Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Thủy sám- Quyển Thượng

Từ Bi Thủy Sám Pháp

Trước thuật: Ngộ Đạt Thiền Sư
Dịch Giả: Thích Huyền Dung

Phật Lịch: 2541-1997





“Tội từ tâm khởi cũng từ tâm diệt
Tội diệt tâm không cả hai đều hết”
“Nguyện nghiệp chướng Báo chướng,
Phiền não chướng, ba chướng tiêu trừ.
Nguyện Tân duyên,Cựu duyên,
Oan trái duyên, mọi duyên giải thoát”.


Duyên khởi



Thiết nghĩ ngoài những kinh, luật, luận của thánh giáo đã phiên dịch, nhiều sách vở của hiền nhân chế tác về sau đều do nơi sự cảm ứng mà làm ra cả. Nếu riêng từng phẩm loại mà nói thì không dễ gì kể ra cho hết được. Ngay như bản văn này mà gọi là Thuỷ Sám, tôi xin nói rõ đến căn do.

Thuở về chiều vua Đường Ý Tôn có một vị quốc sư hiệu là Ngô Đạt, tên là Tri Huyền, lúc chưa hiển đạt, ngài thường gặp gỡ một nhà sư ở đất Kinh Sư trong một ngôi chùa nọ. Nhà sư ấy bị mắc bệnh ca ma la (bệnh cùi) ai cũng gớm, chỉ có ngài Tri Huyền là thường gần gũi hỏi han, không hề nhàm chán. Nhân khi chia tay, nhà sư vì quá cảm khích phong thái của ngài Tri Huyền mới dặn rằng:

- Sau này ông có nạn chi nên qua núi Cửu Lũng tại Rành Châu đất Tây Thục tìm tôi và nhớ trên núi ấy có hai cây tùng làm dấu chỗ tôi trú ngụ.

Sau đó ngài Ngộ Đạt quốc sư đến ở chùa Ấn Quốc thì đạo đức của ngài càng vang khắp. Vua ý Tôn thân hành đến pháp tịch nghe ngài giảng đạo. Nhân đó vua mới ân từ rất hậu cho ngài cái pháp tọa bằng gỗ trầm hương và từ đó trên đầu gối của ngài bỗng nhiên mọc mụn ghẻ tựa như mặt người, đau nhức khôn siết! Ngài cho mời tất cả các bậc danh y, nhưng không ai chữa được. Nhân ngài nhớ lời dặn trước bèn đi vào núi mà tìm.

Trên đường đi, trời đã mờ tối, trong khoảng âm u mây bay khói toả mịt mù, ngài nhìn xem bốn phía, bỗng thấy dạng hai cây tùng mới tin rằng lời ước hẹn xưa không sai. Ngài liền đến ngay chỗ đó, quả nhiên thấy lầu vàng điện ngọc lộng lẫy nguy nga, ánh quang minh chói rọi khắp nơi. Trước cửa nhà sư đang đứng chờ đón ngài một cách thân mật.

Nhân ở lại đêm, ngài Ngộ Đạt mới tỏ hết tâm đau khổ của mình, nhà sư ấy nói:

- Không hề gì đâu, dưới núi này có một cái suối, sáng ngày rửa cái mụn ấy khoẻ ngay.

Mờ sáng hôm sau một chú tiểu đồng dẫn ngài ra ngoài suối. Ngài vừa bụm nước lên rửa thì mụn ghẻ kêu lên:

- Đừng rửa vội. Ông học nhiều biết rộng đã khảo cứu các sách cổ kim mà có từng đọc đến chuyện Viên Áng giết Tiều Thố vậy? Thố bị chém ở chợ phía đông oan ức biết chừng nào. Đời đời tôi tìm cách báo thù ông, song đã mười kiếp ông làm bậc cao tăng, giới luật tinh nghiêm, nên tôi chưa tiện bề báo oán được. Nay vì ông được nhà vua quá ưa chuộng nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được ông. Nay nhờ ngài Ca Nặc Ca tôn giả lấy nước pháp tam muội rửa oán cho tôi rồi , từ nay trở đi tôi không còn báo oán cho ông nữa.

Ngài Ngộ Đạt nghe qua hoảng sợ liền vội vàng bụm nước dội rửa mụn ghẻ làm nhức nhối tận xương tuỷ, chết giấc hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh lại thì không thấy mụn ghẻ ấy nữa. Nhân đó ngài mới biết thánh hiền ẩn tích kẻ phàm tình không thể lường được. Ngài muốn trở lên lạy tạ vị sư, nhưng ngó ngoảnh lại thì ngôi bảo điện kia đã biến mất tự bao giờ. Vì thế ngài bèn lập một cái thảo am ngay chỗ ấy và sau trở thành một ngôi chùa. Đến năm Chí Đạo triều nhà Tống mới sắc hiệu là “Chi Đức Thiền Tự”. Có một vị cao tăng làm bài kí sự ghi chép việc này rõ ràng.

Khi đó ngài Ngộ Đạt nghĩ đến nỗi oan trái đã bao đời nếu không gặp được thánh nhân thì do đâu khỏi được? Vì cảm niệm cái ơn tế độ lạ lùng ấy, ngài mới thuật ra pháp sám này để mai chiều lễ tụng, sau đó truyền bá khắp thiên hạ.

Ba quyển sám đây tức là bài văn của ngài làm ra lúc đó vậy.

Nghĩa chính của bài văn này là lấy nước Tam Muội rửa sạch nghiệp oan khiên nên mới đặt là Thuỷ Sám. Lại ngài Ngộ Đạt cũng vì cảm điềm dị ứng của đức Ca Nặc Ca nên dùng tên ấy mà đặt cho bộ Sám văn này để đền đáp cái thâm ân kia.

Nay tôi kể rõ sự thật và nếu công của tiên đức để cho những người lật bộ sám văn này, hoặc lễ, hoặc tụng, đều biết được sự tích của tiền hiền vì lẽ nhân quả tuy nhiều kiếp cũng không sai chạy.

(Bài này tôi cố tìm tác giả nhưng không thấy)




Phần nghi lễ



(Mọi người đều chỉnh tề đứng trước Tam Bảo mật niệm rằng)

Tịnh pháp giới chân ngôn: Án La Sa Ha (3 lượt)

(Chủ sám đọc)

Hết thẩy cung kính: Dốc lòng kính lễ mười phương pháp giới thường trụ Tam Bảo(3 lượt)

(Mọi người quỳ nguyện hương)

Nguyện đem lòng thành kính.

Gửi theo đám mây hương.

Phảng phất khắp mười phương.

Cúng dường ngôi Tam Bảo.

Thề trọn đời giữ đạo,

Theo tự tính làm lành,

Cúng pháp giới chúng sinh.

Cầu Phật từ gia hộ;

Tâm Bồ đề kiên cố.

Xa bể khổ sông mê.

Chóng quay về bờ giác.

Cúng dường đoạn: Dốc lòng kính lễ mười phương pháp giới thường trụ Tam Bảo.(1 lượt)

(Mọi người đều đứng dậy chắp tay tán phật)

Đấng pháp vương vô thượng,

Ba cõi chẳng ai bằng,

Thầy dậy khắp trời người,

Cha lành chung bốn loài,

Quy y trọn một niệm.

Dứt sạch nghiệp ba kỳ,

Xưng dương cùng tán thán.

Ức kiếp không cùng tận.

Án phạ phật la vật.(3 lượt)

Chí tâm đảnh lễ, Tận hư không, biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, chư phật, tôn pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ tam Bảo.(1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Sa bà giáo chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.(1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Tây phương Cực Lạc giáo chủ A Di Đà Phật. (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Đương lai giáo chủ Di lặc Tôn Phật. (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ Tát. (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát. (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát (1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Ca Nhã Ca Bồ Tát.(1 lễ)

Chí tâm đảnh lễ, Ngộ Đạt Quốc Sư Bồ Tát.(1 lễ)

Con nay xin bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ chí thành Sám hối...(1 lễ)

(cùng quỳ để sám hối)

Chúng con xin chí thành sám hối:

Xưa kia gây nên bao ác nghiệp.

Đều vì ba nghiệp Tham, sân, si.

Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra.

Hết thảy nay con xin sám hối.

Sám hối đoạn: Dốc lòng kính lễ Tam Bảo thường ở khắp mười phương.(1 lễ)

(Đồng quỳ: Chủ sám thỉnh) (1 lễ)

Kính nghe:

Lòng Từ Mẫn hằng vì muôn vật, tâm Bi Nguyện khéo độ quần sinh. Hai chữ Từ Bi làm tiêu hết muôn nghìn tội lỗi. Một lời niệm Phật cũng diệt trừ trăm vạn oan khiên.

Nguyên nhân làm ra văn Thuỷ Sám này, là do Viên Áng, Tiều Thố hai người, vì kết thành mối oan khiên, nên nghiệp quả kia khó tránh.

Dưới bóng song tùng ngài Ca Nhã hiện Phạm thể đoan nghiêm, trong ao Tam Muội ngài Ngộ Đạt thoát oan sang (mụn hình mặt người mọc nơi đầu gối.), khổ nạn. Nhân Từ tâm hướng về thiện niệm, vì thế nên đất hiện suối thơm. Văn Thuỷ Sám nay mở đầu, là nguyên do từ đó.

Sở sĩ, một giọt nước thấm nhuần lại là phương thuốc hay thoát khổ, một lời kêu Sám hối thực là đạo tối yếu trừ khiên; khả dĩ tiêu tan nhiều đời tội nặng; khả dĩ cứu vớt cực khổ nơi ba đường; khả dĩ gỡ mối oan khiên trong nhiều kiếp. Công đức sám ma ấy, khen ngợi mãi khôn cùng.

Hôm nay đàn tràng nghiêm tịnh, tiệc pháp kính bày. Quy mệnh mười phương Điều Ngự, Kính lễ Phổ Hiền nguyện vương, vận tưởng hương hoa, một lòng dâng cúng.

Muốn cho căn lành trong sạch, trước nên nghiệp chướng, tiêu trừ. Cúi mong đức đại Từ Bi trông xuống rủ lòng soi xét.

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lượt)

(Chủ sám và mọi người ngồi, cùng tụng theo nhịp mõ)

Thiên thủ thiên nhỡn vô ngại Đại bi tâm đà la ni

Nam mô hát ra đát na đá ra giạ gia. Nam mô a rị gia. Bà lô yết đế thước bát ra gia. Bồ đề tát đỏa bà gia. Ma ha tát đỏa bà gia. Ma ha ca rô ni ca gia. Án. Tát bàn ra phạt duệ. Số đát na đát tả. Nam mô tất cát lật đỏa y mông a rị gia. Bà lô cát đế thất phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì. Hê rị ma ha bàn đa sa mế. Tát bà a tha đậu du bằng. A thệ dựng. Tát bà tát đá na ma bà già. Ma phạt đặc đậu. Đát điệt tha. Án. A bà lô hê, lô ca đế. Ca ra đế. Di hê rị. Ma ha bồ đề tát đỏa. Tát bà tát bà. Ma ra ma ra, ma hê ma hê rị đà dựng. Câu lô câu lô yết mông. Độ lô độ lô phạt xà gia đế, ma ha phạt xà gia đế. Đà ra đà ra. Địa rị ni. Thất phật ra gia. Dá ra giá ra. Mạ mạ. Phạt ma ra. Mục đế lệ. Y hê y hê, thất na thất na. A ra sâm phật ra xá lị, phạt sa phạt sâm. Phật ra xá gia. Hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị. Sa ra sa ra. Tất rị tất rị. Tô rô tô rô. Bồ đề giạ bồ đề giạ. Bồ đà giạ bồ đà giạ. Di đế lị giạ. Na ra cẩn trì. Địa lị sắc ni na. Ba giạ ma na, sa bà ha. Tất đà giạ, sa bà ha. Ma ha tất đà giạ, sa bà ha. Tất đà du nghệ. Thất bàn ra giạ, sa bà ha. Na ra cẩn trì, sa bà ha. Ma ra na ra, sa bà ha. Tất ra tăng a mục khư gia, sa bà ha. Sa bà ma ha a tất đà giạ, sa bà ha. Giả cát ra a tất đà giạ, sa bà ha. Ba đà ma yết tất đà giạ, sa bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra gia, sa bà ha. Ma bà lị thắng yết ra giạ, sa bà ha. Nam mô hát ra đát na đá ra giạ gia. Nam mô a lị gia, Bà lô cát đế, Thước bàn ra giạ, sa bà ha.

Án tất điện đô, Mạn đa ra, Bạt đà gia, sa bà ha.

Nam mô ly cấu địa bồ tát ma ha tát

(3 lượt)



Kính nghe:

Mỗi Đức Phật ra đời mở tám vạn bốn nghìn cửa Pháp. Một mặt trăng cõi thiên phá tối tăm quần sinh nơi đại địa. Mở rộng đạo mầu nhất thừa, sám diệt tội khiên hết thảy

Kính xin Bảy Phật Thế Tôn, mười phương Từ Phụ, hiện tướng hào quang sáng suốt, giám soi ý khẩn chân thành.

Phụng vì cầu sám cho tên là.........................Vận Sức Từ Bi Đạo Tràng Thuỷ Sám. Đây là quyển thượng, duyên khởi vào đàn, hành nhân chúng con, quỳ gối chắp tay, kính lễ mười phương Tam Bảo, quy y hết thảy Thánh Tăng, dĩa tỏ cầu thượng, mở bày sám hối.

Trộm nghĩ: Chúng con tên là.........................Nhất tính trái ngang chìm đắm hương về trong bốn thú, Nhất Chân mờ mịt loanh quanh ở mãi trong sáu đường. Nghiệp Thân, Miệng, ý buông lung, vì Tham, Sân, Si phóng túng. Làm càn làm bậy tạo ra nghiệp chướng vô biên, theo ác theo tà gây lấy lỗi lầm nhiều thứ.

Nay nhờ đức Như Lai mở bày cửa Pháp phương tiện, Khiến cho lũ chúng con phát khởi tam thành sám hối. Mong sạch tội cấu nghìn đời, trừ hết oan khiên nhiều kiếp. Con nguyện được như vậy, xin Phật rủ lòng thương; Ngửa mong đức Đại Từ Bi, vì con mà ngầm giúp.

(đại chúng ngồi tụng)

Lư hương vừa đốt,

Cõi pháp thơm lây

Chư Phật bốn biển đều xa hay

Thấu tâm thành này

Chư Phật hiện thân ngay.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát.(3 lượt)

Chân ngôn tịnh tam nghiệp: án sa phạ bà phạ chuật đà xa phạ đạt ma sa phạ bà phạ chuật độ hám.(3 lượt)

Chân ngôn phả cúng dàng: án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhiệt la hộc.

(Lời Phát nguyện)

Kính lễ Đức Thế Tôn

Quy mệnh mười phương chư phật

Con nay phát nguỵên lớn

Trì tụng hành sám văn

Trên đền bốn trọng ân[1]

Dưới cứu khổ muôn loài

Nếu có ai thấy nghe Đều phát tâm Bồ đề

Tụ tập các công đức

thực hành hạnh lợi tha

khi nào hết báo thân này

Đều vãng sinh cực lạc.



Kệ khai kinh:

Chính pháp sâu xa rất nhiệm mầu!

Trăm nghìn ức kiếp cũng khó gặp,

Con nay thấy nghe xin thụ trì,

Nguyện hiểu nghĩa chân của Như Lai.

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.(3 lượt)

Khải vận đạo tràng Sám Pháp, một lòng quy mệnh chư Phật trong ba đời.

Nam mô Quá khứ tỳ bà Thi Phật[2], (1 lạy)

Nam mô thi khí Phật[3], (1 lạy)

Nam mô tỳ xá phù Phật[4], (1 lạy)

Nam mô Câu Lưu Tôn Phật.[5], (1 lạy)

Nam mô Câu na Hàm Mâu Ni Phật[6], (1 lạy)

Nam mô Ca Diếp Phật[7], (1 lạy)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật[8], (1 lạy)

Nam mô Đương lai Di lặc Tôn Phật[9], (1 lạy)






Pháp Từ Bi Thủy Sám
(Quyển thượng)



Tất cả chư Phật, vì thương xót chúng sinh, nói pháp lập đàn Thuỷ Sám. Chúng sinh vì nghiệp cấu nặng nề nên không một ai tránh khỏi tội lỗi. Những kẻ phàm phu bi màn vô minh che lấp, gần gũi bạn ác, phiền não loạn tâm, tính không hiểu biết, nên cứ buông lòng tự thị, không tin tưởng mười phương chư Phật, Không tin tôn Pháp, cùng các bậc thánh Tăng, bất hiếu cha mẹ, không kính nhường bà con. Tuổi trẻ phóng túng, kiêu căng ngạo mạn, đối với các vật quý báu, các thứ ca nhạc, các sắc đẹp trai gái thường sinh tâm tham luyến, ý khởi phiền não, lân la với người hư, tập tành theo bạn ác, không biết chừa đổi. Hoặc giết hại các giống sinh linh, hoặc uống rượu mê man mất hết trí tuệ, rồi thường cùng với chúng sinh tạo nghiệp phá giới. Những tội ác ở hiện tại ngày nay chí thành xin sám hối hết thảy, còn các tội lỗi về sau không dám làm nữa.

Bởi thế hôm nay chúng con dốc lòng thành kính quy y hết thảy các Đức Phật, các vị Đại Bồ Tát, Bích Chi, La Hán, Phạm Vương Đế Thích, Thiên Long Bát Bộ và tất cả thánh chúng trong mười phương hư không thế giới cầu xin dủ lòng chứng giám.



Lễ Phật Và Bồ Tát



Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,

Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam mô Di Lặc Phật.

Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.

Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.

Nam mô Ca Sa Tràng Phật

Nam mô Sư Tử Hống Phật

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.

Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.

Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.



Đỉnh lễ các đức Phật rồi, thứ lại sám hối. Nhưng, muốn làm lễ sám trước phải kính lễ Tam Bảo, vì Tam bảo là bạn lành, là ruộng phúc của tất cả chúng sinh. Nếu qui hướng Tam Bảo thì diệt được vô lượng tội, thêm được vô lượng phúc, khiến người làm đạo thoát khổ sinh tử, được vui giải thoát. Vì vậy cho nên chúng con tên là.........................

Quy y hết thảy chư Phật trong mười phương hư không thế giới (1 lạy)

Quy y hết thảy tôn Pháp trong mười phương hư không thế giới (1 lạy)

Quy y hết thảy Thánh Tăng trong mười phương hư không thế giới (1 lạy)

Sở dĩ ngày nay chúng con sám hối, chính vì từ vô thỉ nhẫn lại, còn ở địa vị phàm phu bất cứ sang hèn, tội lỗi không lường: hoặc do ba nghiệp gây nên tội lỗi, hoặc vì nội tâm vọng tưởng, hoặc vì ngoại cảnh mê hoặc sinh lòng nhiễm trước.

Như thế cho đến mười điều ác nghiệp, tám vạn bốn ngàn trần lao. Những tội lỗi ấy tuy nhiều vô lượng, nhưng không ngoài ba điều: phiền não, nghiệp chướng, quả báo. Ba ác pháp này là pháp chướng ngại thánh đạo, ngăn trở quả báo tốt đẹp nhân thiên. Thế nên kinh gọi là ba chướng, vì vậy Chư Phật, Bồ Tát dạy làm những pháp phương tiện sám hối trừ diệt. Ba chướng ấy diệt thì sáu căn[10], mười ác[11], cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao[12] thảy đều thanh tịnh.

Hôm nay chúng con là........................................đem hết lòng thành, vận tâm thù thắng sám hối ba chướng. Muốn diệt ba chướng phải dùng những tâm niệm này: trước phải phát bảy tâm thù thắng làm phương tiện, sau mới trừ diệt:

Một là tâm tủi hổ, hai là tâm e sợ, ba là tâm chán xa, bốn là tâm bồ đề; năm là tâm oán thân bình đẳng; sáu là tâm nghĩ báo ân Phật; bảy là tâm oán xét tội tính vốn không.

Thứ nhất tâm tủi hổ, là tự nghĩ ta với đức Thích ca đồng là phàm phu, mà đức Thế Tôn đã thành đạo đến nay trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, chúng ta thì lại còn cùng nhau say đắm lục trần[13] trôi lăn trong vòng sinh tử, chưa biết bao giờ ra khỏi. Như thế thật là đáng thẹn, đáng hổ nhất trong thiên hạ.

Thứ hai tâm e sợ, đang là phàm phu thì thân, khẩu, ý nghiệp thường thuận ưng với tội lỗi. Bởi nhân duyên ấy nên sau khi chết phải toạ vào địa ngục, ngã quỉ, súc sinh chịu khổ vô cùng. Như thế thật là đáng kinh đáng sợ.

Thứ ba tâm chán xa, là chúng ta thường cùng nhau quan sát trong đường sinh tử, chỉ là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, hư giả như bọt nước nổi, tan, xoay vần qua lại như bánh xe lăn; còn thêm sinh, già, bệnh chết, tám khổ, nung nấu không dừng. Chúng ta xem sét ngay trong thân thể từ đầu đến chân có 36 thứ; tóc, lông, răng, móng, ghèn, nước mắt, mũi, nước miếng, gàu, mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện, da dầy, da mỏng, máu, thịt, gân, mạch, xương, tuỷ, mỡ chài, mỡ nước, óc, màng, lá lách, thận, tim, phổi, gan, mật, ruột, dạ dày, đàm đỏ, đàm trắng, sinh tạng, thục tạng, thường bài tiết ra chín lỗ. Nên trong kinh nói: Thân này là chỗ chứa, các khổ não, đầy dãy bất tịnh, nên kẻ trí giả chẳng hề yêu dấu. Trong vòng sinh tử đã có những cái xấu xa như thế, thực là đáng lo, đáng chán!

Thứ tư phát tâm bồ đề. Kinh nói: “Nên ham muốn thân Phật, vì thân Phật tức là Pháp thân, pháp thân ấy do vô lượng công đức trí tuệ sinh ra, do tu sáu pháp ba la mật[14] sinh ra, do từ, bi, hỷ, xả sinh ra, do tu ba bẩy pháp trợ bồ đề[15] sinh ra. Do những công đức trí tuệ ấy sinh ra Như Lai. Muốn được thân đó thì phải phát tâm Bồ đề, cầu được Nhất thiết chủng trí, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, chứng quả Tát bà nhã[16], thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sinh, chẳng tiếc thân mệnh tài sản”.

Thứ năm tâm oán thân bình đẳng, là đối với tất cả chúng sinh mở lòng từ bi không phân “nhân ngã”. Vì nếu còn thấy kẻ “oán” khác với người “thân”, tức còn có sự phân biệt. Bởi có phân biệt mới có chấp trước, bởi có chấp trước mới sinh phiền não, bởi sinh phiền não mới tạo nghiệp dữ, bởi tạo nghiệp dữ mới tạo quả báo.

Thứ sáu tâm nghĩ báo ân Phật. Đức Như Lai từ vô lượng kiếp đã vì chúng ta mà bỏ cả đầu, mắt, tuỷ, não, tay chân, xương thịt, quốc thành, vợ con, voi ngựa, thất bảo, tu hành khổ hạnh. Ơn đức ấy thật khó báo đền. Vì vậy kinh nói: “Giả sử đầu đội vai mang, trải qua số kiếp như hằng hà sa, cũng khó đền đáp ơn Phật. Chúng ta muốn đền đáp công ơn của đức Như Lai, trong đời này phải dũng mãnh, tinh tiến gắng chịu khổ nhọc, không tiếc thân mệnh gây dựng Tam Bảo, hoằng dương giáo pháp đại thừa, hoá độ chúng sinh, đồng vào ngôi Chính giác”.

Thứ bẩy tâm quán xét tội tính không thật, là tội không tự tính, do nhân duyên sinh, do điên đảo thành, đã do nhân duyên sinh thì cũng do nhân duyên diệt. Nhân duyên sinh tội tức là gần gũi bạn ác gây nghiệp vô cùng. Nhân duyên diệt tội tức là ngày nay tịnh tâm sám hối. Thế nên kinh dạy: “Tội tính không phải ở trong, không phải ở ngoài, không ở chặng giữa. Nên biết tội tính vốn không”.

Khởi bảy thứ tâm như trên ấy rồi, lại duyên tưởng đến mười phương chư Phật, cùng các hiền thánh, cung kính chắp tay phơi bày tâm can tỏ lòng cầu khẩn khổ thẹn sám hối. Sám hối như thế, tội nào không diệt, phúc nào không sinh. Nếu không hết lòng sám hối, cứ lần nữa biến nhác, tình tự buông lung thì chỉ khổ nhọc cho mình, chứ không ích lợi gì cả. Và lại mạng người vô thường như quay vó đuốc. Khi hơi thở ra không trở lại thì thân này đồng như tro đất, khổ báo trong ba đường chính mình, phải chịu, không thể nhờ tiền tài, của báu để lo nhờ thoát khỏi,ở mãi trong cảnh mịt mù không có kỳ hạn ân sá, riêng mình chịu khổ, không ai thay thế.

Đừng cho rằng trong đời này ta không gây tội, mà không ân cần cầu sám hối, vì trong kinh nói:” kẻ phàm phu mỗi khi động chân cất bước là có tội”. Lại trong những đời quá khứ đã gây nên nhiều điều ác nghiệp, không thể kể xiết, nó thường theo dõi như bóng theo hình. Nếu không sám hối thì tội ác ngày càng sâu. Nên biết rằng hễ che giấu tội lỗi của mình, thì phật còn không dung cho, tỏ rằng để sám hối thì ngài Tịnh Danh kính chuộng. Bởi thế nên biết chúng sinh bị chìm đắm mãi trong bể khổ cũng do thói hay che giấu tội lỗi. Vì vậy ngày nay chúng con xin phát lộ sám hối, không dám che dấu.

Ba chướng: Một là phiền não, hai là nghiệp chướng, ba là quả báo. Ba thứ chướng này làm nhân cho nhau, như do phiền não mới sinh ác nghiệp, do ác nghiệp mà phải khổ báo. Vì thế ngày nay chúng con xin hết lòng sám hối.

Thứ nhất sám hối các nghiệp chướng phiền não, vì những phiền não ấy đều do ý gây ra. Và khi ý nghiệp phát khởi, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp theo đó phát động. ý nghiệp có tham lam, có giận dữ, có ngu muội. Bởi ngu muội mới sinh tà kiến mà gây lắm việc ác. Vì vậy kinh nói: “Ba nghiệp tham, sân, si làm cho chúng sinh đoạ lạc trong ba đường: địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, chịu khổ vô cùng. Nếu được làm người cũng phải chịu những ác báo phiền não: nghèo nàn, túng thiếu, côi cút, lại thêm tính nết hung hăng, càn bướng, ngu độn, không biết phải quấy”.

Ý nghiệp đã gây nhiều ác quả như thế, nên ngày nay chúng con dốc lòng đem hết thân mệnh nương về chư Phật, Bồ tát, các bậc thánh nhân, đã thấu tỏ chân lý, đủ mọi điều quở tránh. Gọi phiền não này là oán gia, vì phiền não làm dứt mất tuệ căn, tuệ mệnh của chúng sinh; cũng gọi phiền não này là cái thác chảy mạnh, vì lôi quấn chúng sinh vào bể khổ sinh tử; cũng gọi phiền não này là xiềng xích, vì ràng buộc chúng sinh trong ngục sinh tử không khi nào ra khỏi, cứ phải quanh quẩn mãi trong sáu nẻo bốn loài, gây nghiệp ác vô cùng, chịu quả khổ không ngớt. Thế mới biết những hoạn hoạ ấy đều do phiền não mà ra. Cho nên ngày nay vận tâm tăng thượng cầu xin sám hối.

Từ vô thỉ đến nay, chúng con hoặc chịu quả báo trong sáu đường, hễ có tâm thức, thường ôm mối ngu hoặc đầy dãy tâm can, hoặc nhân mầm tam độc[17] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tam lậu[18] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tam khổ[19] tạo nên tất cả tội,hoặc duyên tam đảo[20] tạo ra tất cả tội, hoặc tham tam hữu[21] tạo nên tất cả tội. Những tội như thế vô lượng vô biên não loạn tất cả bốn loài chúng sinh trong sáu đường. Ngày nay hổ thẹn đều xin sám hối.

Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân bốn trụ[22] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn lưu[23] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn thủ[24] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn chấp[25] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn duyên[26] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn đại[27] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn ngón phược[28] tạo nên tất cả tội, hoăc nhân bốn tham[29] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn sinh[30] tạo nên tất cả tội.

Những tội như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường. Ngày nay hổ thẹn đều xin sám hối.

Lại nữa, chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân năm món trụ[31] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm món cái[32] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm món xan[33] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm món kiến[34] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm tâm[35] tạo nên tất cả tội. Những phiền não như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường, ngày nay tỏ bày cầu xin sám hối.

Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân sáu căn[36] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu thức[37] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu tưởng[38] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu thụ[39] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu hành[40] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu ái[41] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu nghi[42] tạo nên tất cả tội. Những phiền não như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường, ngày nay hổ thẹn tỏ bày, cầu xin sám hối.

Lại nữa chúng con từ vô thỉ lại đây, hoặc nhân bảy món lậu[43] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bảy món sử[44] tạo nên tất cả tội,hoặc nhân tám món đảo[45] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tám món cấu[46] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tám khổ[47] tạo nên tất cả tội. Những phiền não như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường ngày nay tỏ bày, cầu xin sám hối.

Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân chín não[48] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân chín kết[49] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân chín duyên[50] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười phiền não[51] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười triền[52] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười một biến sử[53] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười hai nhập[54] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười sáu tri kiến[55] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười tám giới[56] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân hai mươi lăm ngã[57] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu mươi hai kiến[58] tạo nên tất cả tội, hoặc nhân chín mươi tám sử[59], một trăm tám phiền não[60] của kiến hoặc, tư hoặc đêm ngày bập bùng mở cửa hữu lậu[61] gây nên tất cả tội, loạn não thánh hiền và bốn loài chúng sinh, đầy dãy ba cõi[62] tràn khắp sáu đường[63] không còn chỗ trốn lánh. Ngày nay hết lòng cầu khẩn hướng về mười phương chư Phật, tổn Pháp, Thánh chúng, hổ thẹn giãi bày đều xin sám hối.

Nguyện nhờ công đức sám hối tất cả phiền não ba độc, chúng con nguyện đời đời kiếp kiếp được ba thứ trí tuệ[64], ba món sáng tỏ, diệt được ba khổ[65] đầy đủ ba nguyện[66]. Lại nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não vì bốn món thức, chúng con..........................đời đời kiếp kiếp được mở rộng bốn tâm bình đẳng[67], lập bốn tín nghiệp[68] diệt bốn đường ác[69], được bốn vô uý[70]. Nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não vì năm món cái...chúng con...đời đời kiếp kiếp, quả khỏi được năm đường[71] dựng được năm căn[72], năm thứ tịnh nhỡn[73], thành tựu năm phần pháp thân[74]. Lại nguyện, nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não của sáu thụ, chúng con...................................đời đời kiếp kiếp được đầy đủ sáu món thần thông[75], sáu phép lục độ[76]. Không bị sáu trần mê hoặc, thường làm được sáu diệu hạnh[77]. Lại nguyện nhờ công đức sám hối tất cả phiền não vì bảy lậu, tám cấu, chín kết, mười triền, chúng con.................. đời đời kiếp kiếp được ngồi trên hoa thất tịnh[78] được tắm nước bát giải[79], đủ trí cửu đoạn[80], thành tựu hạnh thập địa[81].

Lại nguyện, nhờ công đức sám hối tất cả phiền não vì mười một biến sử, mười hai nhập, mười tám giới, chúng con........................….đời đời kiếp kiếp được hiểu mười một món không[82], tâm thường nương những món không ấy, tự tại chuyển nói mười hai hành pháp luận[83],đầy đủ mười tám món bất cộng pháp[84] vô lượng công đức đều viên mãn.

Phát nguyện xong, chí tâm chỉnh lễ chư phật:





Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,

Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam mô Di Lặc Phật.

Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.

Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.

Nam mô Ca Sa Tràng Phật

Nam mô Sư Tử Hống Phật

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.

Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.

Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.



Đảnh lễ chư Phật rồi, kế lại sám hối.

Phép sám hối chính là sửa đổi sự lỗi lầm đã qua, diệt ác làm lành. Người đời ai không lỗi, như bậc hữu học lỡ mất chính niệm còn bị phiền não nổi lên, bực La Hán có lúc kết tập phát khởi cũng còn phạm phải những nghiệp thân, khẩu, ý, huống kẻ phàm phu sao khỏi tội lỗi. Những người có chí biết trước liền ăn năn đổi lỗi, còn kẻ ngu si giấu giếm, nên tội lỗi thêm tràn đầy, chất chứa lâu ngày không biết khi nào tỏ ngộ. Nếu biết hổ thẹn giãi bày sám hối, không những diệt được tội lỗi, còn thêm vô lượng công đức, gây dựng quả vị Niết Bàn vi diệu của Như Lai. Muốn thật hành phép sám hối, trước hết thân phải nghiêm trang chỉnh tề, chiêm ngưỡng tôn tượng, tâm phải khởi ý cung kính, theo phép quán tưởng, hết lòng cầu khẩn, để tâm suy nghĩ hai điều: Thứ nhất phải nghĩ thân mệnh khó giữ thường còn, một khi tan nát không biết bao giờ được lại. Nếu không gặp chư Phật cùng các bậc hiền thánh, lại gặp phải bạn ác, tạo thêm nhiều tội nghiệp, sẽ bị đoạ lạc chốn hiểm hang sâu. Thứ hai phải tự nghĩ ngày nay, ta tuy gặp chính pháp Như Lai, lại không biết vì phật pháp nối dõi giống Thánh, tẩy sạch ba nghiệp thân, khẩu, ý, để cư xử theo thiện pháp, lại riêng làm việc ác, cố ý che đậy, nói người khác không biết, kẻ kia không thấy, giấu kín trong lòng ngang nhiên không hổ thẹn. Như thế thật là một điều hết sức ngu hoặc trong thiên hạ.

Mười phương chư Phật, chư đại Bồ tát cùng các vị thiện thần, lúc nào lại không dùng thiên nhỡn thanh tịnh mà soi thấy hết những tội ác của chúng ta gây tạo.

Và lại các thần linh ở chốn u minh ghi chép tội phúc không sai một mảy may nào. Nói đến những người đã làm nên tội lỗi, sau khi chết rồi bị ngục tốt đầu trâu thâu bắt thần hồn dem nạp trước mặt diêm vương để tra xét điều phải trái. Bây giờ tất cả kẻ oán cừu đang làm chứng nói:” ngươi trước kia mổ ta, giết ta, nấu, hầm, rang, nướng ta...” hoặc nói:” trước kia ngươi cướp bóc lấy hết tiền bạc ta ly dán quyến thuộc ta, ngày nay ta mới có dịp ở trước ngươi làm chứng cớ rõ ràng, đâu còn giấu giếm chỉ đành cam chịu những tội lỗi trước”.

Trong kinh nói rõ: ở địa ngục không bao giờ xử oan. Người nào ngày thường gây những tội gì, tuy đã quên mất, nhưng đến khi chết những hình tướng ấy do các nghiệp ác độc tạo nên từ trước đều hiện ra, nói: “Xưa kia ngươi ở bên ta tạo những tội ác như thế nay làm sao giấu giếm được?”. Lúc đó tội nhân không còn chỗ nào che đậy, ngay lúc ấy diêm vương nghiến răng quở trách rồi cho vào địa ngục trải vô lượng kiếp, chẳng hòng thoát khỏi. Việc đó chẳng phải xa lạ mà cũng không quan hệ gì với người, chính tự mình tạo tự mình phải chịu, dù chí thân mưu cha con, một khi quả báo đối đầu, cũng không thay thế cho nhau được.

Vậy nay chúng ta cùng được làm thân người khoẻ mạnh, không bệnh tật, nên gắng sức tu hành, tranh đua cùng thọ mệnh, khi đại nạn xảy đến hối hận không kịp. Bởi thế chúng con dốc lòng, cầu xin sám hối.

Từ vô thỉ đến nay, chúng con bị vô minh che khuất, tâm trí, do phiền não tạo các nghiệp ác trong ba đời. Hoặc say đắm dục lạc sinh ra “phiền não ham muốn”, hoặc giận giữ bực tức sinh ra “phiền não hãm hại”, hoặc tâm trí tối tăm sinh ra “phiền não không hiểu rõ”, hoặc ngã nạn tự cao sinh ra “phiền não ngạo nghễ”, hoặc nghi ngờ chánh đạo sinh ra “phiền não do dự”, hoặc bác không nhân không quả sinh ra “phiền não tà khiến”, hoặc không biết thân cảnh do nhân duyên giảng hợp, sinh ra “phiền não chấp ngã”, hoặc mê lầm trong ba đời sinh ra “phiền não chấp thường chấp đoạn”, hoặc gần gũi tà pháp sinh ra “phiền não kiến thủ”, hoặc theo lầm tà sư sinh ra “phiền não giới thủ”, cho đến do tất ca bốn món chấp thành ra “phiền não chấp trước sai lầm...”. Ngày nay trí thành đều xin sám hối.

Lại từ vô thỉ đến nay, bởi có tính bo bo lận tiếc sinh ra “phiền não keo bẩn” bởi không thâu nhiếp sáu căn sinh ra “phiền não buông lung”, bởi để tâm làm những việc xấu xa ác độc sinh ra “phiền não bất nhẫn”, bởi biếng nhác trễ nải sinh ra “phiền não không siêng năng” bởi hay ngờ vực lo nghĩ bông lông, sinh ra “phiền não giác quán” bởi súc cảnh mê hoặc, sinh ra “phiền não không hiểu biết”, bởi theo tám thói xấu[85] ở đời, sinh ra, phiền não nhân ngã, bởi dối trá, khen trước mặt, chê sau lưng, sinh ra “phiền não tâm không ngay thẳng”, bởi thô cứng khó dạy sinh ra” phiền não không điều hoà”, bởi dễ giận khó vui, sinh ra “phiền não uất hận”, bởi hay ghen ghét đâm thọc sinh ra “phiền não hung dữ”; bởi hung bạo độc hại, sinh ra “phiền não thâm độc”, bởi trái với thánh đạo sinh ra “phiền não điên đảo”, bởi cứ theo chiều sinh tử, không diệt được mười hai nhân duyên[86] sinh ra, “phiền não luân chuyển” cho đến do vô minh trụ địa, từ vô thỉ khởi ra hằng sa phiền não, khởi tứ trụ địa, gây thành khổ quả trong ba cõi, Khổ quả phiền não vô lượng vô biên, não loạn hiền thánh, bốn loài chúng sinh trong sáu nẻo. Ngày nay giãi bày trước mười phương chư Phật, tôn Pháp, Thánh chúng, đều xin sám hối.

Nguyện nhờ công đức đã sám hối những phiền não tham, sân, si do ý nghiệp khởi ra, đời đời kiếp kiếp bẻ tràng kiêu mạn, khô nước ái dục, tắt lửa sân hận, phá tối ngu si, nhổ gốc ghi hoặc, xé lưới tà kiến, biết rõ ba cõi như ngục tù, tứ đại như rắn độc, ngũ ấm như kẻ thù, lục nhập rỗng không, dối trá thân thiện, siêng tu tám món thánh đạo, dứt nguồn vô minh, nhắm thẳng Niết bàn không hề dừng nghỉ, luôn luôn để tâm làm theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cùng mười phép ba la mật[87] thường được hiện tiền.

Sám hối phát nguyện rồi, hết lòng tin tưởng kính lễ Thường Trụ Tam Bảo.



Hết quyển thượng





[1] 1. Ơn sở hữu, 2. ơn cha mẹ, 3.Ơn chúng sinh, 4. Ơn thí chủ.



[2] Tỳ Bà Thi Phật là tiếng phạn. Tàu dịch có bốn nghĩa: 1. Biển kiến là trí viễn mãn như mặt trăng dầy, 2. Tịnh Quang: phiền não hoặc tập không còn, 3. Đã viên tịch, 4. Quán kiến thù thắng. Do thế nên Tỳ Bà Thi Phật đứng đầu trong bảy đức Phật.



[3] Thi khí Phật là tiếng Phạn, Tàu dịch là Hoả Đức, đức Phật này y nơi hoả quang tam muội mà thành đạo.



[4] Tỳ Xá Phù Phật là tiếng Phạn, Tàu dịch là Tự Tại, Đức Phật này dứt hết vô minh hoặc tập, đối với chỗ nào cũng được tự tại.



[5] Câu Lưu Tôn Phật là tiếng Phạn, Tàu dịch là Ưng Đoạn, Đức Phật này đoạn được tất cả phiền não.



[6] Câu Na Hàm Mâu Ni Phật là tiếng Phạn, Tàu dịch là Kim Tiên Đức. Phật này thân như sắc Vàng ánh.



[7] Ca Diếp Phật là tiếng Phạn, Tàu dịc là ẩm Quang, Thân Đức Phật này chói sáng nuốt hết các ánh sáng khác.



[8] Thích Ca Mâu Ni Phật là tiếng Phạn, Tàu dịch là Năng Nhơn Tịnh Mặc. Năng Nhơn là họ. Tịnh Mặc là tên chữ, Đức Phật này không trụ đường sanh tử, không trụ Niết bàn, hay vận cả bi và trí lợi vật không cùng. Trong bảy Đức Phật này, ba Đức Phật trước thuộc về quá khứ trang nghiêm kiếp, còn bốn Đức Phật sau thuộc về hiện tai hiền kiếp. Kiếp nói cho đủ theo tiếng Phạn là kiếp ba, Tàu dịch là phân biệt thời tiết...



[9] Di Lặc là họ, chính tên là A Dật Đa, do nơi từ tâm tam muội mà tiến lên quả vị cùng tột

[10] Sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.



[11] Mười ác:1. Sát sinh, 2. Trộm cắp, 3. Tà dâm, 4. Nói dối, 5. Nói thêu dệt, 6. Rủa Nguyền; 7. Nói hai lưỡi, 8. Tham, 9. Sân, 10. Si.



[12] Tám vạn bốn nghìn trần lao. Trần là nhiễm ô, nghĩa là các thứ kiến, phiền não hay làm nhiễm ô chơn tánh; Lao là nhọc nhằn; nghĩa là các tà kiến làm cho chúng sinh trôi lăn trong đường sanh tử.

Luận về căn bản phiền não không ra ngoài mười sử:1. Tham, 2. Sân, 3. Si,4. Mạn, 5. Nghi, 6.Thân Kiến,7. Biên kiến, 8. Tà Kiến, 9. Kiến Thủ; 10; Giới Thủ. Trong mười sử này tuỳ lấy mỗi sử làm đầu, chín sử làm phụ, nhơn thành một trăm, nhơn lại cho ba đời quá khứ hiện tại vị lai thành ra ba trăm. Số một trăm về đời hiện tại vì thời gian quá ngắn, không kể đến chỗ tương trợ, chỉ kể quá khứ vị lai có hai trăm sử, lại cứ lấy mỗt sử làm đầu, chín sử làm phụ nhơn thành hai ngàn, hiệp với một trăm sử ở đời hiện tại thành ra hai ngàn một trăm. Lại trải qua bốn phần; đa tham, đa sân, đa si và đẳng phần, tổng số là tám ngàn bốn trăm(2100x4=8.400). Lại tính cả tứ đại( địa, thuỷ, hoả, phong) và lục trần( sắc, thính, hương vị, xúc,pháp) là mười thứ, mỗi thứ có 8.400, nhân thành tám mươi bốn ngàn trần lao(8.400x10=84.000)

[13] Lục trần: 1. Sắc, 2. Thinh; 3. Hương; 4. Vị; 5. Xúc; 6. Pháp.



[14] Sáu Pháp Ba La Mật: 1. Bố Thí; 2. Trì giới, 3.Nhẫn nhục; 4. Tinh tấn; 5. Thiền định; trí tuệ. Ba La Mật là tiếng Phạn, Tàu dịch là” đáo bỉ ngạn” do tu sáu pháp ngày mà qua khỏi biển sinh tử mà đến bờ giác ngộ.



[15] 37 pháp trợ bồ đề là: 4 pháp niệm xứ; 4 pháp chánh cần; 4 pháp như ý túc; 5 căn; 5 lực; 7 pháp giác chi; 8 pháp thánh đạo phần. 37 Pháp này dành cho người tu hành thành tựu được đạo quả nên gọi là trợ bồ đề.

– Bốn pháp niệm xứ: niệm là tâm năng quán( tâm hay quan sát). Xứ là cảnh sở quán(cảnh bị quán sát). Vì chúng sinh vọng chấp thân ngũ ấm này nên Phật nói 4 phép quán để đối trị: a, Quán thân bất tịnh( Quán sát thân này là vật nhơ bẩn)

b,Quán thị là khổ (Quán sát tự thọ lãnh của thân tâm là khổ) c, Quán tâm vô thường.

d, Quán pháp vô ngã (Quán sát các pháp không có chủ tể) - Bốn pháp chánh cần:

1. Đoạn những ác pháp đã sanh;

2. Đoạn đoạn những ác pháp chưa sanh;

3. Làm cho các pháp lành tăng trưởng;

4. Làm cho các pháp lành chưa sanh chưa được sanh.

- Bốn pháp như ý túc:

1. Dục như ý túc, (có tâm ham muốn tụ tập các pháp lành thì thì được như ý),

2. Niệm như ý túc (quan sát cảnh gì mà nhất tâm chuyển chú vào đó thì được như ý).

3. Tinh tấn như túc ý ( do sự tinh tấn mà tu tập các pháp lành được như ý),

4. Tư duy như ý túc (do suy nghĩ mà tu tập được kết quả).

- Năm căn:

1. Tín căn: Tin theo chánh đạo và trợ đạo,

2. Tinh tấn căn: là sự dõng mãnh tu theo thiện pháp,

3. Niệm căn: ghi nhớ các pháp chánh đạo và trợ đạo, 4. Định căn: Nhiếp tâm theo chánh đạo và trợ đạo, 5. Tuệ căn: Nhờ có định và chân tánh tự sáng suốt không phải ở ngoài vào.

- Năm lực: Cũng như ngũ căn, nhưng vì thật hành theo ngũ căn thì căn lành có sanh, song gốc ác chưa phá hết nên phải gia công tụ tập thêm khiến cho thiện căn tăng trưởng. Khi thiện căn thành thực các ác pháp không còn thì gọi là Ngũ Lực.

- Bảy Pháp Giác chi: Giác là tỏ, nghĩa là tỏ biết pháp tu chơn hay nguỵ. Chi là nghành, nghĩa là bảy pháp này có chi khác phái nhau, không sen lẫn nhau nên gọi là bẩy pháp giác chi hay là bẩy pháp giác phần;

1. Trạch pháp giác chi:

2. Tinh tấn giác chi;

3. Hỉ giác chi; 4. Trừ giác chi;

5. Xả giác chi;

6. Đinh giác chi;

7. Niệm giác chi.

- Tám pháp đạo phần:

1. Chánh kiến: Sự hiểu biết chơn chánh,

2. Chánh tư duy; Sự suy nghĩ chơn chánh,

3. Chánh ngữ: nói những lời chơn chánh không hư vọng;

4. Chánh nghiệp: Hành động chân chánh; 5. Chánh mạng: Lấy sự khất thực để nuôi sống thân mạng;

6. Chánh tinh tấn: tu theo giới, định, tuệ một lòng tinh chuyên không gián đoạn;

7. Chánh niệm: ghi nhớ những pháp chơn chánh;

8. Chánh định: thu nhiếp thân tâm thường được tịch tịnh

[16] Tát bà nhã là tiếng phạn, Tàu dịch là nhứt thế chủng trí, tức là chỉ cái trí ở quả vị rốt ráo viên mãn của chư phật.



[17] Tam độc: 1. Tham: đối với cảnh thuận ham muốn không nhàm. 2. Sân: đối với cảnh nghịch sinh lòng giận dữ; 3. Si mê: không phân biệt được chơn nguỵ. Ba món này hay phá hoại thiện tâm xuất thế nên gọi là tam độc.



[18] Tam lậu:

1. Dục lậu: Chúng sinh nhơn kiến hoặc tư hoặc mà tạo nghiệp nên bị ở mãi trong cõi Dục không khi nào ra khỏi,

2. Hữu lậu: Chúng sinh nhơn kiến hoặc tư hoặc khởi ra phiền não nên không thoát ly được cõi sắc và vô sắc;

3. Vô minh lậu: Chúng sinh bị vô minh làm si hoặc phải đoạ lạc trong ba cõi.



[19]

Tam khổ:

1. Sinh khổ: Chúng sinh mang thân ngũ ấm này là một điều khổ;

2.Thọ khổ: Lại thêm cái khổ lãnh thọ những nỗi khổ bên ngoài;

3. Hoại khổ: Khổ về sự nhớ tiếc cảnh sanh ra bởi sự thiên lưu của pháp hữu vi thường không được an ổn.



[20] Tam đảo:

1. Thường đảo: Đối với pháp vô thường trong thế gian mà khởi chấp cho là thường;

2. Lạc đảo: Đối với khổ trong thế gian mà khởi chấp cho là vui;

3. Tịnh đảo: Đối với pháp bất tịnh trong thế gian mà khởi chấp cho là tịnh.



[21] Tam hữu:

1. Cõi dục: Người, trời, tu la, ngã quỉ, súc sanh, địa ngục đều tuỳ theo nghiệp nhơn dục vọng mà thọ quả báo trong cõi này;

2. Cõi săc: Tứ thiền thiên do đời trước tu tập thiền định thuộc về hữu lậu nên thọ báo sanh ở cõi này;

3. Cõi vô sắc: Tứ không thiên, do kiếp trước tu tập hữu lậu thiện cho nên thọ báo sanh ở cõi trời này dù không có thân sắc chất làm ngại, nhưng cũng còn tuỳ theo các nhơn đã tạo mà thọ quả báo.( Tứ không thiên: Không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, Phi Phi tưởng xứ thiện)

[22] Bốn trụ là chỉ cho kiến hoặc và tư hoặc:

1. Kiến nhứt thế trụ địa: Chỉ cho những kiến hoặc trong tam giới;

2. Dục ái trụ địa: Chỉ cho ta tất cả tư hoặc trong cõi Dục;

3. Sắc ái trụ địa: Chỉ cho tất cả tư hoặc trong cõi sắc;

4. Hữu ái trị địa: Chỉ cho ta tất cả tư hoặc trong cõi vô sắc.



[23] Bốn lưu:

1. Kiến lưu: Chỉ cho kiến hoặc trong ba cõi, nghĩa ý cần đối với pháp trần khởi phân biệt kiến. Nhơn kiến hoặc nầy bị lưu chuyển mãi mãi trong ba cõi;

2. Dục lưu: Tức là tư hoặc trong cõi dục, nghĩa là ngũ căn tham ái ngũ trần nên gọi là tư hoặc( tham, sân, mạn). Nhơn tu hoặc nầy nên bị lưu chuyển mãi trong cõi Dục.

3. Hữu lưu: Hữu là nhơn quả không mất là tư – hoặc ở cõi sắc và vô sắc( tham, mạn). Vì tư hoặc này mà bị lưu chuyển mãi trong cõi Sắc và Vô Sắc;

4. Vô minh lưu: không hiểu rõ chân vọng gọi là vô minh tức là si hoặc, tư hoặc của ba cõi. Bởi vô minh này nên bị lưu chuyển mãi trong vòng sinh tử.



[24] Bốn thủ:

1.Dục thủ: Sự ham muốn chấp trước cảnh ngũ trần ở cõi dục;

2. Kiến thủ: Đối với thân ngũ ấm này vọng chấp cho là thật( thân kiến), hoặc chấp đoạn, chấp thường( biên kiến);

3. Giới thủ: Giữ những giới pháp sai lầm;

4. Ngã ngữ thủ: Tuỳ theo ngôn ngữ giả thuyết khởi ra chấp ngã, theo chỗ chấp đó mà cố giữ lấy.



[25] Bốn chấp:

1. Chấp có;

2. Chấp không;

3. Chấp cũng có cũng không;

4. Chấp không phải có không phải không.



[26] Bốn duyên:

1. Nhơn duyên: Sáu căn làm nhơn sáu trần làm duyên sanh ra thức;

2. Thứ đệ duyên: Tâm tâm sở pháp thứ lớp tương tục khởi ra( tâm tâm sở, tâm tức tâm vương, tâm sở tức là thọ, tưởng, hành); 3. Duyên duyên: tâm tâm sở pháp ỷ thác nơi cảnh duyên mà Sanh;

4. Tăng thượng duyên: Sáu căn đối với sáu trần hiển phát ra thức, có sức tăng thượng làm cho các pháp được sinh không bị chướng ngại.



[27] Bốn đại: 1. Địa đại (đất); 2. Thuỷ đại (nước); 3. Hoả đại ( lửa); 4. Phong đại (gió)



[28] Bốn phược:

1. Dục ái thân phược: Chúng sinh vì tham cái cảnh ngũ dục lạc nên khởi những nghiệp ràng buộc thân tâm không được giải thoát;

2. Sân khuể thân phược, chúng sanh đối với nghịch cảnh hay sanh tâm giận dữ khởi ra hoặc nghiệp ràng buộc thân tâm không được giải thoát;

3. giới đạo thân phược: Thực hành các giới pháp không cần chân chánh nên gọi là giới đạo. Do giữ giới sai lầm nên khởi các hoặc nghiệp ràng buộc thân tâm không được giải thoát;

4. Ngã kiến thân phược: Ngã kiến tức kiến thủ. Đối với pháp không phải Niết bàn (tứ thiền, tứ không) vọng cho là Niết bàn sanh tâm chấp trước nên gọi là kiến thủ. Do ngã kiến này mà hoặc nghiệp tăng trưởng, ràng buộc thân tâm không được giải thoát.



[29] Bốn tham:

1. Ham muốn sắc đẹp của người;

2. Ham muốn hình tướng cao, thấp, yểu điệu của người;

3. Ham muốn sự chạm súc mềm mại êm ái;

4. Ham muốn sự nâng đỡ, phục tùng của người.



[30] Bốn sinh: Noãn sinh, thái sinh, thấp sinh, hoá sinh.



[31] Năm trụ: Bốn trụ đã giải trước thêm vô minh trụ nữa là thành năm.



[32] Năm món cái:

1. Tham dục cái:

2. Sân khuể cái;

3. Thuỵ miên cái: Tâm hồn trầm không làm chi được;

4. Trạo hối cái: Trong tâm có sự ăn năn dao động;

5. Nghi cái: đối với việc gì cũng mờ ám, không biện biệt được chơn nguỵ, tâm du dự không quyết đoán.



[33] Năm món xan:

1. Trụ xứ xan: Chỗ ở chỉ muốn ở một mình không cho người khác ở;

2. Gia xan: đối với nhà của có ý niệm cho là của riêng mình, nếu người khác ở chung cũng cho là mình hơn;

3. Thí xan; có tâm niệm cho rằng chỉ có mình mới được bố thí, ngoài ra không có ai, nếu có cũng cho mình là hơn;

4. Xưng tán xan: Chỉ muốn người khen mình, không muốn ai khen người khác;

5. Pháp xan: Chỉ muốn mình mình biết kinh luật sâu xa, không thích cho người khác biết.



[34] Năm món kiến:

1. Thân kiến: Vọng chấp thân này thật có;

2. Biên kiến: chấp cái thân này hoặc đoạn (chết là mất) hoặc thường (sống mãi mãi);

3. Tà kiến: không tin lý nhân quả, huỷ báng Tam Bảo;

4. Giới Thủ: đối với pháp sai lầm mà cứ cho là đúng;

5. Kiến thủ: Đối với pháp không phải yên vui mà cứ cho là yên vui.



[35] Năm món tâm:

1. Xúc nhĩ tâm: tâm mới súc cảnh chưa phân biệt được thiện ác;

2. Tâm cầu tâm: Tâm phân biệt được thiện ác liền theo dõi tìm kiếm;

3. Quyết định tâm: tâm đã rõ biết thiện ác rồi quyết định không sai;

4. Nhiễm tịnh tâm: tâm đã rõ biết nhiễm tịnh;

5. Đẳng lưu tâm: tâm đối với pháp lành thì những mối tịnh tưởng nối nhau luôn, còn đối với pháp ác thì đoạn cái nhiễm tưởng mãi.



[36] Sáu căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, ý.



[37] Sáu thức:

1. Nhãn thức: mắt thấy;

2. Nhĩ thức: tai nghe;

3. Tỵ thức: Mũi ngửi;

4. Thiệt thức: lưỡi nếm;

5.Thân thức: thân chạm xúc;

6. Ý thức sự phân biệt hiểu biết.



[38] Sáu tưởng: Do ý thức tưởng sắc. Chấp trước sắc tưởng đến thinh. Chấp trước thinh tưởng đến hương. Chấp trước hương tưởng đến vị. Chấp trước vị tưởng đến xúc. Chấp trước xúc tưởng đến pháp trần

[39] Sáu thọ: Chỉ cho sự thọ lãnh của sáu căn đối với sáu trần.



[40] Sáu hành: chỉ cho sáu lối hành đạo của ngoại đạo: Nhịn đói, nhảy xuống vực sâu, nhảy vào lửa, chuyên ngồi mãi, yên lặng mãi, thờ trâu, chó...



[41] Sáu ái: Cũng gọi là sáu món xúc, vì sáu căn cảm xúc sáu trần hay sanh lòng tham ái.



[42] Sáu nghi: nghi là tính do dự bởi nghiệp không tin gây nên, nghĩa là sáu căn đối với sáu trần không phân biệt được thiện ác.

[43] Bảy món lậu:

1. kiến lậu: Mắt trông thấy sắc không rõ sắc với tánh là bình đẳng cứ đắm vào phần sắc tướng mà sanh tâm phân biệt, nhân cảnh tốt xấu mà sanh tâm yêu ghét;

2. Chư căn lậu: Không những nhãn căn mà cả những căn khác cũng thế;

3. Vọng lậu: quên điều lành, dong duổi theo điều ác;

4. Ác lậu: đối với nghịch cảnh sanh tâm ghét bỏ;

5. Thân cận lậu: không tuân lời thầy dạy, gần gũi bạn ác;

6. Ái lậu: gặp cảnh thuận thì ham mê mải miết;

7. Nhiễm lậu: không hiểu chân tam vô niệm, cứ dong duổi theo vọng niệm.



[44] Bảy món sử:

1. Dục sử: sự ham muốn sai khiến;

2. Khuể sử: tánh nóng giận sai khiến;

3. ái sử: Sự thương mến sai khiến;

4. Mạn sử: tánh kiêu mạn sai khiến;

5. Vô minh sử: sự mê muội sai khiến;

6. Kiến sử: sự tà kiến sai khiến;

7. Nghi sử: Sự ngờ vực sai khiến.



[45] Tám món đảo:

1. Sự vật trong thế gian là vô thường mà chấp cho là thường;

2. Ngũ dục lạc không phải vui mà chấp cho là vui;

3. Thân này không phải ta mà chấp cho là ta;

4. Thân này dơ nhớp mà chấp cho là sạch;

5. Pháp thân Phật là thường trụ mà chấp cho là vô thường;

6. Cảnh Niết bàn của Phật là vui mà chấp cho là không vui;

7. Đối với cái ngã chơn thật Phật tánh mà chấp cho là vô ngã;

8. Đối với pháp thân của Phật là thanh tịnh mà chấp cho là bất tịnh. Trong tám món điên đảo chấp trước này, bốn món trước thuộc của phàm phu, bốn món sau thuộc của nhị thừa.



[46] Tám món cấu:

1.Cấu là nhơ bẩn,

2. đối với Tam bảo chẳng những không tín ngưỡng tán thán lại còn phỉ báng.

3.ấy là ba cấu ở ba nghiệp.

4. Bất hiếu với cha mẹ,

5. không kính thờ sư trưởng;

6. Không cứu giúp kẻ bần cùng;

7. Không săn sóc người đau ốm;

8. Không thương xót chúng sinh. Ba điều trước là Kính điền, hai điều kế là Ân điền, ba điều sau là Bi Điền. Tám điều này đều là phước điền cả. Đã không chăm nom ruộng phước ấy mà lại còn không cung kính, không biết ơn, không thương xót cho nên nói rằng vì tám cấu mà tạo ra tất cả tội.



[47]

Tám khổ: 1. Sanh khổ; 2. Già khổ; 3.Bệnh khổ; 4. Chết khổ; 5. Khổ vì ân ái biệt ly; 6.Khổ vì oán thù gặp gỡ; 7. Khổ vì mong cầu không được; 8. Khổ vì ngũ uẩn nung nấu.



[48] Chín não: Về quá khứ, ai quấy nhiễu mình, quấy nhiễu người thân thích của mình thì mình sanh não; ai khen ngợi kẻ oán của mình mình cũng sanh não. Quá khứ như thế thì hiện tại, vị lại cũng thế nên gọi là chín não.



[49] Chín kết:

1. Ái kết: Say đắm cảnh ngũ dục không rời;

2. Khuể kết: giận dữ bất bình đối với nghịch cảnh;

3. Mạn kết: kiêu căng ngạo nghễ;

4. Vô minh kết: ngu si mờ ám đối với kẻ chân chánh;

5. Kiến kết: Tà kiến không tin nhơn quả;

6. Thủ kết: vọng chấp sự hiểu biết không chơn chánh và giới pháp sai lầm làm lắm điều ác;

7. Nghi kết: Do dự không tin chơn lý, không tu hành theo hạnh chơn tánh;

8. Tận kết: ghen ghét những bậc hiền đức;

9. Xan kết: keo bẩn không chịu bố thí lại làm nhiều điều ác. Chín điều này ràng buộc chúng sanh trong đường sanh tử vì nó khiến chúng sinh gây nhiều tội lỗi.



[50] Chín duyên:

1. Minh duyên: nhơn ánh sáng mà tỏ rõ các sắc;

2. Không duyên, nhơn trống không, không có gì ngăn ngại mới tỏ được các sự tướng;

3. Căn duyên: duyên theo ngũ căn mới thành công dụng;

4. Cảnh duyên: có năm cảnh trần mới phát ra năm căn;

5. Tác ý duyên: cảnh cáo cho biết, như khi mắt thấy liền cảnh cáo cho thức thứ sáu( ý thức) biết mà phân biệt;

6. Căn bản ý duyên: tức là thức thứ tám;

7. Nhiễm tịnh ý duyên: Tức là mạt na thức;

8. Phân biệt ý thức: tức là thức thứ sáu;

9. Chủng tử duyên: Những hạt giống của cả tám thức.



[51] Mười phiền não: Tức là ngũ độn sử và ngũ lợi sử. Ngũ độ sử:

1.Tham dục sử;

2. Sân khuể sử;

3. Vô minh sử;

4. Mạn sử;

5. Nghi sử; Ngủ lợi sử;

6. Thân kiến sử;

7. Biến kiến sử;

8. Tà kiến sử;

9. Kiến thủ sử;

10. Giới thủ sử. ngũ độn sử do ái trước mà có.

Ngũ lợi sử do sự nhận thức sai lầm mà có. Cả hai đều gây nên phiền não.



[52] Mười triền:

1. Vô tàm: Có tội lỗi mà không biết hổ;

2. Vô quý: Có tội lỗi người khác biết được mà không thẹn;

3. Tât: Thấy người hiền đức, giàu sang sinh lòng ghen ghét;

4. Xan: Keo bẩn không bố thí;

5. Hối: Ăn năn những tội lỗi đã làm;

6. Thuỵ miên: Hôn mê không tỉnh sát được thân tam;

7. Điệu cử: Tâm niệm xáo động;

8. Hôn trầm: Thần thức hôn mê không rõ, biết chi cả;

9. Sân hận: Đối trước nghịch cảnh hay sanh tâm sân hận;

10. Phú: Che giấu tội ác.



[53] Mười một biến sử:

1 Bất tín: Không tin các pháp lành;

2. Giải đãi: Lười biếng không làm những việc lành;

3. Bất tàm: làm điều ác mà không biết hổ;

4. Bất quý: làm việc ác mà không biết thẹn;

5. Đa tham: Tham lam của cải không biết nhàm chán;

6. Đa sân: Những việc không vừa ý thì nổi giận;

7. Đa si: đối với sự lý thế gian và xuất thế gian mê muội không rõ biết;

8. Hôn trầm: tối tăm trầm trệ;

9. Phóng dật: Tâm không muốn làm việc thiện, cứ tự ý buông lung;

10. Xan lận: tính keo bẩn chật hẹp, từ của cải cho đến lời nói cũng đều bo bo không bố thí cho ai;

11. Độc hại: độc ác hơn hùm beo, thường hay kiếm chuyện hại người hại vật.



[54] Mười hai nhập: tức là sáu căn sung động với sáu trần mà phát sinh sáu thức, nhơn đó có sự yêu ghét và tạo nên tội lỗi.



[55] Mười sáu chi kiến:

1. Ngã: đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp có thật ngã thật pháp;

2. Chúng sinh: đối với pháp ngũ uẩn hoà hợp, vọng chấp có chúng sinh thật sinh ra;

3. Thọ giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp có cái ta thọ báp trong một kì hạn;

4. Mạng giả: Đối với pháp ngũ uẩn mạng chấp có mạng căn của ta là thật;

5. Sanh giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp có cái ta hay sanh mọi sự mọi vật;

6. Dưỡng dục: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp có cái ta nuôi nấng mọi người và cha mẹ ta nuôi nấng ta;

7. Chúng số: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp cho rằng chỉ có ta mới có những pháp số như năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới;

8. Nhân: vọng chấp cho rằng chỉ có ta mới tu hành được, còn người khác không thể tu được;

9. Tác giả: đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp cho rằng tay chân sức lực của ta có thể làm công việc được;

10. Sử tác giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp có cái ta hay sai khiến người làm việ;

11. Khởi giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp cho rằng ta hay khởi những nghiệp tội phước ở đời sau;

12. Sử giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp có cái ta hay sai khiến người khác khởi những nghiệp tội phước ở đời sau;

13. Thọ giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp rằng thân ta sẽ thọ quả báo tội phước ở đời sau;

14. Sử thọ giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp cho rằng ta hay khiến người khác thọ quả báo tội phước ở đời sau;

15. Tri Giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp ta có ngũ căn, hay biết được ngũ trần;

16. Kiến giả: Đối với pháp ngũ uẩn vọng chấp ta có nhăn căn hay thấy được tất cả sắc tướng;

Pháp này sở dĩ gọi là Kiến vì vọng chấp ngã nên khởi ra những sự hiểu biết sai lầm (tà kiến)



[56] Mười tám giới: Tức là sáu căn, sáu trần, sáu thức làm nhơn duyên với nhau mà tạo ra tất cả tội lỗi.



[57] Hai mươi lăm ngã: Cũng gọi là hai mươi năm chủng loại, đạo minh đế. Lối chấp đây là của pháp ngoại đạo Ca-ti-na. Pháp này cũng có tu thiền định, cũng có sức thần thông biết được việc trong tám vạn kiếp, còn việc trước tám vạn kiếp thì mờ mịt không biết được nên cho đó là minh đế. Từ minh cơ, tự tánh sanh ra trí đại cho đến thần đại khai ra thành hai mươi lăm đế hộp lại thành chín vị:

1. Minh sở tự tánh: Phái này đối với tám vạn kiếp về trước mờ mịt nên nhận cho chỗ mờ mịt ấy là tự tánh;

2. Tri Đại: Cũng gọi là giác đại: lúc minh sở giác tri tăng trưởng lần lần nên nói rằng từ minh sở sanh tri đại;

3. Ngã tâm: cũng gọi là ngã mạn tức là ngã chấp là do giác tri sanh ngã mạn nên nói do chi đại sanh ngã tâm;

4. Ngũ duy: Cũng gọi là ngũ vị túc là sắc, thính, hương, vị, xúc, năm thứ ấy do tâm ngã chấp sinh ra nên nói ngã tâm sanh ngũ duy;

5. Ngũ đại: địa, thuỷ, hoả, phong, không, năm thứ này đầy khắp các chỗ nên nói là đại;

6. Ngũ tri căn: ngũ căn: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, gọi là tri, vì năm thứ ấy đều có tri giác; nhơn ngũ đại mà thành nên nói ngũ dục sanh ngũ tri căn;

7. Ngũ tác nghiệp căn ngũ: Căn đây là miệng, tay, chân, tiểu tiện, đại tiện. Sở dĩ gọi là nghiệp vì năm thứ ấy sinh ra các tác nghiệp;

8. Tâm bình đẳng căn: tâm đây là nhục đoàn tâm tức là ý căn. Bởi căn này hay biết tất cả những căn cảnh mà sinh ra sự phân biệt nên gọi là bình đẳng. Nó cũng bởi ngã đại sinh ra hợp với ngũ tri, ngũ tác nghiệp thành tà căn;

9. Thần ngã: thức thú tám; ngoại đạo không biết chấp cho rằng thần ngã hay sinh ra tất cả pháp thường trú, không hư hoại cho đó là Niết bàn là chúa tể của 25 đế, không biết rằng vạn pháp duy tâm cứ mê theo minh tánh, sinh tâm bất tín và khinh khi Tam Bảo, huỷ báng chánh pháp.



[58] Sáu hai kiến: đối với pháp ngũ ấm( sắc, thọ, tưởng, hành thức), mỗi ấm phái ngoại đạo khởi 4 món kiến;

1. Chấp sắc lớn, ngã nhỏ, ngã ở trong sắc;

2. Chấp ngã lớn: sắc nhỏ, sắc ở trong ngã;

3. Ngoài sắc chấp ngã riêng;

4. Ngã tức là sắc. Sắc ấm như thế thì các ấm kia cũng thế cộng thành hai mươi kiến trải ba đời nhơn trở thành sáu mươi kiến, thêm hai phần căn bổn là đoạn kiến và thường kiến thành 62 kiến. Ví từng kiến chấp sai lầm ấy nên người đời không chừa một tội lỗi nào mà không làm.



[59] Chín mươi tám món sử: Khổ để trong cõi dục đủ cả mười sử:

1. Tham sử,

2. Sân sử,

3. Si sử,

4. Mạn sử,

5. Nghi sử,

6. Thân kiến sử,

7. Biên kiến sử,

8. Tà kiến sử,

9. Kiến thủ sử,

10. Giới thủ sử, Tập đế, diệt đế mỗi đế chỉ có bảy sử, trù thân kiến, biên kiến và giới thủ. Đạo đế có tám sử trừ thân kiến và biên kiến. Tứ đế trong cõi dục có 32 sử, ở cõi sắc va vô sắc cũng thế chỉ trừ của mỗi đế một sân sử, còn lại trong mỗi cõi là 28 sử. Cộng 56 sử ở cõi sắc và cõi vô sắc với 32 sử cõi dục thành 88 sử. ở cõi dục có bốn thứ tư hoặc (tham, sân, si, mạn); cõi sắc và vô sắc, mỗi cõi có ba thứ tư hoặc (tham, si, mạn). Thế là mười thứ tư hoặc trong ba mươi cõi với 88 sử (kiến hoặc) thành 98 sử.



[60] Một trăm tám phiền não: Sáu căn đối với sáu trần có ba quan niệm không đồng: 1. Ưa; 2. Ghét; 3. Không ưa, không ghét, nhơn thành mười tám món phiền não. Sáu căn đối với sáu trần sanh ra mười tám món phiền não ấy, lại còn khởi ra mười tám món phiền não nữa là: khổ, vui, không khổ không vui, cộng thành 36. Trong ba đời: Quá khứ, hiện tại và vi lai mỗi đời có ba sáu món phiền não, tổng cộng là 108 món phiền não.



[61] Các cửa hữu lậu: Chỉ cho tất cả phiền não lậu lạc trong ba cõi: 1. Dục lậu; 2. Hữu lậu; 3. Vô minh lậu.



[62] Ba cõi: 1. Cõi dục; 2. Cõi sắc; 3. Cõi vô sắc.



[63] Sáu đường: Trời, Người, Tu La, Địa Ngục, Ngã Quỷ, Súc Sinh.



[64] Ba món chí tuệ:

1. Văn: do nghe lời phật dạy trong kinh luận hay nghe thiện hữu trí thức mà sinh được trí tuệ vô lậu;

2. Tư: Sau khi nghe rồi; so sự nghiệm xét những nghĩa ấy mà sinh được trí tuệ vô lậu;

3. Tu: Do nghe và nghiệm xét rồi gia công tu tập sinh được trí tuệ vô lậu.



[65] Ba món khổ: 1. Khổ khổ; 2. Hành khổ; 3. Hoại khổ.



[66] Ba nguyện lớn: 1. Nguyện độ tất cả chúng sinh, 2. Nguyện Thành Phật Đạo; 3. Nguyện được Niết bàn rốt ráo.



[67] Bốn tâm bình đẳng: Từ, Bi, Hỷ, Xả

[68] Bốn tín nghiệp: Tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, Tin Giới.



[69] Bốn đường ác: Địa ngục, Ngã Quỉ, Súc Sinh, Tu La.

[70] Bốn vô uý:

1. Nhất thế chí: hiểu biết tất cả pháp thế và xuất thế;

2. Lậu Tận: Hoặc nghiệp sinh tử đều hết;

3. Thuyết chướng đạo: Nói pháp ma ngoại là chướng thánh đạo;

4. Thuyết tận khổ đạo: Nói những đạo pháp có thể diệt hết các khổ. Bốn điều này phật đối giữa đại chúng các hàng thiên ma, phạm thiên, sa môn, bà la môn,nói một cách tự tại không sợ ai, không ai nói được nên gọi là vô uý.



[71] Năm đường: người, trời, ngạ quỉ, súc sinh, địa ngục.



[72] Năm căn: 1.Tín căn; 2. Tân căn; 3. Niệm căn; 4. Định căn; 5. Tuệ căn.



[73] Năm thứ tịnh nhãn:

1. Nhục nhãn: mắt thịt, thấy gần không thấy xa, thấy ngoài không thấy trong vì bị sắc chất chướng ngại;

2. Thiên nhãn: Mắt của chư thiên, nhơn tu thiền định mà thành. Mắt này có thể thấy tất cả, xa gần, trước sau, trên dưới, ngày đêm vì không có sắc chất làm ngăn ngại;

3. Tuệ nhãn: Mắt của hàng nhị thừa (Thinh Văn, Duyên Giác) quán thấy tất cả pháp đều không;

4. Pháp nhãn: Mắt của Bồ tát. Bồ tát vì độ sanh dùng pháp nhãn thanh tịnh quán khắp tất cả các pháp và tất cả chúng sinh đem những môn phương tiện dạy dỗ họ khiến họ tu chứng;

5. Phật nhãn: Mắt của phật có đủ bốn con mắt trước, nhưng có phần đặc biệt hơn như người thấy rất xa. Phật lại thấy rất gần, người thấy tối tăm Phật lại thấy sáng, cho đến không việc gì mà ngài không thấy, không biết không nghe, không cần để ý mà đều thấy nghe tất cả.



[74] Năm phần pháp thân: 1. Giới; 2. Định; 3. Tuệ; 4. Giải thoát; 5. Giải thoát tri kiến.



[75] Sáu món thần thông:

1. Thiên nhãn thông: Mắt thấy suốt tất cả không bị vật chi ngăn ngại;

2. Thiên nhĩ thông: Tai nghe thấu tất cả tiếng của chúng sinh không bị vật gì ngăn ngại;

3. Túc mạng thông: Rõ biết kiếp trước của mình và của chúng sinh không bị điều gì ngăn ngại;

4. Thần túc thông: Có thể dạo khắp vô lượng thế tự tại vô ngại;

5. Tha tâm thông: Rõ biết được tâm của tất cả chúng sinh;

6. Lậu tận thông: Tất cả phiền não đều đoạn trừ hết.



[76] Sáu phép lục độ:

1. Bố thí: Đem các món tài pháp ban bố cho tất cả chúng sinh;

2. Trì giới: giữ gìn những giới hạnh;

3. Nhẫn nhục: Nhẫn chịu những nghịch cảnh;

4. Tinh tấn: siêng năng tụ tập năm pháp( bố thí...);

5. Thiền định: tâm thường chăm chú cảnh thiện;

6. Trí tuệ: được trí sáng suốt thông đạt, được các pháp và các tuệ đoạn hoặc chứng chơn.

[77] Sáu diệu hành:

1. Sổ diệu: đếm hơi thở để thu nhiếp vọng tâm (từ 1 đến 10);

2. Tuỳ diệu: Nhiếp tâm theo hơi thở biết hơi ra hơi vào;

3. Chỉ diệu: yên lặng suy nghĩ;

4. Quán diệu: Phân biệt rõ ràng;

5. Hoàng diệu: Chuyển tâm chiếu lại;

6. Tịnh diệu: Tâm không nương tựa vào đâu, không sanh mối nghi xằng.



[78] Hoa thất tịnh:

1. Giới tịnh: Động tác của tâm khẩu thanh tịnh;

2. Tâm tịnh: Tâm thanh tịnh không còn nhiễm trước;

3. Kiến tịnh: Thấy được chơn tánh, các pháp không còn khởi vọng chấp;

4. Độ nghi tịnh: Hiểu biết thấu đáo không còn ngờ vực;

5. Phân biệt đạo tịnh: Phân biệt rõ ràng chánh đạo tà đạo;

6. Hành đạo chi kiến tịnh: Chi kiến thật hành thiện pháp, các pháp ác bị đoạn trừ, được thanh tịnh sáng suốt;

7. Niết bàn tịnh: chứng được Niết bàn, xa lìa các cấu nhiễm.



[79] Nước bát giải: tu theo phép quán bát bội xả:

1. Nội hữu sắc tướng ngoại quân sắc: vì muốn diệt trừ lòng tham đắm, người tu hành trước phải quán thân mình là vật nhơ nhớp, nhưng vì còn lòng tham đối với thân người nên cũng phải quán cái thân người khác cũng như thế;

2. Nội vô sắc hướng ngoại quán sắc: mới diệt được sắc tướng trong thân, nhưng lòng tham dục đối với người ở cõi dục khó đoạn hết;

3. Tịnh bội xả thân tác chúng: đến đây không còn tham trước tướng bất tịnh ở ngoài, chỉ ở trong cảnh định luyện tập tâm sắc quang minh trong suốt (tịnh bội xả). Tâm đã sáng suốt thì vui càng tăng trưởng đầy khắp trong thân (thân bội xả);

4. Hư không xứ bội xả: Người tu hành diệt được lòng ham muốn sắc thân bất tịnh của mình và của người được nhứt tâm duyên không (cùng với không tương ứng) tức nhập được định (vô biên hư không ứng);

5. Thức xứ bội xả: Do xả nên nói hư không xứ định, nhất tâm duyên thức. Lúc nhập định này tức quán định, nhàm chán không ưa đắm nữa;

6. Vô sở hữu xứ bội xả: Do xả thức xứ, nhất tâm duyên vô sở hữu xứ. Lúc nhập định này tức quán định y nơi năm uẩn đều không thật nên không còn ái trước nữa;

7. Phi hữu tưởng phi vô tưởng xử bội xả: Do xả vô sở hữu xử định, nhất tâm duyên phi hữu tưởng, phi vô tưởng. Lúc nhập định này y nơi năm uẩn đều không thật nên tâm sinh nhàm chán;

8. Diệt thọ tưởng bội xả: Vì nhàm chán cái tâm tán loạn nên nhập định cho diệt hẳn tâm ấy đi, khi đắc đinh cả rồi thì thành ra 8 đạo giải thoát nên gọi là bát giải.



[80] Cửu đoạn trí: Cái trí đoạn được các hoặc trong tam giới cửu địa; 1. Ngũ thú tạp cư địa; 2. Ly sinh hỷ lạc địa; 3. Định sinh hỷ lạc địa; 4. Ly hỷ điệu lạc địa; 5. Xả niệm thanh tịnh địa; 6. Không vô biên xứ địa; 7. Thức vô biên xứ địa; 8. Vô sở hữu xứ địa; 9. Phi phi tưởng xứ địa.



[81] Hạnh thập địa; 1. Hoan hỷ; 2. Ly cấu; 3. Phát quang; 4. Diệm tuệ; 5. Nan thắng; 6. Hiện hành; 7. Viễn hành; 8. Bất động; 9. Thiện tuệ; 10. Pháp vân.



[82] Mười một món không:

1. Nội không: Không có tình;

2. Ngoại không: Không có cảnh;

3. Nội ngoại không: Tình, cảnh cảnh đều không;

4. Hữu vi không: Cả sáu cõ phàm cũng không;

5. Vô vi không: Cả pháp xuất thế nhị thừa cũng không;

6. Vô thỉ không: Không cả quá khứ;

7. Tinh không: Hiện tại không trụ ở chỗ không;

8. Vô sở hữu không: Vị lai vô tận cũng không;

9. Đệ nhất nghĩa không: Các pháp xuất thế cũng đều không;

10. Không không: không cũng không có nữa;

11. Đại không: Tuyệt đối vô ngại không. Đối với cái không ấy đều hiểu chân thật, thường ở trên toà pháp không nên mới được thể tâm tự tại mà có thể chuyển mười hai pháp luân được.



[83] Mười hai pháp luận. Khi phật mới thành đạo, ba lần nói pháp tứ đế cho các vị tuỳ kheo nghe;

1. Thị chuyển: Nói khổ, tập, diệt đạo.

2. Khuyến chuyển: Khuyên nên nhận biết khổ, tập, diệt đạo;

3. Chứng chuyển: Phật cho biết đó là khổ mà chính phật đã biết rồi không cầ biết nữa, chỉ bảo các tỳ kheo phải biêt đó: Là tập. Phật đã đoạn rồi, không cần đoạn nữa, chỉ bảo các tỳ kheo phải đoạn: Đó là diệt. Phật đã chứng rồi không cần phải chứng nữa, chỉ bảo các tỳ kheo Phật chứng: Đó là đạo, phật đã tu rồi không cần tu nữa, chỉ bảo các tỳ kheo phải tu. Đó là ba lần, chuyển thành mười hai hành pháp luận

[84] Mười tám món bất cộng:

1. Thân không lỗi;

2. Miệng không lỗi;

3. Niệm không lỗi;

4. Không có tâm hưởng khác;

5. Không có tâm bất định ;

6. Không có tâm không biết mà đã xả;

7. Sự muốn không giảm;

8. Tinh tấn không giảm;

9. Niệm không giảm;

10. Tuệ không giảm;

11. Giải thoát không giảm;

12. Giải thoát tri kiến không giảm;

13. Tất cả thân nghiệp theo trí tuệ mà hành động ;

14. Tất cả khẩu nghiệp theo trí tuệ mà hành động;

15. Tất cả ý nghiệp theo trí tuệ mà hành động;

16. Trí tuệ biết đời vị lai không ngại;

17. Trí tuệ biết đời quá khứ không ngại;

18. Trí tuệ biết đời hiện tại không ngại;

19. Món này nói là bất cộng pháp vì chỉ riêng Phất chứng được mà thôi.



[85] Tám thói xấu: 1. Lợi: Những lợi lộc chỉ muốn có ích cho riêng mình; 2. Suy: Giảm bớt; 3. Huỷ: Huỷ báng; 4. Dự: khen trước mặt chê sau lưng; 5. Xưng: Khen; 6. Cơ: Chê bai; 7. Khổ: Bức bách khổ não; 8. Lạc: ý khoan khoái.



[86] Mười hai nhân duyên:

1. Vô minh: Không rõ được bản tính;

2. Hành: Làm những nghiệp lành và dữ;

3. Thức: Chỉ có a lại da thức;

4. Danh sắc;

5. Lục nhập: Sáu căn nhập với sáu trần;

6. Xúc: Sáu căn xúc sáu trần;

7. Thọ: Lãnh nạp những cảnh tốt xấu, khổ, vui;

8. ái: Tham mến nhưng vật tốt đẹp;

9. Thủ: Do sự ham muốn quá nhiều đối với cảnh ngũ trần;

10. Hữu: Vì sự ham muốn tìm cầu nên khởi những nghiệp nhơn thiện ác phải chịu quả báo trong ba cõi;

11. Sanh: Do nghiệp nhơn thiện ác nên phải thọ sanh trong sáu đường;

12 . Lão tử: Sau khi thọ sanh thì thân ngũ ấm dần dần biến hoại.


[87] Muời phép ba la mật: 1. Bố thí; 2. Trì giới; 3. Nhẫn nhục; 4. Tinh tấn; 5. Thiền định; 6. Trí tuệ; 7.Thiện xảo phương tiện; 8. Nguyện trên cầu phật đạo dưới hoá độ chúng sinh; 9. Lực dụng: Hạnh mãn, công thành; 10. Trí tuệ: Quyết đoán không lầm.


Xem tiếp: Quyển Trung & Quyển Hạ
---o0o---

Nguồn: http://www.quangduc.com/kinhdien-2/370kinhthuysam.html

Không có nhận xét nào: