháng ung thư. Khi gen ung thư kích hoạt làm mất khả năng của gen kháng ung thư thì bệnh ung thư sẽ xảy ra. Điều trị gen thông qua phương cách đặc thù, mang tác dụng của gen điều trị truyền vào cơ thể, để đạt đến mục đích điều trị ung thư gan. Trước mắt trong điều trị lâm sàng là thông qua phương pháp thâm nhập huyết quản đưa gen P53 vào cơ thể.

2. Điều trị miễn dịch là sử dụng chức năng miễn dịch trong cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư, khi tế bào miễn dịch trong cơ thể thấp thì tế bào ung thư sẽ sinh sôi. Thông qua điều tiết và tăng cường sức miễn dịch trong cơ thể, để đạt đến khống chế hoặc tiêu diệt tế bào ung thư gan, đây được gọi là phương pháp điều trị miễn dịch. Thông qua việc lấy máu trực tiếp từ cơ thể bệnh nhân, phân tích ra tế bào miễn dịch, sau đó tăng sinh tế bào miễn dịch ngoài cơ thể, truyền lại vào cơ thể bệnh nhân để đạt đến mục đích điều trị.

3. Phương pháp điều trị nhằm trúng đích tế bào ung thư gan sinh trưởng bị ảnh hưởng của nhiều nguyên tử tế bào khống chế, tìm đến những nguyên tử tế bào liên quan, tiến hành định vị điều trị, có hiệu quả đối với những tế bào ung thư gan, nhưng lại không ảnh hưởng lớn đến những tế bào tổ chức bình thường khác.

Phương pháp điều trị này chỉ có hiệu quả đối với mục tiêu đã định, nên được gọi là phương pháp điều trị nhắm trúng đích. Hiện nay có những loại thuốc điều trị nhắm trúng đích như Sorafeni, Erlotinib…

Sự phát triển không ngừng của y học ngày nay, phương pháp điều trị sinh vật định vị đã không ngừng cải tiến, ngày càng có nhiều ứng dụng lâm sàng cho bệnh nhân ung thư gan, đem đến hiệu quả điều trị tốt. Hiện nay ung thư gan đã không còn đáng sợ nữa.
Theo ungbuou.vn
Nguồn: http://dieutriungthu.net/dieu-tri-ung-thu/hy_vong_moi_cua_benh_nhan_ung_thu_gan.aspx

Bài 18: Điều trị ung thư bằng… “bom thông minh”
Theo nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí Nature Materials của các nhà khoa học Mỹ, phương pháp sử dụng hạt nano kết hợp với một số loại thuốc điều trị có thể phát huy tác động tích cực trong việc điều trị căn bệnh ung thư.
Hiện nay, việc nghiên cứu áp dụng công nghệ nano trong điều trị ung thư là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng. Trên thực tế, một vài loại hạt nano đã được đưa vào ứng dụng và nhiều loại khác đang tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng. Ban đầu, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên chuột và sử dụng hai loại hạt nano để điều trị các khối u cho chúng.
Giáo sư Matt Trau thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Nano và Kỹ thuật Sinh học Australia cho biết, loại hạt nano thứ nhất có tác dụng tìm ra các khối u và sau đó phát đi tín hiệu để loại hạt nano thứ hai tấn công vào chúng.
"Loại hạt nano thứ nhất có nhiệm vụ do thám bởi các mạch máu ở những khu vực bị ung thư ít bị nghẽn. Sau đó là đến lượt các hạt nano nhạy cảm với ánh sáng hồng ngoại phát huy nhiệm vụ. Khi đến tâm của khối u, các hạt nano này sẽ nóng lên, phá hủy khối u và gây ra hiện tượng đông máu" - ông Trau giải thích.
Đồng thời, quy trình này gây ra vết thương nhẹ xung quanh cục máu đông. Khi hiện tượng này xảy ra, người bệnh được tiêm loại hạt nano diệt tế bào ung thư. Đó là cách thức hoạt động của các hạt nano mang theo "bom" (thuốc truyền hóa chất). Chúng trôi nổi trong cơ thể và hướng mục tiêu vào những vùng bị nhiễm bệnh.

Phương pháp áp dụng công nghệ nano trong điều trị ung thư được các nhà khoa học thí nghiệm đầu tiên trên chuột.
Phương pháp điều trị này có thể đưa lượng thuốc vào "tấn công" khối u nhiều hơn gấp 40 lần so với cách thức truyền thống. Giáo sư Trau cho rằng, phương pháp tiếp cận mới sẽ khắc phục được những hạn chế của phương pháp điều trị truyền thống. Liệu pháp mới giống như phương pháp sử dụng "bom thông minh" để tiếp cận và chỉ tiêu diệt những tế bào ung thư mà không ảnh hưởng tới các tế bào xung quanh. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng vấp phải một số khó khăn. Nguyên nhân là do bệnh nhân ung thư dễ bị đông máu tại một số khu vực trong cơ thể và điều này đồng nghĩa với việc một số khối u trong cơ thể có thể bị thuốc bỏ qua.
"Điều quan trọng là việc sử dụng hai loại hạt nano kế tiếp, một loại để tìm kiếm các khối u, còn một loại được đưa vào vùng bị nhiễm bệnh và sử dụng các đám máu đông để vận chuyển thuốc điều trị. Như vậy, phương pháp điều trị này phụ thuộc vào quá trình đông máu của mỗi người và nó phức tạp hơn bởi các phương pháp trước đây chỉ sử dụng loại hạt nano thứ nhất để đưa thuốc vào cơ thể" - Giáo sư Ian Olver, Giám đốc Điều hành Hội đồng Chống ung thư Australia nhận định.
Tuy nhiên, ông Olver cũng cho rằng phương pháp tiếp cận mới có nhiều hứa hẹn và nó cần được nghiên cứu thêm trước khi đưa vào ứng dụng. Giáo sư Matt Trau cũng có ý kiến tương tự. Theo ông, kể cả trong trường hợp loại hạt nano thứ hai tìm kiếm nhầm những vùng viêm nhiễm mà không phải là khối u ác tính thì thì kỹ thuật mới vẫn hiệu quả hơn phương pháp hóa trị truyền thống bởi nó không gây ra nhiều tác dụng phụ
Nhị Phương (tổng hợp)
Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vn-vn/ktvhkh/2011/7/75569.cand

Bài 19: ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TẠI SINGAPORE.
Cứ 3 người thì có 1 người trong đời họ sẽ bị ung thư. Ung thư có nhiều loại, nhưng ung thư vú, ung thư phổi và ung đại tràng là những loại ung thư phổ biến trên thế giới. Kiểm soát chế độ ăn uống và sinh hoạt đều đặn có thể ngăn chặn sự thay đổi của tế bào đây là nguyên nhân dẫn đến những chứng bệnh ưng thư.

Với việc chuẩn đoán hình ảnh chính xác và hiệu quả, những triệu chứng ung thư phổ biến được phát hiện kịp thời để điều trị và ngăn chặn chúng phát triển. Với những người ung thư đã thực sự phát bệnh, phương pháp điều trị đích điểm hiện nay mở ra một chiều hướng mới trong quá trinh điều trị ung thư. Phương pháp điều trị này thực sự hiệu quả, vì nó chỉ tập trung tấn công những tế bào bị bệnh, những tế bào còn lại trong cơ thể không bị gây tổn hại.
Đội ngũ bác sĩ, y tá và tư vấn viên chuyên khoa ung thư của các bệnh viện Singapore được đào tạo hết sức cẩn trọng và thường xuyên được cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức tại Anh, Mỹ, Canada. Sự tận tâm, lòng nhân ái, những nụ cười nhân hậu, cộng với sự đầu tư về trang thiết bị, công nghệ, nghiên cứu – Cả con người và cả cơ sở vật chất mà ai đến đây cũng thường nói là “Thật tuyệt vời” thì hẳn rằng việc hồi phục sức khoẻ, điều trị khỏi bệnh có thể diễn ra nhanh chóng và đầy hứa hẹn.

PHƯƠNG PHÁP HÓA TRỊ

Hoá trị liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc (hóa chất) nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này được coi là phương pháp cơ bản trong phòng chống ung thư. Phụ thuộc vào loại ung thư phác đồ điều trị và loại thuốc (hoá chất) sẽ được lựa chọn, phương pháp điều trị này có thể được thực hiện cả bằng cách tiêm hoặc uống. Việc áp dụng hoá trị thường gây ra những phản ứng phụ, vì thế nếu được kiểm soát chặt chẽ, cùng với các phương pháp điều trị kết hợp thích đáng và sử dụng các dược phẩm phù hợp để chống lại những phản ứng tiêu cực thì có thể giảm thiểu những phản ứng phụ nói trên. Bệnh nhân vẫn duy trì được cuộc sống bình thường trong suốt quá trình hóa trị.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP HOÓCMÔN

Các hoócmôn trong cơ thể chúng ta cũng có nguy cơ gây nên sự phát triển của các loại ung thư, như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Liệu pháp điều trị kết hợp hoócmôn liên quan đến việc sử dụng những loại dược phẩm hoặc các phương pháp điều trị khác nhằm chống lại những hiệu ứng kích thích của hoócmôn lên sự phát triển và tồn tại của tế bào ung thư.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐÍCH ĐIỂM (CHẾ NGỰ MỤC TIÊU)

Phương pháp chế ngự mục tiêu liên quan đến việc sử dụng những loại dược phẩm có khả năng tấn công một cách đặc biệt đối với các tế bào ung thư trong khi đó nó lại giảm thiểu việc gây ra tổn thương cho những tế bào bình thường của cơ thể, do đó giảm bớt được những tác dụng phụ. Khả năng phân biệt những tế bào ung thư và tế bào bình thường giúp cho phương pháp chế ngự mục tiêu trở thành một phương pháp điều trị được lựa chọn ngày càng nhiều.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SINH HỌC

Những kháng thể chính là hàng rào phòng thủ mục tiêu tự nhiên mà cơ thể con người sản sinh ra. Những kháng thể này một mặt trói buộc các loại vi khuẩn và vi rút tấn công cơ thể con người và nhằm vào hệ thống hàng rào phòng thủ khác của cơ thể, mặt khác tấn công các thành phần “ngoại lai” đó; đồng thời giảm thiểu việc gây ra những tổn thương cho các tế bào bình thường. Những tiến bộ trong y khoa đã đưa đến những loại kháng thể được sản sinh nhân tạo với khả năng tấn công đặc biệt các loại tế bào ung thư. Một vài kháng thể như trên đã được sử dụng thành công trong việc điều trị ung thư.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP HỆ MIỄN DỊCH

Hệ thống miễn dịch của co thể chúng ta có khả năng tự nhiên trong việc phát hiện và phá hủy các tế bào lạ bào gồm cả tế bào ung thư. Phương pháp điều trị kết hợp sự miễn dịch liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc mà nó tác dụng tích cực với hệ miễn dịch của chúng ta và tấn công các tế bào ung thư.

PHƯƠNG PHÁP XẠ TRỊ

Xạ trị dựa trên nguyên tắc tiêu diệt khu trú các tế bào ung thư qua phóng xạ I-on hoá. Kỹ thuật định vị vùng chiếu xạ và liều dùng chính xác là yếu tố quyết định cao nhất.

Các xạ trị ung thư bao gồm.

• Xạ trị không gian 3 chiều với máy chụp cắt lớp mô phỏng
• Liệu pháp chiếu xạ áp sát công nghệ tiên tiến.
• Xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính.
• Xạ trị liệu điều biến liều (IMRT)
KIỂM SOÁT UNG THƯ - QUẢN TRỊ UNG THƯ.
Các căn bệnh ung thư được điều trị tốt nhất và có hiệu quả cao ở giai đoạn đầu khi mới phát hiện. Xét nghiệm, chụp X-quang và các xét nghiệm khác nhằm mục đích chẩn đoán ung thư sớm tốt nhất nên được bác sĩ chuyên khoa ung thư thực hiện thông qua việc trao đổi và thảo luận chi tiết với người bệnh. Điều này mang lại kết quả tốt nhất nếu việc tiếp cận được thực hiện dựa trên bệnh án của người bệnh.

ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ TIỀM ẨN VÀ SỰ UNG THƯ DI TRUYỀN

Ung thư là căn bệnh có tính chất di truyền. Việc các thành viên khác nhau của gia đình được chẩn đoán bị ung thư được coi là một thông điệp đối với các thành viên còn lại trong gia đình nên đi kiểm tra và thực hiện việc xét nghiệm gen để phát hiện ung thư sớm có thể.

SỰ TIẾN BỘ TRONG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong những năm qua phương pháp hóa trị đã được nhiều thành tựu to lớn. Tăng khả năng, thời gian sống trung bình đối với bệnh nhân ung thư.

Các phương pháp hóa trị truyền thống, có hiệu quả nhưng bên cạnh đó cũng có những tác dụng phụ và gây hại cho cơ thể. Vấn đề nảy sinh từ các phương pháp hóa trị truyền thống, không những chỉ có tế bào ung thư bị tiêu diệt mà các tế bào bình thường của cơ thể cũng bị làm tổn hại. Việc kết hợp hiệu quả giữa các phương thức hóa trị khác nhau cũng mang lại những tác dụng phụ khác nhau. Nhằm mục đích điều trị tốt hơn, các nghiên cứu tập trung vào việc tăng hiệu quả của điều trị đích điểm đối với các tế bào ung thư và giảm thiểu sự nguy hại đối với các tế bào bình thường của cơ thể.

Trong vài năm qua, thực tế phương pháp điều trị đích điểm đã được chấp nhận bằng nhiều cách.

Trong việc điều trị ung thư vú ở giai đoạn đầu, tác dụng của thuốc Herceptin đối với khối u của người bệnh thể hiện hiệu quả tốt của thuốc, nó làm giảm đáng kể khả năng sự tái phát bệnh.

Tác dụng của loại thuốc khác tên Avastin cũng có sự đóng góp đáng kể đối với thời gian sống đặc biệt với bệnh nhân bị ung thư phổi và đại tràng.

Hai loại thuốc trên được biết đến như hai loại kháng thể, thế hệ thuốc đặc biệt đã được triển khai nhằm ngăn chặn mục tiêu cụ thể của tế bào ung thư nguyên căn chính gây nên sư phát triển của quá trình ung thư. Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm Iressa và Taceva, chúng đã được sử dụng trong điều trị ung thư phổi và ung thư tụy giai đoạn bệnh tiến triển. Loại thuốc này có ít tác dụng phụ và dễ sử dụng bằng đường uống, điều này rất đáng được quan tâm. Các loại thuốc này hiện nay là sự lựa chọn cho phương pháp điều trị mới đối với bệnh nhân những người không có khả năng dùng phương pháp hóa trị truyền thống hoặc phương pháp hóa trị truyền thống không đáp ứng với khối u của bệnh nhân.

Sự tiến bộ không ngừng đã đem đến cho chúng ta kết quả ngày càng tốt đẹp đối với căn bệnh ung thư quái ác.

Tại VSC, với hàng nghìn bệnh nhân ung thư mà chúng tôi đã hỗ trợ qua hơn 10 năm nay thì khi bạn hay gia đình bạn cần đến chúng tôi, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đến với những người bệnh có cùng căn bệnh với bạn, đã từng điều trị hay chăm sóc cho các bệnh nhân ung thư nay đã về Việt Nam.

Chúng tôi có thể hỗ trợ bạn các thông tin, kinh nghiệm hữu ích liên quan đến các chương trình chẩn đoán và điều trị ung thư như:

• Chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán ung thư.
• Tư vấn, hội chẩn, lên phác đồ điều trị.
• Điều trị hoá chất.
• Điều trị kết hợp Hoócmôn.
• Điều trị đích điểm(Bom thông minh)
• Điều trị Sinh học.
• Điều trị kết hợp hệ Miễn dịch
• Điều trị xạ trị
• Tư vấn và hỗ trợ về tâm lý
• Tầm soát ung thư sớm.
• Tầm soát gene di truyền trong ung thư.
• Chăm sóc bệnh nhân.
• Phiên dịch, dịch thuật chuyên môn ung thư.
Nguồn: http://www.vietsinginco.com.vn/vnt/vietsing/?id=467&lang=vi

Bài 20: Dinh dưỡng điều trị ung thư nên có EPA
Chế độ dinh dưỡng chuyên biệt trong điều trị ung thư nên có nhiều năng lượng, giàu protein và bổ sung dưỡng chất EPA một dưỡng chất thuốc (pharmaconutrient).
EPA được chứng minh lâm sàng có tác dụng đặc hiệu trên chuỗi mắt xích bệnh lý. Nó làm giảm đáp ứng viêm qua hai tác động: giảm sản xuất các cytokines hay yếu tố gây viêm và giảm phóng thích yếu tố thủy phân protein. Đây là hai con đường chính gây sự sụt cân và suy mòn ở người bệnh ung thư. EPA đồng thời làm tăng cảm giác thèm ăn, qua đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng, gián tiếp tăng hiệu quả của các biện pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết…
Trong quá trình điều trị ung thư, nhiều trường hợp bệnh nhân phải giảm liều, thậm chí ngưng vì cơ thể quá suy yếu, không đủ sức tiếp tục những liệu pháp điều trị. Việc sụt cân, hao mòn khiến chức năng vận động, tiêu hóa, tim, phổi, trí não… giảm sút. Hệ miễn dịch yếu làm bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Do đó, ung thư có cơ phát triển, xâm lấn hoặc di căn nhanh hơn. Khoảng 30% người bệnh ung thư tử vong do việc sụt cân.
Nguồn: http://www.tinmoi.vn/Dinh-duong-dieu-tri-ung-thu-nen-co-EPA-09241382.html

Bài 21: Các thuốc điều trị ung thư
Thuốc điều trị ung thư có tác dụng làm chết hoặc ngăn chặn sự xâm lấn, di căn của tế bào ung thư. Khoa học ngày nay đã biết được một phần quá trình sống, lan tỏa của ung thư ở cấp độ tế bào nên bên cạnh thuốc cổ điển còn có nhiều thuốc mới đã được ra đời...
Các thuốc làm "chết" tế bào ung thư cổ điển

Ung thư gan.
Nhóm tác động đến AND (ức chế tổng hợp AND), gồm nhiều phân nhóm:
- Ankyl hóa: Dùng trong ung thư dạ dày, đại tràng, tụy, vú gồm có: ametycin, caryolysine, endoxan, estracyt, holoxan...
- Nitroso-ure (belustine, bicnu, deticene, hexastat, muphoran, zanosar): Hòa tan trong lipid, qua được hàng rào máu - não dùng điều trị các u não nguyên phát, thứ phát, u ở da, ở tủy, u lympho, u hắc tố.
- Các platin (cisplatin, carboplatin, oxaliplatin): Dùng trong ung thư tinh hoàn, buồng trứng, cổ và màng trong tử cung, rau thai; u tiền liệt, bàng quang, vòm mũi họng, phổi, xương, mô mềm, dạ dày, tuyến giáp.
Nhóm kháng chất chuyển hóa (ức chế tổng hợp acid nucleic), gồm các phân nhóm:
- Kháng acid folic (methotrexat): Dùng trong ung thư tuyến vú, buồng trứng, trị liệu bệnh bạch cầu cấp tính nguyên bào lympho (ở trẻ em), ung thư tế bào lympho ác tính (không phải Hodgkin), sarcoma xương.
- Kháng puric và pirimidic (fluorouracyl, florafur, cytarabin), dùng trong ung thư dạ dày, tụy, ruột kết, buồng trứng, bàng quang, da (bôi tại chỗ).
Nhóm ức chế tosoisomerase: Do ức chế tosoisomerase nên ức chế tổng hợp ADN bao gồm:
- Kháng sinh dòng anthracyclin (adriblatina, cerubidin, doxorubicin, farmorubicin, theprubicin, zavedos), dùng trong carcinom vú, sarcom xương và các phầm mềm, u lympho, u đặc trẻ em, ung thư phổi, bàng quang, dạ dày, buồng trứng.
- Epidophyloltoxin (etoposide, vehem, sandoz,vepeside) dùng trong ung thư tinh hoàn, ung thư phổi.
Các thuốc làm “chết” tế bào ung thư “nhắm tới phân tử đích”
Cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học biết được một số "phân tử đặc hiệu" quyết định sự dẫn truyền tín hiệu tăng trưởng, sinh mạch, điều hòa chu trình lập và chết theo lập trình của tế bào ung thư, coi các phân tử này như một cái "đích". Tấn công vào "đích" này thì sẽ ngăn chặn hay loại trừ được ung thư. Gồm các phân nhóm: thuốc khóa thụ thể HER2, thuốc làm ngừng chu trình tế bào, thuốc ức chế telomezaz, thuốc là các oncogen...
Các thuốc kìm sự phát triển lan tỏa ung thư
Nhóm ức chế sinh mạch: Khối u tự hình thành ra mạch máu chuyên chở các chất nuôi dưỡng đến gọi là sinh mạch. Thuốc ức chế sinh mạch làm cho khối u bị "bỏ đói" không phát triển được, gồm có: angiostatin, endostatin, avastatin.
Nhóm kháng di căn: Các tế bào ung thư tràn vào máu di căn ra các vùng. Dùng các enzym ngăn chặn bằng cách bịt các lỗ ở thành mao mạch sẽ chống được di căn.
Các thuốc kìm sự phát triền ung thư theo “liệu pháp hormon”
Một số hormon khi tăng cao sẽ làm phát triển ung thư. Dùng các chất chống lại sự tăng hormon đó gọi là "liệu pháp hormon trị ung thư". Ví dụ: estrogen gắn vào các thụ thể estrogen (ER+). Các thụ thể này nhận biết, chuyển tín hiệu tăng trưởng DNA đến các vùng khác, làm cho ung thư vú phát triển.Trường hợp này gọi là ung thư vú lệ thuộc vào thụ thể estrogen (ER+). Dùng một thuốc kháng estrogen làm giảm tiết estrogen hoặc không cho tác động lên (ER+) thì hạn chế sự phát triển tế bào ung thư vú. Có các phân nhóm: kháng estrogen (tamoxifen, raloxifen, fulvestran), làm giảm sản xuất estrogen, các chất tương tự LH, RH (là dạng "giả", gắn vào thụ thể ở tuyến yên, chiếm chỗ, không cho LH, RH "thật" hoạt động làm sụt giảm estrogen), progestin (được chọn dùng trong ung thư vú ở giai đoạn tiến xa (bước 2 hay 3 sau khi dùng hai nhóm thuốc trên không đáp ứng).
Tương tự như thế có một số thuốc dùng trong ung thư tuyến tiền liệt như: thuốc đồng vận với LH, RH như leuprolin, buserelin, goserelin; thuốc kháng androgen như cyproteron, flutamid, bicallutamid, nilutamid.
Các thuốc biến đổi đáp ứng miễn dịch
Các thuốc này thúc đẩy sự trưởng thành của tế bào T từ các lypmho bào ở máu ngoại vi, làm tăng interferon (alpha, gama), inteulekin-2 và 3 tăng số thụ thể lymphokin trên tế bào T dùng trong ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, u tế bào hắc tố.
Độc tính của thuốc ung thư và cách hạn chế:
Với loại thuốc cổ điển:
Thuốc cổ điển tấn công vào tế bào ung thư đồng thời tấn công vào tế bào lành, gây độc. Mặt khác, chúng gây viêm màng nhày, tiêu chảy, nôn mửa làm cho người bệnh khổ sở, nhất là trong những ngày đầu dùng thuốc. Mỗi thuốc có tính độc riêng cần có cách dùng, theo dõi thích hợp để giảm độc.
Để giảm độc, chỉ dùng thuốc với liều mà thể trạng có thể chịu đựng được. Nếu thể trạng suy yếu lại dùng liều mạnh có khi không chết vì ung thư mà chết vì độc tính của thuốc. Xen kẽ đợt dùng và nghỉ thuốc thích hợp. Dùng thuốc để củng cố hiệu lực. Nghỉ thuốc để phục hồi sức khỏe, tránh thuốc tích liều, gây độc. Làm đủ và đúng định kỳ các xét nghiệm. Khi chỉ số các xét nghiệm vượt giới hạn thầy thuốc có thể điều chỉnh (liều lượng hay đổi thuốc).
Hầu hết thuốc gây độc cho thai, không dùng cho người có thai, cho con bú. Một số thuốc gây quái thai, cần có biện pháp tránh thai khi dùng thuốc. Nâng cao thể trạng của người bệnh bằng chế độ ăn uống thích hợp.
Với các thuốc mới
Những thuốc mới thường đi đến phân tử đích hay các cơ quan nhất định, có tính đặc hiệu, ít độc hơn loại cổ điển. Nhưng cũng không phải vô hại. Ví dụ:
- Trong liệu pháp nội tiết, chỉ dùng hỗ trợ trong điều trị ung thư vú có lệ thuộc vào (ER+) ở giai đoạn sớm hay cho người mãn kinh ở giai đoạn tiến xa nhưng chưa đe dọa tính mạng. Dùng không đúng chỉ định hay quá liều sẽ bị các hội chứng giống như hội chứng giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh.
- Trong liệu pháp nhằm trúng đích phân tử: Chỉ dùng herceptin khóa HER2 khi xác định người đó thuộc diện sản xuất thái quá HER2. Có thể bị một số phản ứng khi truyền lần đầu, những lần sau ít gặp, các phản ứng thường nhẹ, có thể xử lý được. Herceptin không gây ra rụng tóc, ức chế tủy xương, lở miệng như hóa trị liệu. Nếu dùng với nhóm anthracyclin có thể gây nguy cơ rối loạn chức năng tim.
Cần dùng các thuốc mới đúng chỉ định, đúng liều để tránh sự rối loạn do dùng sai hay thái quá.
DS. Hà Thủy Phước, Theo suckhoedoisong.vn
Nguồn: http://thalassemia.vn/tin-tuc/thuoc-va-suc-khoe/Cac-thuoc-dieu-tri-ung-thu-1920.aspx

Bài 22: Ăn uống sau đợt điều trị ung thư
Bệnh nhân ung thư sau đợt điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) một thời gian nay đã ổn định (ăn uống ngon trở lại, hết bị nôn và khó chịu), vậy có còn bị yếu tố sụt cân trong ung thư ảnh hưởng nữa không? Có cần tiếp tục chú ý gì trong chế độ ăn uống? (Ngọc Hương – Đồng Nai)
:-P Bệnh nhân sau điều trị ung thư được bác sĩ điều trị xác nhận bệnh ổn định, bệnh nhân chuyển sang chế độ theo dõi thì không còn yếu tố sụt cân nữa vì các yếu tố sụt cân gắn liền với sự phát sinh, phát triển của khối u. Khi khối u không còn thì các yếu tố trên cũng mất đi. Chế độ ăn uống trở lại bình thường. Có 2 vấn đề cần lưu ý:
Sau điều trị bệnh nhân còn trong chế độ theo dõi, thường là 5 năm. Chế độ ăn cần rất hợp lý. Chế độ ăn cần đủ dinh dưỡng và nên bỏ những thói quen ăn uống có hại như dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cay quá… các thói quen chế biến thức ăn phức tạp như ăn gỏi, ăn sống, thịt nướng, muối… với thời gian sử dụng thường xuyên và kéo dài. Không nên ăn quá nhiều hoặc kiêng quá mức cần thiết.
Một số bệnh ung thư có một phần nguyên nhân là ăn uống nên tuân thủ nghiêm túc như ăn ít chất béo, nhiều chất xơ và hoa quả. Một số bệnh ung thư sau điều trị bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa cần tuân thủ ý kiến của bác sĩ điều trị như sau phẫu thuật cắt bỏ một số cơ quan như dạ dày, tụy, đại tràng hoặc sau tia xạ vùng miệng, họng, thực quản… cần chế độ chế biến phù hợp với từng bệnh nhân.
(Suckhoegiadinh.org theo – Thanh niên)
Nguồn: http://suckhoegiadinh.org/?p=915

Bài 23: Tìm hiểu phương pháp điều trị Ung Thư
Người đưa bài: Kimhue on August 25, 2011 // Leave Your Comment
inShare0
Những phương pháp điều trị ung thư gồm điều trị tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị), và điều trị hệ thống (điều trị hóa chất, điều trị nội tiết và điều trị sinh học)

Phương pháp điều trị ung thư
1/ Điều trị hóa chất:
_ Điều trị hóa chất (ĐTHC) (Chemotherapy) là phương pháp sủ dụng những thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh ung thư (hóa chất chống ung thư).
_ Điều trị hóa chất có thể chữa khỏi được một số loại ung thư(ung thư nhau thai, bệnh Hodgkin…), hóa chất có thể giúp kéo dài thời gian sống hay cải thiện được chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
_ Nguyên tắc điều trị hóa chất:
+Lựa chọn thuốc thích hợp.
+ Liều và liệu trình điều trị: có ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả điều trị bởi mặt trái của thuốc chống ung thư là độc tính của chúng nên việc đúng liều và đúng liệu trình giúp hạn chế tối đa được những độc tính và tác dụng phụ của thuốc gây ra cho bệnh nhân.
+ Phối hợp hóa chất: Để tăng kết quả điều trị thì sự kết hợp các loại thuốc là điều cần thiết, nhưng cần chú ý có thể có liều thấp hơn khi sử dụng đơn độc.
+ Phối hợp điều trị đa phương pháp: có thể là phấu thuật hay xạ trị để điều trị ung thư hiệu quả hơn.
2/ Điều trị nội tiết tố
Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm: đơn giản, dễ thực hiện, giá thành không cao và không nhiều tác dụng phụ như các biện pháp khác.
Thường dùng cho trường hợp ung thư được công nhận là có lien quan đến nội tiết như ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư nội mạc tử cung… Hiện tại có những cách điểu trị như:
- Cắt bỏ tuyến tiền liệt, cắt buồng trứng trong ung thư vú, cắt tinh hoàn trong ung thư tuyến tiền liệt.
- Cho thuốc ức chế sản xuất một nội tiết tố hoặc ức chế tác dụng của nội tiết tố trên tế bào ung thư (tamoxiphen kháng oestrogen trong điều trị ung thư vú).
3/ Điều trị sinh học (Điều trị miễn dịch)
Mục đích chính của điều trị miễn dịch là làm tăng sức đề kháng của cơ thể để cơ thể có thể tự tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại mà các phương pháp kinh điển phẫu thuật, tia xạ, hóa chất không diệt hết được.
- Miễn dịch chủ động, dùng một số chất kích thích miễn dịch đưa vào cơ thể bệnh nhân: BCG, LH1…
- Miễn dịch thụ động, dùng kháng nguyên tế bào ung thư của bệnh nhân đưa vào cơ thể khác (người khác hoặc động vật thí nghiệm) gây miễn dịch với tế bào ung thư. Dùng một phần huyết thanh hoặc bạch cầu đã miễn dịch đó truyền trở lại cho người bệnh với hi vọng diệt ung thư. Phương pháp này được nghiên cứu nhiều ở Pháp và một số nước châu Âu, chưa có kết quả rõ rệt.
4/ Phẫu thuật:
Xu hướng hiện nay là tăng cường phẫu thuật bảo tồn tối đa, có phối hợp với các phương pháp điều trị khác (xạ trị, hoá trị liệu) nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Ngày nay những tiến bộ về khoa học kỹ thuật góp phần làm thay đổi phẫu thuật ung thư như ứng dụng nội soi can thiệp, vi phẫu, ghép tạng…
Mục đích:
+ Phẫu thuật dự phòng bệnh ung thư
+ Phẫu thuật chẩn đoán ung thư
+ Phẫu thuật điều trị ung thư
+ Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng
+ Các phẫu thuật khác: Phẫu thuật đông lạnh, đốt điện, tia lade thường được ứng dụng cho ung thư da loại tế bào đáy. Đốt điện hoặc lade ứng dụng để cầm máu, giảm bớt khối u chống bít tắc như ung thư thực quản, ung thư trực tràng khôngmổ được. Phẫu thuật nội soi là ứng dụng những tiến bộ của nội soi can thiệp, ngày càng có vai trò trong phẫu thuật điều trị ung thư.
5/ Xạ trị
Xạ trị là một trong các biện pháp cơ bản có hiệu quả để điều trị các bệnh ung thư. Phương pháp xạ trị bao gồm: Chiếu xạ từ ngoài vào (xạ ngoài), xạ trị áp sát vào vị trí tổn thương hoặc dùng được chất phóng xạ đưa vào trong cơ thể (xạ trong).
Ở Việt Nam xạ trị chiếu ngoài đã được ứng dụng từ lâu trong điều trị các khối u ác tính. Có những thiết bị xạ trị chủ yếu là sử dụng máy đồng vị phóng xã Cobalt – 60 phát tia Gama với năng lượng 1,17 và 1,33 MeV và đặc biệt máy gia tốc tuyến tính (LINAC) thiết bị công nghệ cao giúp cho người bệnh có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống.
Trên đây là một vài thông tin về những biện pháp điều trị ung thư thường được sử dụng.
BS.Tư vấn ung thư 19008909
( Nguồn tổng hợp)
Nguồn: http://tuvansuckhoe24h.com/tu-van-ung-thu/tim-hieu-phuong-phap-dieu-tri-ung-thu

Bài 24: Phương pháp mới trong điều trị căn bệnh ung thư
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ung thư MD Anderson của Mỹ đã nghiên cứu và phát triển một phương pháp mới điều trị các căn bệnh ung thư có hiệu quả cao hơn trên cơ sở cá nhân hóa thuốc điều trị.

Các nhà khoa học đã sử dụng thông tin về gen của mỗi bệnh nhân ung thư để phát triển thuốc điều trị tương ứng với các tác nhân sinh học gây ra ung thư ở mỗi người bệnh.

Theo hướng này, thuốc điều trị tác động đến người bệnh nhanh hơn và hiệu quả hơn so với các loại thuốc điều trị ung thư hiện hành.
Đây được coi là một sự chuyển hướng quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu.
Các nhà khoa học đã hợp tác với các công ty dược phẩm để phát triển các loại thuốc điều trị ung thư mới, đồng thời cũng hợp tác với các cơ quan quản lý dược phẩm để điều chỉnh các thủ tục cấp phép sử dụng các loại thuốc mới phát triển.
Hơn 800 loại thuốc điều trị theo mô hình mới này đang được phát triển, trong đó có các loại thuốc nhằm tấn công trực tiếp vào những biến đổi đặc biệt trong cơ thể người bệnh.
Cụ thể, thử nghiệm cho thấy bệnh ung thư da liên quan đến đột biến gen BRAF và thuốc điều trị tấn công thẳng vào các gien đột biến này đã mang lại hiệu quả phản ứng thuốc tới 48% so với mức phản ứng 5% của thuốc điều trị thông thường.
Nghiên cứu mới này được công bố tại hội nghị hàng năm của Hội Ung thư Mỹ.
Các nhà khoa học nhấn mạnh mặc dù mô hình điều trị ung thư mới này đã có những thành công nhưng hiện nay chưa được xem là liệu pháp điều trị được sử dụng rộng rãi vì cần những thay đổi về chính sách và quy chế điều trị cũng như cần phát triển các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mới, đặc biệt là chi phí điều trị vẫn ở mức quá cao.
Theo TTXVN
Nguồn: http://baogialai.vn/channel/744/201106/Phuong-phap-moi-trong-dieu-tri-can-benh-ung-thu-2033981/

Bài 25: Hạn chế và triển vọng trong điều trị ung thư
Dưới đây là phiên bản cache tại địa chỉ: http://dantri.com.vn/c7/s7-517339/han-che-va-trien-vong-trong-dieu-tri-ung-thu.htm
(Dân trí) - Ung thư là một trong những bệnh nguy hiểm và đáng sợ nhất ở người và nhiều loài động vật, cho đến nay mặc dù đã tốn rất nhiều công sức nhưng loài người vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị căn bệnh này một cách hiệu quả và triệt để.
Hiện có ba phương pháp chủ yếu được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư lâm sàng đó là phẫu thuật (surgery), xạ trị (radiotherapy) và hóa học trị liệu (chemotherapy). Ngoài ra, phương pháp điều trị sinh học (biological therapy) bao gồm miễn dịch trị liệu (immunotherapy) và hoóc-môn liệu pháp (hormonetherapy) cũng đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư.
Những kỹ thuật giải phẫu và điều kiện liên quan đến phẫu thuật đã được cải tiến đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên thật không may mắn, tỷ lệ sống của các bệnh nhân ung thư khi được điều trị bằng phương pháp này không cải thiện mấy. Phẫu thuật thường gây nên những tổn thương không hồi phục cho bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh (như sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ, rối loại cơ năng vận động,..). Hơn nữa phẫu thuật chỉ là phương pháp tạm thời đối với những bệnh ung thư di căn, thậm chí có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Xạ trị là phương pháp quan trọng khác để điều trị ung thư bằng các tia phóng xạ. Tia X (X-ray) gây ra những tổn thương nghiêm trọng đối với tế bào cũng như ảnh hưởng đến sự phân bào của tế bào ung thư và các tế bào bị tác động khác, gây ra chết hoặc bất hoạt tế bào. Mặc dù sự tổn thương các tế bào bình thường xung quanh có thể được khắc phục hoặc hạn chế, nhưng những ảnh hưởng khác của tia phóng xạ như hiện tượng viêm niêm mạc (mucositis), tổn thương tủy xương và viêm da (dermatitis) có thể rất nghiêm trọng trong một số ca bệnh.
Hóa học trị liệu là phương pháp đưa các chất có tính độc vào cơ thể một cách có hệ thống và mục đích. Mặc dù, nó thường xuyên được sử dụng như một phương pháp bổ trợ cho phương pháp phẫu thuật hoặc xạ trị, nhưng vai trò không thể thiếu của phương pháp này đã được khẳng định, đặc biệt với các thuốc mới và cánh sử dụng mới.
Hoóc-môn liệu pháp là phương pháp sử dụng những tác nhân liên quan đến hoóc-môn để ức chế hay chữa các bệnh ung thư có biểu hiện các hoóc-môn thụ cảm. Phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh ung thư vùng ngực, đặc biệt estrogen là đích tác động trong rất nhiều bệnh ung thư liên quan đến hoóc-môn, nhất là ung thư ngực.
Miễn dịch trị liệu (hay miễn dịch liệu pháp) là một phương thức điều trị ung thư mới, được phát triển mạnh trong thập kỷ trước và thực sự trở thành một vũ khí triển vọng để chống lại bệnh ung thư. Ngược với các phương pháp khác, miễn dịch liệu pháp chủ yếu tập trung ngăn chặn sự di căn của bệnh và nâng cao sức đề kháng của từng cá thể. Các phương pháp miễn dịch điều trị ung thư dựa trên cơ sở sự ức chế hoặc kích thích miễn dịch thông qua rất nhiều các tác nhân như lymphokine, vắc-xin, các tế bào miễn dịch tác động được kích thích bên ngoài cơ thể, các kháng thể, các phân tử đồng kích thích miễn dịch....
Cùng với những tiến bộ trong nghiên cứu miễn dịch gần đây, đặc biệt là việc nghiên cứu các phân tử kích thích miễn dịch, như CD137 (4-1BB), CD27, OX40 (CD134), HVEM, CD30 và GIRT... cũng như các ligand tương ứng của chúng... các nhà khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều trị miễn dịch để chống bệnh ung thư. Có thể liệt kê một số phương pháp miễn dịch chống ung thư:

- Sử dụng anti-GITR mAb (kháng thể đơn dòng kháng GITR) (Kuibeom Ko và cộng sự, 2005).
- Dùng Ligand của 4-1BB (CD137) làm đích tác động vào các tế bào ung thư, dẫn đến làm tăng miễn dịch chống ung thư (Qiaoxia Li và cộng sự 2008)...
Những phương pháp mới này đang mở ra những tia hy vọng trong điều trị căn bệnh hết sức nguy hiểm này.
Chu Đình Tới
Khoa Sinh học - ĐH Sư Phạm Hà Nội
Nguồn: http://www.tin247.com/han_che_va_trien_vong_trong_dieu_tri_ung_thu-10-21826686.html

Không có nhận xét nào: