Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Những bác sĩ thường xuyên giáp mặt tử thần

Khâu tầng sinh môn cho một sản phụ nhiễm HIV, lỡ đâm kim vào tay mình, bác sĩ Hồng Minh vô cùng lo sợ. Suốt nửa năm sau đó, lúc nào chị cũng sống trong tâm trạng thấp thỏm như có án tử treo trước mặt.

Mấy chục năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Trung tâm tư vấn Kế hoạch hóa gia đình từng tiếp xúc với rất nhiều chị em bị nhiễm HIV. Bản thân chị cũng trực tiếp đỡ đẻ, làm thủ thuật bỏ thai, mổ cho các bệnh nhân này khá nhiều. Nhưng đến tận bây giờ, chị vẫn không thể quên một ca "hú hồn" như vậy.

Vài năm trước, chị được phân công đỡ đẻ cho một sản phụ bị AIDS. Dù có kinh nghiệm nhiều năm, nhưng không hiểu sao hôm đó do sơ suất, lúc khâu tầng sinh môn cho bệnh nhân, chiếc kim khâu lỡ đâm vào tay chị. Cố gắng giữ bình tĩnh làm cho xong thủ thuật, chị vội vàng lột găng, dùng tay bóp máu chỗ kim đâm vào rồi ngâm rửa tay trong cồn. Thời gian đó, chị không dám kể chuyện này với ai, chỉ nơm nớp sợ. Chị cũng không dám dùng thuốc chống phơi nhiễm vì sợ bị mọi người nghi ngờ.

Ngày nào cũng sống trong tâm trạng căng thẳng, mòn mỏi đợi chờ, đúng 3 tháng, chị lặng lẽ đi xét nghiệm. Khoảng thời gian đợi kết quả như kéo dài vô tận. Âm tính. Lòng chị nhẹ nhõm hơn nhưng nỗi lo âu vẫn chưa hết. "Biết đâu mình đã nhiễm bệnh rồi nhưng còn đang trong giai đoạn cửa sổ", chị tự nhủ và lại tiếp tục sống trong thấp thỏm 3 tháng nữa.

"Khi có kết quả âm tính sau 6 tháng gặp 'tai nạn' mình mới thở phào và dám kể cho mọi người nghe", chị Hồng Minh chia sẻ.
Ảnh:
Làm việc với những bệnh nhân HIV, các y bác sĩ phải rất cẩn thận, vì chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể bị phơi nhiễm. Ảnh: N.P.

Nói về những rủi ro trong công việc, bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện 09, nơi điều trị cho những người bị AIDS giai đoạn cuối tại Hà Nội cho biết, cán bộ y tế làm việc trong môi trường 100% bệnh nhân HIV thì nguy cơ phơi nhiễm không chỉ với HIV mà tất cả các bệnh về đường hô hấp rất cao, cao hơn đối với việc phơi nhiễm trong cộng đồng. Chỉ một sơ xuất nhỏ trong công việc cũng có thể gặp rắc rối. Nơi đây đã từng có vài nhân viên bị phơi nhiễm như vậy.

Không những thế, y bác sĩ ở đây không ít lần phải "đứng tim" vì người bệnh. Bệnh nhân được điều trị khỏe mạnh, đủ điều kiện xuất viện nhưng lại không muốn đi. Họ đã tìm cách rút máu ra xilanh và dọa nếu cho xuất viện, sẽ tiêm máu truyền bệnh cho nhân viên y tế.

"Ai chẳng muốn làm nơi nhàn hạ hoặc nếu có vất vả thì nhận được đồng lương xứng đáng. Nhưng với những cán bộ, nhân viên chăm sóc bệnh nhân AIDS như chúng tôi thì khác. Không có cơ hội làm thêm, công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông cười buồn nói.

"Mặc dù thành phố đã có những hỗ trợ cho cán bộ làm công tác này, tuy nhiên, với môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thế này, chẳng may ai mắc phải
thì cái giá họ chấp nhận làm việc ở đây không gì... đong đếm được", bác sĩ Tuấn cho biết thêm.

Một nữ cán bộ công tác lâu năm cũng tại bệnh viện 09 đến giờ vẫn không quên được khoảng thời gian hoang mang lo sợ khi bị phơi nhiễm. Khi đó, mới cưới chồng được một thời gian thì chị bị kim tiêm của người bệnh đâm vào chân trong một lần sơ xuất.

"Uống thuốc vào sức khỏe yếu đi là một phần nhưng điều quan trọng là tinh thần suy sụp nặng nề. Mình không dám nói với ai trong gia đình biết, ngoài chồng. Dù ông xã cũng động viên, an ủi nhưng nhiều khi nhìn vào mắt chồng mình vẫn thấy ở trong đó sự thất vọng, lo lắng".

Ngay cả việc chị làm ở một nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân AIDS, chị cũng không cho gia đình nhà chồng biết. Vì thế trong suốt mấy tháng trời chờ đợi kết quả, chị không dám về quê. Chỉ đến khi cầm trên tay tờ phiếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, chị mới thở phào nhẹ nhõm, có cảm giác mình như từ cõi chết trở về.

Chia sẻ với VnExpress.net, một nữ bác sĩ làm việc tại một bệnh viện chuyên chăm sóc điều trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Bình Phước cũng bày tỏ những lo sợ bị nhiễm HIV. Đa số các bệnh nhân ở đây đều bị gia đình kỳ thị và từng nghiện ma túy, do đó tâm lý bệnh nhân cũng không ổn định lắm.

Hàng ngày, y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh lao và các bệnh lây qua đường máu khác. Biết vậy nên ai cũng rất cẩn thận, một phần là để phòng bệnh cho mình, phần kia là phòng bệnh cho các bệnh nhân vì sức đề kháng của họ yếu, rất dễ mắc thêm bệnh. Nhưng nhiều bệnh nhân không hiểu, họ cho rằng các y bác sỹ kỳ thị họ.

"Còn nếu gần gũi quá thì người khác sẽ nghĩ mình móc nối buôn bán vì đa số bệnh nhân là người nghiện. Nhiều bệnh nhân thậm chí nảy sinh tình cảm với nhân viên y tế nên thật khó xử, mình không đáp lại họ lại tự oán trách bản thân hay đầy những suy nghĩ tiêu cực khác", nữ bác sĩ này cho biết.

"'Bạn đã bị nhiễm rồi', đó là câu nói mà những nhân viên y tế nơi đây thường đùa với nhau khi có ai đó bị cảm cúm", chị kể.

Cũng có những bác sĩ, không bị nỗi ám ảnh nhiễm bệnh chết người thì lại ám ảnh bởi những câu chuyện quá đỗi đau lòng của những người lỡ vướng căn bệnh nan y này. Là bác sĩ từng tư vấn cũng như làm thủ thuật cho nhiều sản phụ nhiễm HIV tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, chị Nguyễn Ban Mai, Phó trưởng phòng điều trị theo yêu cầu, từng có nhiều đêm mất ngủ, những ngày tháng day dứt khôn nguôi... trước số phận của những bệnh nhân đặc biệt.

Đó là chuyện về một cô gái trẻ ở Bình Dương, bị lây bệnh từ anh chồng vốn là bảo kê khét tiếng và chỉ phát hiện sự thật khi sinh con đầu lòng. "Hồi đó, từ những năm 1997-1998 chưa có thuốc phòng lây truyền từ mẹ sang con, cũng không có chính sách hỗ trợ gì cho những sản phụ như vậy, nên sau 8 tháng sinh, người mẹ trẻ đã không thể vượt qua được sự khủng hoảng, cô ấy đã tự tay bóp chết đứa con rồi tự tử... Kết cục bi thảm đó ám ảnh mình và đồng nghiệp rất lâu", chị Mai kể.

Một câu chuyện khác cũng khiến bác sĩ day dứt khôn nguôi. Bệnh nhân là giám đốc một công ty thuốc sát trùng lớn. Chị được phát hiện bị ung thư cổ tử cung và các xét nghiệm trước phẫu thuật lại treo thêm cho chị một án tử: chị nhiễm HIV. Người phụ nữ không tin vào sự thật và đã bắt chồng đi thử thì anh cũng dương tính. Chồng chị thú nhận trong thời gian vợ đi công tác, anh đã vui vẻ vài lần trong quán karaoke và có lẽ mang bệnh từ đó.

"Người đàn bà đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đinh ninh mình có mọi thứ trong tay: danh vọng, hạnh phúc gia đình... bỗng chốc thấy mất hết. Chị ấy rơi vào khủng hoảng trầm trọng và không có cách gì vượt qua, dù bọn mình đã tư vấn rất nhiều... Chính mình cũng bị lây tâm trạng của người phụ nữ đó suốt một thời gian dài", bác sĩ Ban Mai chia sẻ.

Ám ảnh bị lây bệnh là tâm trạng của không ít nhân viên y tế sau các tai nạn trong quá trình làm thủ thuật, tiêm, truyền... cho bệnh nhân HIV. Tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) thì cho đến nay ở nước ta chưa có trường hợp nào bị HIV do nghề nghiệp.

Theo bác sĩ, trong các tình huống này, người bị phơi nhiễm cần lử lý vết thương tại chỗ (để máu chảy tự nhiên, không nặn bóp tránh làm đụng dập tại chỗ vết thương, xối vết thương dưới vòi nước sạch, rửa sạch bằng xà phòng. Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc, nhỏ mắt liên tục bằng nước muối sinh lý hoặc xúc miệng, họng bằng nước muối sinh lý). Sau đó cần cần báo cáo cho người phụ trách, ghi rõ thời gian, hoàn cảnh xảy ra phơi nhiễm, gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ vết thương, xác định mức độ nguy cơ phơi nhiễm, làm xét nghiệm HIV...

Minh Thùy - Nam Phương
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2011/12/nhung-bac-si-thuong-xuyen-giap-mat-tu-than/

Không có nhận xét nào: