Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2007

Cây đũa thần của ông Lý


Ông Lý Quang Diệu - Ảnh: IHT
TT - Ở vai trò bộ trưởng cố vấn, nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu tiếp tục là người báo động những thách thức dài hạn mà đất nước phải đối mặt, những thách thức hội nhập khiến chính bản thân ông cũng đang thay đổi.

Đầy sinh lực và minh mẫn trước thềm tuổi 84, ông Lý trong chiếc áo xanh kéo khóa, nhấp từng ngụm nước nóng và luôn miệng cười vang trong cuộc nói chuyện dài. “Tôi đã làm xong phần việc của mình”, ông mở đầu. Phần việc mà ông nói là xây nên một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, có hệ thống các trường đại học hàng đầu, với dịch vụ công và hệ thống y tế chất lượng trở thành nam châm thu hút lao động toàn cầu. “Xong” phần việc này, ông Lý rời chức năm 1990 và con trai ông - ông Lý Hiển Long - đang đảm trách vị trí thủ tướng.

Ông nói: “Muốn hiểu Singapore, bạn phải bắt đầu từ một câu chuyện không có thật”. Đó là một nước hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, không có văn hóa chung, một sự pha trộn mỏng manh giữa những người gốc Ấn, gốc Malay và gốc Hoa, chỉ dựa vào tài trí của họ để thịnh vượng và phồn vinh. Nhiều thập niên sau, nhìn lại, ông nói: “Chúng tôi đã sống sót 42 năm qua. Nhưng liệu chúng tôi có sống sót 42 năm tới? Điều đó tùy vào bối cảnh thế giới, không chỉ lệ thuộc riêng chúng tôi”.

Thực dụng không ủy mị

Nhưng 42 năm qua, Singapore đã “sống sót” thế nào? Ông Lý cho rằng bí mật của điều kỳ diệu Singapore chính là “không có hệ tư tưởng”, “một chủ nghĩa thực dụng không ủy mị” thấm nhuần tinh thần phục vụ đất nước đến độ bản thân tinh thần này trở thành một hệ tư tưởng.

Ông giải thích rõ hơn: “Cây đũa thần là ở chỗ, nếu (điều gì đó) cần thiết cho sự sống còn và tiến bộ, hãy làm điều đó”, không được thì bỏ, thử cái khác. Để thu hút du khách, chẳng hạn, Singapore đã xây hai casino khổng lồ, dù ông Lý thừa nhận: “Tôi chẳng thích các sòng bạc chút nào, nhưng thế giới đang thay đổi và nếu chúng tôi không hội nhập... thì chúng tôi sẽ thua. Vì thế cứ làm, cứ thử, giữ cho chúng (các sòng bạc) an toàn, không mafia, không gái điếm, không rửa tiền. Chúng tôi làm được không? Tôi cũng không chắc, nhưng chúng tôi đang cố thử”.

Ngay cả những vấn đề xã hội phức tạp, những đề tài mà ông Lý thường tranh cãi quyết liệt tưởng không nhân nhượng, thì nay ông đã nói mềm mỏng hơn. Ông tâm sự: “Chúng tôi phải đi theo hướng mà hoàn cảnh của thế giới qui định nếu muốn sống sót và trở thành một phần của thế giới hiện đại này, bằng không chúng tôi sẽ trở về với làng chài ngày trước”.

Cụ thể như vấn đề tình dục đồng tính, Singapore đã chấp nhận tình trạng nhập nhằng. Về kỹ thuật, tình dục đồng tính là trái phép ở Singapore, tuy nhiên chính phủ ám chỉ sẽ không thực thi luật này một cách triệt để. Lý do? “Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đều có những chính sách tự do hơn về người đồng tính, và vấn đề (cho phép quan hệ tình dục đồng tính) chỉ còn là chuyện thời gian. Nhưng do Singapore có cộng đồng Hồi giáo, có những người gốc Hoa và Ấn lớn tuổi bảo thủ, nên hãy đi chậm thôi. Đó là cách tiếp cận thực dụng để bảo đảm được sự cố kết xã hội”, ông giải thích.

Chuẩn bị cho dân vào tương lai

Ngay cả những giá trị châu Á về tôn ti trật tự, lòng tôn kính và lễ nghĩa vốn là nền tảng của Singapore cũng đang dần phai nhạt, biểu hiện qua sự khác biệt giữa các thế hệ. Đây là một thực tế không thể tránh được, theo ông Lý.

Ông lấy chính gia đình mình làm ví dụ. Thế hệ con ông vẫn duy trì được những giá trị Khổng giáo, nhưng đến lớp cháu ông đã bớt dần. Hai đứa cháu ông đang học tại hai đại học ở Mỹ. Những thanh niên này là một phần của cái mà ông gọi là “sự lưỡng phân xã hội”, trong đó nhóm 20% trên đỉnh là thế hệ theo chủ nghĩa thế giới. Đó là những người có học vấn tốt, lướt web, du lịch năm châu không chút e dè. Và Singapore sẽ phải chấp nhận một xã hội không còn khép kín này.

Nhưng cùng lúc, chính quyền phải bảo vệ lớp trẻ nghèo khó hơn, ít có điều kiện thụ hưởng được giáo dục tốt hơn. Đó là những người, mà theo ông Lý, cần được “đẩy vào tương lai” khi chính quyền đang tìm cách biến Singapore thành “ốc đảo của thế giới phát triển trong khu vực thế giới đang phát triển”.

Singapore đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho “ốc đảo” này. Những cuộc vận động tưởng vặt vãnh: “Đừng nhai kẹo cao su”, “Không ném rác bừa bãi”, “Nói tốt tiếng Anh”, “Hãy mỉm cười”, “Hãy làm những việc tử tế”... chính là nỗ lực thay đổi những thói quen của người dân, sao cho họ hành xử như công dân của thế giới thứ nhất.

“Và ngay từ bây giờ - ông Lý nói - chúng tôi đã phải suy nghĩ về: điều gì sẽ xảy ra nếu mực nước dâng lên 3,4 hay 5m? Một nửa Singapore sẽ bị nhận chìm”. Luôn nhìn xa, trong tinh thần phải đối phó để sống sót giữa biển của những thế lực chính trị và kinh tế không nằm trong tầm kiểm soát của mình, Singapore tiếp tục đi vào 42 năm tới.

DUY VĂN (trích lược từ International Herald Tribune)

Không có nhận xét nào: